Erdoğan
là một đồng minh khó chịu nhưng lại không thể thiếu
Gideon Rachman -
Financial Times
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
09/07/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/07/09/erdogan-la-mot-dong-minh-kho-chiu-nhung-lai-khong-the-thieu/
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ‘tống tiền’ các
thành viên khác của NATO, nhưng ông ta cũng có những điểm yếu của riêng mình.
Tại sao
không loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO? Điều đó nghe như một ý tưởng tuyệt vời –
nhất là khi chúng ta đã uống vài ly sau cuộc hội nghị thượng đỉnh.
Không nghi
ngờ gì, Recep Tayyip Erdoğan là một đồng minh khó chịu. Sau khi từ bỏ việc phản
đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
đã ngay lập tức tạo ra vấn đề mới – bóng gió rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không
phê chuẩn thỏa thuận, trừ khi Thụy Điển đồng ý dẫn độ 73 người mà Thổ Nhĩ Kỳ
cáo buộc là khủng bố.
Giao nộp
nhóm người đó cho hệ thống tư pháp của Erdoğan tùy ý xét xử là một yêu cầu khó
khăn đối với bất kỳ nền dân chủ nào. Selahattin Demirtas, một người Kurd và
chính trị gia đối lập hàng đầu, đã phải ngồi tù từ năm 2016 – bất chấp phán quyết
của Tòa án Nhân quyền Châu Âu rằng ông nên được trả tự do, và rằng việc bỏ tù
ông “chỉ đơn thuần là che đậy cho một mục đích chính trị sâu xa.”
Demirtas
không phải là trường hợp cá biệt. Osman Kavala, một doanh nhân và nhà từ thiện,
đã bị bỏ tù chung thân không ân xá hồi tháng 4, vì cáo buộc âm mưu đảo chính.
Các bằng chứng yếu chống lại ông đã dẫn đến nhiều cuộc phản đối của các chính
phủ phương Tây, các nhóm nhân quyền, và Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Bảy ‘đồng phạm’
của Kavala, bao gồm cả Hakan Altinay, một học giả nổi tiếng, đã bị bỏ tù 18 năm
cũng vì những bằng chứng cực kỳ đáng ngờ.
Hành vi của
Erdoğan đặt ra một câu hỏi khó chịu cho NATO. Liên minh nói rằng họ dựa trên việc
bảo vệ dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, bỏ tù các đối thủ chính trị bằng những
cáo buộc ngụy tạo chính là cách mà Vladimir Putin đang áp dụng. Thực tế thì hai
nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có mối quan hệ thân thiết.
Việc kết nạp
Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ là một đòn giáng mạnh vào Putin. Nó có nghĩa
là NATO sẽ bao gồm mọi quốc gia giáp Biển Baltic, chỉ ngoại trừ Nga. Các chiến
thuật ngáng đường của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh thái độ khinh thường hoài nghi đối với
các nước Baltic – những thành viên NATO đang phải đối mặt với một mối đe dọa sống
còn.
Việc
Erdoğan sẵn sàng tống tiền NATO trong vấn đề Phần Lan và Thụy Điển cũng gây ngờ
vực về cách Thổ Nhĩ Kỳ có thể hành xử trong những cuộc khủng hoảng tương lai.
Điều 5 – đảm bảo phòng thủ tương hỗ, điều khoản cốt lõi của liên minh, vốn sẽ
được kích hoạt bởi một cuộc tấn công của Nga – cần phải được bỏ phiếu nhất trí
để thông qua.
Thế thì,
chẳng phải là NATO sẽ tốt hơn nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ hay sao? Tuyệt đối không.
Việc trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi có thể về mặt pháp lý, sẽ là một thảm họa
chiến lược. Biển Đen là con đường quan trọng dẫn đến Địa Trung Hải và thế giới
đối với cả Ukraine và Nga. Nếu ngũ cốc của Ukraine có thể được đưa ra khỏi các
cảng của nước này để đến với thị trường thế giới, nó sẽ phải đi qua Biển Đen –
và Thổ Nhĩ Kỳ là nước kiểm soát lối vào biển. Vai trò quan trọng đó đã được nhấn
mạnh bởi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một tàu Nga bị cáo buộc chở ngũ cốc đánh cắp từ
Ukraine.
