Tuesday, 29 September 2020

TRƯỚC TRANH LUẬN TRUMP - BIDEN : CỬ TRI MỸ CÓ LẬP TRƯỜNG RA SAO? (VOA Tiếng Việt)

 


Trước tranh luận Trump-Biden: cử tri Mỹ có lập trường ra sao?

VOA Tiếng Việt

30/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-tranh-lu%E1%BA%ADn-trump-biden-c%E1%BB%AD-tri-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ra-sao-/5602540.html

 

Trước thềm cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, hầu hết cử tri Mỹ, trong đó có cử tri gốc Việt, đã xác định rõ lập trường của mình trên các vấn đề chủ chốt như ghế thẩm phán tối cao, đại dịch Covid, kinh tế và tính trung thực của cuộc bầu cử.

 

Hiện hầu hết các cử tri Mỹ có lẽ đã chắc chắn lập trường của mình trong cuộc cạnh tranh cử giữa Tổng thống Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden – chủ yếu là vì họ biết chắc liệu họ có muốn bầu lại đương kim Tổng thống hay không.

 

https://gdb.voanews.com/B4C33F00-7143-4C21-A91C-C3456540083D_w650_r1_s.jpg

Các công nhân đang chuẩn bị phông nền cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden vào ngày 29/9

 

Trong một cuộc khảo sát của New York Times/Siena College được công bố hôm 27/9, hơn 3/4 số cử tri có thể đi bầutrên toàn quốc gọi đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời họ, phản ánh tình cảm mạnh mẽ của cả hai bên.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số đông trong số hàng triệu người đón theo dõi cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên diễn ra vào tối 29/9 vẫn chưa có quyết định. Có đến 10% cử tri trong cuộc vấn ý Times/Siena không bày tỏ ý kiến ủng hộ ai hoặc nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên thứ ba.

 

Liệu ông Trump hay ông Biden có thể tranh thủ đủ số phiếu bầu còn do dự đó để tạo ra khác biệt lớn trong cuộc đua?

 

Chris Wallace, người dẫn chương trình của kênh Fox News sẽ là người điều phối cuộc tranh luận đầu tiên tối ngày 29/9. Ông đã công bố sáu chủ đề chính của cuộc tranh luận: Tòa án Tối cao, dịch virus corona, tính trung thực của cuộc bầu cử, nền kinh tế, vấn đề sắc tộc và bạo lực ở các thành phố và hồ sơ chính trị tương ứng của ông Trump và ông Biden.

 

Dưới đây là những gì cuộc thăm dò cho biết về lập trường của người dân Mỹ đối với những vấn đề này và sự nhìn nhận của họ đối với mỗi ứng viên trên từng vấn đề, theo tổng hợp của tờ New York Times.

 

Ghế trống ở Tòa án Tối cao

 

Sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời, ông Trump ngay lập tức tìm người kế nhiệm. Ông đã chọn Thẩm phán Amy Coney Barrett với có lập trường bảo thủ kiên quyết - bao gồm việc bà từng chống đối Đạo luật Chăm sóc Y tế giá phải chăng.

 

Các cuộc thăm dò được tiến hành ngay trước khi cái tên Barrett được công bố cho thấy cử tri muốn người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ đề cử thẩm phán mới để thay thế cho bà Ginsburg, tức là làm theo tiền lệ được đặt ra cách đây 4 năm, khi Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Cộng hòa tại Thượng viện, khi đó đã từ chối tổ chức các phiên điều trần về đề cử của Tổng thống Barack Obama dành cho Merrick B. Garland trong năm bầu cử.

 

Năm mươi sáu phần trăm cử tri muốn vậy trong cuộc thăm dò của Times/Siena, so với 41% nói rằng ông Trump nên xúc tiến tìm người vào Tòa án Tối cao ngay bây giờ. Hai cuộc khảo sát của NBC News/Marist College ở Michigan và Wisconsin được công bố hôm 27/9 cũng cho thấy rằng đa số mong manh các cử tri ở các bang lừng chừng này cũng cho rằng ai làm Tổng thống vào tháng 11 tới sẽ có quyền đề cử cho ghế thẩm phán này.

 

Nhưng giờ đây do Thẩm phán Barrett đã được đề cử, cả hai ứng cử viên Tổng thống đã nói rõ rằng cuộc tranh luận này còn mở rộng ra hơn tiền lệ trước đây ở Thượng viện. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 27/9, ông Trump tuyên bố rằng nếu Thẩm phán Barrett được đưa vào Tối cao Pháp viện, ‘chắc chắn có thể’ phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 vốn đã hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc sẽ được đảo ngược.

 

Một kết quả như vậy sẽ đi ngược lại ý nguyện của số người dân Mỹ ủng hộ cho phép phá thai. Trong cuộc thăm dò của Times/Siena, có nhiều hơn hai trong số ba cử tri cho biết rằng sẽ ít có khả năng họ ủng hộ ông Trump nếu ông chỉ định thẩm phán để đảo ngược phán quyết về quyền phá thai. Với cách biệt 20 điểm phần trăm, các cử tri cho biết trong cuộc thăm dò của Kaiser Family Foundation trong tháng này rằng họ tin tưởng ông Biden trên các vấn đề phá thai và kế hoạch hóa gia đình hơn là tin ông Trump.

 

Trong khi đó, ông Biden, người có thái độ không nhất quán trong quá khứ về quyền phá thai, đã đặt trọng tâm cấp bách hơn vào Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ giá phải chăng, còn được gọi là Obamacare, và đã trở nên ngày càng được sự ủng hộ của người dân ngay trong nhiệm kỳ của ông Trump. Theo nhiều cuộc thăm dò khác nhau, người Mỹ hiện có xu hướng ủng hộ Obamacare. Trong cuộc khảo sát của Times/Siena, chỉ riêng nhóm cử tri độc lập đã ủng hộ đạo luật này với tỷ lệ hơn gấp đôi người không ủng hộ. Và trong cuộc thăm dò của Kaiser, số cử tri nói ủng hộ ông Biden hơn ông Trump trong việc quyết định tương lai của Obamacare đã áp đảo hơn bên kia 13%.

 

Chính quyền Trump hiện đang ủng hộ một vụ kiện lên Tòa án Tối cao để tìm cách hủy bỏ Obamacare, và ông Biden đã lập luận rằng việc đưa bà Barrett vào Tối cao Pháp viện có thể đồng nghĩa với khai tử đạo luật này.

 

Đại dịch virus corona

 

Ông Biden cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại các hiểm họa sức khỏe của đại dịch Covid-19. “Chúng ta vẫn đang ở giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, cuộc khủng hoảng đã cướp đi trên 200.000 sinh mạngngười dân Mỹ - mỗi ngày mất đi từ 750 đến 1.000 sinh mạng,” ông Biden nói hôm 27/9. “Ấy vậy mà chính quyền Trump đang yêu cầu Tòa án Tối cao ngay bây giờ, khi tôi đang phát biểu, loại bỏ toàn bộ đạo luật Chăm sóc Y tế giá phải chăng.”

 

Kể từ tháng 5, đại dịch Covid là một thách thức về mặt chính trị đối với ông Trump.

Với cách biệt 15 điểm phần trăm, những người được vấn ý trong cuộc khảo sát của Times/Siena cho biết họ không tán thành cách ông Trump phản ứng với virus corona – trong số này có 50% cử tri da trắng, vốn thường nghiêng về ủng hộ ông Trump. Theo một cuộc thăm dò của NPR/PBS NewsHour/Marist College trong tháng này, 65% người Mỹ cho biết họ có xu hướng không tin vào những gì ông Trump nói về virus. Từ cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác, các cử tri luôn nhất quán nói với cách biệt hai con số rằng họ nghĩ ông Biden sẽ làm tốt hơn trong việc xử lý đại dịch.

 

Kinh tế

 

Nếu có lĩnh vực nào đó mà ông Trump có được lợi thế so với ông Biden, thì đó là kinh tế. Ngay cả khi đại dịch đã khiến các doanh nghiệp trên khắp đất nước đóng cửa hàng loạt, làm cho hàng triệu người Mỹ mất việc làm, đa số cử tri vẫn bày tỏ sự tán thành đối với cách ông Trump xử lý các vấn đề kinh tế.

 

Với cách biệt 12 điểm, những người được Times/Siena khảo sát đã cho ông Trump điểm cộng về thành tích kinh tế. Trong cuộc khảo sát của NPR/PBS/Marist, người ủng hộ ông Trump về cách xử lý nền kinh tế nhiều hơn người ủng hộ Biden 7 điểm phần trăm.

 

Ông Trump dường như có sức mạnh cho tới lúc ông có thể nhắc nhở cử tri về tình hình kinh tế trước tháng 3, trước khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, khi kinh tế đụng với virus corona, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

 

Theo cuộc thăm dò của Times/Siena, 55% cử tri cho biết ông Trump ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm cho suy thoái kinh tế - điều này cho thấy nhiều người Mỹ đã thất vọng như thế nào khi ông Trump không muốn điều phối một phản ứng quốc gia trước đại dịch. Bốn mươi chín phần trăm nói rằng chính phủ liên bang đã không làm đủ để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, trong khi chỉ 9% cho rằng chính phủ đã làm quá nhiều.

 

Và trong một dấu hiệu cho thấy người dân muốn được cứu trợ hơn nữa, 72% cử tri nói rằng họ nghĩ Quốc hội nên thông qua gói kích thích mới trị giá 2 nghìn tỷ USD sau khi thương thảo giữa hai Đảng ở Quốc hội về gói cứu trợ này đã đổ vỡ.

 

An ninh bầu cử

 

Ông Trump ngày càng đưa ra nhiều câu chuyện để gây nghi ngờ về tiến trình bầu cử - cho dù đó là nghi vấn về tính an toàn của việc bỏ phiếu qua thư hay gợi ý khuyến khích những người ủng hộ ông ở North Carolina bỏ phiếu hai lần, vốn là một trọng tội. Ông cũng đã hạ thấp mối đe dọa mà các chính phủ nước ngoài đặt ra, nhất là Nga, vốn đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

 

Năm mươi mốt phần trăm người Mỹ cho biết trong cuộc thăm dò của NPR/PBS/ Marist rằng họ nghĩ rằng ông Trump đang khuyến khích can thiệp bầu cử, so với chỉ 38 phần trăm nói rằng ông đang làm việc để làm cho cuộc bầu cử an toàn hơn. Trong một cuộc thăm dò của CNN vào tháng trước, 51% người Mỹ không tán thành cách Tổng thống xử lý các vấn đề an ninh bầu cử, trong khi chỉ có 40% tán thành.

 

Tuy nhiên, việc ông Trump gieo rắc nghi ngờ có thể đã mang lại hiệu quả như ông mong muốn: người Mỹ nói chung đã mất niềm tin vào tiến trình bầu cử. Trong cuộc thăm dò của CNN, chỉ có 22% nói rằng họ rất tự tin tất cả các phiếu bầu sẽ kiểm đếm đầy đủ, giảm 13 điểm so với hồi năm 2016.

 

Ít nhất về mặt lý thuyết, các cử tri tiếp tục ủng hộ việc mở rộng phương cách bỏ phiếu. Khi được hỏi liệu có ủng hộ tiểu bang của họ cho phép phổ cập quyền bỏ phiếu qua thư vào mùa thu này hay không, 73% người Mỹ cho biết họ ủng hộ, theo cuộc thăm dò của Washington Post/Đại học Maryland vào tháng trước.

 

Hồ sơ của Trump và Biden

 

Một phần của cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên sẽ tập trung vào hồ sơ của mỗi ứng cử viên và cả hai sẽ có cơ hội để tấn công đối thủ về quá khứ.

 

Đối với ông Trump, đây có thể là khoảnh khắc mà công chúng sẽ săm soi hồ sơ thuế của ông và ông Biden có thể nhắc đến trong đòn công kích.

 

56% số người được vấn ý nói với Pew Research Center hồi tháng Sáu rằng ông Trump có nghĩa vụ công bố hồ sơ khai thuế của ông.

 

Còn đối với ông Biden, sự nghiệp trải dài 36 năm tại Thượng viện là đề tài dồi dào cho Tổng thống Trump tấn công - từ sự ủng hộ của ông Biden đối với dự luật tội phạm hồi năm 1994 đến việc ông bỏ phiếu phê chuẩn cuộc chiến Iraq. Nhưng ông Trump dường như có chủ ý khắc họa ông Biden là công cụ của phe cực tả, vốn phần lớn đi ngược lại những gì mà ông Biden đã thể hiện ở Thượng viện.

 

Ví dụ, khi người Mỹ được Pew vấn ý trong tháng này liệu họ có cho rằng ông Biden đã lên tiếng ủng hộ việc cắt bớt ngân quỹ cho cảnh sát hay không (thực ra là không), chỉ hơn một phần tư trả lời có.

 

Sắc tộc và bạo lực

 

Ông Trump đã chụp lấy các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu trên khắp đất nước - và các cuộc xung đột thỉnh thoảng bùng phát – để thuyết phục cử tri rằng nếu họ bỏ phiếu cho ông Biden sẽ rất nguy hiểm.

 

Nhưng trong khi sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào Black Lives Matter trong mùa hè này không còn ‘nóng bỏng’ như hồi mùa xuân, ông Trump dường như không thu được gì từ cuộc tấn công này. Khi được hỏi tin tưởng ai hơn trong việc xử lý tội phạm, các cử tri gần như đã chia đôi trong hầu hết các cuộc thăm dò. Trong cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, 47% nói rằng ông Biden sẽ xử lý tội phạm tốt hơn, trong khi 44% chọn ông Trump.

 

Và trong cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Monmouth vào tháng này, 61% nói rằng họ nghĩ cách ông Trump xử lý các cuộc biểu tình đã làm cho tình hình tồi tệ hơn, trong khi chỉ 24% nói rằng ông ấy đã làm mọi thứ tốt hơn. Trong khi đó, 45% cho rằng ông Biden sẽ xử lý tình huống tốt hơn và chỉ 28% có ý kiến ngược lại.

 

‘Nghe và kiểm chứng’

 

“Tôi chỉ mong muốn nghe các ứng viên trình bày cách xây dựng nền tảng cho quốc gia Hoa Kỳ được thịnh vượng và đời sống người dân được ấm no cũng như đảm bảo tất cả các quyền sống và nhân quyền của người dân,” một cử tri Mỹ gốc Việt từ New York chia sẻ với VOA trong lúc nôn nóng chờ đợi cuộc tranh luận Trump-Biden diễn ra vào tối 29/9.

 

Ông Nguyễn Văn Tánh, cũng là Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, cho biết hiện giờ trong đầu ông ‘đã có một chút đường hướng sẽ bầu cho ai’ nhưng ông sẽ đợi nghe hết phiên tranh luận mới có quyết định dứt khoát.

 

“Mấy ông trình bày như thế nào thì chúng tôi lắng nghe và tìm hiểu những dữ kiện, lời nói có chính xác hay không và có đúng với việc làm của các ông hay không,” ông Tánh nói.

 

Hiện giờ tổ chức cộng đồng do ông làm chủ tịch đang ‘vận động thành viên ở các tiểu bang kêu gọi người gốc Việt đi bầu đông đảo để nói lên chính kiến của mình’, ông cho biết và cũng lưu ý rằng ông ‘không vận động bầu cho bất cứ ứng viên nào cả’.

 

Ông Tánh cho biết ‘rất đau lòng’ về sự chia rẽ và công kích giữa hai phe người Việt ủng hộ ông Trump và ông Biden trong thời gian gần đây.

 

“Dù gì đi chăng nữa, mỗi người chúng ta đều có quyền có ý kiến của riêng mình, có quyền bất đồng chính kiến, có quyền đi biểu tình nói lên tiếng nói của mình,” ông giãi bày. “Không nên có những lời nói hay hành động thô bỉ chỉ gây tác hại cho đất nước mà thôi.”

 

Ông Tánh tin tưởng rằng dù ai thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 ‘cũng phải lo cho người dân và tuân thủ Hiến pháp Mỹ’.

 

(New York Times/VOA Tiếng Việt)

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats