Saturday, 9 July 2022

KHÔNG CHÍCH NGỪA VÌ CHỐNG PHÁ THAI? (Ngô Nhân Dụng)

 



Không chích ngừa vì chống phá thai?

Ngô Nhân Dụng

05/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/kh%C3%B4ng-ch%C3%ADch-ng%E1%BB%ABa-v%C3%AC-ch%E1%BB%91ng-ph%C3%A1-thai-/6645717.html

 

https://gdb.voanews.com/10070000-0aff-0242-6a73-08da59129863_w650_r1_s.jpg

Các cuộc tranh luận về phá thai sẽ kéo dài không ngưng, đó cũng là cái nghiệp chung khi người ta sống trong các xã hội dân chủ tự do.

 

Trong các cuộc tranh luận về quyền phá thai ở Âu Mỹ, những người chống phá thai thường không coi ảnh hưởng việc mang bầu trên đời sống của người phụ nữ là quan trọng. Ngược lại, những người ủng hộ việc phá thai thường quên không nhìn nhận các bào thai cũng là những mạng sống.

 

Trong thời gian bệnh dịch Covid-19 lên cao, tiểu bang New York yêu cầu nhân viên ngành y tế phải chích ngừa, lo họ bị nhiễm rồi có thể lây qua bệnh nhân. Mười sáu nhân viên phản đối vì lý do tôn giáo, đã kiện tiểu bang đòi bãi bỏ nhưng không thành công. Vụ kiện lên tới Tối cao Pháp viện. Trong tuần trước, tòa Tối Cao bỏ qua, không xử. Ba vị trong số sáu vị thẩm phán bảo thủ, Thomas, Alito và Gorsuch không đồng ý.

 

Ông Clarence Thomas đã viết bản ý kiến giãi bày lý do. Ông nêu lên lý do chính yếu là các thuốc chủng ngừa Covid-19 do các công ty Pfizer và Moderna chế tạo đã dùng “tế bào mầm” lấy từ các phôi thai bị giết khi phá thai. Tín đồ Thiên Chúa Giáo không chấp nhận phá thai, họ có quyền từ chối không dùng các sản phẩm bắt nguồn từ tội lỗi đó.

 

Nhiều người thấy ý kiến của Thẩm phán Thomas không xác thực. Các công ty Pfizer và Moderna không trực tiếp dùng các tế bào mầm lấy từ phôi thai bị phá. Họ chỉ dùng các tế bào đó trong lúc thí nghiệm hiệu quả của thuốc chủng ngừa. Các hãng thuốc đã từng làm như vậy khi chế thuốc chích ngừa một thứ bệnh sởi do vi khuẩn “rubella” gây ra, thường gọi là “bệnh sởi Đức.” Các “tế bào mầm” dùng trong trong việc chế thuốc chủng đều là nhân tạo, được tái tạo rất nhiều lần trong phòng thí nghiệm.

 

Nhưng các lý luận về quá trình chế tạo thuốc chủng ngừa Covid không vững chắc. Thẩm phán Clarence Thomas có thể biện luận rằng việc chế thuốc chủng bây giờ vẫn bắt nguồn từ các bào thai đã bị “giết chết” trong bụng mẹ, dù cách xa 50 năm. Những người nhiệt thành tuân theo giáo lý vẫn có quyền từ chối; vì lương tâm họ không thể chấp nhận những thứ thuốc bắt nguồn từ hành động phá thai.

 

Ông Thomas đã diễn tả một căn bản của nền văn hóa Tây Phương, coi những quy tắc luân lý có tính chất tuyệt đối. Không thể thay đổi, không thể thỏa hiệp, không thể “pha loãng” cho hợp khẩu vị của loài người.

 

Người ta có thể nghĩ Văn hóa Đông Phương nhìn cách khác, linh động uyển chuyển hơn. Nhưng không hẳn như vậy. Có những quy tắc luân lý không thể áp dụng theo lối “chín bỏ làm mười!” Thí dụ, nhiều Phật tử nghĩ rằng, mặc dù có giới cấm sát sinh, Đức Thích Ca cho phép ăn thịt, cá, nếu các sinh vật bị giết không phải do mình yêu cầu. Nhưng trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Đức Phật nói rõ ràng “không giết hại và không bảo người khác giết hại.” Các đồ tể giết súc vật vì có người sẽ mua ăn; ăn mặn cũng không khác gì người thuê ai đó giết người giúp mình. Kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra) cũng viết, “…người có lòng từ bi không ăn thịt ở bất cứ đâu và bất cứ nơi nào…”

 

Vì quy tắc Bất Hại (Ahimsa) đó, các Phật từ không làm nghề đồ tể, săn bắn, đánh cá, nuôi tôm cá, súc vật bán để ăn và làm thịt, vân vân. Vì thế, người theo đạo Phật sẽ không chấp nhận phá thai, vì đó cũng là một hành động giết một thai nhi, dù mới thành hình.

 

Nhưng đạo Phật không coi quy tắc Bất Hại có tính cách tuyệt đối khi áp dụng vào vấn đề phá thai. Trước hết vì các Giới Luật có tính chất tương đối, khác với các Điều Răn, được coi là mệnh lệnh của Thượng Đế. Người theo Giới Luật có thể cân nhắc, coi lựa chọn của mình có gây ra những khổ não, cho mình hoặc cho người khác hay không.

 

Các Phật tử không chấp nhận việc phá thai, nhưng có thể cũng quan tâm đến ảnh hưởng trên đời sống của người phụ nữ lỡ mang thai dù không muốn. Nếu một phụ nữ không phá thai sẽ sống đau khổ hơn thì người đó tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Viện Alan Guttmacher Institute, vốn chủ trương không cấm phá thai, cho biết những nước có luật lệ cấm phá thai thường không chấm dứt được mà cũng không giảm bớt các vụ phá thai. Bị cấm đoán, người ta vẫn tìm cách phá thai chui, trong các điều kiện không được các y sĩ săn sóc. Họ cho biết mỗi năm có đến 67,000 phụ nữ chết vì phá thai không an toàn.

 

Cho nên, những nước Phật giáo như Thái Lan đã từng có luật cấm phá thai rất nghiêm ngặt nhưng gần đây cũng chấp nhận các trường hợp không bị cấm. Thái độ trung dung này dựa trên quan niệm về Nghiệp Báo. Các Phật tử cố gắng tạo các Nghiệp lành, qua hành động, lời nói và cả ý nghĩ. Tuân theo giới luật một cách tuyệt đối, không suy nghĩ, chưa chắc đã tạo nên một nghiệp lành. Bắt người khác phải theo các quy tắc luân lý mình coi là đúng dù họ không đồng ý, cũng không tạo được nghiệp lành.

 

Thuyết Vô Ngã trong đạo Phật cũng ảnh hưởng đến quan niệm về phá thai. Văn hóa Tây Phương nhìn mỗi cá nhân như một thực thể có thật, độc nhất và độc lập với người khác và thế giới bên ngoài. Các phôi thai, là một con người, cũng vậy. Thuyết Vô Ngã (anatmananatta) nhìn cách khác: Mỗi “cá nhân” đều chỉ là những tập hợp tạm thời do bao nhiêu yếu tố khác tạo thành, gom lại trong năm yếu tố chính: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cái gọi là Ta, Ngã, là giả tạm, không có thật. Sự thật là “Vô sinh, Vô diệt.”

 

Vậy một người theo Phật giáo nghĩ gì khi nghe Thẩm phán Clarence Thomas phê phán việc phá thai, cũng như thuốc ngừa thai? Chắc họ sẽ thấy đây là một thái độ quá cứng rắn. Nhất là khi ông Thomas áp dụng quan niệm đó để bác bỏ việc chủng ngừa bệnh dịch. Có thể cân nhắc, so sánh giữa hai thứ hại: Một bên là hành động chích ngừa có thể vi phạm đạo lý vì thuốc chích được chế ra do các cuộc nghiên cứu dùng tế bào của phôi thai bị phá. Bên kia là việc không chích ngừa có thể làm cho nhiều người nhiễm bệnh, có người sẽ chết. Trong hai hậu quả tai hại đó, thứ nào đáng tránh hơn?

Trong thực tế, như bà Kathy Hochul, thống đốc New York tự biện hộ về lệnh bắt chích ngừa, bà nói chưa có giáo hội nào chống chủng ngừa bệnh dịch. Bà Hochul, một người theo Thiên Chúa Giáo, còn nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn khuyến khích mọi người nên chích ngừa.

 

Trong Thánh Kinh, Cựu Ước, Exodus 21:22–25 và Numbers 5:11–28, có nói đến việc phá thai nhưng không nhất thiết cấm đoán.

 

Có phải Đức Giáo Hoàng không biết rằng thuốc chích có nguồn gốc từ các tế bào phôi thai? Hay là ngài biết nhưng thấy việc chích ngừa là cần thiết để cứu nhiều mạng người. Có người đã phá thai từ mấy chục năm trước. Các tế bào lấy từ phôi thai đó được nghiên cứu, được mô phỏng để làm ra các tế bào nhân tạo dùng trong các nghiên cứu y học. Có nên xóa bỏ kết quả các công trình nghiên cứu đó vì tôn trọng cái phôi thai đầu tiên hay không?

 

Mỗi người sẽ trả lời theo niềm tin tôn giáo của mình. Mỗi lựa chọn đều tạo nghiệp.

 

Trong các cuộc tranh luận về quyền phá thai ở Âu Mỹ, những người chống phá thai thường không coi ảnh hưởng việc mang bầu trên đời sống của người phụ nữ là quan trọng. Ngược lại, những người ủng hộ việc phá thai thường quên không nhìn nhận các bào thai cũng là những mạng sống. Nếu cả xã hội cùng theo một quan điểm trung dung thì mọi người cứ tiếp tục tranh luận nhưng phải tôn trọng ý kiến của nhau. Các cuộc tranh luận sẽ kéo dài không ngưng, đó cũng là cái nghiệp chung khi người ta sống trong các xã hội dân chủ tự do.





No comments:

Post a Comment

View My Stats