Friday 1 July 2022

CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN LÊN TIẾNG VỤ KHÁNH LY HÁT BÀI 'GIA TÀI CỦA MẸ' Ở ĐÀ LẠT (RFA)

 



Cục Nghệ Thuật Biểu diễn lên tiếng vụ Khánh Ly hát bài ‘Gia tài của Mẹ’ ở Đà Lạt    

RFA 

2022.06.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/performing-arts-department-on-the-case-of-mother-s-legacy-song-performed-by-khanh-ly-06302022095357.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/performing-arts-department-on-the-case-of-mother-s-legacy-song-performed-by-khanh-ly-06302022095357.html/@@images/6b9687d9-dac2-4d12-b047-3bd0e250883b.jpeg

Hình minh hoạ: Tấm biển quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly ở Hà Nội năm 2014  (AFP)

 

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 lên tiếng về vụ việc ca sỹ hải ngoại Khánh Ly hát bài Gia tài Của Mẹ trong một chương trình tại Đà Lạt.

 

Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của ông Trần Hướng Dương- Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn rằng, cơ quan của ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.

 

Bài hát Gia Tài Của Mẹ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được ca sỹ Khánh Ly hát trong đêm nhạc “Dấu chân địa đàng” tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đêm 25/6.

 

Truyền thông Nhà nước đưa tin bài này không có trong danh sách 24 bài hát được ban tổ chức sự kiện đăng ký và được nhà chức trách địa phương đồng ý duyệt.

 

Ngay sau đêm diễn, Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng để làm việc với ban tổ chức đêm nhạc là Công ty TNHH Mây Lang Thang. Sở đã lập biên bản xử lý hành chính và đang cân nhắc mức xử phạt đối với doanh nghiệp này vì cho rằng việc công ty này tự ý để ca sỹ Khánh Ly biểu diễn bài hát trên là vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

 

Nhiều người cho rằng bài hát Gia Tài Của Mẹ, được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1965, còn bị cấm ở Việt Nam là trong bài hát có câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” ám chỉ thời gian 1945-1965. Trong thời gian này có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài chín năm từ năm 1945 đến 1954.

 

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, bác sỹ quân y Đinh Đức Long, từ thành phố Hồ Chí Minh nói:

 

Theo tôi biết bài hát mà bà Khánh Ly hát mà bị người ta nhắc nhở không nằm trong chương trình. Nếu một bài hát không nằm trong chương trình mà ca sỹ cứ hát còn ban tổ chức cứ để việc đó xảy ra thì cả hai bên đều có sai phạm và việc xử lý là đúng pháp luật.”

 

Bác sỹ Long cũng cho rằng nội dung bài hát Gia Tài Của Mẹ xuyên tạc lịch sử dân tộc vì đánh đồng cuộc kháng chiến chống Pháp với nội chiến, và do vậy việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là đúng.

 

Tuy nhiên, những người dân khác như ông Nguyễn Quang Vinh ở Hà Nội và Quang Hữu Minh ở thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Cả hai ông cho rằng việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và ảnh hưởng xấu đến hoà giải dân tộc.

 

Trong tin nhắn với RFA, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết:

 

“Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) được Chính phủ ban hành thay Nghị định 79 trước đây bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Như vậy ca khúc "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn nằm trong điều chỉnh của Nghị định này. Tôi không rõ lý do của việc ‘xử lý’ của Sở Văn hóa TT& DL tỉnh Lâm Đồng như thế nào, vì lý do gì nhưng việc ‘xử lý’ này là trái với Nghị định 144.”

 

Một nhà kinh tế ở tỉnh Nghệ An nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, rằng việc Lâm Đồng xử lý ban tổ chức đêm nhạc của Khánh Ly là: “một hành động dại dột và phản tác dụng vì trong thời đại thế giới thông tin phẳng, việc xử phạt càng gây ra sự tò mò cho dân chúng và kích thích sự phát tán. Nếu không xử phạt thì nhiều người không biết nhưng sau sự việc này thì rất nhiều trong số họ tìm hiểu về bài hát.”

 

Ông cũng cho rằng lý do việc xử phạt cũng là do sự máy móc và sợ trách nhiệm của viên chức nhà nước. Họ thường hành động theo văn bản chỉ đạo mà không hiểu hậu quả sẽ đến sau đó.

 

Ông nhấn mạnh mọi cấm đoán ở Việt Nam, trong đó có cấm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật biểu hiện sự độc quyền chân lý của Đảng.

 

Ông nói thêm, Nhà nước Việt Nam hiện tại hay nói về chính sách hoà giải dân tộc, tuy nhiên, Chính phủ chỉ nói đầu môi để tuyên truyền chứ không có một kế hoạch hay chương trình cụ thể hoặc biện pháp thực hiện. 

 

Họ cứ nói hoà giải hoà hợp suông thế nhưng những gì không có lợi cho Đảng hay một phe nhóm nào đó trong đảng hoặc thậm chí cho chính những người thực hiện trực tiếp, thì họ không làm.” 

 

Ông Quang Hữu Minh nói nhiều bài hát bị nhà chức trách Việt Nam cấm vì nội dung nói lên thực trạng của Việt Nam.

Gia Tài Của Mẹ là một trong ba bài hát của Trịnh Công Sơn hiện chưa được nhà chức trách Việt Nam cho phép biểu diễn ở Việt Nam. Hai bài kia là Bài Ca Dành Cho Những Xác Người và Hát Cho Người Nằm Xuống.

 

Có hơn 50 ngàn lượt tìm kiếm từ khóa "Gia tài của mẹ" trên công cụ tìm kiếm Google chỉ trong ngày 29/6, sau khi có thông tin người tổ chức đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly bị mời lên làm việc vì bà hát ca khúc chưa được cấp phép của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Hồi năm 2020, chính quyền bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975, thay vào đó, Nhà nước sẽ quản lý tác phẩm bằng cách hậu kiểm.

 

------------------------

Tin, bài liên quan

·         Kỷ luật cảnh cáo đối với đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly

·         Ca sĩ Khánh Ly sắp về hát tại Việt Nam





No comments:

Post a Comment

View My Stats