Sunday, 30 August 2020

NHẬT KÊU GỌI CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG 'GIÚP SỨC' CHO TỘI PHẠM (VOA Việt Ngữ)

 


Nhật kêu gọi công dân Việt Nam không ‘giúp sức’ cho tội phạm

VOA Việt Ngữ

30/08/2020

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BA%ADt-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-gi%C3%BAp-s%E1%BB%A9c-cho-t%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A1m/5563708.html

 

Cơ quan đại diện ngoại giao của “xứ sở mặt trời mọc” mới đăng tải thông tin kêu gọi các công dân Việt Nam ở Nhật không “giúp sức cho những hành vi phạm tội”.

 

Đại sứ quán Nhật hôm 21/8 cho biết đã dịch sang tiếng Việt nội dung tờ rơi của Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) để “giúp các bạn thực tập sinh không bị vướng vào tội phạm”.

 

Theo OTIT, thời gian qua có nhiều trường hợp thực tập sinh kỹ năng “bị các tổ chức tội phạm do những người đồng hương của họ lập nên, dùng các thông tin trên mạng xã hội và Internet để quảng cáo tuyển người, thông qua bạn bè và người quen để dụ dỗ, hoặc bằng những lời đường mật gạ gẫm môi giới việc làm và rủ rê bỏ trốn, lôi kéo vào nhiều loại hình tội phạm khác nhau”.

 

Nhiều hành vi phạm tội đã được cơ quan này nêu ra, trong đó có việc vi phạm Luật quản lý xuất nhập cảnh về tư cách lưu trú khi bỏ trốn khỏi nơi thực tập để làm công việc khác hay vi phạm Luật phòng chống rửa tiền, Luật phòng chống sử dụng trái phép điện thoại di động khi bán hoặc chuyển nhượng cho người khác điện thoại di dộng, thẻ rút tiền, sổ gửi tiền ngân hàng, tài khoản ngân hàng, trước khi về Việt Nam.

 

Tờ rơi của OTIT viết rằng “bề ngoài thì những công việc nói trên có vẻ đơn giản với điều kiện hấp dẫn, mang lại khoản thù lao lớn ngay lập tức, nhưng thực tế tất cả các hành vi đó đều là tội phạm”.

 

“Tổ chức tội phạm rủ rê các bạn thực tập sinh bằng những lời lẽ khéo léo, vì thế có trường hợp khi bản thân người bị rủ rê không hề ý thức được hành vi của mình là phạm tội nên đã thực hiện hành vi đó.Thực tập sinh bị tổ chức tội phạm lợi dụng theo kiểu như vậy bị coi là giúp sức cho hành vi phạm tội và sẽ bị cảnh sát bắt giữ với vị thế là người phạm tội”, Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài của Nhật cảnh báo.

 

“Nếu rơi vào tình cảnh như vậy thì bạn sẽ không thể thực hiện được mục đích tiếp thu kỹ năng và trở về an toàn trong vòng tay gia đình nơi quê nhà, mà sẽ trở thành đối tượng bị trục xuất trong điều kiện bất lợi”.

 

XEM THÊM:

Nhật Bản: Việt Nam ‘giữ vị trí số một’ về người cư trú trái phép

 

Cảnh báo này được đưa ra ít lâu sau khi Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết rằng Việt Nam “giữ vị trí số một” về người cư trú trái phép và coi đây là “một thực tế đáng buồn” về người Việt tại “xứ sở mặt trời mọc”.

 

Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng “Việt Nam có khoảng 400.000 lao động”, “xếp thứ hai” trong số các nước có nhiều lao động và “đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản”.

 

“Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là Việt Nam đang giữ vị trí số một về số người cư trú bất hợp pháp, số thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn và số vụ bắt giữ do vi phạm Luật hình sự ở Nhật Bản”, Đại sứ quán Nhật Bản viết trên trang Facebook hồi tháng Bảy, kèm theo lời kêu gọi người Việt, nhất là các thực tập sinh, “đừng để rơi vào hoàn cảnh khốn cùng”.

 

Báo chí Nhật Bản trong những năm qua đã đưa tin về các trường hợp người Việt vi phạm pháp luật.

 

Trang Kokoro từng dẫn lời đại sứ Nhật ở Việt Nam Yamada Takio nói rằng “vẫn còn nhiều trường hợp người môi giới bất chính ở cả Nhật Bản và Việt Nam, lợi dụng ước mơ hoài bão của các bạn trẻ, khiến họ sang Nhật và bị vướng vào các hành vi phạm pháp” và chính phủ hai nước “đang hết sức nỗ lực cố gắng để loại trừ những người môi giới bất chính đó”.

 

Hồi tháng trước, tại Hà Nội, Việt Nam và Nhật đã trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án, phạt tù.

 

Hiệp định ký giữa Nhật Bản và Việt Nam, vốn có hiệu lực ngày 19/8, quy định các thủ tục để chuyển giao về nước người đang chấp hành án phạt tù ở nước kia nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Văn bản này cũng được coi là “tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Nhật Bản và Việt Nam khi bị kết án phạt tù ở nước kia được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm thúc đẩy công tác cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hình sự”.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats