Sunday 24 July 2022

LIVESTREAMING, NGHỀ NGUY HIỂM Ở TRUNG QUỐC (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Livestreaming, nghề nguy hiểm ở Trung Quốc

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ
23 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/doi-song/the-gioi-quanh-ta/livestreaming-nghe-nguy-hiem-o-trung-quoc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/Livestreamer-Unsplash-1024x685.jpg

Người sống bằng “livestream” ở Trung Quốc đang “ăn nên làm ra”. (minh họa: Unplash)

 

Những người nổi tiếng bằng “nghề” phát trực tiếp (livestreamers) ở Trung Quốc dễ có nguy cơ biến mất nếu không tuân thủ các qui định của Đảng Cộng sản và lệch lạc về ý thức hệ, cho dù vô tình hay cố ý!

 

Hôm nay livestream, ngày mai biến mất!

 

Có biệt danh Austin Li, Li Jiaqi, 30 tuổi, anh là một trong những người nổi tiếng nhất trên Internet ở Trung Quốc. Với 64 triệu người đăng ký theo dõi trên mạng xã hội mua sắm trực tuyến Taobao, Li từng bán được 15,000 thỏi son môi chỉ trong vòng 5 phút, thắng cuộc đua bán hàng với Jack Ma, người sáng lập Alibaba, và được phong danh hiệu “Vua son môi”. Theo CNN.

 

Tháng trước, Austin Li đột nhiên biến mất khỏi Internet. Nhưng “người bán hàng siêu sao” này im tiếng, không một lời giải thích, sau khi kênh phát trực tiếp nổi tiếng của anh bị cắt đột ngột vào đêm trước lễ kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Livestream cuối cùng của Li là giới thiệu một món kem nhiều lớp trang trí bánh ngọt Oreo và bánh xốp nhìn giống một chiếc xe tăng.

 

Chỉ vài giờ sau, Li phải xin lỗi trên tài khoản mạng xã hội của mình vì… lý do kỹ thuật. “Tôi rất xin lỗi các bạn. Chúng tôi không thể tiếp tục phát trực tiếp tối nay vì bị hỏng thiết bị,” Li nói. “Các bạn có thể đi ngủ sớm. Những sản phẩm mới sẽ được giới thiệu trong các buổi phát trực tiếp lần sau.” Nhưng không hề có lần sau, vì đó là lần cuối cùng Li livestream.

 

Tài khoản Weibo và WeChat của Li vẫn tồn tại, nhưng không được cập nhật từ đầu Tháng Sáu đến nay. Sự gián đoạn kéo dài là điều bất thường đối với Li, người mà nguyên năm ngoái có tới 250 buổi phát trực tiếp.

 

Nhưng Li không phải là ngôi sao Internet duy nhất biến mất ở Trung Quốc trong những tháng gần đây. Vào Tháng Mười Hai 2021, cơ quan chức năng Trung Quốc phạt Huang Wei, 36 tuổi, số tiền kỷ lục $210 triệu vì tội… trốn thuế.

 

Wei được biết đến với biệt danh “Viya” có hàng triệu người đăng ký theo dõi trên các nền tảng mua sắm và truyền thông xã hội lớn của Trung Quốc, từ Weibo, Taobao đến Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc). Nhưng các tài khoản này đã bị xóa vào Tháng Mười Hai và cô không xuất hiện từ đó.

 

Được gọi là “Nữ hoàng phát trực tiếp” (Livestreaming Queen), Wei thuộc số người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất Trung Quốc trong thập niên qua. Cô đã giúp bán được hàng tỷ đôla cho các thương hiệu sản phẩm. Ai cũng biết, không phải tự nhiên đang “ăn nên làm ra” mà cô biến mất.

 

Bấp bênh nghề livestream

 

Trong khi Li và Viya mất tích trên Internet, một ứng cử viên xuất hiện, lấp vào vị trí họ để lại trong thế giới phát trực tiếp. Đó là Dong Yuhui, một cựu gia sư tiếng Anh, thu hút được hàng triệu người theo dõi sau khi anh bắt đầu mở các lớp học tiếng Anh miễn phí kết hợp bán hàng trực tuyến. Yuhui giúp công ty mà mình đại diện, thu hút 22 triệu người đăng ký theo dõi trên kênh phát trực tiếp Douyin của anh trong vòng chưa đầy hai tháng.

 

Sự lên xuống đột ngột của những người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất Trung Quốc cho thấy tính dễ bị tổn thương của những người kiếm sống bằng Internet trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi Li và Viya gần như chắc chắn bị chính phủ “thổi còi”, việc đàn áp những người phát trực tiếp “đi chệch hướng” được xem là một phần trong nỗ lực quản lý người dân của Đảng Cộng sản, nhằm tăng cường giám sát đối với các ngành công nghiệp tư nhân, từ công nghệ đến bất động sản.

 

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình luôn kêu gọi “Sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước”. Trọng tâm của tầm nhìn chiến lược này là kiểm soát chặt chẽ hơn tất cả các khía cạnh của xã hội; từ kinh doanh, giáo dục đến giải trí, văn hóa. Từ cuối năm 2020, ông Tập tiến hành cuộc chiến “giảm bất bình đẳng kinh tế” và kiềm chế những gì được cho là “sự thái quá của chủ nghĩa tư bản”.

 

Cuộc đàn áp khi lên đến đỉnh điểm đã lấy đi $3,000 tỷ giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc trên toàn thế giới. Cara Wallis, giảng sư tại Đại học Texas A&M, chuyên gia nghiên cứu ngành truyền thông và văn hóa trực tuyến của Trung Quốc nhận định: “Một điều mà chính phủ Trung Quốc chứng minh nhiều lần trong vài năm qua là không ai được xem là ‘quá quan trọng’ hay ‘không thể thay thế’ về kinh tế, văn hóa, chính trị để không bị kiểm duyệt, phạt tiền, cấm đoán, và trong trường hợp xấu nhất là… biến mất hoàn toàn,”

 

Nguy cơ bủa vây

 

Chính phủ của ông Tập không bao giờ khoan dung cho các tuyên bố chính trị “lệch lạc”, dù do ai đưa ra hoặc nhằm mục đích gì. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi món kem hình chiếc xe tăng của Li đánh trúng “vùng cấm”. Chiếc xe tăng là một biểu tượng nhạy cảm, làm cho nhiều người liên tưởng đến vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Đó là đêm 4 Tháng Sáu, 1989, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc xua xe tăng và lính vũ trang đến giải tán Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, nơi những sinh viên biểu tình tụ tập nhiều tuần đòi hỏi dân chủ và các quyền tự do.

 

Cuộc đàn áp (giết chết hàng trăm, nếu không nói hàng ngàn người biểu tình không vũ trang) bị cấm nói đến trong trường học và bị kiểm duyệt nghiêm khắc trên các phương tiện truyền thông. Wallis nói: “Li chưa bao giờ nói về chính trị, và sẽ không thu được gì nếu anh ta cố gắng đưa ra một tuyên bố chính trị. Tôi thực sự tin rằng đây chỉ là một sai lầm vô tội. Hầu hết người hâm mộ Li cũng không nhận ra bất kỳ mối liên quan nào giữa hình dạng của chiếc bánh kem và ngày 4 Tháng Sáu. Thậm chí có nhiều người không biết về Thiên An Môn. Nhưng phản ứng nhanh chóng cho thấy các nhà kiểm duyệt Trung Quốc nhạy cảm như thế nào với sự kiện này”.

 

Rongbin Han, giảng sư tại Đại học Georgia về môn chính trị truyền thông và Internet của Trung Quốc, cũng tin rằng Li chỉ “vô ý trùng với ngày kỷ niệm Thiên An Môn, một thời điểm chết người!”. Nhưng vụ Li cũng cho thấy chính phủ Trung Quốc đã đạt được những “bước tiến” trong hoạt động kiểm duyệt. “Rõ ràng, kiểm duyệt ở đây không chỉ đơn giản là lọc từ khoá,” Han nói.

 

Hai tuần sau khi chương trình của Li bị cắt, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (cơ quan quản lý truyền thông) và Bộ Văn hóa, Du lịch ban hành bản quy định mới cấm 31 hành vi sai trái trong hoạt động phát trực tiếp, ví dụ buộc người phát trực tiếp “phải giữ vững các giá trị chính trị và xã hội đúng đắn”, “phải tự điều chỉnh và tránh những nội dung bất hợp pháp, có hại” và “không được xuất bản bất cứ thứ gì làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

 

Những người vi phạm nghiêm trọng các quy tắc sẽ bị đưa vào danh sách đen và cấm vĩnh viễn. Quy định này là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong việc tăng cường đàn áp ngành công nghiệp phát trực tiếp đang bùng nổ, kể cả yêu cầu người phát sóng phải có trình độ phù hợp khi nói về luật, tài chính, y học, giáo dục và các chủ đề chuyên môn khác. David Craig, giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California, cho biết việc kinh doanh ở Trung Quốc luôn khó khăn, đặc biệt là khi các công ty phát triển quá mạnh cả mặt kinh tế lẫn văn hóa, khiến nhà nước nhận thấy mối đe dọa tiềm tàng. Sự ổn định được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh trong năm nay, khi ông Tập muốn bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba nắm quyền trong cuộc cải tổ lãnh đạo vào cuối mùa Thu.

 

=====================

 

CÓ THỂ LIÊN QUAN :

Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc: Biết để soi mình, hiểu để rùng mình

Y CHAN  -  LUẬT KHOA

19/07/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/07/doc-xa-hoi-hai-hoa-cua-trung-quoc-biet-de-soi-minh-hieu-de-rung-minh/

 

Một xã hội hài hòa trong lý tưởng, hay thế giới rừng xanh thời hiện đại?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats