Saturday, 5 September 2020

CUỘC ĐẠI DI CƯ VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (The New York Times & ProPublica)

 


Cuộc đại di cư vì biến đổi khí hậu

The New York Times & ProPublica

Thôi Thanh Minh lược dịch

05/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/06/cuoc-dai-di-cu-vi-bien-doi-khi-hau/

 

Trong phần lớn lịch sử nhân loại, con người đã sống trong một khoảng dao động nhiệt độ rất hẹp, tại những nơi mà khí hậu cho phép sản xuất dư thừa thức ăn. Nhưng khi hành tinh chúng ta ấm dần, vành đai sống đột ngột bị dịch chuyển về phía Bắc. Theo một nghiên cứu tiên phong gần đây trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Hoa Kỳ), nhiệt độ Trái Đất trong 50 năm tới có thể sẽ tăng với mức độ lớn hơn cả 6000 năm trước cộng lại. Những vùng cực nóng, giống như sa mạc Sahara, hiện chiếm ít hơn 1% diện tích đất của hành tinh, đến năm 2070 sẽ chiếm đến 1/5 diện tích và có thể sẽ đẩy 1/3 dân số bấy giờ ra ngoài vùng khí hậu thích hợp mà con người đã phát triển trong hàng ngàn năm. Nhiều người sẽ cố trụ lại, chịu đựng cái nóng, cái đói và hỗn loạn chính trị, nhưng những người khác sẽ buộc phải bước đi. Một nghiên cứu năm 2017 của Science Advances cho thấy rằng đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng đến mức ở nhiều nơi, trong đó bao gồm một số vùng của Ấn Độ và Đông Trung Quốc, chỉ ra ngoài trong một vài giờ thôi cũng khiến cả những người khoẻ mạnh nhất phải tử vong.

 

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng rõ rệt tại nhiều nước như Guatemala, nơi gần như không mưa trong năm năm, để rồi khi mưa – và người dân hối hả gieo hạt, thì lại gây ngập lụt. Một nửa số trẻ em thường xuyên bị đói, nhiều em bị lùn so với tuổi, xương yếu và phình bụng. Hàng trăm ngàn người Guatemala đã đi về phương Bắc tìm tới Hoa Kỳ trong những năm qua, và nay, dưới ảnh hưởng của sự khô hạn, lụt lội, phá sản, đói ăn nối nhau không ngừng, những người còn lại cũng bắt đầu phải rời đi. Hiện tượng thời tiết kỳ lạ tàn phá Guatemala – kiểu hạn hán và bão tố đột ngột được biết tới với tên gọi là El Nino – được dự báo là sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi hành tinh ấm lên. Những vùng bán khô cằn của Guatemala sẽ sớm gần như biến thành sa mạc. Lượng mưa được dự đoán sẽ giảm 60% ở một số vùng của nước này, và lượng nước đổ vào các dòng chảy và giữ cho đất ẩm sẽ giảm ở mức nhiều nhất là 83%. Các nhà nghiên cứu dự tính rằng đến năm 2070, sản lượng một số cây trồng chính ở Guatemala sẽ suy giảm gần 1/3.

 

Các nhà khoa học đã tìm được cách dự báo những thay đổi của khí hậu trên thế giới với độ chính xác đáng ngạc nhiên, nhưng cho đến gần đây, thiệt hại liên quan đến con người vì biến đổi khí hậu vẫn chưa được làm rõ. Khi đất đai bạc đãi, hàng trăm triệu người từ Trung Mỹ cho đến Sudan hay vùng đồng bằng sông Mekong sẽ buộc phải lựa chọn ra đi hoặc là chết. Kết quả gần như chắc chắn sẽ là làn sóng di cư toàn cầu lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

 

Nhiều người đã bắt đầu tháo chạy. Ở Đông Nam Á, nơi lượng mưa gió mùa ngày càng khó dự đoán và nạn hạn hán khiến trồng trọt trở nên khó khăn hơn, Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng hơn 8 triệu người đã di cư tới vùng Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ. Tại khu vực Sahel ở châu Phi, hàng triệu người vùng nông thôn đã tràn đến những miền ven biển và thành thị khi bị hạn hán và mùa màng thất thu diện rộng.

 

Để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng và quy mô của di cư do biến đổi khí hậu ở một tầm rộng lớn hơn, The New York Times và ProPublica đã phối hợp với Trung tâm Pulitzer để nỗ lực xây dựng một mô hình lần đầu tiên thể hiện con người sẽ di chuyển qua biên giới như thế nào (mô hình ProPublica). Mô hình này được xây dựng trên nền tảng kế thừa và tổng hợp nhiều mô hình và nghiên cứu trước đây, trong đó có những sản phẩm của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các viện nghiên cứu, sử dụng phương pháp kinh tế lượng, toán thống kê (đối tượng nghiên cứu chính là khu vực Trung Mỹ). Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tập hợp các bộ dữ liệu sẵn có – về độ ổn định chính trị, năng suất nông nghiệp, sức ép về lương thực, nguồn cung nước, sự kết nối xã hội, thời tiết và các vấn đề khác – để tính được một cách tương đối sự phức tạp muôn hình vạn trạng của việc ra quyết định của con người. Sau đó, họ đặt các câu hỏi: chẳng hạn, nếu sản lượng cây trồng tiếp tục giảm vì hạn hán, và con người buộc phải phản ứng bằng cách rời đi như họ làm trong quá khứ, liệu ta có thể thấy được họ sẽ đi đâu và những điều kiện mới xuất hiện hay không? Mô hình không dự đoán quyết định của mỗi cá nhân (rồi từ đó suy ra hành vi của cộng đồng). Thay vào đó, mô hình bao quát toàn bộ các cộng đồng dân cư, tính bình quân các xu hướng của việc ra quyết định dựa trên những mẫu hình và đặc điểm đã xác định được, và xét xem những xu hướng đó sẽ thể hiện như thế nào trong các kịch bản khác nhau. Họ tiếp tục kiểm tra các mối quan hệ và kết quả của mô hình theo phương pháp hồi tố, tức là kiểm tra những xu hướng và quan hệ nhân quả mà mô hình tìm ra, khi áp dụng đối với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ có đem lại kết quả tương ứng với những gì thực sự xảy ra hay không. Sau đó, họ sử dụng mô hình để xem con người di chuyển như thế nào trong điều kiện lượng tích tụ carbon toàn cầu biến thiên theo 5 kịch bản khác nhau, hình dung kèm theo đó sự thay đổi về tăng trưởng kinh tế, thương mại, kiểm soát biên giới và các yếu tố khác. Mô hình nghiên cứu này đương nhiên chưa hoàn thiện, bởi nó dựa trên nhiều giả định chưa thể kiểm chứng và những yếu tố bất định khác.

 

Mô hình ProPublica chỉ ra rằng dù điều kiện khí hậu ra sao thì việc di cư cũng sẽ gia tăng hằng năm, nhưng mức độ di cư sẽ tăng đáng kể nếu khí hậu thay đổi. Trong những kịch bản có điều kiện khí hậu cực đoan nhất, hơn 30 triệu người di cư sẽ tìm tới biên giới Hoa Kỳ trong vòng 30 năm tới. Tất nhiên, người ta di cư vì nhiều lý do, và mô hình giúp ta thấy được số người di cư nào được thúc đẩy chính yếu bởi khi hậu – họ chiếm khoảng 5% tổng số. Nếu các chính phủ có hành động ở mức khiêm tốn trong việc giảm phát thải khí hậu, có lẽ khoảng 680.000 người di cư vì khí hậu sẽ dịch chuyển từ Trung Mỹ và Mexico tới Hoa Kỳ từ nay đến năm 2050. Nếu lượng phát thải không được hạ xuống, làm ấm lên tới cực đại, thì số người di cư sẽ nhảy vọt lên hơn 1 triệu (những con số này chưa tính những người nhập cư không giấy tờ mà số lượng có thể cao cấp đôi). Mô hình cho thấy rằng những quyết sách chính trị để phản ứng với cả sự biến đổi khí hậu và sự di cư có thể dẫn tới những tương lai rất khác nhau.

 

Theo các nghiên cứu, nhìn chung biến đổi khí hậu ít khi là nguyên nhân chính dẫn đến di cư, nhưng luôn đóng vai trò xúc tác và làm cho tình hình trầm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu về di cư tìm thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu phảng phất trong mọi vấn đề. Hạn hán đẩy nhiều người Syria về các đô thị trước khi chiến tranh bùng phát, làm gia tăng căng thẳng và bất bình; thiệt hại mùa màng dẫn tới nạn thất nghiệp thổi bùng lên những vụ nổi dậy của Mùa xuân Arab tại Ai Cập và Lybia (thậm chí, phần nào có thể nhìn nhận rằng Brexit cũng là do hiệu ứng lan toả của dòng người di cư vào châu Âu vì chiến tranh theo sau những bất ổn nói trên). Tất cả những hệ quả trên liên quan đến sự di cư của chỉ 2 triệu người. Nếu những vận động của di cư do khí hậu bị thúc đẩy bởi những động cơ mạnh mẽ hơn – thiếu thức ăn, thiếu nước và cái nóng – tác động tiềm tàng của sự di cư quy mô lớn có vẻ sẽ ghê gớm hơn bội phần.

 

Khu vực Sahel Bắc Phi là một ví dụ. Trong 9 nước trải ngang lục địa châu Phi từ Mauritania tới Sudan, sự gia tăng dân số phi mã và suy thoái môi trường nhanh chóng đang đi theo quỹ đạo hội tụ. Những đợt hạn hán trước đây, khả năng cao do biến đổi khí hậu, đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, khu vực này – với dân số hơn 150 triệu người và còn tăng thêm – đang bị đe doạ bởi sự sa mạc hoá nhanh chóng, tình trạng thiếu nước ngày một trầm trọng và nạn phá rừng. Ngày nay, các nhà nghiên cứu ở Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 65% diện tích đất trồng trọt được đã bị suy thoái, cùng với đó là nỗi lo rằng sự chuyển đổi của châu Phi sau những biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc di cư thường xuyên ra bên ngoài.

 

Câu chuyện cũng tương tự ở Nam Á, nơi có gần ¼ dân số toàn cầu sinh sống. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng nơi đây sẽ xảy ra sự thiếu an ninh lương thực lan tràn lớn nhất thế giới. Bên cạnh khoảng 8,5 triệu người đã bỏ đi – tái định cư chủ yếu ở Vịnh Ba Tư, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng 17 đến 36 triệu người nữa có lẽ cũng sẽ sớm phải rời đi. Nếu lấy những xu hướng trước đây làm thước đo, có thể dự đoán rằng phần nhiều trong số họ sẽ tìm đến thung lũng sông Hằng; cho đến cuối thế kỷ này, những đợt nóng và độ ẩm ở khu vực đó sẽ trở nên khắc nghiệt đến mức con người sẽ chết nếu không có máy điều hoà nhiệt độ.

 

Nếu không vì hạn hán hay mùa màng thất thu, thì mực nước biển dâng cao cũng sẽ khiến con người phải dịch chuyển ở số lượng lớn. Ngày nay người ta đã thấy rằng các nhà khoa học về khí hậu đã đánh giá quá thấp (tới 3 lần) việc di cư do thuỷ triều dâng, mà nhiều khả năng là vào khoảng 150 triệu người trên toàn cầu. Các phỏng đoán mới cho thấy đến năm 2050, mức thuỷ triều cao sẽ phủ lên hầu hết Việt Nam – bao gồm phần lớn đồng bằng sông Mekong, hiện là nơi sinh sống của 18 triệu người – cũng như nhiều phần của Trung Quốc và Thái Lan, hầu hết vùng Nam Iraq và gần như toàn bộ đồng bằng sông Nile, vựa lúa của Ai Cập. Rất nhiều vùng ven biển của Hoa Kỳ cũng có nguy cơ như vậy. Qua tất cả các nghiên cứu, những ước lượng về quy mô di cư do khí hậu trên toàn cầu đã được đưa ra – con số nằm trong khoảng từ 50 đến 300 triệu người phải di cư.

 

Trong tất cả những khía cạnh khiến việc di cư của con người rất khó dự đoán, có một xu hướng là rõ ràng: Trên khắp thế giới, khi người ta thiếu thức ăn và bỏ việc đồng áng, họ bị thu hút về phía các đô thị đang ngày một trở nên quá sức đông đúc. Các nhà nghiên cứu về di cư cảnh báo rằng chính ở những thành phố này, nơi những làn sóng người mới tới gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, tài nguyên và các dịch vụ, những sự căng thẳng trầm trọng nhất trong xã hội sẽ bộc lộ. Thực phẩm phải được nhập khẩu – xoáy sâu thêm sự phụ thuộc vào những nông trang vốn đã chịu nhiều khó khăn và làm tăng giá cả nông nghiệp. Con người sẽ tụ hợp trong những khu ổ chuột, thiếu nước và điện, nơi họ dễ bị tổn thương nếu gặp lụt lội hoặc các thảm hoạ khác. Những khu ổ chuột cũng tiếp sức cho chủ nghĩa cực đoan và hỗn loạn.

 

Sự chuyển dịch này thực sự đã bắt đầu từ lâu và là lý do Ngân hàng Thế giới bày tỏ quan ngại về lượng người choáng ngợp di cư vào những đô thị ở Đông Phi như Addis Ababa tại Ethiopia, nơi số dân đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và được dự đoán là sẽ tăng gần gấp đôi lần nữa trước năm 2035. Tại Mexico, Ngân hàng thế giới ước lượng con số 1,7 triệu người có thể sẽ di cư ra khỏi những vùng nóng và khô nhất, nhiều người trong đó rốt cục sẽ tìm tới Mexico City.

 

Song cũng như nhưng câu chuyện khác liên quan đến khí hậu, xu thế đô thị hoá cũng chỉ là điểm khởi đầu. Giờ đây, chỉ hơn một nửa dân số của hành tinh sống ở những vùng thành thị, nhưng cho đến giữa thế kỷ này, theo như ước lượng của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ đó sẽ là 67%. Chỉ trong vòng một thập niên tới, 4 trên mỗi 10 người dân ở thành thị – tức 2 tỉ người trên khắp thế giới – sẽ sống trong những khu ổ chuột. Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế cảnh báo rằng 96% sự tăng trưởng đô thị sẽ xảy ra ở một số thành phố mong manh nhất thế giới, nơi vốn dĩ đã phải đối mặt với nguy cơ về mâu thuẫn ngày càng tăng và có những chính quyền với năng lực ứng phó yếu kém nhất. Một vài thành phố sẽ không thể duy trì được bởi dòng nhập cư. Người ta chuyển đến các đô thị vì chúng có thể tạo ấn tượng như là nơi lánh nạn, với diện mạo của trật tự – những toà nhà cao và sự hiện diện của chính quyền – và ảo ảnh về sự thịnh vượng; các thành phố hứa hẹn nhiều lựa chọn, và theo một nghĩa nào đó ta có thể kiểm soát được số phận của mình. Thế nhưng, chính những thành phố đó cũng dễ dàng trở thành những cái bẫy, bởi cùng với sự đô thị hoá nhanh, các thách thức đi kèm cũng chất chồng nhanh chóng.

 

Đa phần những người về sau trở thành người di cư ban đầu không muốn phải rời nhà. Thay vào đó, họ sẽ thực hiện những điều chỉnh dần dần để ít phải thay đổi nhất có thể, đầu tiên là chuyển tới một thị trấn lớn hơn hoặc một thành phố nào đó. Chỉ khi những nơi đó không giúp được họ thì họ mới có khuynh hướng ra nước ngoài, đồng nghĩa với việc chấp nhận những con đường nhiều rủi ro hơn, điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “di cư theo bậc”. Rời làng mạc để về thành phố đã đủ khó khăn, nhưng đi qua một xứ khác – với những rối loạn về chính trị và xã hội ở nơi đó – là một thử thách hoàn toàn khác.

 

Tapachula, thành phố ở phía Nam Mexico, sục sôi vì vấn đề di cư. Chỉ vài tháng trước, những người di cư đi qua biên giới phía Nam Mexico được dân chúng Mexico đầy đồng cảm mời đi xe, bánh mì torta và thuốc men. Giờ đây, những gia đình người di cư bị truy lùng bởi những đơn vị phòng vệ có vũ trang, như thể họ là binh lính quân thù. Mexico trước đây không phải lúc nào cũng chào đón người di cư, nhưng Tổng thống Andres Manual Lopez Obrador đã cố gắng biến đất nước này thành một hình mẫu cho chính sách biên giới mở. Nỗ lực mang tính lý tưởng hoá này cũng có mặt thực tiễn: đó là để cho thế giới thấy một cách tiếp cận khác đối với xu thế bài ngoại, dựng tường mang tính khiêu chiến nổi lên ở Hoa Kỳ. Những đường biên mở hơn, kết hợp với viện trợ chiến lược nước ngoài và giúp đỡ cải thiện nhân quyền để giúp những người Trung Mỹ không còn cần phải rời đi, sẽ dẫn đến những kết quả tốt đẹp hơn cho tất cả các quốc gia.

 

Các nhà hoạch định chính sách Mexico giả định rằng công dân nước này đủ kiên nhẫn và khả năng để hấp thụ dòng người nhập vào – cả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Song họ đã không dự đoán được việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lấy nền kinh tế Mexico làm con tin để ép thúc đẩy chính sách chống nhập cư thẳng tay của mình (ông Trump đã “dí súng vào đầu Mexico”, theo lời một quan chức chính phủ nước này, đe doạ áp thuế thương mại 25% đối với Mexico nếu họ không mạnh tay ở biên giới với Guatemala), và họ cũng đã nhìn nhận quá thiếu cẩn thận những gánh nặng đè lên nhân dân Mexico từ lượng người nhập cư.

 

Trong vòng 6 tháng sau khi Lopez Obrador nhậm chức Tổng thống từ tháng 12 năm 2018, theo Viện Di cư quốc gia Mexico, khoảng 420.000 người đã nhập cảnh Mexico không có giấy tờ hợp lệ. Nhiều người trong số họ bơi qua con sông Suchiate trên những tấm ván cột trên những ruột cao su lớn, trả cho những người dẫn đường một vài đô la. Tại Ciudad Hidalgo, một thị trấn vùng biên ngoại ô Tapachula, người di cư dựng trại ở quảng trường và ẩu đả trên các đường phố, và theo thủ trưởng cơ quan an ninh của thị trấn, số vụ trộm có vũ trang nhảy vọt 45%, giết người tăng 15%. Tháng Ba vừa qua đã xảy ra một vụ đụng độ ầm ĩ giữa một nhóm 400 người di cư với phía cảnh sát địa phương, và những người di cư đã trói 5 viên cảnh sát ở trung tâm thị trấn, dấy lên lo ngại ở địa phương rằng mọi chuyện không còn kiểm soát được nữa. Tại Tapachula, một thành phố lớn hơn nhiều, du lịch và thương mại bắt đầu bị ảnh hưởng. Các khách sạn – thường thì gần như kín chỗ vào tháng 12 – giờ đây chỉ được đặt số phòng dưới mức 65% vì khách du lịch tránh xa do e ngại tội phạm, trong khi các trạm xá lâm vào tình trạng thiếu thuốc men.

 

Trong bối cảnh đó, bản thân Mexico cũng gặp những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và nhiều khả năng cũng sẽ có xuất cư vì khí hậu. Cứ mỗi 6 người Mexico thì 1 người có thu nhập phụ thuộc vào nông nghiệp, và gần một nửa dân số sống trong đói nghèo. Các nghiên cứu ước lượng rằng với khí hậu biến đổi, tỉ lệ lượng nước sử dụng được bình quân đầu người có thể sẽ giảm ở mức nhiều nhất là 88% ở nhiều nơi, và sản lượng trồng trọt ở những vùng ven biển có thể giảm 1/3. Mặt khác, các mô hình chỉ ra rằng dân số vẫn sẽ gia tăng, có nghĩa là kể cả khi số người di cư vào biên giới Hoa Kỳ đạt 1 triệu người đi chăng nữa, rất nhiều người Trung Mỹ khác sẽ bị kẹt dài khi trung chuyển, không thể đi tiếp hay quay lại, phải ở lại Nam Mexico và sẽ khiến áp lực hiện nay càng tồi tệ hơn. Sự oán giận và thù ghét người di cư đã dần lộ rõ.

 

Chẳng có chính sách nào có thể ngăn cản những lực đẩy – trong đó khí hậu đóng vai trò ngày càng lớn – buộc những người di cư từ phương Nam vượt biên giới Mexico, hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Mô hình của ProPublica cho thấy, từ nay đến năm 2050, gần 9 triệu người di cư sẽ tiến về biên giới phía Nam của Mexico, hơn 300.000 trong đó di cư thuần tuý vì biến đổi khí hậu. Di cư là biện pháp thích ứng với khí hậu biến đổi một cách tự nhiên và căn bản nhất. Đó chính là bước tiến hiển nhiên mà những người Homo sapiens đầu tiên theo đuổi để thoát khỏi châu Phi, và cũng là điều mà những người Maya đã làm 1.200 năm trước.

 

Trong năm 2019, thành phố El Paso, bang Texas, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự bùng nổ lượng người muốn đi qua biên giới, đỉnh điểm đạt hơn 4.000 người di cư trong một ngày. El Paso bị đặt vào một thế khó xử, giữa một bên là chính sách liên bang chống nhập cư và một bên là nguồn gốc sâu xa của mình là một thành phố đa dạng, mang đậm tính Tây Ban Nha mà bản chất không thể tách rời khỏi những mỗi liên hệ gần gũi với Mexico. El Paso kết nối với thành phố Juarez của Mexico, là khu liên đô thị lưỡng quốc lớn thứ hai trên bán cầu Tây. Đa số người dân trong lực lượng lao động đi làm qua biên giới hằng ngày, và ở đây tiếng Tây Ban Nha phổ biến như tiếng Anh. Rào cản duy nhất giữa những con phố của Mỹ – nơi sinh sống của hơn 800.000 người – và phía Juarez là những cầu vượt bằng bê tông của con sông hầu như cạn nước Rio Grande và hàng rào biên giới bằng thép gỉ sét. Đối với một số người di cư, nơi đây là vườn địa đàng Eden. Song, làn sóng di cư dâng tràn khiến năng lực của thành phố bị kéo căng. Khi những người di cư tới, các quan chức của thành phố tranh cãi về việc ai sẽ phải chi trả cho những dịch vụ khẩn cấp, hỗ trợ tài chính và nhà cửa, cuối cùng cầu may và hi vọng rằng những tổ chức từ thiện tích cực của thành phố sẽ tìm được cách. El Paso cũng ở tuyến đầu trong khủng hoảng khí hậu, với cái nóng ngột ngạt và rất ít nước. Nhiệt độ đã đạt tới ngưỡng 90 độ F (trên 32 độ C) trong 3 tháng mỗi năm, và cho đến cuối thế kỷ cứ mỗi 2 ngày thì có 1 ngày nơi đây sẽ nóng ở nhiệt độ đó. Cái nóng, theo các nhà nghiên cứu ở Đại học California, Berkeley, sẽ gây chết người hơn cả tai nạn xe hơi hay dùng thuốc phiện quá liều. Chi phí làm mát – vốn đã chiếm 1/3 chi tiêu của một số cư dân – sẽ đắt đỏ hơn, và nhiệt độ ấm lên sẽ khiến sản lượng kinh tế suy giảm 8%, có lẽ sẽ khiến El Paso trở nên không thể sống nổi giống như những nơi khác ở phương Nam. El Paso, cũng như tất cả các xã hội giàu có khác, rồi cũng sẽ phải đối mặt với lựa chọn giữa xây tường hay xây giếng (biệt ngữ của các tổ chức viện trợ về việc củng cố cơ sở hạ tầng và tính chống chịu để ngăn dòng di cư).

 

Trên khắp thế giới, các quốc gia đang lựa chọn những bức tường. Từ trước đại dịch, Hungary đã rào chắn đường biên giáp Serbia, một phần trong tổng cộng hơn 1.000 km tường biên giới được dựng lên khắp các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu kể từ năm 1990. Ấn Độ đã xây tường rào dọc theo phần lớn biên giới dài 2.500 dặm với Bangladesh, nơi người dân nằm trong nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi mực nước biển dâng. Hoa Kỳ, đương nhiên, có chương trình nghị sự của riêng mình về việc dựng tường – những bức tường đúng nghĩa đen, và những bức tường ẩn dụ mà có thể gây tác động còn lớn hơn. Hoa Kỳ đã từ chối tham gia cùng 164 nước khác trong việc ký một văn kiện toàn cầu về di cư vào năm 2018, là thoả thuận đầu tiên công nhận biến đổi khí hậu là một nguyên nhân của di cư trong tương lai. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang cắt đi các khoản viện trợ nước ngoài – số tiền chi cho mọi thứ từ hạ tầng nước tới nông nghiệp nhà kính – thứ đã từng giúp những gia đình nghèo đói sản xuất được thức ăn, và cuối cùng là giữ họ ở nhà.

 

Kịch bản xấu nhất có thể được hình dung là việc Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phát triển từ chối chào đón người di cư nhưng đồng thời cũng không giúp đỡ họ ở nơi họ sống. Mô hình của ProPublica cho thấy, đóng biên giới trong khi hà tiện chi cho phát triển sẽ, trái với suy nghĩ thông thường, gây gia tăng dân số dù cho nhiệt độ tăng, khiến thêm nhiều người mắc kẹt tại những nơi ngày càng không phù hợp đối với sự sống của con người. Trong kịch bản đó, xu thế toàn cầu về những bức tường chia cắt có thể sẽ gây những tác động sâu sắc và chết người. Các nhà nghiên cứu nói rằng số lượng tử vong hằng năm trên toàn cầu chỉ do riêng cái nóng sẽ tăng 1,5 triệu, và chưa thể nói trước được số nữa cũng sẽ chết vì đói, hoặc do những xung đột nổi lên liên quan đến căng thẳng an ninh lương thực và nguồn nước.

 

Nếu điều đó xảy ra, Hoa Kỳ và châu Âu có nguy cơ không chỉ chia cắt người khác từ bên ngoài, mà cũng chia cắt chính mình từ bên trong. Những nhà hoạch định chính sách đã chuẩn bị gì để ứng phó với điều đó? Sự suy giảm dân số của Mỹ gợi ý rằng việc có thêm người nhập cư có thể đóng vai trò tích cực, nhưng nước này phải bỏ công sức để chuẩn bị cho dòng người tới sao cho việc tăng dân đơn thuần, chưa tính những vấn đề khác, không làm quá tải những nơi họ tới, điều sẽ xoáy sâu thêm sự chia rẽ và làm bất bình đẳng thêm trầm trọng. Đồng thời, Hoa Kỳ và các nước giàu có thể giúp đỡ những người dễ bị tác động ngay tại nơi mà họ sống, bằng cách tài trợ phục vụ phát triển, qua đó hiện đại hoá nông nghiệp và hạ tầng nước. Chẳng hạn, một nỗ lực trong khuôn khổ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (World Food Program) để hỗ trợ nông dân xây dựng các nhà kính có tưới tiêu ở El Salvador đã giúp giảm thiệt hại mùa vụ và tăng thu nhập của nông dân một cách đáng kể. Nó không thể đảo ngược biến đổi khí hậu, nhưng có thể kéo dài thêm thời gian.

 

Cho đến giờ, những hành động của Hoa Kỳ là rất ít ỏi. Mặc dù sự đồng thuận về mặt khoa học đối với vấn đề biến đổi khí hậu và di cư vì khí hậu ngày càng được củng cố, trong một số giới ở Hoa Kỳ chủ đề này bị xem là kiêng kị. Đầu năm nay, sau khi tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences công bố một nghiên cứu chấn động dự tính rằng, nếu không di cư, 1/3 dân số của hành tinh rốt cục sẽ phải sống bên ngoài khu vực sinh thái truyền thống thích hợp cho nền văn minh, Marten Scheffer, một trong những tác giả của nghiên cứu đó tiết lộ rằng qua quá trình kiểm duyệt ông bị yêu cầu phải hạ giọng ở những kết luận của mình và cảm thấy rằng ông bị ép phải nói giảm để bài nghiên cứu được đăng. Kết quả: vấn đề di cư chỉ được thảo luận rất hời hợt trong bản được đăng.

 

Mô hình của ProPublica và sự đồng thuận của giới học giả đều chỉ ra một đường giới hạn đáy: Nếu các xã hội phản ứng một cách mạnh mẽ đối với biến đổi khí hậu và vấn đề di cư và cải thiện sức chống chọi bền bỉ của mình, sản lượng lương thực sẽ đủ để trụ vững, nghèo đói sẽ giảm và di cư quốc tế bị chậm lại – những yếu tố có thể giúp thế giới duy trì ổn định và hoà bình. Nếu các nhà lãnh đạo hành động ít hơn trong việc chống biến đổi khí hậu, hoặc khắc nghiệt hơn đối với người di cư, sự mất cân bằng an ninh lương thực cũng như nghèo đói sẽ trầm trọng hơn. Dân số sẽ tăng vọt, và việc di chuyển xuyên biên giới sẽ bị ngăn cản, dẫn tới thêm nhiều thống khổ. Việc các chính phủ sẽ đưa ra những hành động gì tiếp theo, và khi nào, sẽ tạo ảnh hưởng rất khác biệt. Không gian hành động đang thu hẹp dần. Thế giới giờ đây phải trù định được rằng cứ mỗi 1 độ tăng thêm thì có khoảng một tỉ người bị đẩy ra khỏi vùng mà con người từng sinh sống suốt hàng ngàn năm. Trong một thời gian dài qua, những cảnh báo về khí hậu gắn liền với việc chỉ ra thiệt hại về kinh tế, nhưng giờ đây còn có thể được tính thêm bằng lượng người bị thiệt hại. Hiểm hoạ tồi tệ nhất là đi tin rằng một thứ mỏng manh và chóng tàn như một bức tường có thể chống đỡ lại được dòng chảy của lịch sử.

 

Trong những tháng gần đây, đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò như một phép thử về việc liệu nhân loại có năng lực để ngăn chặn một thảm hoạ có thể dự báo (và thực ra là đã được dự báo trước) hay không. Một số nước đã làm tốt. Hoa Kỳ thì đã thất bại. Cuộc khủng hoảng về khí hậu sẽ thử thách thế giới phát triển thêm một lần nữa, ở quy mô lớn hơn và sự được mất cũng lớn hơn. Con đường duy nhất để làm giảm thiểu những khía cạnh gây phương hại nhất đến sự ổn định của di cư quy mô lớn là phải chuẩn bị cho điều đó, và sự chuẩn bị sẽ đòi hỏi việc hình dung rõ nét hơn về khả năng con người sẽ đi tới đâu, và vào lúc nào.

 

-----------------

Abrahm Lustgarten là nhà báo về môi trường của ProPublica. Loạt bài “Huỷ diệt sông Colorado” (Killing the Colorado) năm 2015 của ông về nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở vùng Tây Hoa Kỳ đã được lọt vào vòng cuối giải Pulitzer về phóng sự trong nước năm 2016.

 

Nguồn: The New York Times & ProPublica, 07/2020  

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats