Friday, 15 July 2022

LIỆU NGƯỜI GIÀU NHẤT VIỆT NAM CÓ AN TOÀN? (Lê Hồng Hiệp / FULCRUM

 



Liệu người giàu nhất Việt Nam có an toàn?

Lê Hồng Hiệp  -  FULCRUM

Trúc Lam, chuyển ngữ

15/07/2022

https://baotiengdan.com/2022/07/15/lieu-nguoi-giau-nhat-viet-nam-co-an-toan/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/07/1-32-696x311.jpg  

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy VinFast ở huyện Cát Hải hồi năm 2019. Nguồn: Wikimedia Commons

 

Những đồn đoán gần đây cho rằng, người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, có thể gặp rắc rối với các cơ quan chức năng, có lẽ đã qua cơn khốn đốn. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của Hà Nội có nghĩa là các chủ doanh nghiệp của Việt Nam phải thận trọng trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

 

Tin đồn lan nhanh như cháy rừng trên các mạng truyền thông xã hội ở Việt Nam hồi tuần trước, rằng Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam và là chủ tịch Vingroup – tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – đã bị cấm xuất cảnh. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng, ông ta sẽ sớm trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam. Trong những tháng gần đây, cơ quan chức năng đã khởi tố một số doanh nhân nổi tiếng, trong đó có Trịnh Văn Quyết, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn FLC, và Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

 

Tuy nhiên, ngày 11-7-2022, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã bác bỏ tin đồn này và cho là tin giả. Thay vào đó, ông Xô thông báo rằng, Bộ đang điều tra 9 người ở 7 địa phương vì đã phát tán thông tin sai lệch này.

 

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Xô không thể xóa hoàn toàn nghi ngờ của một số cư dân mạng và rằng ông Vượng có thể thật sự đang gặp rắc rối, vì họ chỉ ra rằng, trường hợp của ông ta cũng giống như trường hợp các vụ bắt giữ trước đó. Ví dụ, ông Trịnh Văn Quyết cũng bị cấm xuất cảnh hồi cuối tháng 3, và chỉ một ngày sau khi Bộ Công an bác bỏ tin đồn rằng ông ta sẽ bị bắt, thì ông Quyết đã bị bắt vì tội thao túng chứng khoán.

 

Những tin đồn này dường như đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu của Vingroup trên thị trường chứng khoán. Vào ngày 6 tháng 7 năm 2022, giá cổ phiếu của Vingroup đã giảm 6,64% xuống mức thấp nhất trong ba năm. Trong những ngày sau đó, hầu như các giao dịch cổ phiếu của Vingroup đều bị mất giá.

 

Bất chấp các mâu thuẫn trong thông điệp của Bộ Công an, có cơ sở vững chắc để tin rằng Vượng có thể sẽ được an toàn, ít nhất là trong tương lai gần.

 

Đây không phải là lần đầu tiên có nhiều tin đồn về những rắc rối pháp lý của Vượng. Trong năm 2018-2019, có những tin đồn tương tự, rằng hộ chiếu của Vượng bị thu hồi và ông ta bị cấm xuất cảnh. Sau đó, những tin đồn dường như nảy sinh từ các cuộc điều tra về Phạm Nhật Vũ, em trai của Vượng, vì dính líu đến một vụ án tham nhũng lớn, liên quan đến vụ lừa đảo mua AVG của nhà mạng di động Mobifone, một công ty truyền thông do Vũ làm chủ tịch. Những tin đồn khiến các nhà đầu tư lo lắng và khiến một số người phải tìm cách xác minh. Tuy nhiên, Vượng không bị liên lụy trong vụ lùm xùm đó.

 

Trong thời gian này, hai vấn đề có thể xảy ra có lẽ làm dấy lên những tin đồn mới về Vượng. Đầu tiên là liên quan đến việc chính phủ Việt Nam đang tiến hành trừng trị các vụ mua bán trái phiếu doanh nghiệp bất hợp pháp. Hồi tháng 4, các nhân vật quan trọng trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt và bị khởi tố về hành vi phát hành trái phiếu trái phép và sử dụng vốn huy động trái phép.

 

Tập đoàn Vingroup được biết đến là một trong những công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hồi tháng 5, công ty đã phát hành 525 triệu đô la Mỹ trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh ô tô của mình. Tháng sau, Vingroup huy động thêm 100 triệu Mỹ kim cho các dự án bất động sản.

 

Các đợt phát hành trái phiếu lớn của Vingroup có thể khiến một số cư dân mạng suy đoán rằng, Vingroup cũng sẽ là mục tiêu trong vụ trừng phạt này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Vingroup đã vi phạm quy định hoặc đang bị điều tra.

 

Lý do thứ hai có thể liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản của Vingroup. Vinhomes, chi nhánh bất động sản của Vingroup, được biết là đã mua lại đất cho một số dự án bất động sản trước đây của tập đoàn, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ các doanh nghiệp nhà nước hoặc các cơ quan chính phủ, nhưng không thông qua quy trình đấu thầu công khai. Tuy nhiên, trong khi một số dự án của các chủ đầu tư khác mua lại đất theo cách tương tự đã bị điều tra, nhưng không có dự án nào của Vinhomes chính thức bị điều tra.

 

Cần lưu ý rằng, chính phủ thường chỉ xử lý hình sự các quan chức chính phủ hoặc các nhà quản lý DNNN đã chấp thuận việc chuyển nhượng trái phép đất công cho các nhà đầu tư tư nhân với giá được định giá thấp. Cho đến nay, chính phủ phần lớn không để ý đến các nhà phát triển, vì sợ rằng điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư sợ hãi và phá vỡ thị trường. Trong hầu hết các trường hợp, các chủ đầu tư được phép giữ đất, đặc biệt là nếu đã được phát triển, thì sẽ được yêu cầu trả thêm tiền cho chính phủ, phù hợp giá thị trường đối với số đất bị thu hồi bất hợp pháp.

 

Một yếu tố quan trọng cũng có lợi cho Vượng là vị thế của Vingroup với tư cách là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản, khách sạn, cho đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe và gia công. Đây là một công ty đóng thuế lớn và sử dụng hàng chục ngàn nhân viên. Việc khởi tố người sáng lập và chủ tịch của công ty này, chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng chấn động trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thậm chí có thể đe dọa đến sự bất ổn nền kinh tế.

 

Đồng thời, VinFast, doanh nghiệp kinh doanh ô tô mới của công ty, hiện đang dẫn đầu những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một ngành công nghiệp ô tô bản địa. Những nỗ lực táo bạo của ông Vượng trong lĩnh vực này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam vì nó phù hợp với kế hoạch công nghiệp hóa của đất nước và thể hiện tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

 

Kế hoạch gần đây của VinFast là công ty đầu tư 4 tỷ Mỹ kim để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện lớn ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ, đã giúp Vượng có trọng lượng hơn đối với chính phủ Việt Nam. Nếu Vượng gặp rắc rối về pháp lý, dự án có thể bị trật đường rầy, tước đi con đường đầy hứa hẹn của Việt Nam để tăng cường liên kết kinh tế với Hoa Kỳ.

 

Khả năng Vượng bị thất sủng và sẽ bị chính phủ Việt Nam trừng phạt là rất thấp. Vượng có thể sẽ tiếp tục được an toàn để điều hành doanh nghiệp của mình và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc gia.

 

Tuy nhiên, trong một đất nước mà nạn tham nhũng vẫn phổ biến và hầu hết các doanh nghiệp vẫn dựa vào các mối quan hệ chính trị để làm ăn phát đạt, các chủ doanh nghiệp nhận thức được rằng, chính các chính trị gia đã đưa họ lên thì một ngày nào đó có thể sẽ hạ bệ họ. Vượng sẽ phải chơi trò chơi chính trị một cách thận trọng và khôn ngoan để bảo vệ tài sản của ông ta trong khi phát triển hơn nữa đế chế kinh doanh của mình.

 

 --------------------------------

1 COMMENT

 

Minhngoc Cao

Vượng Vin đã gom dollar đem qua Mỹ đầu tư, giúp công nhân Mỹ thêm công ăn việc làm, đóng thuế cho chính phủ Mỹ thì sao gọi là giúp cho kinh tế V.N phát triển? Chẳng qua Vượng tẩu tán vốn liếng để lở V.N có biến thì vẫn được bảo toàn; chưa kể có thể trong đó có vốn của các "cớm" nhà ta.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats