NHÌN
VÀO CUỘC KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO NGÀNH Y TẾ
Thực ra
thì những tranh cãi khác nhau về vị trí tân bộ trưởng y tế đều có thể đọc ý
nghĩa của nó theo một cách khác, nhận diện những vấn đề cải cách thể chế y tế ở
nước ta. Chứ dân gian cũng không rảnh mà ngồi đôi co với bà quyền bộ trưởng rằng
có nên ao ước “phải chi… hồi đó..”. Thay vì như vậy bà ta nên đặt trúng vấn đề
hơn, làm sao để bù đắp tầm nhìn chuyên môn ở cương vị đứng đầu ngành y tế.
Thành ra,
những ý kiến khác nhau không giản đơn là tranh luận, không học y có quản lí được
ngành y hay không, thậm chí sát hơn nữa là, một quan chức chính trị thuần tuý
có làm được bộ trưởng y tế?
Viện dẫn
thực tế ở nhiều nước có bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ, để qui chiếu nó
trong lần áp đặt nhân sự này, hẳn cũng chỉ bàn luận ở bề mặt của thực tiễn. Cái
huyệt tử của thể chế ta trong trường hợp này chính là ở chỗ bên dưới bề mặt có
vẻ sự thường này.
Ở hầu hết
các quốc gia có bộ trưởng y tế, thậm chí bộ trưởng quốc phòng, nội vụ không phải
là “dân chuyên môn”, nền hành chính nhà nước được tổ chức và vận hành rành mạch,
đâu là hành chính chính trị theo nhiệm kì và phiếu bầu, đâu là hành chính công
vụ kỹ trị. Trong thể chế của chúng ta không có sự rõ ràng đó. Mà chung qui,
toàn bộ ngành y tế, với hàng chục ngàn nhân viên, từ chuyên môn cao đến quét dọn,
từ quản lí, quản trị đến lao động nghiệp vụ, đều do đảng lãnh đạo, chỉ đạo.
Trên thì có ban cán sự đảng chính phủ, ban cán sự đảng bộ y tế, dưới thì có các
cấp ủy tỉnh thành, quận huyện và các cấp ủy trong các cơ sở y tế.
Vì thế mới
có chuyện bà bí thư quận 6 ở TPHCM “dũng cảm” cho trong quận phổ biến thang thuốc
xông như một phác đồ phòng dịch. Hay như bộc bạch chân thành của ông bí thư
thành ủy Nguyễn Văn Nên về cảnh, thực tế lúc đầu TPHCM “thu dung” F1, F0 vào cơ
sở cách li tập trung rồi… không biết làm gì tiếp. Cái sự nhập nhằng đó đã phát
họa trong đại dịch. Cái lỗi ấy chưa thấy mổ xẻ, chứ thẳng thừng ra, nó tác tệ
chẳng kém cái mớ que ngoáy mũi của Việt Á. Ngay cả sự đổ sụp của hàng loạt CDC
trước “thành tích y khoa” Việt Á, bàn tới tận cùng, cũng thấy dây nhợ của sự nhập
nhằng đó.
Cuộc khủng
hoảng lãnh đạo ngành y tế nhìn sâu xa có lẽ cũng từ căn nguyên này, khi mà lãnh
đạo ngành y tế phải ứng xử nhiệm vụ bảo vệ tay nghề chữa trị bệnh, phòng chống
dịch bệnh, trước lực cuốn mạnh mẽ của thị trường chăm sóc sức khỏe.
Trong
không gian chính sách chuyển đổi nền y tế từ bao cấp sang thị trường, giáo sư
Nguyễn Trọng Nhân là chuyên gia y tế đầu tiên tham gia TƯ đảng, mở ra thời kì bộ
trưởng y tế được cơ cấu trong ban lãnh đạo thực quyền nhất đất nước . Ông làm bộ
trưởng từ 1992 trong chính phủ Võ Văn Kiệt, là uỷ viên trong trung ương của ông
Đỗ Mười, được trọng vọng trong đảng, trong chính phủ. Rồi người ta cũng thấy
ông “hiền” trước cơn trở dạ của thời cuộc kim tiền, nên đảng tìm trong ngành y
những cán bộ dày dạn chính trị, như bác sĩ Đỗ Nguyên Phương, bác sĩ Nguyễn Quốc
Triệu, đứng đầu ngành y tế. Bác sĩ Đỗ Nguyên Phương nhiều năm làm cán bộ tuyên
giáo, trưởng ban khoa giáo trung ương, phó giám đốc học viện chính trị quốc gia
trước khi làm bộ trưởng. Ông Nguyễn Quốc Triệu nhiều năm làm giám đốc sở, rồi
phó chủ tịch, rồi chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội, trước khi đảm đương trọng
trách bộ trưởng y tế.
Kể từ đại
hội lần thứ VII của đảng, các ủy viên trung ương được đảng giao trọng trách
lãnh đạo ngành y tế đều được đảng chọn lựa hoặc chuẩn bị hồ sơ chuyên môn ngành
y kỹ càng. Không giáo sư thì tiến sĩ, từ ông Nhân, ông Phương, bà Chiến, ông
Triệu, bà Tiến, cho đến ông Long.
Ngay như
bà Nguyễn Thị Kim Tiến được đảng chuẩn bị bài bản để giữ ghế bộ trưởng. Điều động
bà Tiến từ một nhà khoa học sang đảm nhiệm cương vị thứ trưởng, đảng bổ sung bà
làm ủy viên dự khuyết trung ương đảng, trước khi ra đại hội XII bầu vào trung
ương. Có lẽ vào thời kì đó, do nhu cầu cải cách thể chế y tế đã phát lộ, mà ban
lãnh đạo đảng chưa xử lí kịp, nên ra đại hội bà Tiến bị “rớt” trung ương ủy
viên. Cũng có lẽ do nhận thức được tình hình nên ban lãnh đạo đảng vẫn giao bà
giữ ghế bộ trưởng y tế, rồi bổ sung vào trung ương. Cho đến khi bà Tiến bị thu
xếp thôi giữ chức bộ trưởng, do lùm xùm “ phạc ma”, bê bối trong quản lí thị
trường dược, đảng đã phải tạm phân công ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng, là người
ngoài ngành kiêm nhiệm chức bộ trưởng.
Trong giai
đoạn ngắn ngủi ông Đam phụ trách bộ y tế, dường như lộ trình cải cách thể chế y
tế tiến sát hơn đến yêu cầu cải cách thể chế bệnh viện công lập, vốn ủ trong đó
nhiều nhập nhằng công tư của cơ chế.
Cần nói rõ
thêm, trong giai đoạn bà Tiến làm bộ trưởng, thể chế y tế đã tiến một bước quan
trọng khi xây dựng mô hình CDC đảm đương nhiệm vụ phòng chống dịch.
Bộ trưởng
Nguyễn Thành Long được đảng chuẩn bị công phu để dẫn dắt ngành y tế tiếp tục
các cải cách theo thị trường trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe này.
Nhưng rồi
đại dịch đã phơi ra chính yếu huyệt của nhu cầu cải cách thể chế ấy bằng một thực
tiễn tàn khốc hơn nhiều. Đồng tiền đã công phá vào thành trì cơ chế quản lí y tế
ở cấp quốc gia. Thực chất là thể chế quản lý y tế hiện hành đã thất thủ.
Lần này
lãnh đạo cấp cao nhất phân công bà Đào Hồng Lan, một “lãnh đạo trơn” chấp
chính. Để đưa ngành y tế quay trở lại quĩ đạo hoạt động bình thường? Hay thúc đẩy
tiến trình cải cách ngành y tế theo khuôn khổ thị trường? Quyết định chọn lựa bộ
trưởng sẽ phản ánh mức độ ưu tiên về chính trị đối với cuộc khủng hoảng lãnh đạo
ngành y hiện nay.
Còn thấy
trong trung ương một ủy viên dự khuyết có bằng tiến sĩ ngành y. Nhưng dù là ai, thì cuộc khủng hoảng ngành y tế
có lẽ phải được xử lí ở tầm “quyết tâm chính trị cao nhất”, chứ chỉ trong mong
vào nhân sự trong hay ngoài ngành y gì làm bộ trưởng, thì cũng chỉ là ba hoa xịch
đuội mà thôi.
.
No comments:
Post a Comment