Friday, 15 July 2022

BIDEN CÔNG DU SAUDI ARABIA hay SỰ TRỞ LẠI CỦA CHÍNH SÁCH THỰC DỤNG? (Minh Anh / RFI)

 



Biden công du Ả Rập Xê Út hay sự trở lại của chính sách thực dụng ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 15/07/2022 - 14:52

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220715-biden-c%C3%B4ng-du-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-hay-s%E1%BB%B1-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-th%E1%BB%B1c-d%E1%BB%A5ng

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong hai ngày 15-16/07/2022, công du chính thức Ả Rập Xê Út. Ngay trong quá trình vận động tranh cử, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, Joe Biden đã « ngó lơ » Ả Rập Xê Út. Nhưng cuộc chiến ở Ukraina và bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông buộc chủ nhân Nhà Trắng phải xem xét lại học thuyết của mình, không thể tiếp tục « ruồng bỏ » Ả Rập Xê Út.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/1c4eb30e-043b-11ed-8ebc-005056a90321/w:1024/p:16x9/AP22195653347223.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Jerusalem, Israel, ngày 14/07/2022. AP - Ronen Zvulun

 

Điều bất thường là trước khi lên đường đến Trung Cận Đông, tổng thống Mỹ đã có bài viết trên diễn đàn báo Washington Post để giải thích cho quyết định của mình. Chủ nhân Nhà Trắng thừa nhận chuyến công du này không được nhiều người đồng tình nhưng theo ông, Hoa Kỳ phải « từ bỏ chính sách phó mặc được kế thừa » từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, và nhắc lại rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, mục đích của ông là « tái định hướng nhưng không đoạn tuyệt các mối quan hệ. »  

 

Quan hệ « đối tác ưu tiên » giữa Mỹ - Ả Rập Xê Út, được ràng buộc bởi « Hiệp ước Quincy » nổi tiếng, đúc kết từ năm 1945. Trong vòng 30 năm gần đây, không một tổng thống Mỹ nào không đến thăm Riyad từ George Bush (Cha), Bill Clinton, G.W. Bush (Con), Barack Obama hay Donald Trump. Nhưng vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 trong tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul đã làm chao đảo mối quan hệ đặc biệt này.   

 

Joe Biden – trong quá trình vận động tranh cử cam kết hạ mức quan hệ với Riyad, nhằm thể hiện quan điểm đối lập với người tiền nhiệm – đã giữ đúng lời hứa khi xem việc bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền như là một ưu tiên.   

 

Ả Rập Xê Út là nút thắt để giải quyết khủng hoảng năng lượng

 

Chỉ có điều, như phân tích của David Rigoulet-Roze, giảng viên và nhà nghiên cứu thuộc Viện Phân tích Chiến lược Pháp (Ifas) trên đài truyền hình Pháp France 24, chính sách thực dụng đã thắng thế, buộc Joe Biden phải bảo vệ các lợi ích địa chính trị và chiến lược của Mỹ. « Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã lật lại mọi thế cờ khi làm cho giá dầu hỏa tăng vọt và gây ra lạm phát tác động mạnh đến toàn bộ các nước phương Tây, trong đó có MỹTình thế này đã trao lại cho Ả Rập Xê Út một vị trí trung tâm mà Joe Biden khó thể bỏ qua » trong nhiều hồ sơ nóng.  

 

Thứ nhất là trong vấn đề năng lượng. Washington muốn Riyad mở thêm van dầu hỏa để hạ nhiệt giá nhiên liệu trên thị trường thế giới và giảm nhẹ lạm phát, không những đang đè nặng lên nền kinh tế mà còn có nguy cơ tước mất các cơ hội của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.  

 

Thứ hai là hồ sơ hạt nhân Iran. Mối lo này được thể hiện rõ trong bài viết trên diễn đàn báo Washington Post. Tổng thống Mỹ tuyên bố xem xét « sâu rộng » tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Ả Rập, khởi động dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Theo giải thích của nhà nghiên cứu David Rigoulet-Roze, « Hoa Kỳ bắt đầu nhận thấy là họ có nguy cơ không thể đúc kết được một thỏa thuận hạt nhân với Teheran. Hệ quả là, mục tiêu của Mỹ kể từ giờ kềm chế Iran bằng cách thiết lập một cấu trúc phòng thủ khu vực khi phối hợp Israel và các nước Ả Rập khác. Và người ta không thể có được hệ thống an ninh chung hoàn thiện nếu không có Ả Rập Xê Út ».  

 

Xu hướng này đã được nguyên thủ Mỹ khẳng định trong những phát biểu tại Israel hôm thứ Năm 14/7, khi tuyên bố ưu tiên ngoại giao nhưng không quên nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ « không phí công chờ đợi mãi » Iran để đạt được một thỏa thuận vào lúc các cuộc thương lượng đang rơi vào bế tắc.  

 

Nỗi lo đô la yếu thế trước nhân dân tệ

 

Cuối cùng, tuy ít được truyền thông để ý tới, nhưng trong bài viết nói trên, tổng thống Mỹ chỉ nói thoáng qua vài từ liên quan đến cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh : « đặt nước Mỹ trong một thế tốt nhất để thay thế Trung Quốc ». Phát biểu này nhằm ám chỉ đến việc hồi đầu năm 2022, hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane từng đánh tiếng rằng Ả Rập Xê Út rất có thể niêm yết giá bán dầu hỏa cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ chứ không phải bằng đô la.   

 

Nếu điều đó xảy ra, đây chẳng khác gì là một quả bom trong một lĩnh vực mà hầu hết các cuộc giao dịch trên thị trường dầu khí đều được thực hiện bằng đồng đô la. Với ông David Rigoulet-Roze, « một sự thay đổi như thế sẽ là một sự đảo lộn quan trọng » cho uy tín và vị thế siêu cường của Mỹ trên trường quốc tế.  

 

Một lời dọa dẫm tuy không thẳng thừng, nhưng không thừa thãi, một thông điệp nhẹ nhàng nhưng đủ để buộc Washington phải lắng nghe ! Riyad từ vị thế « bị ruồng bỏ » chỉ trong vài tháng đã chuyển thành đối tác không thể thiếu của Mỹ tại Trung Đông. Thế mới biết, tư tưởng thực dụng trong địa chính trị lấn át cả tầm nhìn thế giới của Joe Biden !  

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

MỸ - TRUNG ĐÔNG

Nước Mỹ thời Biden : Chính sách nào cho khu vực Trung Đông ?

 

PHÂN TÍCH

Biden và Putin cùng đến Trung Đông: Khi tam giác an ninh Mỹ-Irael-Ả Rập Xê Út đấu với trục Nga-Iran

 

HOA KỲ - TRUNG ĐÔNG

Hoa Kỳ trước « cơ hội lịch sử » cho hòa bình và phát triển ở Trung Đông





No comments:

Post a Comment

View My Stats