Monday, 13 April 2020

VÌ SAO MỸ BỊ LỆ THUỘC VÀO VẬT TƯ Y TẾ CỦA TRUNG QUỐC? (Ngọc Lễ - VOA)




Ngọc Lễ  -  VOA Tiếng Việt
14/04/2020

Hệ thống phân phối của Mỹ lúc đầu bị hỗn loạn với tình trạng tranh mua, tranh bán cộng với việc các hãng xưởng Mỹ không đủ thời gian chuẩn bị để chuyển sang sản xuất vật tư y tế khiến cho Mỹ lệ thuộc nhiều vào sự cung cấp của Trung Quốc giữa đại dịch corona, một kinh tế gia nói với VOA.

Do sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 mà hiện Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng các thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang, nước sát khuẩn, trang phục bảo hộ, găng tay… Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất các mặt hàng này và đang được các nước tranh nhau để hỏi mua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (tức DPA) để buộc các công ty Mỹ phải tuân thủ chỉ thị của chính quyền về việc sản xuất và phân phối các mặt hàng y tế thiết yếu.

Vì sao thiếu hụt?

Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, người giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Keller Graduate School of Management, cho biết Mỹ trước giờ vẫn sản xuất các vật tư y tế kể trên ở trong nước, nhưng trong thời gian qua họ lại ‘bán ra nước ngoài nhiều’.

“Từ tháng 11 năm ngoái cho đến tận tháng 2 năm nay, các công ty Mỹ tiếp tục xuất hàng PPE (tức trang thiết bị bảo hộ) cho Trung Quốc và các nước khác. Trong đó, Trung Quốc đã mua ồ ạt kể từ đầu năm,” ông giải thích vì sao Mỹ đang bị thiếu hụt.

Theo lời ông thì sở dĩ có tình trạng đó là Mỹ ‘bị chậm trễ trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp’ vì ‘không ngờ rằng dịch bệnh lây lan ở Mỹ nhiều như vậy’ trong khi lúc đầu mới chỉ có mấy chục ca.

“Sự lan tràn của virus corona ngoài dự đoán của nước Mỹ khiến Mỹ bị chậm trễ hai tháng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.”

Sau khi Tổng thống Trump viện dẫn DPA thì nhiều công ty sản xuất trong các lĩnh vực khác như các hãng xe hơi General Motors, Ford hay hãng chế tạo thiết bị gia đình Philipps đã bắt đầu chuyển sang sản xuất PPE. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lộc thì các hãng này ‘không mặn mà lắm với việc này vì họ thấy không có lợi cho họ’.

Và mãi cho tới gần đây, các hãng Mỹ vẫn còn được xuất cảng thiết bị y tế sang các quốc gia khác như EU, Canada vì họ trả giá cao, ông Lộc cho biết.

“Mỹ đã sản xuất những hàng hóa sử dụng lao động giá rẻ như khẩu trang N95 hay thuốc men mấy chục năm nay, nhưng họ đã chuyển sản xuất sang Trung Quốc rất nhiều. Đó là lý do Trung Quốc có thể kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh vì hàng hóa đó có rất nhiều ở Trung Quốc mà Hoa Kỳ lại không có,” ông giải thích.

Ông đơn cử như mặt hàng khẩu trang N95 của hãng 3M hiện vừa duy trì sản xuất ở Mỹ vừa có nhà máy ở Trung Quốc.

Phân phối phức tạp

Bên cạnh nguồn cung thiếu hụt, hệ thống phân phối thiếu tập trung của Mỹ cũng là một nguyên nhân xảy ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường Mỹ, ông Lộc nói.

Theo lời ông thì cách nay 1, 2 tháng, Tổng thống Trump đã hướng dẫn các tiểu bang ra thị trường tự do muốn mua gì thì mua.


Tuy nhiên, sau đó nhiều thống đốc cho biết 50 tiểu bang tranh giành nhau trên eBay. Họ đấu giá đẩy giá hàng hóa lên rất cao, cộng với luật phạt những công ty lên giá là không rõ ràng nên gây ra tình trạng hỗn loạn.

“Hàng hóa có thể có trong chuỗi cung ở Mỹ, nhưng khi các tiểu bang ra ngoài thị trường để mua, nếu họ đưa ra mức giá thấp hơn ngoại quốc thì các công ty Mỹ vẫn tiếp tục bán cho ngoại quốc,” ông nói.

Còn nếu mua ở nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc, thì việc tranh mua đã khiến phía Trung Quốc ‘tăng giá để trục lợi’, ông cho biết.

Vả lại, khi mua hàng ở nước ngoài, các tiểu bang không có khả năng mua bằng liên bang vốn có nhu cầu mua với số lượng lớn và sẵn sàng trả giá cao hơn tiểu bang, ông Lộc nói thêm.

Để giải quyết tình trạng này, gần đây chính phủ Mỹ mới giao cho Cơ quan Quản lý Tình trạng thảm họa Quốc gia (FEMA) đứng ra làm đầu mối thu gom và phân phối hàng, đồng thời cũng viện dẫn DPA để buộc các công ty của Mỹ không được bán hàng cho nước ngoài mà phải bán cho FEMA trước tiên, cũng theo nhà phân tích này.

Do đó, sau khi FEMA can thiệp thì nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài cũng như của các tiểu bang và tư nhân đều bị treo lại hết, ông Lộc nói, và các tiểu bang buộc phải liên lạc FEMA để được phân phối.

“Hiện tại FEMA nhúng tay vào rất mạnh làm thế giới rất bực bội vì họ không hiểu rõ là Mỹ đang giành hàng qua con đường mua chính thức hay là trả giá gấp đôi, gấp ba để mua hàng họ đã đặt hay không,” ông Lộc nói và nhắc đến các vụ lùm xùm gần đây mà một số nước cáo buộc Mỹ giữ lại hàng của họ đã mua.

Không chỉ đối với các công ty sản xuất trong nước mà cả công ty Mỹ ở nước ngoài như 3M thì FEMA cũng có quyền được ưu tiên mua, Giáo sư Lộc cho biết thêm.

Ông Lộc thừa nhận việc này là ‘chính phủ liên bang xen vào hoạt động của thị trường tự do, quyết định chuỗi cung, nhu cầu và giá cả’. “Các công ty sản xuất sẽ được trả giá vừa phải chứ không thể lợi dụng thời cơ để đẩy giá lên cao,” ông nói.

Hàng vật tư y tế sau khi FEMA thu gom sẽ để 10% vào kho dự trữ quốc gia vốn không dùng mà để dành cho trường hợp khẩn cấp sau này (kể cả máy thở); 40% dành để phân phối cho các tiểu bang chống dịch, còn 50% còn lại giao cho 7 công ty phân phối trên thị trường, trong đó có bệnh viện tư, nhà thuốc hay thậm chí bán ra nước ngoài theo giá thị trường, Tiến sĩ Lộc cho biết.

Việc FEMA phân phối sẽ đảm bảo công bằng cho các tiểu bang, ông giải thích, để tránh tình trạng những tiểu bang giàu có thu gom hết trong khi những tiểu bang ít tiền hơn mà bị dịch nhiều sẽ không mua được.

Ông so sánh hệ thống phân phối này với cách phân phối tập trung của Trung Quốc: “Trung Quốc họ độc tài nhưng hệ thống phân phối hữu hiệu vì tất cả tập trung vào trung ương trong khi ở Mỹ có sự rối loạn giữa liên bang, tiểu bang rồi tư nhân.”

Thay đổi cục diện chiến tranh thương mại?

Với tình hình như hiện nay, chuyên gia này chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây ‘đang lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nhiều’ và lưu ý điều nghịch lý là mặc dù là nơi xuất phát của virus corona nhưng Trung Quốc giờ đang hành xử như ‘vị cứu tinh’.

“Bây giờ thế giới đang cầu cạnh Trung Quốc. Thành ra họ trở thành ân nhân, người tốt mà Mỹ lại mang tiếng xấu. Mỹ cần cẩn trọng và cần có sự đối xử công bằng với các đồng minh,” Giáo sư Lộc khuyến cáo.

Nhìn về tổng thể cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn mới đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, ông Lộc nói rằng việc Mỹ lệ thuộc vào vật tư y tế Trung Quốc ‘ảnh hưởng đến khả năng thương lượng và địa vị chính trị của Trung Quốc đối với Mỹ’.

Theo ông, Bắc Kinh giờ ‘có khả năng thay đổi hoàn toàn cuộc chiến’. Tổng thống Trump biết rằng trong giai đoạn này, nếu Trung Quốc không bán đồ cho Mỹ thì số người Mỹ chết sẽ gia tăng và điều này có thể làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, ông Lộc phân tích.

“Mỹ bây giờ phải cầu cạnh Trung Quốc vì hàng hóa Trung Quốc có thể bán cho các nước khác rất cần mua, chứ không cần bán cho Mỹ.”

Do đó, Tiến sĩ Lộc dự đoán trong khoảng thời gian từ 6 đến 18 tháng tới, Mỹ sẽ ‘ở thế bất lợi để đàm phán với Trung Quốc’. Ngoài ra, có nhiều hàng hóa của các công ty Mỹ sản xuất ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, giờ ông Trump phải dỡ bỏ thuế quan để cho nhập những mặt hàng đó.

“Vấn đề là không thể để tất cả hàng hóa này tập trung hết ở một chỗ nh[ng không nhất thiết phải chuyển về Mỹ mà có thể chuyển sang Ấn Độ hay Việt Nam”, ông nói.

Còn nếu dời tất cả những hãng xưởng sản xuất thiết bị y tế từ Trung Quốc về Mỹ thì chính phủ Mỹ phải nên xem mặt hàng này là hàng ưu tiên quốc gia cần được trợ cấp của chính phủ trong vòng 5-7 năm, vẫn theo phân tích của chuyên gia này, vì giá lao động ở Mỹ quá cao nên sản xuất những mặt hàng như khẩu trang hay trang phục bảo hộ ở Mỹ sẽ không có lời như ở Trung Quốc. Theo đó, ông Lộc đề xuất Mỹ giảm thuế hay trợ giá, chẳng hạn như 5 đô thì chính phủ trợ giá 1 đô la cho mỗi chiếc khẩu trang.

“Con virus này sẽ xảy ra nữa. Khẩu trang sẽ rất cần, cho nên cần được coi là hàng thiết yếu để được trợ giá thì mới duy trì sản xuất lâu dài được ở Mỹ,” ông lập luận.

Để hàng y tế chuyển về Mỹ sản xuất cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Trung Quốc, Tiến sĩ Lộc nói khi đó Mỹ ‘có thể dùng thuế quan để đánh vào hàng Trung Quốc’.

Riêng về thị trường cho mặt hàng này ở Mỹ, ông thừa nhận đây là ‘bài toán khó giải quyết’ nhưng đề xuất ‘chính phủ liên bang đứng ra mua để bỏ vào kho dự trữ quốc gia vì với dân số trên 300 triệu thì Mỹ cần rất nhiều’.

Theo phân tích của chuyên gia này, hiện nay dù các hãng xưởng Mỹ đã chuyển sang sản xuất thiết bị y tế nhưng họ ‘cần vài tuần cho đến cả tháng để chỉnh sửa máy móc cho phù hợp’ và phải đến tháng 9 thì họ mới sản xuất ra đủ cho nhu cầu trong nước Mỹ.

“Đợi từ đây đến đó thì số người chết ở Mỹ sẽ rất nhiều. Trung Quốc họ có sẵn hàng, bán ra rất nhiều và sản xuất ngày càng nhiều. Họ đang nắm đằng cán.”

“Nếu Mỹ chuẩn bị sớm, có thời gian để phản ứng, bắt đầu đi vào tình trạng khẩn trương sớm thì có thể không xảy ra tình trạng như vậy,” ông nói thêm.





No comments:

Post a Comment

View My Stats