Monday, 31 August 2020

SHINZO ABE RÚT LUI CHÍNH TRƯỜNG, SỰ ỔN ĐỊNH CỦA CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG BỊ ĐE DỌA? (Minh Anh - RFI)

 


Shinzo Abe rút lui chính trường, sự ổn định của Châu Á – Thái Bình Dương bị đe dọa ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 31/08/2020 - 14:10

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200831-shinzo-abe-r%C3%BAt-lui-ch%C3%ADnh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-s%E1%BB%B1-%E1%BB%95n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%E1%BB%A7a-ch%C3%A2u-%C3%A1-%E2%80%93-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-b%E1%BB%8B-%C4%91e-d%E1%BB%8Da

 

Những tin đồn liên quan đến sức khỏe của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lan truyền từ nhiều tuần qua, nên thông báo từ nhiệm của ông hôm thứ Sáu 28/08/2020 không hẳn là một cú sốc hoàn toàn đối với các quan chức Mỹ. Nhưng theo nhận định của CNN, chính thời điểm đưa ra thông báo mới là điều đáng lo.

 

https://s.rfi.fr/media/display/773e433e-eb82-11ea-958e-005056bf87d6/w:980/p:16x9/2020-08-28T082431Z_1642899065_RC2WMI9OITPX_RTRMADP_3_JAPAN-POLITICS-ABE.webp

Ông Shinzo Abe tại cuộc họp báo tại dinh thủ tướng Nhật ở Tokyo, ngày 28/08/2020. © REUTERS - POOL

 

Tám năm thay vì là tám tháng như các đời chính phủ Nhật Bản khác trước năm 2012, Shinzo Abe trở thành vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản. Nhờ vào sự ổn định chính trị này, Nhật Bản đã trở lại sân khấu chính trị quốc tế một cách ngoạn mục. Nhắc đến Shinzo Abe, người ta không thể không nhắc đến khái niệm « Ấn Độ - Thái Bình Dương » nổi tiếng. Và đối với giới quan sát, chính những tầm nhìn thực dụng và năng động của Shinzo Abe còn là một nguồn bảo đảm ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Bà Celine Pajon, chuyên gia về Nhật Bản, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) khi trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie (số ra cho tháng 5-6/2020) từng nhận xét rằng chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời Shinzo Abe tựu trung được cấu tạo để đối phó với sự trỗi dậy thành cường quốc của Bắc Kinh. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc đi lên thành một cường quốc trên thế giới đặt nước này trước hai rủi ro lớn.

 

Mối nguy thứ nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trung Quốc từ năm 2012 không ngừng gia tăng sách nhiễu, đưa tầu hải cảnh xâm nhập xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc và cả Đài Loan đòi hỏi chủ quyền.

 

Nguy cơ thứ hai có bản chất hệ thống. Tokyo xem Bắc Kinh như là một cường quốc « xét lại » và điều này gây nguy hiểm cho trật tự thế giới tự do được thiết lập từ sau năm 1945, mà dự án Con đường Tơ lụa mới là một ví dụ điển hình. Với Nhật Bản, dự án tầm cỡ địa chính trị này của Trung Quốc rất có thể còn nhằm một mục tiêu sau cùng là tái thiết một hệ thống quốc gia chư hầu dưới vỏ bọc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, một hình thức để mở rộng các chuẩn mực và định chế Trung Quốc trong khu vực, thậm chí trên thế giới.

 

Chính trong bối cảnh này, ông Shinzo Abe, ngay khi lên cầm quyền năm 2012, vạch ra một chiến lược phản công làm đối trọng với Bắc Kinh. Một mặt, ông tăng cường cải thiện mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật, thúc đẩy thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi khi cho diễn giải lại điều khoản hạn chế sử dụng vũ lực để tự vệ, và như vậy có thể đến cứu viện Mỹ nếu cần thiết. Mối quan hệ này có từ thời Barack Obama, nhưng vẫn được đích thân Shinzo Abe đặc biệt duy trì ngay cả khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

 

Đồng thời, ông xúc tiến chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương » quy tụ bốn nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ. Đối thoại an ninh « Quad – Bộ Tứ ) được tổ chức hàng năm nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm đối phó với những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

 

Mặt khác, để làm đối trọng với dự án Một vành đai Một con đường của Trung Quốc, Shinzo Abe không ngừng nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước cho dù sau này chỉ còn 11 nước do Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi dự án. Ông Abe tin rằng chương trình này có một tầm quan trọng lớn vì cả hai lý do kinh tế và chiến lược.

 

Nhìn lại những gì được thực hiện, theo giới quan sát, tuy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông đôi khi gây ra nhiều tranh cãi, nhưng Shinzo Abe lại là một người theo chủ nghĩa đa phương, dấn thân không mệt mỏi nhằm thúc đẩy cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế.

 

Chỉ có điều giờ đây thông báo từ nhiệm của ông lại đưa ra không đúng thời điểm. Tình hình châu Á trở nên căng thẳng. Trong khi cuộc đọ sức Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh thời gian gần đây tiếp tục gia tăng các hành động khiêu khích gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các nước láng giềng. Chính sách đàn áp mới đối với Hồng Kông cũng như là mối đe dọa đối với Đài Loan còn làm dấy lên nỗi lo xung đột lớn tại châu Á.

 

Liệu rằng người kế nhiệm Shinzo Abe có thể tiếp nối những chính sách đã được vạch ra hay không ? Hệ quả chính trị, địa chính trị từ thông báo rút lui chính trường của ông tại châu Á sẽ như thế nào ? Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải đáp. Một điều chắc chắc, đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, « Ấn Độ đang mất đi một người bạn tốt, một đồng minh tốt nhất ở Nhật Bản ».

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats