Friday, 28 August 2020

HOA KỲ - TRÊN CON ĐƯỜNG LAO XUỐNG VỰC (Giao Thanh Pham)

 


HOA KỲ - TRÊN CON ĐƯỜNG LAO XUỐNG VỰC  

Giao Thanh Pham

06:44  27/08/2020    

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/4819384628075535

 

Sau gần 37 năm ở Mỹ, trải qua nhiều đời tổng thống, đối diện với đủ mọi thăng trầm của cuộc đời, đã có “cơ hội” dọn nhà di chuyển nhiều lần, và nhất là đã có cơ may đi qua nhiều thành phố của khoảng 37 tiểu bang trên đất Mỹ, nhìn lại thì thật là một chặng đường dài của một đời người, để đến hôm nay, với một tâm sự buồn để đi đến nhận xét: Nước Mỹ trên con đường tuột dốc.

 

1- Công ăn việc làm:

Những thập niên 80s, 90s huy hoàng nay đã không còn nữa. Những người may mắn như chúng tôi thời đó, không mấy ai lo sợ về nạn thất nghiệp, về hãng xưởng đóng cửa, công ăn việc làm tràn lan ở khắp nơi.

 

Những năm đầu mới ra đi làm, tôi nhảy 3-4 hãng một năm. Khi được phỏng vấn “tại sao anh không làm lâu ở một hãng?”. Câu trả lời thành thật nhưng đầy thách thức “Vì lương không đáng so với công việc, vì bảo hiểm sức khỏe không tốt đủ, vì không có cơ hội lên chức …”, đại loại như thế.

 

Cái kết quả là mỗi lần nhảy hãng, lại một lần lên lương, lên chức hoặc có nhiều nguồn lợi khác như bonus cuối năm, profit sharing, pension plans (giờ pension plans đã bị xóa sổ, không ai biết nó đã có một thời hiện hữu). Ngày nay, ai đi làm cũng than, làm nhiều, lương ít, benefits bị cắt giảm. Đơn giản là vì hơn 1/3 công việc ở Mỹ trước đây, đã được giới tài phiệt của Mỹ mang ra nước ngoài, nhiều nhất là mang sang Trung Quốc với giá nhân công rẻ mạt.

 

2- Automation:

Vào năm 1990, lần đầu tiên tôi được tham quan trong một lần phỏng vấn nhận việc, một chi nhánh của hãng giấy nổi tiếng International Paper Company, người ta đã hiện đại hóa và cho nghỉ hơn 1000 nhân công, thay vào đó là hệ thống Robotics.

 

Sau đó, tôi có cơ hội làm cho những hãng nước uống, nước ngọt ở Santa Fe và ngay cả hãng bia Anheuser-Busch ở Van Nuys California, thì thấy được rằng, nhân công đã và đang được thay thế bằng “người máy”. Robotics tuy rất tốn phí lúc đầu, nhưng sau đó sẽ mang lại lợi nhuận khủng khiếp dài lâu. Không sợ đình công, không phải trả vacations, sick leave hay benefits.

 

3- Học Phí gia tăng:

Thời tôi còn đi học, bên cạnh việc Miễn Phí, học sinh và sinh viên còn được nhiều thứ trợ giúp từ chính phủ, từ các nguồn học bổng, tài trợ, và làm việc nhẹ, ngồi làm homework ăn lương tại trường.

 

Ngày nay, tất cả những thứ đó đã đi vào dĩ vãng, nhiều người sau 4 năm đại học. ra trường mang theo một khoản nợ không nhỏ. Những chương trình học 6-8 hay 10 năm thì các sinh viên này ra trường ôm theo một khoản nợ vài trăm ngàn đô là chuyện thường tình.

 

4- Làm khó, đè nén và bóc lột các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ:

Có khoảng 30 triệu cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở Mỹ. Những cơ sở này đóng góp khoảng 70% tổng số công việc trên đất Mỹ. Đây là nguồn thu nhập thuế khóa lớn gấp chục lần những hãng xưởng lớn có tên tuổi trên 1000 nhân viên mà chính phủ Hoa Kỳ thu vào hàng năm.

 

Tuy nhiên, những chủ nhân các cơ sở nhỏ lẻ này, lại bị chính quyền chèn ép nhiều nhất. Trước kia, có rất nhiều chương trình của chính phủ, của các nhà băng và tư nhân giúp đỡ họ bằng cách cho vay vốn mở cơ sở, hoặc mở mang phát triển thêm, có tên là SBA Loans, nhưng kể từ năm 2009, gần như impossible để vay mượn những loại nợ này nữa.

 

Bạn có biết, chính phủ đặt ra tới 175 ngàn Rules and Regulations cho small business, mặc dù có tới 9/10 con số đó ít khi được đề cập tới, nhưng đó chính là những cản trở lớn cho các cơ sở thương mại nhỏ.

 

5- Chính sách Bế Quan Tỏa Cảng Isolationism:

Với chính sách này, số người tài giỏi trên thế giới muốn vào đất Mỹ để làm ăn giảm hẳn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn cung cấp về trí tuệ (chất xám) cho nước Mỹ. Nước Mỹ phát triển và đi lên nhờ vào những nguồn năng lực này.

 

Thay vào đó. Chính phủ muốn ngu dân hóa qua việc cắt giảm tối đa sự giúp đỡ, khuyến khích và phát triển con dân Mỹ qua Education.

 

Bạn có biết cứ 100 hãng được đi vào hoạt động ở Silicon Valley, đã có tới 50% do người di dân đóng góp. Những tên tuổi này có quen không?

a. Elon Musk, Tesla/SpaceX

b. Sergey Brin, Google

c. Alexis Ohanian, Reddit

d. Jeff Bezos, Amazon (Lão Châm rất ghét ông này, vì không giàu bằng một góc)

e. Jerry Yang, Yahoo

f. Pierre Omidyar, eBay

g. Steve Jobs, Apple

 

6- Không có tiền để dành:

Vì những điều đại nạn kể trên, ngày nay nỗi lo sợ lớn nhất của người Mỹ là không có tiền để dành cho những lúc khẩn cấp cũng như cho khi về già. Có đến 70% người dân Mỹ sống paycheck by paycheck, tức là làm ra bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu, ngưng làm là chết và có hơn 60% dân Mỹ không có nổi 400 đô để dành phòng khi cần kíp.

 

Đã thế, họ sống bằng cách thụ hưởng ngay lúc này qua việc vay mượn. Trung bình một gia đình người Mỹ mắc nợ hơn $8 ngàn đô trong thẻ tín dụng, $10 ngàn đô tiền nợ xe.

 

Có hơn 50% gia đình ở Mỹ phải trả trung bình khoảng $1200 tiền mướn nhà mỗi tháng, tính ra đã mất khoảng 25% tổng số thu nhập của họ. Đó là chưa kể đến trên đất Mỹ hiện nay, có khoảng hơn 11 triệu gia đình phải chi tới 50% nguồn thu nhập thấp kém của họ để trả tiền mướn nhà.

 

7- Khoảng cách giàu nghèo ngày một xa:

Ngày tôi mới bước chân đi làm, lương của một người CEO, CFO, hay giám đốc ở các hãng xưởng chỉ cao bằng khoảng 7-8 lần lương của một nhân viên trung bình.

 

Thí dụ mức lương thời đó của một kỹ sư là vào khoảng $35 ngàn, thì mức lương của những vị trùm này chỉ vào khoảng $250 - $300 ngàn một năm. Ngày nay, những ông bà này thu về những số tiền triệu, chục triệu, hay cả trăm triệu một năm là chuyện thường tình. Không tin cứ Google thì sẽ thấy.

 

Bạn có biết, chỉ có khoảng 1% của tổng số dân trên đất Mỹ vào khoảng 3 triệu người, là những người giàu có. Thế nhưng, điều tôi đề cập ở đây là họ có nguồn thu nhập bằng 42% của tổng số thu nhập trên toàn nước Mỹ. Có nghĩa là, 320 triệu người còn lại, chia nhau 58% tổng số thu nhập.

Một điều đáng sợ khác là, càng ngày, cái con số 1% người giàu có này, càng giàu nhanh mãi hơn lên. Vào thập niên 90s, tổng số thu nhập của họ chỉ vào khoảng 31% của tổng thu nhập cả nước. Nhưng chỉ 25 năm qua, nguồn thu nhập của họ đã tăng lên kinh khủng.

 

Những nhà phân tích kinh tế cho rằng, chưa tới 10 năm nữa, những nhà tài phiệt 1% này, sẽ thu về nhiều hơn PHÂN NỬA TỔNG THU NHẬP CỦA CẢ NƯỚC.

 

                                                  ***

 

Chúng tôi là những người may mắn của “thời đó”, khi hai vợ chồng có nguồn thu nhập chưa tới $60 ngàn một năm, nhưng với số tiền này, chúng tôi có đủ tiền để trả tiền mua nhà, ở Lawndale, một thành phố nhỏ ở tiểu bang California, để có 2 chiếc xe mới tuy cũng là trả góp, để cho 2 đứa con đi học trường tư, để có đủ tiền đi vacation hàng năm, và nhất là cũng còn dư ra chút đỉnh để dành sau mỗi mùa thuế lấy về.

 

Ngày nay, ở California, hai vợ chồng, 2 đứa con, với số lương $120 ngàn, liệu có đủ để chi phí cho tất cả những thứ kể trên?

 

Năm ngoái, trong bài giảng của anh thầy chùa quốc doanh Thích chân Quang có câu “Nước Mỹ đang học theo mô hình kinh tế thị trường phát triển kiểu xã hội chủ nghĩa” tôi thấy thiên hạ cười cho rằng đó là chuyện bố láo. Ngẫm nghĩ lại, biết đâu, trong đó có vài phần đúng …

 

ĐẢNG và NHÀ NƯỚC BÊN NÀY, CŨNG ĐANG RÚT RUỘT, CŨNG ĐANG LÔI VÀNG CỦA DÂN RA CHIA CHÁC NHAU MỘT CÁCH KHÉO LÉO ĐẤY THÔI.

 

Vì đâu nên nỗi? BỌN TÀI PHIỆT TRÊN ĐẤT MỸ LÀ LÝ DO.

 

*** Bài viết này được viết đúng 3 năm trước, ngày 27 tháng 8 năm 2017 trước khi có cái Tax Cut khổng lồ 1.5 ngàn tỷ của đảng Cộng Hòa chia chác cho nhau và cho bọn tài phiệt, cũng là khi Donald Trump mới cướp được chính quyền.. Giờ update lại, 3 năm sau, nghĩa là vào lúc này con số chênh lệch qua thu nhập giữa 3 triệu người giàu nhất ở Mỹ so với 330 triệu dân số còn lại, đã gần ngang ngửa nhau. Sau đại dịch, con số này sẽ lại càng thu ngắn lại để rồi sẽ qua mặt trong 1-2 năm tới.

 

*** Giờ phải sửa câu kết luận lại thành: Đảng và nhà nước của Donald Trump bên này, cũng đang rút ruột của dân chia chác cho nhau một cách trắng trợn gấp chục lần bọn nhà sản.

.

 

31 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats