Sunday 6 September 2020

NGÂN HÀNG NHIỀU TIỀN QUÁ NHƯNG DÂN KHÔNG CHI TIÊU (Ngô Nhân Dụng)

 


Ngân hàng nhiều tiền quá nhưng dân không chi tiêu

Ngô Nhân Dụng

04/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-nhieu-tien-ma-dan-khong-chi-tieu/5570884.html

 

Có thể nhìn vào bảng đối chiếu tài sản của các ngân hàng Mỹ để hiểu tại sao tuần trước ông Jerome Powell tuyên bố đổi thái độ về lạm phát. Ông thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) sẽ không sợ hãi như hồi xưa nữa, khi thấy giá sinh hoạt lên cao.

 

Bảng đối chiếu tài sản và nợ nần (balance sheet) của các ngân hàng thương mại Mỹ cho thấy số tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng lên gấp năm lần, trong khi lợi nhuận của tất cả các ngân hàng đều đi xuống, giảm bớt 70% so với năm ngoái, theo báo cáo tuần trước của FDIC (Federal Deposit Insurance Corp) là cơ quan bảo hiểm cho những người gửi tiền vào ngân hàng.

 

Trong sáu tháng đầu năm 2020, người Mỹ đã gửi vào các ngân hàng $2.4 ngàn tỷ (trillion) đô la. Bốn ngân hàng Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo được thêm $900 đô la tiền ký thác. Nhưng bốn nhà bank lớn nhất này chịu đựng một nửa số tiền lời sụt giảm chung.

 

Đối với chúng ta thì tiền ký thác trong ngân hàng được coi là tài sản. Nhưng đối với các ngân hàng thì tiền người ta ký thác (deposits) chính là các khoản nợ. Tài sản của ngân hàng là các món tiền cho vay, sinh lời.

 

Các ngân hàng lâm cảnh “nợ chồng chất” vì thân chủ gửi tiền vào nhiều quá! Những xí nghiệp tạm ngưng hoạt động vì Covid 19 đem tiền gửi vào ngân hàng thay vì mua nguyên liệu, trả lương hoặc đầu tư. Thường dân vô tội nhiều người thất nghiệp nhưng nhận được tiền của nhà nước không đem xài hết cũng gửi vô ngân hàng. Các ngân hàng tràn ngập tiền gửi vào, mà tiền vô rồi thiếu đường đi ra.

 

Mối lo của các ngân hàng trong thời gian bệnh dịch là không thấy các thân chủ mới đến xin vay mà nhiều thân chủ cũ khánh tận, không trả được nợ. Trong quý đầu năm nay, các ngân hàng đã dành ra $53 tỷ đô la để bù các món nợ xấu sẽ không thu hồi được (credit loss provisions). Trong quý thứ nhì, số tiền dự phòng tăng lên thành $62 tỷ.

Các ngân hàng kiếm lời nhờ cho vay tính lãi suất cao hơn số lời tiền trả cho người đem tiền đến gửi. Mức chênh lệch đó, năm ngoái là 3.39%, năm nay chỉ còn 2.81%. Tháng Ba vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã cắt lãi suất căn bản xuống gần số không, cũng vì Covid 19 bắt cả nền kinh tế đứng khựng lại. Lãi suất xuống thì tiền lời của ngân hàng khi cho vay cũng xuống, trong khi họ chưa điều chỉnh được chi phí, khiến mức lời càng xuống thấp.

 

Trước viễn tượng tương lai không biết bao giờ Covid 19 mới chấm dứt, các ngân hàng đều tiên đoán kinh tế còn lâu mới hồi phục. Những món tiền quốc hội và chính phủ gửi cho người dân và các xí nghiệp chỉ tạm thời giảm bớt cơn đau, nhưng không thể chữa lành cơn bệnh đè nặng trên cả nền kinh tế.

 

Chính phủ và quốc hội Mỹ đang chi mấy ngàn tỷ đô la để “kích thích” người dân tiêu thụ và các xí nghiệp đừng sa thải nhân viên, Ngân Hàng Trung Ương đã đóng góp vào chiến dịch kích thích này bằng cách giảm lãi suất, cho dân vay tiền dễ dàng hơn. Nhưng Ngân Hàng Trung Ương bị bó tay vì, thứ nhất họ không muốn giảm lãi suất xuống dưới số không; và thứ nhì, họ có thể mua các trái khoán để bơm tiền vào trong hệ thống nhưng không thể trực tiếp mua hàng hóa của các nhà sản xuất. Họ muốn bơm bao nhiêu tiền vào trong các ngân hàng thương mại cũng được, nhưng không thể bắt mọi người đi vay rồi đem tiền ra chi tiêu.

 

Đó là lý do ông Jerome Powell phải “kích thích” dân tiêu thụ bằng cách tuyên bố trước: Sẽ không lo ngăn ngừa lạm phát như trước nữa. Không ngăn chặn lạm phát, nghĩa là sẽ không tăng lãi suất. Nếu lạm phát tăng lên trên 2% thì Quỹ Dự Trữ Liên Bang cũng vẫn giữ lãi suất rất thấp, chấp nhận cho giá sinh hoạt tăng thêm nữa, để bù lại những ngày tỷ lệ lạm phát thấp dưới 2%. Fed hy vọng rằng khi kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại thì người dân Mỹ sẽ lo giá cả còn tăng hơn, cho nên kiếm được đồng tiền nào họ sẽ đem chi tiêu ngay. Đó là cách thúc đẩy cho kinh tế hồi phục nhanh hơn!

 

Nhưng không có gì bảo đảm rằng người tiêu thụ và giới đầu tư sẽ đi theo đúng con đường mà giới lãnh đạo tiền tệ mong muốn. Đó là kinh nghiệm mà Nhật Bản đã từng trải qua. Năm 2013, khi mức lạm phát vào khoảng một phần trăm, Ngân Hàng Trung Ương Nhật đã công bố mục tiêu tăng lạm phát lên 2 phần trăm. Họ dùng đủ các khí cụ có sẵn để bơm thêm tiền vào nền kinh tế: Cắt lãi suất xuống số không, rồi số âm; mua các chứng khoán để đưa tiền thêm cào các ngân hàng. Sáu năm sau, giá sinh hoạt vẫn không tăng theo chỉ tiêu của giới lãnh đạo tiền tệ!

 

Chính sách mới của Fed hy vọng sẽ kích thích được người tiêu thụ ở Mỹ, vì dân Mỹ không có thói quen tiết kiệm nhiều như dân Nhật Bản. Nhưng trong tương lai Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có thể sẽ giữ lãi suất thấp rất lâu, khi bị áp lực của các nhà chính trị. Các vị tổng thống đều muốn Fed giữ lãi suất thấp, thúc đẩy người ta tiêu thụ và đầu tư.

 

Nhưng lãi suất thấp quá và kéo dài quá lâu có thể gây phản ứng ngược lại, khiến kinh tế không phát triển đúng tầm mức có thể đạt được. Ông Powell mới nhắc lại rằng các chu kỳ kinh tế gia tăng gần đây đã kết thúc với những cuộc khủng hoảng tài chánh. Lãi suất thấp thúc giá nhà cửa, giá các chứng khoán, giá dầu lửa và vàng tăng lên quá đà, gây nên xáo trộn.

 

Vay tiền dễ dàng có thể khiến các xí nghiệp đầu tư vào những dự án không tăng năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều công ty hay ngành hoạt động đáng lẽ bị đào thải nhưng vẫn được duy trì vì lãi suất thấp. Nguy hiểm nhất là chính sách lãi suất thấp sẽ thổi phồng giá các chứng khoán nhiều rủi ro, gây ra khủng hoảng tài chánh như đã diễn ra trong những năm 2007, 2008.

 

Một điều đáng lo ngại khác, là khi Ngân Hàng Trung Ương chấp nhận cho lạm phát lên cao thêm trước khi tăng lãi suất thì chưa ai biết nên cho lạm phát tăng đến mức nào sẽ phải bắt đầu ngăn lại. Trong tương lai, nếu quyết định ngăn chặn lạm phát của Ngân Hàng Trung Ương đến trễ quá thì người tiêu thụ sẽ lâm nạn. Lạm phát là một thứ thuế bắt tất cả mọi người phải trả. Nhưng các người làm chủ nhà cửa hay chủ nhân các cổ phiếu không lo lắm, vì giá các món đó sẽ tăng lên cùng với lạm phát. Những người nghèo sẽ gánh hoạ nhiều hơn vì lương bổng không lên theo kịp. Khi đó, Fed sẽ phải lo chặn đứng lạm phát, sẽ tăng lãi suất nhiều lần, đưa kinh tế đi xuống thấp nặng nề hơn mà đáng lẽ không cần thiết.

 

Hy vọng rằng những giới lãnh đạo tiền tệ sẽ tránh được những điều đáng lo ngại trên đây. Ngân Hàng Trung Ương không thể đưa tiền trực tiếp cho người tiêu thụ. Chỉ có quốc hội làm được việc này vì quốc hội Mỹ nắm quyền chi tiêu của nhà nước. Ông Jerome Powell đã không ngần ngại kêu gọi các nhà chính trị hãy đóng vai trò tích cực hơn!

 

Cuối cùng, kinh tế hồi phục nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào các dự luật trợ cấp cho người dân mà quốc hội và chính phủ Mỹ đang thảo luận. Muốn cho dân tiêu thụ nhiều hơn thì phải tăng lợi tức cho họ. Những người có lợi tức thấp nhất và giới trung lưu đáng được nâng đỡ nhất. Khi có tiền, họ thường chi tiêu ngay, vì họ còn rất nhiều thứ cần mua sắm.

 

Khi khối lượng người tiêu thụ đông nhất, là những người lao động lương thấp, bắt đầu xài tiền thoải mái, thì các hàng hóa, dịch vụ sẽ luân chuyển, các xí nghiệp sẽ hoạt động mạnh hơn. Các ngân hàng sẽ mở cửa cho vay, không còn dư quá nhiều tiền như hiện nay nữa. Các ngân hàng là xương sống của nền kinh tế. Thân thể khỏe khoắn, điều hòa thì bộ xương sống mới mạnh.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats