Sunday, 3 July 2022

CON ĐƯỜNG LÀO CHO ĐÔNG LÀO? (Dương Quốc Chính)

 



CON ĐƯỜNG LÀO CHO ĐÔNG LÀO?

Dương Quốc Chính

3-7-2022  06:36   

https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/pfbid02i1tyJYMB9wvha86ib4ZPzBVMQxYLfDfkBejaY1qfut4dcfe1UqZ433UFqAwVfbrQl 

 

Hôm trước mình mới xem lại trên Youtube 1 video quay lại talk show Midnight talks. Diễn giả là TS Nguyễn Sĩ Dũng, được giới thiệu Nguyên Phó CN VP QH, từng trong tổ tư vấn của TTg Nguyễn Tấn Dũng và được người host là TS Nguyễn Anh Tú (GĐ NXB ĐH Kinh tế Quốc dân) giới thiệu là “chuyên gia hàng đầu về khoa học chính trị, tham gia soạn thảo luật/hiến pháp”, đại khái là chuyên gia hàng đầu về KHCT của chế độ ta. Có thể là người rành về thể chế nhất từ trước đến nay do đã từng ở vị trí tư vấn chính sách cho TTg?

 

TS trình bày khoảng 45 phút về vấn đề thể chế, bàn về CON ĐƯỜNG GIÚP VIỆT NAM HÓA RỒNG. Ông đưa ra mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển của các nước/lãnh thổ Đông Bắc Á (Nhật, Hàn, Đài), ông cho cả TQ và Singapore vào nhóm này.

 

Mô hình nhà nước Kiến tạo phát triển không phải là 1 khái niệm mới, ông Dũng dùng lại thôi.

 

Nhà nước kiến tạo phát triển là một hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nó được áp dụng ở Đông Bắc Á trong thời chiến tranh lạnh như là một mô hình chủ nghĩa tư bản trong đó nhà nước đóng vai trò lớn trong việc định hướng và hỗ trợ nền kinh tế, nhưng nhà nước không kiểm soát nền kinh tế, không phải kinh tế kế hoạch kiểu CS.

 

Mô hình nhà nước nói trên được nhắc tới có sự giống nhau về điều hành kinh tế thôi, chứ về mô hình thể chế là khác nhau (tổng thống, bán tổng thống, nghị viện, quân chủ lập hiến…). Mình chỉ không hiểu sao TS Dũng lại nhét luôn mô hình nhà nước Singapore và TQ vào nhóm này? Rõ ràng nhà nước TQ thì can thiệp vào kinh tế mạnh hơn Nhật, Hàn, Đài (CS mà), còn Singapore thì can thiệp ít hơn nhiều. Singapore thì giống Hongkong hơn, con đường phát triển kinh tế rất khác với con rồng kia. Theo như lý giải của TS Dũng thì ông cho rằng là vì mấy nước này CÓ VĂN HÓA ĐÔNG BẮC Á. Nói thực là nhận xét như vậy khá là hời hợt, không đi vào bản chất của mỗi nước và mình vẫn cho rằng mô hình Đông Bắc Á kia chỉ bao gồm 3 con rồng đó mà thôi. Họ phát triển dựa vào xuất khẩu, ban đầu thì nhà nước bảo hộ thương mại để tăng cán cân xuất khẩu. Dùng xuất khẩu, chủ yếu là hàng lắp ráp cho phương Tây, để tăng trưởng kinh tế. Hàn và Đài thì sau khi phát trưởng tương đối rồi thì dân chủ hóa, trước đó họ vẫn duy trì độc tài.

 

TQ cũng học theo 3 con rồng kia, dựa vào xuất khẩu và làm công xưởng cho thế giới để tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhà nước TQ kiểm soát kinh tế nhiều hơn 3 nước kia. Nhưng TQ còn có doanh nghiệp nhà nước, nhà nước vẫn kiểm soát 1 số ngành, còn 3 nước kia thì không. Họ có thể can thiệp vào các tập đoàn tư nhân, kiểu Park Chung Hee ép các Chaebol làm việc này việc khác, chứ họ không để doanh nghiệp nhà nước trực tiếp làm. Khác nhau rất nhiều đó.

 

Việt Nam thực ra lâu nay cũng đang đi theo con đường đó của TQ, tuy không dám nhận công khai là như vậy. Vì thế, cần nói toẹt ra là Việt Nam đang theo mô hình copy của TQ, chứ không phải Kiến tạo phát triển của Đông Bắc Á. Vì thể chế CS làm sao mà đi theo mô hình tư bản kia được, như TS Dũng có nói là “Chúng ta không tự nhảy qua đầu mình được”. Thực tế về tự do kinh tế, tức là về mức độ kiểm soát của nhà nước thì Việt Nam con đang nặng hơn TQ. Vì TQ không còn DN Quân đội từ 20 năm rồi, Việt Nam thì vẫn còn. DN QĐ làm việc trong cả lĩnh vực dân sự thì là quái thai của nền kinh tế.

 

Tóm lại, tuy đề xuất mô hình nhà nước Kiến tạo phát triển (đúng ra là của 3 con rồng) nhưng TS lại gán ghép TQ và Singapore vào đó để né đi việc Việt Nam đang theo mô hình TQ, là thủ pháp pha loãng hình ảnh TQ vào với hình ảnh 3 con rồng cộng với Singapore. Ông cũng luôn mồm ca ngợi sự tăng trưởng vượt bậc của TQ và coi đó là 1 bài học chuẩn mực nhất cho Việt Nam. Lý giải của ông đơn giản chỉ là vì Việt Nam và các nước kia có sự tương đồng về văn hóa Nho giáo và cộng thêm lý do dưới đây.

 

TS Dũng dẫn ra các trường hợp khác thừa hưởng mô hình thể chế kiểu Anh ở các nước cựu thuộc địa. Nhưng có nước thành công như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada nhưng thất bại ở Ấn Độ, Philippines, Pakistan và các nước châu Phi (có lẽ ông ám chỉ Zimbabwe?). Lý do ông đưa ra cũng rất giản đơn là vì: “Các nước đó không có văn hóa tương đồng với Anh, là nguyên nhân căn bản nhất”. Tức là mô hình nhà nước Điều chỉnh (kiểu Anh Mỹ, thị trường tự điều tiết, nhà nước ít can thiệp) đã không thành công vì lý do văn hóa.

 

TS Dũng còn cho rằng mô hình nhà nước phúc lợi kiểu Bắc Âu cũng chỉ thành công ở Bắc Âu và không thành công ở nơi nào khác cũng vì lý do văn hóa. Ông cho rằng văn hóa Bắc Âu người ta “Biết thế nào là đủ, không cần thật nhiều, người ta làm ra 10 đồng mà nhà nước thu thuế 8 đồng người ta vẫn chấp nhận”.

 

Thực ra chả phải do văn hóa Bắc Âu nó vậy mà do các CP Bắc Âu họ minh bạch, ít tham nhũng nhất thế giới, nên người dân tin tưởng mà đóng thuế cao. Họ tin rằng tiền thuế của họ không bị thất thoát, đơn giản vậy thôi. Họ đóng thuế cao để chính họ và con cháu họ được hưởng phúc lợi cao thôi. Dân Bắc Âu cũng có dân trí cao, tinh thần tự lực và liêm sỉ cũng cao nên họ mới không ỉ lại ngồi không để hưởng trợ cấp.

 

Qua những nhận định trên, mình thấy TS Dũng lấy lý do chủ yếu (không thấy nhắc thêm lý do nào khác) là văn hóa là rất hời hợt, sơ sài, không xứng với danh xưng là chuyên gia hàng đầu về khoa học chính trị và thể chế, với những vị trí đã từng nắm giữ.

 

Mình cũng tìm hiểu về lý do 1 số nước theo thể chế dân chủ, cựu thuộc địa Anh, thì lại giàu mà 1 số nước lại không thành công. Tìm câu trả lời không dễ, không đơn giản như TS Dũng trình bày. Trước mình đã viết status phân tích lý do tại sao Ấn Độ và Philippines DC mà vẫn nghèo, đặc biệt là tại sao Zimbabwe cựu thuộc địa của Anh mà lại siêu nghèo. Ai theo dõi mình lâu chắc đều biết. Lý do tóm tắt lại cũng không phải vì vấn đề văn hóa mà chủ yếu liên quan tới dân trí của những kẻ nắm quyền. Dân trí ở đây được hiểu là nhận thức chính trị, kinh tế.

 

Tại sao có nước cựu thuộc địa Anh/Mỹ lại giàu mà vẫn có nước nghèo?

 

Các nước cựu thuộc địa Anh như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada (chính xác ra là có cả cựu thuộc địa Pháp, do Mỹ và Canada có bang thuộc Pháp) không hoàn toàn thừa hưởng mô hình thể chế kiểu Anh. Mỹ có mô hình thể chế hoàn toàn khác biệt so với Anh. Các nước trên, cả Nam Phi nữa, đều là thuộc địa di dân da trắng, khi giành độc lập thì cũng là dân da trắng cướp chính quyền. Tức là nhóm thực dân ở thuộc địa giành độc lập khỏi mẫu quốc, chứ không phải dân bản xứ giành độc lập. Người bản xứ vẫn nằm dưới quyền cai trị của dân da trắng, thực dân cũ. Vì thế về mặt dân trí thì những người lãnh đạo các xứ này chẳng kém gì dân mẫu quốc cả. Tất nhiên vì cũng là da trắng nên văn hóa là 1, nhưng chỉ thấy văn hóa tương đồng thì tức là chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Vì văn hóa không thể dùng để điều hành quốc gia. Kiến thức mới là thứ để điều hành nhà nước được.

 

Còn các nước không thành công như Zimbabwe, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Myanmar?

 

Các nước này, trừ Zimbabwe, có đặc điểm chung là giành độc lập khá sớm sau khi thế chiến 2 kết thúc, khoảng năm 1947 và chính quyền mới đều do dân bản xứ điều hành. Đa phần các nước này đều đánh đuổi bằng bạo lực hay áp lực để người da trắng không còn vai trò gì nữa (bao gồm cả Zimbabwe).

 

Ấn Độ và Pakistan và Bangladesh vốn là nước Ấn Độ thời thuộc Anh, khi độc lập thì tách làm Ấn Độ và Pakistan, rồi sau đó Pakistan tách riêng Bangladesh.

 

Ấn Độ sau khi giành độc lập 1 cách ôn hòa từ thực dân Anh thì chạy theo KINH TẾ KẾ HOẠCH theo mô hình LX. Tương tự vậy với Myanmar. Pakistan và Myanmar 1 thời gian dài được quản lý bởi độc tài quân sự.

 

Như vậy là 3 nước tách ra từ Ấn Độ thuộc Anh không hề được kế thừa mô hình thể chế kiểu Anh như TS Dũng nói. Đặc biệt là Ấn Độ dân chủ nhưng kinh tế kế hoạch dưới thời gia đình Ghandi nắm quyền và mới chỉ cải cách vào thập niên 90.

 

Philippines cũng có độc lập từ Mỹ nhưng nhanh chóng rơi vào nền độc tài của Ferdinand Marcos gần 3 thập kỷ. Đây là nền độc tài tham nhũng nặng nề, nên kinh tế kiệt quệ.

 

Viết cụ thể nữa thì quá dài. Mọi người có thể tham khảo cuốn Vì sao các quốc gia thất bại? Để biết thêm chi tiết. Lý do thất bại hay thành công không thể trả lời đơn giản chỉ là do văn hóa. Về đại thể, các nước cựu thuộc địa không thành công đều do dân bản xứ nắm quyền, họ đánh đuổi thực dân và ngả theo cánh tả (kinh tế kế hoạch) hoặc theo CS hay độc tài, điểm chung là thiếu tự do kinh tế do độc tài hoặc kinh tế kế hoạch.

 

Ba nước con rồng kia có 1 con đường khác, Nhật chưa từng là thuộc địa, nhưng 2 nước kia lại là thuộc địa của Nhật. Nên thực tế là Nhật giữ vai trò anh cả trong 3 con rồng Đông Bắc Á do trước thế chiến Nhật đã là cường quốc do cải cách thế chế theo mô hình Anh, Mỹ. Vì thế nên giai đoạn hậu chiến họ nhanh chóng hóa rồng và đi sau là Hàn, Đài. Hàn, Đài cũng từng có chính quyền độc tài, nhưng họ vẫn duy trì được kinh tế tự do. Vì vậy, mô hình chính xác nhất để có tăng trưởng của họ là duy trì được kinh tế tự do, nhà nước chỉ tác động 1 phần, như định hướng các tập đoàn tư nhân nhưng không làm thay. Văn hóa Nho giáo tương đồng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Việt Nam và TQ cũng có văn hóa Nho giáo nhưng đã đi theo đường khác, chỉ hơi na ná mô hình của 3 nước kia mà thôi.

 

Còn sự thành công của Singapore rất khác, họ không đánh đuổi thực dân Anh mà đấu tranh ôn hòa để có thêm 20 năm học hỏi từ người Anh, tới thập kỷ 60 mới có độc lập. Tuy cũng do dân bản xứ nắm quyền nhưng vì không có đào tận gốc trốc tận rễ nên họ vẫn kế thừa được mô hình thể chế và kinh tế của Anh (kinh tế tự do). Đó là lý do Singapore và Malaysia khá thành công. Singapore có thuận lợi hơn Malaysia vì có logistics (cảng biển) nên có thị trường Tài chính quốc tế phát triển (ăn theo cảng quốc tế). Người Hoa chiếm đa số cũng là thuận lợi về dân trí (kinh tế) của Singapore.

 

Cũng khá buồn cười khi TS Dũng cho rằng TTg Phúc và TTg Chính đang đi theo mô hình kinh tế kiểu phương Tây chứ không phải mô hình Kiến tạo phát triển (nay đã lỗi thời). Thực ra là các Ttg Việt Nam vẫn đang lẽo đẽo chạy theo mô hình TQ. Tất nhiên có phần cố gắng tự do hóa thêm nền kinh tế nhưng vẫn thua xa TQ chứ so sao được với phương Tây.

 

Tổng kết lại, TS Dũng có một phần trình bày không dài nhưng còn chứa rất nhiều vấn đề gây tranh cãi với những lý giải gượng ép và hời hợt về văn hóa và Nho giáo, để đề xuất 1 mô hình nhà nước kiểu Đông Bắc Á “mở rộng”, lẽ ra cần nói thẳng là mô hình TQ thì dễ hình dung hơn là tung hỏa mù là Nhà nước kiến tạo phát triển kiểu Tư bản nhà nước kiểm soát 1 phần nền kinh tế, hiện này cũng không còn được áp dụng ở chính 3 nước trên.

 

Mô hình TQ hiện nay đúng là phù hợp với Việt Nam nhất, lý do chính là để duy trì được chế độ chứ chả phải do văn hóa tương đồng mà là thể chế tương đồng. TS Dũng có 1 số phát biểu cấp tiến như phê phán tham nhũng, phê phán Việt Nam là khó chống tham nhũng do cơ quan tư pháp không độc lập. Nhưng nhìn chung là ông cũng không thể tự nhảy qua đầu mình được, vì cái gốc là quan chức nhà nước, cũng chỉ có thể nhận thức nửa chừng xuân như vậy, sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn giữa duy trì chế độ và phát triển kinh tế, chống tham nhũng.

 

.

Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=2380829602069989&set=a.109210389231933

 

.

172 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats