Monday, 25 July 2022

NHỮNG NGƯỜI MƯU SINH TRÊN XE BÁN DẠO NGOÀI PHỐ SÀI GÒN (Song May, BBC News Tiếng Việt)

 



Những người mưu sinh trên xe bán dạo ngoài phố Sài Gòn

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM

25 tháng 7, 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5177kjkd75o

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/dd5b/live/be6fa130-0c05-11ed-81ba-cfaf68ae6808.jpg.webp

Một phụ nữ bán rong trên đường Đồng Khởi nơi người giàu người nghèo đều có cách mưu sinh riêng của mình, chụp ngày 18/11/2021

 

Tháng 4 và tháng 7/2022, một công ty tư nhân sản xuất cà phê ở TP.HCM tặng sáu xe bán cà phê lưu động (loại bốn bánh) cho người nghèo ở quận Phú Nhuận và Quận 6, trị giá mỗi xe là hơn 7 triệu đồng, theo công bố của công ty.

 

Đây có lẽ là cách giúp người nghèo mưu sinh “bắt” đúng xu hướng nhất ở TP.HCM, nơi đang nở rộ cảnh người dân rong ruổi đi bộ đẩy xe ba- bốn bánh (có gắn thêm chiếc dù) hoặc dùng xe (xe đạp/xe đạp điện/xe gắn máy) chở theo hàng hóa để bán.

 

Ngoài những bánh xe di động làm điểm chung, không có một khuôn mẫu thống nhất nào cho các loại xe hàng rong thế hệ mới này, vì tùy theo hoàn cảnh của người bán, họ sắm sửa chiếc xe và trưng bày hàng hóa theo kiểu của mình.

 

Hàng hóa họ bán rất đa dạng, từ đồ dùng trong nhà, vật dụng chăm sóc cá nhân, quần áo, cây cảnh, đến thực phẩm, rau củ, trái cây, thức uống, đồ ăn vặt…

 

Bạn có thể bắt gặp họ đang di chuyển trên đường hoặc dừng lại ở một góc đường và trong các con hẻm. Cũng có khi bạn thấy họ bán cố định tại một điểm nào đó trong một khoảng thời gian nào đó, phục vụ cho một nhóm khách riêng như dân văn phòng, du khách…

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4775/live/5d8f0880-0c08-11ed-a26f-f7e75ee9ebd9.jpg.webp

Một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 bày thức uống trên chiếc xe đẩy có hình như xe Vespa để thu hút khách

 

Điều đáng nói là kể từ cuối năm 2021, tức khi đại dịch vừa lắng xuống, ban ngày xuất hiện rất nhiều xe bán rong trái cây, thực phẩm ở những góc đường, lề đường, thậm chí trên mặt cầu… Họ len vào tận các con hẻm, đi cả vào những nơi có chợ họp trên lòng lề đường và trên xe không chỉ có rau củ, trái cây mà còn có cả thịt, cá…

 

Thanh niên trên những chiếc xe

 

Còn ban đêm, tại nhiều con hẻm xuất hiện rất nhiều xe bán cà phê, trà chanh, trà sữa, nước ép… và bán đồ ăn vặt như đồ chiên, bánh tráng trộn, phá lấu, khoai lắc… với màu sắc trẻ trung, vì người bán đa phần chỉ trên dưới 30, thanh niên trai tráng. Đó là nét mới.

 

Dường như giới trẻ đàn ông thất nghiệp nhiều hơn, hay vì họ thích làm nghề tự do, không bị ràng buộc bởi giờ giấc chốn công sở?

 

Một thanh niên trên 30 tuổi – chủ một xe gỏi khô bò chỉ bán buổi chiều trước một con hẻm trên đườ ng Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, tâm sự với tôi: "Gia đình của con làm nghề này mấy chục năm rồi, nay ba con mất, mẹ con bệnh, nên đến lượt con bán. Vì không tốn tiền thuê mặt bằng, cũng không phải đóng thuế nên con mới có tiền nuôi mẹ con và sống nổi qua mùa dịch."

 

Còn một phụ nữ khoảng 40 tuổi chạy xe gắn máy chở cái thùng bán cà phê, cà phê sữa và nước mơ ở khu vực trung tâm Quận 1 thổ lộ một ngày cô có thể bán tới 6kg cà phê cho dân văn phòng chung quanh, thu nhập tốt hơn gấp mấy lần hồi cô còn đi bán hàng cho chủ ở khu vực này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/dd75/live/818eece0-0c09-11ed-912f-df30ffbc23bb.jpg.webp

Xe đẩy bán đủ thứ nước uống trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cf03/live/cd050290-0c09-11ed-912f-df30ffbc23bb.jpg.webp

Sau đại dịch xuất hiện nhiều những chiếc xe bán thực phẩm tươi sống và rau củ vào tận những con hẻm

 

Lang thang trên nhiều con đường, tôi từng bắt gặp cảnh những người bán rong hối hả hè nhau đẩy xe hàng của họ vào các con hẻm để tránh bị công an phạt vì lấn chiếm lòng lề đường.

 

“Có thể chạy bất cứ khi nào bị công an đuổi” – đó là lý do để họ chọn cách mưu sinh trên những bánh xe.

 

Nếu xui rủi, họ có thể bị “hốt” nguyên chiếc xe, vốn liếng bay sạch. Đó là tình cảnh của một chị bán rau củ - trái cây ở chợ gần nhà tôi.

 

Chị than: "Buổi sáng con ngồi bán chợ này thì chồng con cũng cất hàng bỏ lên xe ba gác chở đi bán, nhưng mới đây, chồng con chạy không kịp, bị hốt nguyên xe rồi, vốn liếng cả chục triệu đồng mất sạch cô ơi."

 

Hình thức buôn bán trên những chiếc xe di động đầu tiên là chọn lựa của người nghèo, không có tiền mua chỗ trong nhà lồng chợ hay không có tiền thuê mặt bằng… dường như bây giờ đang trở thành xu hướng của không ít chủ quán, khi họ có chỗ thuê bán ổn định nhưng vẫn bày thức uống và đồ ăn vặt trên những chiếc xe đẩy để hấp dẫn người mua.

 

Ra phố đi bộ Nguyễn Huệ bạn có thể mua kem và chè bưởi, nước ép trái cây bán trên xe đẩy…., tất nhiên phải trả giá cao hơn giá bán tại những xe hàng rong thứ thiệt.

 

Không có con số thống kê hiện có bao nhiêu người dân đang sinh sống bằng nghề bán rong trên bánh xe, nhưng có lẽ điều này đã góp phần vào việc TP.HCM luôn có tỷ lệ thất nghiệp thấp - một thành phố dường như không ngủ cả ngày lẫn đêm, luôn có chỗ cho tất cả mọi người sinh sống.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7b84/live/ef5a4660-0c19-11ed-8bcd-a308b244683f.jpg.webp

Nước dừa tươi từ xe bán dạo có giá rẻ hơn trong tiệm vì xe không phải trả tiền thuê chỗ

 

------------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của bạn đọc Song May từ TP Hồ Chí Minh.

 

 

Nuôi cả nhà bằng nghề sửa khóa ở Bangkok

17 tháng 6 năm 2022

 

Việt Nam và những trí thức 'vỗ bụng' nghe tiếng nói của dạ dày

8 tháng 5 năm 2022

 

Thư Sài Gòn: Sức sống của người dân khi hết hàng rào phong tỏa

18 tháng 10 năm 2021





No comments:

Post a Comment

View My Stats