Nếu Thổ
Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi NATO và trở thành đồng minh trên thực tế của Nga,
Ukraine sẽ thực sự trở thành một quốc gia không giáp biển, và người Nga sẽ có mặt
ở Địa Trung Hải.
Cán cân an
ninh ở Trung Đông cũng sẽ trở nên phức tạp nghiêm trọng. Người Thổ Nhĩ Kỳ có sự
hiện diện quân sự lớn ở Syria. Dù họ có xung đột với người Mỹ về vai trò của
người Kurd, nhưng họ phản đối liên minh giữa Nga và chế độ Assad. Người Thổ Nhĩ
Kỳ cũng đã cung cấp nơi trú ẩn cho 3,7 triệu người tị nạn Syria – một hành động
nhân đạo giúp giảm bớt nhiều áp lực lên EU.
Cũng không
có nghi ngờ gì về việc Erdoğan đã làm hoen ố nghiêm trọng uy tín dân chủ của Thổ
Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, không giống như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không gây ra mối đe dọa an
ninh nào đối với phần còn lại của NATO – có lẽ là ngoại trừ Hy Lạp, quốc gia
đang trong tình trạng báo động bởi hành động của Erdoğan ở Biển Aegean. Là nước
nắm giữ tầm quan trọng quá lớn đối với NATO trong việc chống lại Nga, điều cần
thiết hơn bao giờ hết là giữ cho Thổ Nhĩ Kỳ ở bên cạnh mình.
Erdoğan hiểu
rõ điều đó. Ông ta đang tận dụng lợi thế mà cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại
cho mình. Tình huống đó đúng là sẽ khiến người ta giận dữ, nhưng không phải là
không thể quản lý được. Lãnh đạo người Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng thay đổi
quan điểm, nếu điều đó phù hợp với ông. Và các thành viên NATO khác cũng có những
lợi thế riêng mà họ có thể sử dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự linh hoạt
của Erdoğan được thể hiện qua sự thay đổi trong thái độ của ông đối với Ả Rập
Saudi. Người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đã bất hòa suốt nhiều năm – bị chia rẽ bởi
cuộc xung đột tranh giành vị trí lãnh đạo khu vực, và thái độ trái ngược của họ
đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo. Đã từng có giai đoạn Ả Rập Saudi tẩy chay hàng
hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Xét đến tình trạng tồi tệ hiện nay của nền kinh tế Thổ,
Erdoğan không còn có thể duy trì kiểu đối kháng đó. Vì vậy, ông đã hàn gắn quan
hệ với Ả Rập Saudi – gần đây, vị tổng thống đã tiếp đón Thái tử Mohammed bin
Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Saudi, tại Ankara.
Sự yếu kém
của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho các thành viên NATO khác một số lợi thế
để đối phó với Erdoğan. Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là gần 80% – phần lớn là do
sự quản lý kinh tế yếu kém của chính Erdoğan. Đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm
hơn 60% giá trị trong hai năm qua. Nước này đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai
khổng lồ, và đã có nhiều lời bàn tán rằng cuối cùng họ sẽ cần đến một gói cứu
trợ của IMF. Đó sẽ là một sự sỉ nhục đối với Erdoğan – khi mà cuộc bầu cử tổng
thống tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2023.
Để tránh
khỏi thảm họa kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng cần sự hỗ trợ của nước ngoài.
Đó là lĩnh vực mà các đồng minh NATO của nước này có thể giúp đỡ. Để nhận được
hỗ trợ kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải có thái độ phù hợp hơn đối với tư cách thành
viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Và nếu điều đó buộc người ta phải mặc cả
như ở chợ trời Grand Bazaar của Istanbul – thì hãy cứ để mọi thứ diễn ra như vậy.
.
=====================================================
.
Tại sao EU o bế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan?
Nguồn: “Europe
pays homage to Erdogan“, The Economist, 16/10/2015.
Biên dịch:
Vũ Hồng Trang & Nguyễn Thùy Dương
Vào thời
hoàng kim của đế chế Ottoman, các sứ thần nước ngoài muốn được hưởng đặc ân đều
đổ xô tới cung điện vua Ottoman, mang theo những lễ vật cống nạp hậu hĩnh và
không tiếc … Đọc tiếpTại sao EU o bế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan?
No comments:
Post a Comment