Từ
Hồng Kông tới Đài Loan: Thế giới sẽ làm gì?
Hiếu
Chân/Người Việt
Aug 11, 2020
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-hong-kong-toi-dai-loan-the-gioi-se-lam-gi/
Tin mới nhất là hai nhà
hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất Hồng Kông, một già một trẻ – tỷ phú may mặc và
truyền thông Jimmy Lai (Lê Chí Anh) 72 tuổi và lãnh đạo sinh viên Agnes Chow
Ting (Chu Đình) 23 tuổi – đã ra khỏi trại tạm giam sau khi bị giam giữ hơn 40
tiếng đồng hồ và đóng những khoản tiền thế chân rất lớn. Ông Jimmy Lai bị cáo
buộc tội “cấu kết với ngoại bang,” còn cô Ting bị cáo buộc tội “xúi giục lật đổ”
– cả hai tội danh đều được quy định với mức án nặng trong Đạo Luật An Ninh Quốc
Gia Hồng Kông mà chính quyền Trung Quốc áp đặt lên vùng lãnh thổ này từ cuối
Tháng Sáu vừa qua.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/BL-Hong-Kong-Dai-Loan.jpg
Cô Agnes Chow Ting
hồi năm 2019. (Hình: Keith Tsuji/Getty Images)
Chỉ mới đầu tuần này,
công luận quốc tế choáng váng và thất vọng khi nhà cầm quyền Bắc Kinh huy động
vài trăm cảnh sát và công an chìm bất ngờ bắt giữ ông Jimmy Lai và cô Agnes
Chow Ting, và hơn 10 nhà hoạt động dân chủ khác, bao vây, lục soát và thu giữ
nhiều tài liệu trong tòa soạn báo Apple Daily – tờ báo thân dân chủ, chống đối
chính phủ Bắc Kinh và chính quyền bù nhìn Hồng Kông – do ông Lai làm chủ. Điều
kỳ lạ là ngay khi chính quyền ra tay trấn áp những nhà hoạt động này thì người
dân Hồng Kông lại bày tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với họ. Hàng ngàn người xếp hàng
rồng rắn từ 2 giờ sáng trước trụ sở tòa soạn báo Apple Daily để chờ mua số báo
mới nhất. Tờ báo có lượng phát hành thường ngày là 70,000 bản đã bán hết sạch
350,000 bản trong ngày Thứ Ba, 11 Tháng Tám, trước khi in tiếp thêm 200,000 tờ
nữa. Giá cổ phiếu của công ty Next Media, công ty sở hữu tờ Apple Daily, cũng
tăng gấp 10 lần trong phiên giao dịch trong ngày, trên thị trường chứng khoán Hồng
Kông.
Sau hai ngày bị còng tay
áp giải từ đồn cảnh sát tới văn phòng báo Apple Daily, ra tận bến du thuyền
trong lúc công an lục soát chiếc thuyền của mình, nửa đêm rạng sáng ngày 12
Tháng Tám, ông Lai được tự do và xuất hiện trước đồn cảnh sát khu Mong Kok
trong tiếng hô vang “Ủng hộ Apple! Ủng hộ đến cùng!” của hàng trăm người dân chờ
đón ông. Trước đó, lúc 11 giờ đêm, cô Ting cũng ra khỏi đồn cảnh sát khu Tai Po
và nói ngay với các phóng viên báo chí đang chờ cô: “Đây là vụ khủng bố chính trị, vụ đàn áp chính trị!”
Cô nói sổ thông hành của cô bị tịch thu và cô phải đóng hai khoản thế chân tới
200,000 đô la Hồng Kông. Ông Lai cũng phải đóng số tiền thế chân tại ngoại hậu
tra lên tới 500,000 đô la Hồng Kông.
***
Những diễn biến trên cho
thấy một cuộc đối đầu vẫn tiếp diễn tại Hồng Kông giữa một bên là chính quyền Bắc
Kinh quyết tâm dùng mọi biện pháp để thủ tiêu phong trào dân chủ, một bên người
dân Hồng Kông ủng hộ giới trẻ đấu tranh giữ vững các quyền tự do mà họ đang được
hưởng. Tình thế càng lúc càng nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc vì họ có
súng đạn, có nhà tù, có nhiều tiền của và một chính quyền bù nhìn cúc cung phục
vụ mọi ý tưởng của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phong trào dân chủ – sau
những cuộc biểu tình rầm rộ có lúc huy động tới 1 triệu người hồi năm ngoái –
đã bắt đầu thoái trào. Các tổ chức chính trị tự giải tán, một số nhà đấu tranh
ra nước ngoài sống lưu vong. Hồng
Kông dưới luật an ninh quốc gia không còn là một Hồng Kông tự do và tự trị như
trước đây nữa.
Để đi tới tình huống này,
tất nhiên là do chính sách độc tài của Bắc Kinh quyết thu phục Hồng Kông bằng mọi
giá, kể cả chấp nhận sự phê phán và bị cô lập trên trường quốc tế. Nhưng phần
khác, cũng do các nhà đấu tranh Hồng Kông – nhất là giới trẻ như cô Ting hoặc
anh Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) – không đoán trước được quyết tâm và thủ đoạn
thâm độc của Trung Quốc, không lường được một khi bị chạm nọc thì Tập Cận Bình
sẽ không đếm xỉa đến phản ứng của người dân và của cộng đồng thế giới. Năm
ngoái, đã có lúc thế giới nín thở nhìn lực lượng quân sự đông đảo của Trung Quốc
tập trung ở Thẩm Quyến kề cận Hồng Kông và lo sợ sắp diễn ra một cuộc thảm sát
Thiên An Môn khác tại thành phố quốc tế này. Nhưng thay vì đưa quân đội vào Hồng
Kông, Bắc Kinh đưa ra một đạo luật hà khắc, lập một cơ quan thực thi luật và
trong thực tế đã “phế truất” chính quyền Hồng Kông, biến nó thành cái bình
phong, thành “thiên lôi,” đánh đấm theo sự điều khiển của những quan chức đảng
Cộng Sản Trung Quốc ngồi ở văn phòng giám sát luật an ninh quốc gia có cái tên
dài dòng “Trung Ương Nhân Dân Chính Phủ Trú Hương Cảng Đặc Biệt Hành Chánh
Khu Duy Hộ Quốc Gia An Toàn Công Thự” mới thành lập tháng trước. Thủ đoạn
này thâm hiểm hơn rất nhiều so với việc trấn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm
1989.
Những cuộc biểu tình rầm
rộ mùa Hè năm ngoái buộc chính quyền Hồng Kông phải hủy bỏ việc xem xét đạo luật
dẫn độ và phe dân chủ giành được thắng lợi giòn giã trong cuộc bầu cử các hội đồng
cấp quận, lẽ ra sau thành công đầu tiên đó phong trào đấu tranh nên dừng lại,
chuyển phương thức hoạt động từ đấu tranh đường phố sang đấu tranh nghị trường
để dần dần ngăn cản bàn tay can thiệp của Bắc Kinh vào nội tình Hồng Kông.
Nhưng các bạn trẻ đã “thừa thắng xông lên” đưa ra những yêu sách mà Bắc Kinh
không thể và không muốn nhượng bộ. Các khẩu hiệu đòi Hồng Kông độc lập, phổ
thông đầu phiếu bầu cơ quan lập pháp và người đứng đầu bộ máy hành chánh Hồng
Kông, kêu gọi Tổng Thống Mỹ Donald Trump “giải phóng Hồng Kông”… là những cái
tát thẳng vào chủ nghĩa dân tộc và toàn trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, làm
cho Bắc Kinh lo sợ và phải ra tay hành động trước khi quá muộn. Một bài phân
tích sâu sắc trên báo The New York Times mới đây cho biết, ngay tại Bắc Kinh, một
số giáo sư, trí thức trước đây từng ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, ủng
hộ nhà nước pháp quyền và tự do công dân, nay đã thay đổi quan điểm và thái độ,
chuyển sang ủng hộ chế độ toàn trị của Trung Quốc một phần vì thất vọng với
tình hình ở Hồng Kông.
***
Chính phủ các nước phương
Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh – quá tin vào cam kết “một quốc gia hai chế độ”
của lãnh đạo Bắc Kinh mà không dự liệu là có ngày Trung Quốc mạnh lên về kinh tế
và quân sự cũng là cái ngày họ sẵn sàng xé bỏ cam kết nên không hoạch định trước
đối sách cho ngày đó. Thậm chí phương Tây còn “đầu tư” nhiều vốn liếng chính trị
và tài chánh vào Hồng Kông, những mong thành phố này sẽ nêu tấm gương cho việc
cải tạo Trung Quốc thành một đất nước dân chủ, tự do và thịnh vượng. Hoa Kỳ chẳng
hạn, có cả một đạo luật dành cho Hồng Kông sự đối xử ưu đãi về thương mại mà
theo đó Hồng Kông được nhập cảng từ Mỹ những thiết bị và công nghệ dùng trong
quân sự – điều mà Trung Quốc bị cấm – dù các nhà chính trị ở Washington, DC biết
rõ rằng đích đến của những thiết bị và công nghệ đó là quân đội Trung Quốc còn
Hồng Kông chỉ là bình phong, là điểm trung chuyển mà thôi. Cái bánh thị trường
Trung Quốc quá lớn, quá hấp dẫn nên trong nhiều năm dài các nước phương Tây hầu
như không muốn và không có chiến lược đối đầu hoặc ngăn chặn sự thao túng của
Trung Quốc, đặc biệt ở Hồng Kông.
Khi Trung Quốc áp đặt luật
an ninh quốc gia và đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, chính phủ các nước phương
Tây vội lên tiếng phản đối, lên án Bắc Kinh… và chỉ có thế. Anh tuyên bố “mở cửa”
cho người Hồng Kông di dân tới đất nước này. Một số nước bãi bỏ thỏa thuận dẫn
độ với Hồng Kông. Hoa Kỳ rút lại quy chế ưu đãi và ra lệnh cấm vận, phong tỏa
tài sản của 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông v.v… Trung Quốc coi thường những
hành động phản đối này, thậm chí còn ăn miếng trả miếng. Bắc Kinh công bố cấm vận
11 quan chức Mỹ, trong đó có hai thượng nghị sĩ, chỉ vài ngày sau lệnh cấm vận
của Mỹ, cũng trả đũa đúng 11 quan chức. Ông Tập Cận Bình có lẽ nghĩ rằng, chuyện Hồng Kông coi
như đã dứt điểm, đã nhổ được cái gai trước mặt, còn các nước bên ngoài có nói
gì, làm gì cũng không quan trọng nữa; cân nhắc lợi hại thì phần lợi cho Trung
Quốc vẫn đáng kể hơn.
***
Sau Hồng Kông sẽ là Đài
Loan. Những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản
Trung Quốc nói rằng, ông Tập muốn trong thời kỳ lãnh đạo của mình, Trung Quốc sẽ
“thu hồi” Hồng Kông và Đài Loan, biến Biển Đông thành “nội hải,” hoàn thành giấc
mộng thống nhất Trung Nguyên để đưa ông Tập vào lịch sử ở vị trí cao hơn hoặc
ngang bằng Mao Trạch Đông. Hồi đầu năm nay, trong bài diễn văn “Chúc mừng năm mới”
ông Tập đưa cho người Đài Loan hai lựa chọn: Hoặc sáp nhập vào Hoa Lục theo
hình thức “một quốc gia, hai chế độ” hoặc bị đánh bại trong chiến tranh vũ lực.
Người Đài Loan chọn Tổng Thống Thái Anh Văn, người kiên trì tuyên bố, tự do
không thể sống chung với độc tài.
Và từ đầu năm đến nay, Bắc
Kinh liên tục tổ chức tập trận, giễu võ giương oai gần Đài Loan để hăm dọa đảo
quốc này. Trong vài ngày qua, khi ông Alex Azar, bộ trưởng Y Tế Mỹ, thăm Đài
Loan và gặp Tổng Thống Thái – chuyến thăm cao cấp nhất của một phái đoàn Mỹ từ
năm 1979 – thì Bắc Kinh điều động các chiến đấu cơ J-10, J-11 băng qua đường
trung tuyến phân chia hai nước ở eo biển Đài Loan trước khi bị không quân Đài
Loan xua đuổi.
Ngoại Trưởng Đài Loan
Joseph Wu nói với Bộ Trưởng Azar ở Đài Bắc rằng: “Cuộc sống của chúng tôi càng
lúc càng khó khăn bởi vì Trung Quốc tiếp tục ép Đài Loan chấp nhận các điều kiện
chính trị của họ, các điều kiện sẽ biến Đài Loan thành một Hồng Kông tiếp
theo.”
Thế giới phương Tây sẽ làm gì để Đài Loan không trở
thành một Hồng Kông thứ hai, một đảo quốc tự do và dân chủ bị thâu tóm vào tay
một cường quốc chuyên chế và tàn bạo, một con quái vật Frankenstein như lời Ngoại
Trưởng Mỹ Mike Pompeo?
Sự kiện Hoa Kỳ tiếp tục
cung cấp vũ khí hiện đại cho Đài Loan, cử đoàn cấp cao tới Đài Bắc và có thể
tính tới việc hủy bỏ cam kết “một Trung Quốc” là chỉ dấu cho thấy thế giới cần
cùng với Mỹ hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong cuộc đối đầu với đảng Cộng
Sản Trung Quốc trước khi quá muộn. [đ.d.]
--------------------------------
Xem Thêm
Trung
Quốc gia tăng tập trận trên biển, đe dọa cả đảo Guam của Mỹ
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng
ngày: 12/08/2020 - 12:27
Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng
thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại
các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ vùng eo biển Đài Loan xuống
đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày
11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay
gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines, nơi đặt một
căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Cuộc diễn tập gần đây
nhất của Trung Quốc diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt
qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính
thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải
điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.
Đây là một động thái
hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến
đấu cơ Trung Quốc cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần
trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân
tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ
bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan
từ Chủ Nhật 09/08.
Trang web bằng Anh Ngữ
của Quân Đội Trung Quốc đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ
Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung
Quốc là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về
chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ Azar.
Bài viết còn đe dọa
rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung Quốc
“sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông
Đài Loan hay gần đảo Guam”.
Theo giới phân tích,
việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ
khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Philippines này là
nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu: Căn cứ Không Quân Andersen
và Căn cứ Hải Quân Guam.
Lời đe dọa tập trận
gần Guam được đưa ra trong bối cảnh rộ lên những thông tin về một loạt
những cuộc tập trận khác mà Quân Đội Trung Quốc đã và sắp tiến
hành.
CNN cũng trích Hoàn
Cầu Thời Báo cho biết là các lực lượng trên bộ và trên biển của Trung
Quốc đã có nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ tấn công trong các tuần qua
và sẽ tiếp tục những hoạt động này trong những tuần lễ sắp tới.
Trong số những cuộc tập
trận gần đây, theo tờ báo, có cuộc tấn công giả định lên bãi biển trên đảo
Hải Nam, bài tập đổ bộ ở tỉnh Quảng Châu, đợt diễn tập tấn công vượt biển ở tỉnh
Phúc Kiến, và cuộc tập trận Không Quân phối hợp oanh tạc cơ, trang
bị tên lửa, với các loại máy bay tiêm kích trên Biển Đông. Quân đội
Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho một số cuộc tập trận bắn đạn thật
trong tuần này và tuần sau.
--------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Hai
tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông đúng lúc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa
.
Đài
Loan đưa thủy quân lục chiến đối phó Trung Quốc tập trận chiếm đảo
.
Trung
Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ
No comments:
Post a Comment