Saturday, 9 July 2022

ĐIỆN ĐÀM MACRON - PUTIN "RÒ RỈ" : PHÁP CỐ NGĂN CHẶN CHIẾN TRANH, NGA HAI MẶT (Trọng Thành / RFI)

 



Điện đàm Macron-Putin ‘‘rò rỉ’’: Pháp cố ngăn chiến tranh, Nga hai mặt

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 09/07/2022 - 16:38

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220709-%C4%91i%E1%BB%87n-%C4%91%C3%A0m-macron-putin-r%C3%B2-r%E1%BB%89-ph%C3%A1p-c%E1%BB%91-ng%C4%83n-chi%E1%BA%BFn-tranh-nga-hai-m%E1%BA%B7t     

 

Truyền hình Pháp công bố nhiều nội dung trong cuộc nói chuyện giữa hai tổng thống Pháp, Nga, diễn ra 4 ngày trước khi Matxcơva mở màn cuộc chiến chống Ukraina, vào thời điểm đó,  nguyên thủ Pháp đã cố thuyết phục đến cùng ông Putin không động binh. Điện Kremlin lên án phía Pháp vi phạm ‘‘cam kết ngoại giao’’ khi để rò rỉ thông tin.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e0126312-883a-11ec-bb4c-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/000_9YM6VE.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Poutine (T) tại điện Kremlin, ngày 7/2/2022, hơn 2 tuần trước khi Nga đưa quân tấn công Ukraina. © SPUTNIK / AFP

 

Quan chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc chủ trì đường lối liên Nga - chống Tây bị giáng cấp. Iran và Achentina đệ đơn gia nhập BRICS, sau cuộc thượng đỉnh được Nga và Trung Quốc quảng bá rầm rộ như một ‘‘mô hình đối trọng’’ với Phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ thay Trung Quốc trở thành nơi tiếp nhận rác nhựa lớn nhất hành tinh, giới môi trường lên án thảm họa. Liên hoan nghệ thuật Avignon lần thứ 76 của Pháp khai màn với tác phẩm của nghệ sĩ ly khai Nga và khép lại với một ban nhạc Ukraina. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

                                                                      ***

Căng thẳng xung quanh cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, trước thềm lễ Kỷ niệm Chiến thắng phát xít Đức, khi chính quyền Nga một lần nữa bắn tin đe dọa tấn công hạt nhân các thủ đô châu Âu. Tình hình tạm lắng xuống trong tháng 5, khi Hội Đồng Bảo An đạt đồng thuận trong việc tìm kiếm ‘‘giải pháp hòa bình’’ cho chiến tranh. Tháng 6 vừa qua, dường như là thời điểm của một số nỗ lực mới tìm cách tháo gỡ xung đột.  Cuối tháng 6, tổng thống Indonesia Joko Widodo – chủ tịch luân phiên G20 - tới Kiev và Matxcơva tìm cách làm trung gian đối thoại trước thềm cuộc họp ngoại trưởng G20 tại Indonesia.

 

Pháp tiết lộ điện đàm, Nga phản đối

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, và suốt từ đầu chiến tranh cho đến rất gần đây đã liên tục có các tiếp xúc với tổng thống Nga, với hy vọng tìm giải pháp cho hòa bình. Nhưng nỗ lực của Pháp dường như không mang lại kết quả. Ngày 30/06 vừa qua, kênh truyền hình France 2 của nhà nước Pháp trình chiếu một bộ phim tài liệu nhan đề ‘‘Un président, l’Europe et la guerre / Một tổng thống, châu Âu và chiến tranh’’.

 

Bộ phim giới thiệu với công chúng 9 phút trao đổi căng thẳng giữa nguyên thủ Pháp và tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ 45 phút này, ông Macron đã cố gắng thuyết phục tổng thống Nga chấp thuận một cuộc gặp tại Genève với lãnh đạo Mỹ Joe Biden, để tìm một cơ hội cuối cùng tháo ngòi nổ cuộc chiến đang ngày một khó tránh khỏi. Bộ phim nhấn mạnh đến vai trò trung gian của nước Pháp, cố ngăn chiến tranh đến cùng, trong lúc chính quyền Nga bị cáo buộc đã vừa ngấm ngầm chuẩn bị chiến tranh, vừa liên tục phủ nhận sự thực.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b316b15e-9d90-11ec-a1e5-005056bfb2b6/5WQYBVNC4FBAFPQYEKRO66KMQI.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) trao đổi trực tuyến với tổng thống Nga Vladimir Poutine, ngày 6/3/2022. © Reuters/Michel Euler

 

‘‘Vũ khí’’ ngoại giao

 

Sau khi bộ phim tài liệu với 9 phút đối thoại Putin – Macron được công chiếu, điện Kremlin tỏ ý bất bình. Chính quyền Pháp có phạm lỗi khi để rò rỉ thông tin về đối thoại giữa hai nguyên thủ hay không? Theo nhiều nhà quan sát, để rò rỉ một số thông tin trong các đối thoại, về nguyên tắc được coi là cần giữ kín, là một ‘‘vũ khí’’ ngoại giao và truyền thông của cả hai bên.

 

Cuối năm ngoái 2021, bộ Ngoại Giao Nga từng đơn phương công bố một phần nội dung các trao đổi giữa ngoại trưởng Nga và hai đồng nhiệm Pháp và Đức (Jean-Yves Le Drian và Heiko Maas) trong khuôn khổ Công thức Normandie, nhằm tìm giải pháp hòa bình cho xung đột miền đông Ukraina. Vào lúc hai ngoại trưởng Pháp và Đức tìm cách khởi động lại các thỏa thuận Minsk, nhằm giảm bớt nguy cơ Nga lợi dụng bối cảnh căng thẳng để tấn công Ukraina, việc bộ Ngoại Giao Nga công bố nội dung trên bị phía Pháp coi như ‘‘một hành động với ý đồ xấu’’.

 

Theo một cố vấn của phủ tổng thống Pháp, các đối tác châu Âu của tổng thống Macron, đã được báo trước cách nay hơn 6 tháng, về việc một nhà báo (nhà báo, đạo diễn phim Guy Lagache) sẽ theo sát từ bên trong phủ tổng thống, về các hoạt động của nguyên thủ Pháp với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Chiến tranh bùng nổ ít tuần sau khi nước Pháp đảm nhiệm vai trò này. Theo điện Elysée, chính quyền Nga đã được ‘‘báo trước’’ về bộ phim.

 

Điện đàm với Putin : Con dao hai lưỡi

 

Le Monde đặt câu hỏi: Phải chăng đây là một cách để điện Elysée bảo vệ tính chính đáng của việc Pháp chủ trương tiếp tục theo đuổi đối thoại với tổng thống Nga, trong lúc nhiều đồng minh mật thiết của Ukraina, là Ba Lan và các nước Baltic, lên án kịch liệt?

 

Tuy nhiên, thái độ theo đuổi đối thoại đến cùng của tổng thống Pháp có thể là một con dao hai lưỡi. Ông Macron đã nhiều lần bị lên án là mềm yếu, bị tổng thống Nga coi thường, và lợi dụng như một con bài. Trong bộ phim tài liệu nói trên, tổng thống Pháp đã có những lời lẽ không khoan nhượng với tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Le Monde, trong hậu trường bộ phim nói trên, cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp, ông Emmanuel Bonne, đã báo trước là tổng thống Nga ‘‘nói xạo’’. Cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden mà ông Putin hứa hẹn, rút cục đã không diễn ra.

 

Vào thời điểm mà có nhiều quan điểm cho là tất cả chủ yếu chỉ có thể giải quyết bằng tương quan lực lượng trên chiến trường, bộ phim ‘‘Một tổng thống, châu Âu và chiến tranh’’ của truyền hình Pháp dường như vẫn cho thấy đối thoại vẫn luôn cần thiết, và có thể tạo điều kiện cho hòa bình ?

 

Phải chăng chính vì lẽ đó mà ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong chặng dừng chân tại Hà Nội đầu tháng này, một mặt chỉ trích việc rò rỉ thông tin từ phía Pháp, mặt khác cũng khẳng định Matxcơva ‘‘không có gì phải hổ thẹn’’. Phía Nga ‘‘luôn sẵn sàng nói điều mình nghĩ, sẵn sàng trả lời về những lời lẽ đã được đưa ra, cũng như giải thích về lập trường của mình’’.

 

Trung Quốc: Vì sao quan chức cao cấp thân Nga chống phương Tây bị giáng cấp ?

 

Ngày 14/05/2022 diễn ra một sự việc tương đối ít được truyền thông chú ý. Thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Trung Quốc bị giáng cấp. Thông tin chính thức về việc ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) – người được coi là ứng cử viên số một vào chức ngoại trưởng và nổi tiếng với lập trường thân Nga chống Tây - và bị giáng cấp được đưa ra một ngày sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (ủy viên Bộ Chính Trị) và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan tại Luxembourg (nhằm chuẩn bị cho một cuộc điện đàm Biden - Tập Cận Bình trong tương lai gần), và một ngày trước cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Báo chí quốc tế có nhiều nhận định đa chiều về diễn biến này.

 

Theo giải thích của báo Nhật Nikkei Asia, việc ông Lạc Ngọc Thành bị hạ bệ cho thấy một xu thế vận động căn bản trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc trước thềm Đại hội Đảng vào mùa thu. Đó là với việc ‘‘bỏ rơi Lạc Ngọc Thành, nhân vật chủ chốt trong chính sách ngoại giao thân Nga của Trung Quốc’’, Bắc Kinh nhắm tới “xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Mỹ” như “ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4e22bdd8-9ecc-11eb-ab6b-005056bff430/Le%20photo.webp

Nguyên thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) trong một lần trả lời phỏng vấn AP. © AP

 

Trong khi đó, nhà báo Shi Jiangtao, báo South China Morning Post, khẳng định: “có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi ý định về cuộc chiến của Nga ở Ukraina hoặc cố gắng hạ thấp lập trường ủng hộ Matxcơva”, và cuộc điện đàm chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo Nga Putin vào đúng ngày sinh nhật cho thấy mối quan hệ luôn nồng ấm giữa hai bên.

 

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, chuyên gia Ấn Độ Hemant Adlakha, phó chủ tịch Viện Institute of Chinese Studies, ở Delhi, trong một phân tích đăng tải trên báo Nhật The Diplomat, được Courrier International dịch lại, cũng phê phán ảo tưởng của một số nhà quan sát phương Tây về khả năng Trung Quốc thay đổi đường lối với việc hạ bệ Lạc Ngọc Thành. Cuộc điện đàm Tập Cận Bình ủng hộ Putin diễn ra trong bối cảnh hai tuần trước loạt thượng đỉnh Châu Âu và NATO nhằm khẳng định đoàn kết với Ukraina là một minh chứng cho thấy quan hệ mật thiết Trung - Nga. Trang mạng Intelligenceonline.fr, trong một phân tích hôm 08/07/2022, cho rằng việc giáng cấp quan chức nói trên nằm trong chính sách ''điều chỉnh từng bước nhỏ'' của Bắc Kinh, một mặt nhân nhượng Hoa Kỳ đôi chút để được giảm nhẹ trừng phạt, mặt khác vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Nga.

 

Nhiều bí ẩn bao trùm động thái trên của chính quyền Trung Quốc. Trước đó, vào thời điểm cuộc chiến tranh của Nga chống Ukraina vừa bùng nổ, cũng đã nhiều câu hỏi đã đặt ra về vai trò của Bắc Kinh. Cuộc tấn công Ukraina đã có được ngầm thông báo với Bắc Kinh hay không ? Tuyên bố chung hợp tác toàn diện ‘‘không giới hạn’’ Nga – Trung đầu tháng 2 chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh liệu có tạo điều kiện cho quyết định xâm lăng liều lĩnh của Nga ?

 

Hiện tại, hơn 4 tháng kể từ đầu cuộc tấn công của Nga, hàng loạt câu hỏi về liên hệ của Trung Quốc với cuộc chiến tại Ukraina, về vai trò trung gian ngừng bắn có thể của Trung Quốc cũng vẫn đang để ngỏ.

 

Có thêm Iran và Achentina, nhóm BRICS có thành đối thủ của Phương Tây ?

 

Cuối tháng 6/2022, cùng lúc với việc Thụy Điển và Phần Lan khởi động gia nhập NATO, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối, hai nước Achentina và Iran chính thức yêu cầu được gia nhập nhóm BRICS, tức các cường quốc mới trỗi dậy, với Trung Quốc là trụ cột. Có thêm Iran và Achentina, nhóm BRICS có thành đối thủ của Phương Tây ?

 

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

 

‘‘Về mặt hình ảnh, chúng ta sẽ nhớ lại những chiếc tách trà màu xanh và loại trà màu đỏ mang tên Điếu Ngư Đài – tên gọi một nơi ở dành tiếp các khách mời danh giá tại Bắc Kinh. Đây là hình ảnh mà các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS đã trưng lên màn hình của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 của 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

 

Được gửi bằng vali ngoại giao tới năm thủ đô của nhóm các quốc gia trỗi dậy, những món quà này không phải là mẫu số chung duy nhất của các cuộc trao đổi trực tuyến, với cơ sở chính là Bắc Kinh. Một chủ đề chung lớn khác là việc mở rộng nhóm.

 

Ông Lý Khắc Tân (Li Kexin), vụ trưởng vụ Kinh tế Quốc tế thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết: “Đã có khá nhiều quốc gia gõ cửa. Các nước như Indonesia, Achentina, Ai Cập hay Ả Rập Xê Út đã bày tỏ mong muốn tham gia nhóm BRICS. Và họ rất tích cực. Chúng tôi không có lịch trình cụ thể. Điều này dựa trên sự đồng thuận của các thành viên. Chúng ta cần để ngỏ cửa tối đa’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2be0078e-ffa2-11ec-82cf-005056a97e36/BRICS_IRAN.webp  

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) chào đón tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2015. AFP - ALEXANDER NEMENOV

 

BRICS với 42% dân số, và chiếm một phần tư tổng sản phẩm toàn cầu (hay GDP toàn cầu), cho phép Nga nói rằng nước này không bị cô lập hoàn toàn. Trung Quốc đã góp phần bổ sung chữ S vào nhóm BRIC, bằng cách mời Nam Phi tham gia nhóm năm 2010. ‘‘S’’ là chữ đầu của Nam Phi (tên tiếng Anh). Mười hai năm sau, ngành ngoại giao Trung Quốc một lần nữa xem xét mở rộng liên minh, nhưng trên tinh thần phản đối ‘‘tâm lý chiến tranh lạnh’’, mà Bắc Kinh quy tội cho Hoa Kỳ và các đồng minh.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý, BRICS không phải là một khối, nhóm này chỉ là một quan hệ đối tác, như lời nhắc nhở của ông Siyabonga Cwele, đại sứ Nam Phi tại Trung Quốc :

 

“Mối quan tâm chung của chúng tôi là các vấn đề phát triển: làm thế nào huy động được các nguồn lực cho giáo dục, đầu tư, tạo việc làm. Làm thế nào để giảm bớt sự bất bình đẳng… Chúng tôi khác nhau và chúng tôi dự định sẽ vẫn giữ nguyên như vậy, nhưng chúng tôi có cùng một số mối quan tâm chung như trên. Bất cứ ai muốn đóng góp cho sự phát triển của châu Phi đều được hoan nghênh’’.

 

Thông điệp để ngỏ cho việc hợp tác song song với các liên minh khác. Chúng ta biết rằng lãnh đạo các nước Ấn Độ, Achentina, Senegal, Indonesia và Nam Phi cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh của khối G7 ở Bayern (Đức) trong những ngày gần đây. Nam Phi, nơi sẽ tổ chức diễn đàn tiếp theo của các nước mới trỗi dậy vào năm tới, cũng dự định mời các nước châu Phi khác trong khuôn khổ đối thoại BRICS +”.

 

Thổ Nhĩ Kỳ thay Trung Quốc thành ‘‘bãi rác nhựa’’ của thế giới: Chính quyền hoàn toàn mất kiểm soát

  mùng 3 tháng 7 là Ngày Thế giới không sử dụng túi nhựa. Trên thực tế, con đường đến một thế giới không rác thải nhựa còn rất xa. Hoạt động tái chế nhựa được quảng bá rộng rãi che lấp một thực tế là thế giới ngày càng tràn ngập loại rác thải nguy hiểm này. Sau Trung Quốc, đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ thành bãi rác thải nhựa số một thế giới. Hoạt động buôn bán rác thải mang lại nhiều lợi nhuận này hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền.

 

Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :

 

Kể từ khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2018, thì lượng rác thải nhựa vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt. Đặc biệt là từ châu Âu… Năm ngoái, mỗi tháng có đến 43.000 tấn rác thải nhập vào nước này, gấp 10 lần so với ba năm trước đó.

Về lý thuyết, rác thải nhựa đều có thể tái chế, và coi như được các công ty nhập khẩu để tái chế toàn bộ. Nhưng trên thực tế, điều này hoàn toàn không đúng. Rác thải nhựa tràn ngập tại các bãi rác hoang dã, hạt nhựa nhỏ li ti phủ khắp sông ngòi...

 

https://s.rfi.fr/media/display/402dd174-fa40-11ec-9ccd-005056a90284/AP21139534986026.webp

Rác thải nhựa trong một bãi rác hoang gần đập Alibeykoy, ngoại ô Istanbul. Ảnh chụp ngày 19/5/2021. AP - Mucahit Yapici

 

Ông Sedat Gündogdu, nhà nghiên cứu tại Đại học Çukurova ở Adana, tố cáo một hệ thống nguy hại cho môi trường, nhưng mang lại lợi nhuận cho cơ sở tư nhân ... và hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước. Nhà nghiên cứu tại Đại học Çukurova nói: “Bạn muốn kiểm soát một hệ thống như vậy như thế nào? Không hề có theo dõi, không hề minh bạch, không hề có kế hoạch. Những gì mà Trung Quốc – vốn là một Nhà nước nổi tiếng với việc kiểm soát mọi thứ - còn không kiểm soát được, thì không nước nào kiểm soát được... Cách duy nhất là cấm nhập khẩu’’.

 

Vào tháng 5 năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm nhập khẩu rác thải nhựa... Trước khi từ bỏ hai tháng sau đó, do áp lực từ phía các nhóm vận động hậu trường của ngành công nghiệp tái chế’’.

 

Bang California tấn công tận gốc nạn rác thải nhựa

 

Theo OCDE, số lượng rác thải nhựa tăng chóng mặt : hơn gấp đôi trong hai mươi năm (2000-2019), với khoảng 353 triệu tấn năm 2019. Trong đó chỉ có 9% được tái chế, 19% đốt, 50% chôn lấp, 22% thoát ra ngoài. Ước tính hiện tại có đến hơn 100 triệu tấn rác thải nhựa chìm trong các sông ngòi, 30 triệu tấn tan vào đại dương, trở thành nguồn độc chất với các sinh vật biển.

 

Trong lúc thế giới nhìn chung bất lực trước đại nạn rác thải nhựa, bang California – do phe Dân Chủ kiểm soát - có một quyết định được đánh giả là lịch sử. Bang giầu nhất nước Mỹ với 3.400 tỉ đô la/năm, thường được coi là ‘‘nền kinh tế thứ 6 thế giới’’, ra luật tấn công vào tận gốc nạn rác thải nhựa, hướng đến mục tiêu 65% rác thải nhựa tái chế vào năm 2032 (so với 9% hiện tại). Các doanh nghiệp vi phạm sẽ phải nộp phạt đến 50.000 đô la/ngày. Luật nói trên được ban hành đúng ngày 30/06, cũng là ngày mà Tối Cao Pháp Viện, do phe bảo thủ kiểm soát, ra phán quyết thọc gậy bánh xe, chống lại cuộc chiến vì môi trường, khi hạn chế thẩm quyền của chính quyền Liên bang trong việc ra ban hành quy định siết chặt kiểm soát nhiệt điện than.

 

Liên hoan sân khấu Pháp mở đầu với đạo diễn Nga, khép lại với ban nhạc Ukraina

 

Liên hoan sân khấu Avignon (Pháp) khai mạc hôm 07/07. Liên hoan lần thứ 76 năm nay được tổ chức với khoảng 40 tiết mục thuộc Festival In (tức các tiết mục do Nhà nước tài trợ phần lớn) và khoảng 1.500 tiết mục thuộc Festival Off (do tư nhân tự chi trả). Hơn bao giờ hết, Liên hoan sân khấu hàng đầu thế giới này tỏ ra gắn chặt với hơi thở của xã hội đương đại.

 

Không khí sôi động tại thành phố từng là kinh đô của các Giáo Hoàng (Palais des Papes). Công chúng tin tưởng vào thành công của Liên hoan, mở màn với một vở diễn của một nghệ sĩ Nga nổi tiếng và khép lại với ban nhạc Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/22f9122e-fe75-11ec-8ef5-005056bf30b7/Public%20moine%20noir%20IMG_1106.webp  

Khán giả tại sân danh dự của Cung các Giáo Hoàng trước buổi trình diễn vở "Tu sĩ Đen", của đạo diễn Kirill Serebrennikov tại Liên hoan Avignon 2022. © Siegfried Forster / RFI

 

Thông tín viên Muriel Maalouf tường trình từ Avignon :

 

Ở Avignon, chúng tôi muốn tin vào thành công. Thành phố đã chật kín người và các trình diễn của Festival Off đã bắt đầu từ ngày hôm qua. Festival In khai mạc tại sân chính của Cung các Giáo hoàng với vở diễn chuyển thể một truyện ngắn của nhà văn Nga Chekhov, ít được biết đến, là ‘‘Tu sĩ đen’’, của đạo diễn Kirill Serebrennikov. Nghệ sĩ Nga này bị chính quyền Putin quản thúc, gần đây đã có thể rời Matxcơva, hiện đang sống ở Berlin.

 

Nhưng chính cuộc chiến ở Ukraina và không khí tẩy chay văn hóa Nga ở phương Tây hiện nay đã không buông tha ông. Đạo diễn Kirill Serebrennikov chia sẻ: ‘‘Tôi cho rằng không thể cấm được các nền văn hóa. Văn hóa là sản phẩm chung của nhân loại. Nhưng cùng lúc đó, tôi hoàn toàn thông cảm với những thái độ cực đoan này. Bởi vì đất nước Ukraina bị tàn phá, người Ukraina bị giết hại. Tất cả những gì diễn ra thật khủng khiếp’’.

 

Nếu liên hoan mở màn với tác phẩm của nghệ sĩ người Nga Serebrennikov, thì chính nhóm ca sĩ Ukraina ‘‘Dakh Daughters’’ sẽ khép lại chương trình Festival trong màn trình diễn tạp kỹ ‘‘Miss Knife và các chị em’’ của đạo diễn Olivier Py. 

 

Giữa hai tiết mục là vở diễn mang tính sử thi kéo dài 13 giờ – ‘‘Le Nid des cendres’’ - rất được trông đợi, của nghệ sĩ chạc ba mươi tuổi Simon Falguières, xoay quanh chủ đề bản sắc phụ nữ, tập trung vào xứ sở Trung Đông, với các nghệ sĩ Liban và Palestine. Các vấn đề về di cư và môi trường cũng là một phần cốt lõi của liên hoan nghệ thuật này. Festival Avignon một lần nữa vẫn là tấm gương phản chiếu những mối quan tâm của thế giới đương đại’’.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats