Saturday, 5 September 2020

NHẬN DIỆN MỘT BẾ TẮC CỦA THỜI ĐẠI và BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Nguyễn Việt Anh)

 


Nhận diện một bế tắc của thời đại và bài học cho Việt Nam

Nguyễn Việt Anh

4/09/2020

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/18667-nh-n-di-n-m-t-b-t-c-c-a-th-i-d-i-va-bai-h-c-cho-vi-t-nam

 

Từ câu chuyện cách mạng tại Belarus

 

Bài viết này lấy cảm hứng từ cuộc phỏng vấn trên tờ tạp chí Osteuropa (Đông Âu) với bà Olga Shparaga, một giáo sư triết học, một nhà vận động cho bình đẳng và quyền phụ nữ nổi tiếng của Belarus. Cuộc phỏng vấn diễn ra ngay trong thời điểm hàng chục ngàn người đổ về trung tâm thành phố Minsk, thủ đô Belarus, tuyên bố cuộc bầu cử vào hồi tháng 8 vừa qua là bịp bợm và Lukashenko phải từ chức.

https://live.staticflickr.com/65535/50305037547_428d23dfed.jpg

Bà Olga Shparaga, một trong những trí thức hàng đầu của Belarus vẫn chưa biết được tương lai của đất nước này sẽ đi về đâu ?

 

Liên Âu đã ủng hộ sự ủng hộ nồng nhiệt với những người biểu tình trong khi Putin hứa hẹn sẽ gửi quân đội giúp Lukashenko trấn áp người biểu tình, tất nhiên đó chỉ là một lời hứa suông và rất ít khả năng xảy ra. Phải đối mặt với sự phẫn nộ lớn đến từ quần chúng cũng như của cộng đồng quốc tế và vì không có một đồng minh đáng kể nào, Lukashenko đã hiểu, dù ông ta có thể dẹp yên tình hình trong những tháng ngày tới nhưng chế độ đã bị lung lay và ngày cáo chung của nó không còn bao xa. Trong những tháng ngày còn lại của chế độ, Lukashenko có lẽ cũng không làm được gì hơn ngoài việc chuẩn bị một cái kết tốt nhất cho mình và những người thân cận. Một viễn cảnh tương lai mới sẽ bắt đầu trên đất nước Belarus, dù đó chỉ là một tương lai vô định và không có gì rõ ràng (uncharted waters). Và đó cũng là một nội dung mà cuộc phỏng vấn này có đề cập.

 

Cuộc phỏng vấn được mở đầu với câu hỏi : "Một trong nhưng khẩu hiểu lớn của cuộc biểu tình chống chính quyền Lukashenko là Cộng hòa Belarus muôn năm ! Vậy đây có phải là một cuộc cách mạng lập quốc (a national revolution) của người Belarus ?".

 

Olga Shparagađã cố gắng mô tả những góc nhìn của bà về những diễn biến chính trị của Belarus. Theo bà, đây là một cuộc cách mạng hậu quốc gia vì quốc gia Belarus đã có sẵn rồi, và người dân Belarus đang tập trung đòi hỏi những quyền hiến định, những quyền công dân căn bản mà mọi nước dân chủ đều phải có. Bà cũng chỉ ra những thành phần tham gia những cuộc biểu tình đều không mang nặng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cổ súy hệ thống gia trưởng truyền thống hay ý niệm một quốc gia đồng chủng, đồng nhất như phong trào dân túy hiện nay đang đòi hỏi. Thế nhưng, trên tất cả, liệu Belarus có tránh được một câu hỏi lớn và thực sự nghiêm túc về ý niệm quốc gia mà bà Olga Shparaga đã vô tình không nhìn nhận ra ?

 

Đầu tiên, bà Olga Shparaga cho rằng quốc gia Belarus đã sẵn có rồi. Vậy một quốc gia thực sự được hình thành từ bao giờ ? Có lẽ, ý niệm quốc gia thực sự được hình thành vào thế kỷ 18 song song với làn sóng dân chủ thứ nhất (đại diện là hai cuộc cách mạng lớn : Cách mạng Hoa Kỳ 1776 và Cách mạng Pháp 1789) nhằm lật đổ các chế độ quân chủ dựa trên thần quyền và khai sinh ra các nhà nước cộng hòa. Nhà nước cộng hòa thẳng thắn bác bỏ lập luận rằng chủ quyền đất nước thuộc về một vị vua chúa hay một thế lực nào đó mà nhìn nhận quốc gia là không gian chung của tất cả mọi người trong cùng một dân tộc. Không gian bình đẳng và tương kính đó chuyên chở tình đồng bào, tình anh em, tình cảm liên đới của một dân tộc, cùng chia sẻ những giá trị tiến bộ và một giấc mơ chung. Đó chính là nền tảng căn bản để một quốc gia thực sự được hình thành.

 

Nền cộng hòa của Belarus được ra đời từ khi nào ? Đó là vào ngày 25 tháng 3 năm 1918 khi cuộc thế chiến thứ I đã kết thúc. Chúng ta sẽ không đi sâu vào nhưng sự kiện, nhân vật chi tiết trong nền cộng hòa đó, nhưng có một số chi tiết lớn cần quan tâm : Đây là một nền cộng hòa diễn ra rất ngắn ngủi và hầu như không đọng lại một ấn tượng đáng kể nào trong ký ức tập thể của người Belarus. Sau thế chiến thứ I, quân đội Đức buộc phải rời khỏi lãnh thổ Belarus, họ đã âm thầm hậu thuẫn để ra đời một nhà nước độc lập với Nga (a buffer state) dù không chính thức thừa nhận cộng hòa Belarus. Vào năm 1919, khi tình thế thay đổi, những người Bolsheviks đã giật dây lực lượng cộng sản lật đổ cộng hòa Belarus và tiến hành sát nhập Belarus vào một phần lãnh thổ của Liên Xô.

 

Như vậy, nền cộng hòa này là một sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử chứ không phải của một sự chuẩn bị lớn nào. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, nước Bạch Nga - Belarus luôn là một phần của đế chế Nga và họ chỉ có được độc lập nhờ một biến cố lịch sử lớn.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50304188303_ab0c2ae366.jpg

Vì không có tư tưởng chính trị và một tổ chức đối lập dân chủ thực sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lôi kéo Belarus, một đất nước với 9 triệu rưỡi dân, hội nhập lại với Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh minh họa buổi họp mặt tay đôi giữa Tổng thống Vladimir V. Putin, phải, và Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko của Belarus ở Sochi, ngày 7/2/2020

 

Một biến cố khác đến vào năm 1991 khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ dẫn đến sự tan rã của nhà nước liên bang Xô Viết. Trong thời khắc lịch sử đó, người Ukraine, Georgia và khắp vùng Baltics đã hò reo và phấn khởi khi tách khỏi Nga và trở lại là những quốc gia độc lập. Người Đông Âu đổ ra đường ăn mừng sự qua đi của những ngày tháng sống trong gọng kìm của khối cộng sản, mở ra một cơ hội để họ khám phá những giá trị riêng, căn cước riêng về dân tộc, đất nước của mình với cái tên "hành trình trở về Châu Âu" (a return to Europe, hay a westernization project).

 

Tuy nhiên, trái với sự phấn khởi mà chúng ta thấy ở hầu hết các nước thuộc khối cộng sản Đông Âu, không khí những ngày tháng đó tại Belarus hoàn toàn chìm trong trầm lắng và chờ đợi. Sự bất an nhiều hơn tâm lý vui mừng trước làn sóng dân chủ hóa, sự căng thẳng nhiều hơn niềm phấn khởi có được độc lập. Người Belarus hoàn toàn bối rối trước cơ hội độc lập từ trên trời rơi xuống này.

 

Khi sự bất mãn đạt đỉnh điểm vào cuối những thập niên 80, người dân Belarus cũng đổ xuống đường như những dân tộc khác trong khối cộng sản, nhưng với tâm thế là những công dân Xô Viết muốn bày tỏ sự bất mãn với sự bế tắc và tham nhũng của chính quyền trung ương tại Moscow, sau khi bị đánh động bởi thảm họa hạt nhân Chernobyl.

 

Nhưng rồi lịch sử đã đặt họ vào một tình huống bị động và bối rối, trí thức Belarus, đang trong tâm thế say mê với chủ nghĩa thị trường mà họ vừa học lỏm được từ phương Tây, không hề bận tâm trả lời câu hỏi lớn của quần chúng : Belarus phải bắt đầu một cuộc sống mới thế nào khi không còn là một phần của đế quốc Nga ?

 

Thật dễ hiểu khi chế độ độc tài Lukashenko được thiết lập và được chấp nhận bởi dân chúng Belarus. Chế độ ấy vẫn có sự đàn áp, nhưng hoàn toàn dễ thở và tự do hơn cuộc sống thời cộng sản Xô Viết. Chế độ này không hứa hẹn một cuộc cách mạng đổi đời, nhưng nó hứa hẹn cải thiện một mức độ sung túc khiêm tốn (modest prosperity) và những tiện ích căn bản như nhà ở, lương cơ bản, chăm sóc sức khỏe, chế độ hưu trí mà mọi công dân Xô Viết từng khao khát sau khi bỏ cả một cuộc đời phục vụ và cống hiến. Trước cơ hội đổi đời lịch sử đó, người dân Belarus bối rối và không biết mình sẽ trôi dạt về đâu, cuối cùng sự lựa chọn sống trong chế độ Lukashenko, một mô hình Xô Viết thu nhỏ nằm trong quỹ đạo của Nga, có vẻ là một lựa chọn an toàn với quần chúng.

 

Tuy vậy, Belarus đã trở thành một dân tộc độc lập và họ ngày càng ý thức rõ hơn về điều đó. Người Belarus nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình không còn bị nhìn nhận như những con người có tư tưởng cực hữu, quốc gia quá khích. Giới trẻ ngày càng đón nhận và sử dụng ngôn ngữ Belarus. Thậm chí, chính quyền Lukashenko vốn được coi là một chính quyền thân Nga và luôn đàn áp bản sắc văn hóa Belarus cũng đã ra sức quảng bá cho ngôn ngữ Belarus sau xung đột dầu khí năm 2007.

 

Trong những hoàn cảnh bắt buộc, Lukashenko đã lấy thái độ cứng rắn với Nga để lấy lòng quần chúng. Khi người dân càng thấy rõ căn cước quốc gia của mình bao nhiêu họ càng cảm thấy phẫn nộ với chế độ Lukashenko, một lực lượng đã cư xử như những kẻ chiếm đóng, một thế lực ngoại lai và lấy đi biết bao cơ hội đổi đời của họ, bấy nhiêu. Những hành xử vụng về của Lukashenko trong đại dịch Covid-19 đã đẩy sự bất mãn của quần chúng với chế độ hiện tại lên cao. Sự xuống cấp, tham nhũng trong bệnh viện, trường học được phơi bày và dân chúng hiểu rằng những gì chế độ Lukashenko hứa hẹn không còn có thể đảm bảo và họ không thể tiếp tục né tránh vấn đề chính trị.

 

Dù căng thẳng và biểu tình vẫn tiếp tục leo thang, dường như không có một đồng thuận lớn nào về tương lai của Belarus. Chúng ta vẫn thấy những cuộc thảo luận đang tiếp diễn xem liệu Belarus nên trở thành một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hay trở thành một nước dân chủ, có một mức độ độc lập với Nga lớn hơn và bắt đầu thiết lập quan hệ với Liên Âu, hay trong trường hợp tệ nhất, họ vẫn phải chấp nhận đứng im một chỗ để cho một nhân vật khác trong chính quyền Lukashenko đứng ra cầm quyền, với những cải tổ và một mức độ dân chủ hóa cao hơn ?

 

Trong hoàn cảnh nào thì Belarus cũng phải cần đến một lực lượng chính trị có tầm vóc để dẫn dắt cuộc chuyển tiếp này. Nhưng hiện tại Belarus không có một tổ chức đối lập dân chủ có tầm vóc lớn ngoài những đảng quốc gia, dân chủ Thiên Chúa Giáo, dân chủ xã hội chưa kịp chuyển hóa để phù hợp với những tư tưởng, vấn đề của thời đại. Sự hiện diện của một lực lượng có tổ chức, có dự án chính trị bài bản, vạch ra một tương lai rõ ràng để nối tiếp quá trình xây dựng quốc gia còn dang dở và mang đến một tương lai tươi sáng, tự chủ cho một dân tộc mà số phận của họ vẫn luôn bị các thế lực ngoại bang định đoạt như người Belarus là vô cùng cấp thiết trong thời điểm lịch sử này.

 

Olga Shparaga là một trí thức lớn, nhưng lần này bà đã hoàn toàn nhầm khi cho rằng cuộc cách mạng Belarus chủ yếu đòi những quyền dân sự và công dân như bất cứ phong trào xã hội dân sự nào khác tại xã hội phương Tây. Cần phải nhấn mạnh rằng một dự án chính trị chính là chìa khóa giúp cuộc cách mạng Belarus thành công và đưa quốc gia này thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại.

 

Một dự án tương lai chung không phải câu chuyện của riêng ai

 

Vấn đề thiếu vắng một dự án chính trị cho quốc gia không phải vấn đề riêng của Belarus, nó là vấn đề của mọi dân tộc còn đang trên tiến trình dân chủ hóa. Vào năm 2010, tình hình dân chủ hóa đã biến chuyển tại Myanmar khi bà Aung San Suu Kyi từ chỗ bị giam lỏng tại nhà được mời ra để lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn mới. Tình hình dân chủ hóa diễn ra hoàn toàn tốt đẹp cho đến khi xung đột sắc tộc xảy ra và khi đó những người dân chủ Myanmar mới ý thức được rằng có những sắc dân cùng chung số với người Miến Điện vẫn chưa thực sự cảm thấy mình là một công dân Myanmar.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50304199743_cf8ee7a9aa.jpg

Myanmar đã chuyển hóa về dân chủ trong ôn hòa và trật tự nhưng vì thiếu một Dự án chính trị nên đã rơi vào bế tắc. Ảnh minh họa bà Aung San Suu Kyi duyệt hàng quân danh dự

 

Phong trào đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông từng diễn ra rất sôi động và thu hút được một số lượng giới trẻ đông đảo nhưng cuối cùng chìm xuống dần trong sự đàn áp của Bắc Kinh vì ngay chính giới đấu tranh Hồng Kông không tự tin trả lời quả quyết rằng họ thực sự muốn gì : Một nhà nước Hồng Kông độc lập, một Hồng Kông dân chủ hơn trong khuôn khổ "một quốc gia, hai chế độ" hay một hướng đi nào khác ?

 

Một trường hợp khác là Venezuela, một đất nước đang tuyệt vọng trong đói khổ và bạo lực. Lãnh đạo đối lập Juan Guaido trong một thời điểm đã quy tụ được sự ủng hộ của quần chúng và sự hậu thuẫn quốc tế nhất định. Tuy nhiên, Guaido chìm dần khi người ta có cảm giác rằng lực lượng của ông là một thế lực được Hoa Kỳ và các nước dân chủ trong vùng dựng lên hơn là một lực lượng đấu tranh cho tất cả mọi thành phần của đất nước, một giải pháp nhất thời hơn là một sự lựa chọn lâu dài.

 

Một dự án chính trị cho quốc gia cũng là vấn đề của những nền dân chủ đang trưởng thành và chuyển tiếp thành công khi tấm màn sắt và bức tường Berlin sụp đổ. Sau khi khối cộng sản tan rã, các nước Đông Âu lần lượt gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Dù đây là một không gian hoàn toàn tốt đẹp, cởi mở và tự nguyện nhưng các nước Đông Âu chưa có đủ thời gian để định hình lại các giá trị, ước mơ chung và của riêng quốc gia mình nên đã bị cuốn vào những vấn đề lớn của cả Châu Âu và phong trào toàn cầu hóa.

 

Sau những năm tháng sống dưới chế độ độc tài, những hạt giống của Đông Âu chưa có cơ hội được sống và đóng góp cho một quốc gia dân chủ mới thì đã bị cuốn theo phong trào di cư sang các nước Tây Âu. Khi tiếng nói của người trẻ, vốn là một thiểu số nhỏ trong một xã hội đang già hóa, hoàn toàn không có trọng lượng trong các cuộc bầu cử tại Đông Âu thì lực lượng cầm quyền hiện tại đều ít nhiều là những lãnh đạo dân túy, họ thu hút quần chúng dựa trên nền tảng nhà nước-gia đình-giáo hội (state-family-church). Giới cầm quyền thu hút quần chúng dựa trên những quá khứ, huyền sử đã qua đi và không còn tồn tại, trong khi một bộ phận những người phóng khoáng muốn thoát ra khỏi những điều tù túng này bằng cách gắn mình với những phong trào toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống lại chủ nghĩa dân túy, hay đề cao phong trào nữ quyền... Những người tiếp nối quá trình dân chủ hóa và xây dựng dự án chính trị quốc gia mà thế hệ đấu tranh cũ để lại ít dần và không có nhiều tiếng nói. Có lẽ, sau sự sụp đổ của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan và Phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp, nhiều người vẫn chưa ý thức được việc có một dự án chính trị viết lên những ước mơ chung của dân tộc là quan trọng như thế nào. Dự án chính trị đó đưa ra giải pháp và câu trả lời cho những vấn đề tương lai cũng như việc xây dựng một lực lượng chính trị để tiếp nối dự án đó là điều bắt buộc phải làm để có được một cuộc cách mạng đổi đời chứ không phải để nhận lấy một sự thất vọng.

 

Cuộc khủng hoảng ý niệm quốc gia và nhu cầu cần có một dự án chính trị mới

 

Chúng ta đang sống trong thời đại mà giấc mơ về thế giới đại đồng còn quá xa vời trong lúc phong trào toàn cầu hóa đã tiến quá nhanh khiến cho khái niệm quốc gia rơi vào khủng hoảng. Mặt khác, thế giới cũng đang gặp bối rối vì các đảng phái chính trị lớn dần suy thoái và bế tắc về tư tưởng chính trị khiến cho chúng ta chưa có được một khái niệm quốc gia mới, đúng đắn và bắt kịp nhu cầu của thời đại. Tại Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đang tồn tại một bộ phận quần chúng da trắng phẫn nộ vì bị bỏ lại và cảm thấy quốc gia, đất nước mà tổ tiên họ đã gây dựng giờ đây không còn là của họ, của cộng đồng và con cháu họ nữa.

 

Chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) đặt niềm tin mù quáng cho rằng thị trường là giải pháp của mọi vấn đề chính trị và dẫn đến sự thao túng của tài phiệt và các tập đoàn lớn, đã bị phá sản. Nhưng một dự án, một truyện thuyết mới để lấp vào khoảng trống đó vẫn chưa được khai sinh.

 

Trong Làn sóng dân chủ thứ tư đang dâng trào, mọi lực lượng chính trị dù là tại quốc gia chưa được dân chủ hóa hay những nền dân chủ lâu đời đều phải có một dự án chính trị mới cho quốc gia nếu họ muốn làm ra những thay đổi chính trị cho thời đại. Trước đòi hỏi lớn đó, chúng tôi tin rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có câu trả lời thông qua dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Trong dự án đó mọi người Việt Nam có thể tìm thấy lời giải cho những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc mình. Chúng tôi đã đưa ra những giải pháp làm thế nào để đưa Việt Nam từ một quốc gia bỏ lỡ nhiều vận hội lịch sử trở thành một quốc gia có dân chủ, tự do ; làm sao đưa một đất nước có hàng triệu những người dân oan trở thành một nơi mà mọi người cảm thấy may mắn khi được làm người Việt Nam ?…Với anh em chúng tôi thì Việt Nam trong tương lai phải là một đất nước mà mọi người đều có chỗ đứng ngang nhau để cùng chia sẻ một giấc mơ chung : Giấc Mơ Việt Nam.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50305047537_6aeb311fa2.jpg

Việt Nam trong tương lai phải là một đất nước mà mọi người đều có chỗ đứng ngang nhau để cùng chia sẻ một giấc mơ chung : Giấc Mơ Việt Nam (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

 

Nhưng chắc chắn rằng, để thực hiện được những dự định lớn này, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cần có được sự đồng hành và yểm trợ lớn từ giới trí thức Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ cần một cố gắng nghiêm túc, có tổ chức và bài bản. Để có một dự án chính trị, một hướng đi và một truyện thuyết mới cho dân tộc Việt Nam, trước tiên chúng ta cần những con người biết vượt lên chính mình và sự tầm thường để sống một cách xứng đáng. Do vậy, chúng ta không thể không lên án một cách nghiêm khắc chủ nghĩa nhân sĩ mà nhiều trí thức Việt Nam đang theo đuổi.

 

Trong thời điểm quan trọng này, chúng ta cần có lực lượng và một tổ chức có tầm vóc để trở thành đối trọng dân chủ thực sự, chúng ta không thể hành xử thiếu văn hóa tổ chức. Trong thời điểm này chúng ta cần có những ước mơ chung, mục tiêu chung, chúng ta không thể đưa ra những lựa chọn, những giải pháp cá nhân. Chúng ta cần phải đặt tinh thần trách nhiệm với tổ quốc, dân tộc lên hàng đầu. Người trí thức sẽ có lỗi với dân tộc nếu họ chỉ biết tới quyền lợi và địa vị cá nhân của riêng mình.

 

Trí thức Việt Nam và bất cứ ai mong muốn một tương lai khác tốt đẹp hơn cho đất nước và cho chính mình cần phải trả lời một câu hỏi rằng liệu chúng ta đã sẵn sàng có thái độ, suy nghĩ và hành động đúng đắn, thành thật và nghiêm túc để dẫn đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới, hay chúng ta vẫn bất chấp bỏ qua những bài học lịch sử và những kinh nghiệm xương máu, để rồi đất nước một lần nữa đánh mất cơ hội lịch sử sắp diễn ra và tiếp tục sa lầy vào một bế tắc khác ?

 

Nguyễn Việt Anh

(Rye Nguyễn)

04/09/20

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats