Trọng
Thành -
RFI
Đăng
ngày: 13/04/2020 - 14:45
Đại dịch Covid-19 làm hơn 100.000 người chết, khiến
hơn một nửa nhân loại sống trong tình trạng bị phong toả hoặc giãn cách xã hội,
đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào đại suy thoái. Tuy nhiên, tác động của
Covid-19 không giống nhau giữa các quốc gia. Gần đây xuất hiện một số điều tra
sơ bộ đáng chú ý, cho thấy các quốc gia có truyền thống tiêm phòng lao ít bị
tác động bởi dịch Covid-19.
Nhân tố này có thể giải
thích một phần đáng kể cho tỉ lệ tử vong rất thấp tại nhiều quốc gia châu Á, vì
Covid-19. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
Tương phản kỳ lạ giữa Nhật và
Ý
Trang mạng Asia Times, hôm 10/04/2020, trong một bài sơ kết về chủ
đề này, dẫn điều tra của ông Gonzalo Otazu, giáo sư chuyên ngành y sinh học tại
New York Institut of Technology, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản mới đây,
đã hết sức ngạc nhiên trước số lượng tử vong rất thấp, vì bệnh dịch này. Kết quả
nghiên cứu sơ bộ được công bố ngày 25/03 trên mạng medRxiv, chuyên công bố các
nghiên cứu đã hoàn thiện, đang chờ các đồng nghiệp phản biện. Giáo sư Otazu và các cộng sự đã
nhận ra một tương phản kỳ lạ giữa các quốc gia, nơi người dân được tiêm chủng
phòng lao, và các nơi không có.
Tại Ý và Hoa Kỳ, nơi
không có chính sách tiêm chủng lao đại trà, tỉ lệ tử vong do Covid-19 rất cao.
Ngược lại, tại Nhật Bản, tỉ lệ này là rất thấp, cho dù Nhật đã '‘không thực
thi chính sách phong toả xã hội nghiêm ngặt’’.
Tương phản rõ nét ngay tại
châu Âu
Về nội bộ các nước châu
Âu, sự tương phản cũng rõ nét. Tại Ý, nơi không có chương trình vác-xin phòng
lao, tỉ lệ người chết là 292 trên một triệu dân. Trong khi tại Đức, số lượng
người chết chỉ bằng một phần mười, 28 trên một triệu dân. Nhóm nghiên cứu ghi
nhận việc vác-xin phòng lao đã được sử dụng rộng rãi tại miền đông nước Đức, tỉ
lệ tử vong tại khu vực này thấp hơn phần còn lại của đất nước.
Các quốc gia có chương
trình tiêm chủng lao khác, như Hàn Quốc, New Zealand cũng có tỉ lệ tử vong do
Covid-19 thấp. Việt Nam
là quốc gia, theo số liệu chính thức, được coi là có số lượng người nhiễm virus
rất thấp. Ngay từ những năm 1985-1990, Việt Nam đã triển khai tiêm
phòng lao đến toàn bộ các tỉnh, thành phố, ngoại trừ một số điểm vùng
sâu, vùng xa.
Ê kíp nghiên cứu của giáo
sư Otazu cũng đi sâu so sánh hai nhóm quốc gia. Một bên là các nước thực hiện
chương trình tiêm chủng từ sớm, và những người cao tuổi, nhờ được tiêm chủng
khi còn nhỏ, dường như đã ít bị tổn thương do dịch bệnh Covid-19. Bên kia là những
nước bắt đầu chương trình tiêm chủng muộn hơn, như Iran, nơi nguy cơ tử vong
cao hơn, có thể do những người cao tuổi không được tiêm chủng phòng lao.
Nhật Bản tiêm chủng sớm, Iran
tiêm chủng muộn
Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng
kể từ năm 1947, trong khi Iran chỉ mới tiêm chủng từ năm 1984. Tỉ lệ tử vong do
Covid-19 của Nhật thấp hơn Iran đến 100 lần.
Nghiên cứu của giáo sư Đại
học New York không phải là duy nhất. Ngày 27/03, một điều tra khác đã được công
bố trên mạng. Nghiên cứu
do nhà niệu học Paul Hegarty, bệnh viện Mater, Dublin (Ailen) tiến hành
liên quan đến 178 quốc gia. Tương tự như nghiên cứu của giáo sư Otazu,
điều tra của bệnh viện Ailen cho thấy các quốc gia có chương trình tiêm chủng
lao có tỉ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia không có. Tỉ lệ bị
nhiễm virus cũng tương tự.
Nghiên cứu nhóm khoa học
Ailen ghi nhận các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hồng
Kông đã có chương trình vác-xin phòng lao ngay từ khi sinh. Tính trung bình các
quốc gia này có tỉ lệ tử vong do Covid-19 là 0,7 người trên một triệu
dân.
Bệnh viện Ailen khuyến cáo sử
dụng
Riêng Đài Loan, tỉ lệ tử
vong chỉ là 0,2 trên một triệu dân. Điểm đáng chú ý là Đài Loan có chương trình
tiêm phòng lao từ những năm 1950, nhưng đã bắt đầu tiêm phòng ngay từ những năm
1940. Một điểm khác tạo nên sự khác biệt của Đài Loan là do chính sách cách
ly hiệu quả, dựa trên xét nghiệm.
Nghiên cứu của bệnh viện
Ailen kết luận là: ‘‘Vác-xin phòng lao đã được sử dụng từ gần một thế kỷ. Ba
tỉ liều vác-xin đã được tiêm kể từ khi vác-xin chính thức được sử dụng. Tính chất
an toàn của loại vác-xin này đã được kiểm nghiệm... Trong khi chờ đợi có vác-xin đặc hiệu cho virus,
việc sử dụng vác-xin phòng lao đã có, và đã chứng tỏ độ an toàn, để tăng cường
khả năng miễn dịch của cơ thể, là một công cụ quan trọng đẩy lùi dịch bệnh
Covid-19’’.
Lý do nào khiến người được
tiêm phòng lao ít bị tử vong hơn?
Vác-xin phòng lao, do hai
nhà khoa học Pháp - bác sĩ, nhà vi trùng học Albert Calmette (1863 -
1933) và nhà thú y, nhà sinh học Camille Guérin (1872- 1961) - chế tạo,
đã được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1921. Vác-xin phòng lao thường gọi là
vác-xin BCG, tên viết tắt của “Bacille Calmette-Guerin” (vi trùng lao
mang tên hai nhà khoa học Pháp).
Trong suốt quá trình sử dụng,
loại vác-xin này đã chứng tỏ nhiều lợi ích, không chỉ trong việc phòng lao.
Vác-xin làm tăng cường hệ miễn dịch, cho phép bảo vệ người được tiêm khỏi nhiều
căn bệnh và nhiều loại virus. Những người cao tuổi được tiêm phòng lao ít bị
các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp hơn. Đối với các bệnh nhân bị ung thư bàng
quang, vác-xin phòng lao giảm kính thước của khối u và giảm tỉ lệ tử vong. Tiêm
phòng lao cũng được chứng minh giảm nguy cơ tiểu đường loại 1.
Ông Mihai Netea, chuyên gia về bệnh lây nhiễm của Radboud
University Medical Center, Hà Lan, phát hiện ra là loại vác-xin này có tác dụng
đánh thức ‘‘một thứ ký ức của tế bào’’, ký ức của hệ thống miễn dịch bệnh
sinh, cho phép cơ thể biết cách kháng cự lại các nhân tố gây bệnh mới. Đây là
điều mà các nhà khoa học gọi là ‘‘miễn dịch được huấn luyện’’.
Trang mạng Science et Avenir, trong bài '‘Vác-xin phòng lao có
hiệu quả để chống Covid-19 hay không?’’ giải thích thêm là, vác-xin này cho
phép tránh cho hệ thống miễn dịch, phụ trách bảo vệ cơ thể, trong cuộc chiến chống
lại virus, rơi vào tình trạng hoạt động quá tải, và chống lại chính cơ thể người
bệnh. Hiện tượng - được gọi là '‘cơn cuồng phong cytokin’’, tức việc hệ
miễn dịch sản xuất ồ ạt chất cytokin, các phân tử kích thích các phản ứng viêm
- xuất hiện vào khoảng sau một tuần, kể từ khi xuất hiện những triệu chứng
đầu tiên ở người bệnh. Khi phân tử này được sản xuất với khối lượng quá lớn,
tình trạng viêm diễn ra quá mức nghiêm trọng, làm tổn thương các cơ quan nội tạng,
như phổi.
Pháp: Vác-xin phòng lao giúp đề
kháng với Covid-19 được nhìn nhận ra sao ?
Cũng như nhiều nơi khác,
Pháp đã ngay lập tức chú ý đến tiềm năng lớn của vác-xin phòng lao. Nhiều
nghiên cứu đang được tiến hành song song. Trước hết là nghiên cứu điều tra về
tiềm năng đã có có loại vác-xin này, bởi tại Pháp, tiêm phòng lao đã từng là bắt
buộc cho đến năm 2007.
Inserm (Viện Quốc Gia về
Y Tế và Nghiên Cứu Y Khoa) tiến hành một nghiên cứu lâm sàng với các hộ lý. Bà
Camille Locht, giám đốc nghiên cứu của Inserm tại Viện Pasteur Lille, đang điều
hành nghiên cứu này. Giám đốc nghiên cứu Viện Pasteur Lille cho biết đã tiến
hành vác-xin lần thứ hai cho các hộ lý, tham gia nghiên cứu này, để theo dõi
xem liều tiêm nhắc lại này có tác dụng như thế nào. Inserm sẽ so sánh kết quả này
với các kết quả được tiến hành tại Hà Lan và Úc, nơi những người tham gia thử
nghiệm lần đầu tiên được tiêm phòng lao (hai quốc gia này không có chính sách
tiêm phòng lao đại trà trong quá khứ).
Cùng nhóm nghiên cứu này
chuẩn bị tiến hành một nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn khác, phối hợp với Tây
Ban Nha, cho phép đối chiếu kết quả tác động của vác-xin dựa trên sự so sánh
hai nhóm, một được tiêm phòng, và một không. Inserm cho biết kết quả sẽ chỉ có
được sau từ 2 đến 3 tháng, kể từ khi nghiên cứu khởi sự.
Hiện tại, các nhà nghiên
cứu Pháp vẫn khá thận trọng, khi khẳng định khả năng tiêm phòng lao giúp cơ thể
kháng cự tốt hơn với virus gây bệnh Covid-19 là hướng rất đáng chú ý, nhưng cần
phải được kiểm chứng qua các nghiên cứu lâm sàng nghiêm ngặt. Về mặt chính thức,
Inserm cho rằng chưa đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị tiêm phòng lao nhằm tự
vệ trước Covid-19.
Thử nghiệm vác-xin phòng lao:
Ưu tiên các nhân viên y tế trên tuyến đầu
Dù sao, nhóm nghiên cứu của
Inserm nhấn mạnh, nỗ lực của Pháp trước hết nhắm vào các nhân viên y tế, họ là
những người trên tuyến đầu, gánh chịu nhiều rủi ro nhất, cần được bảo vệ trước
tiên, nếu phương pháp này tỏ ra thực sự hiệu quả. Ông Mihai Netea, chuyên gia về
bệnh lây nhiễm của Radboud University Medical Center, Hà Lan, cũng khẳng định,
đây cũng chính là mục tiêu của thực nghiệm lâm sàng, được khởi sự từ giữa tháng
3. Nghiên cứu được tiến hành trên 1.000 nhân viên y tế (chia làm hai nhóm đối
chứng, 500 được tiêm, 500 không).
Theo bà Camille Locht,
giám đốc nghiên cứu của Inserm, cũng cần hỗ trợ khẩn cấp nhằm triển khai nghiên
cứu này tại các quốc gia ''có tiềm lực giới hạn’’. Cuối tháng 3/2020,
Inserm thông báo đang xem xét tiến hành nghiên cứu tại châu Phi.
Một vấn đề khác cũng được
đặt ra là, cần nhanh chóng tăng cưởng sản xuất vác-xin phòng lao tại châu
Âu, bởi với nhu cầu sử dụng vác-xin tăng vọt cho các bệnh nhân Covid-19 hiện
nay, rất có nguy cơ thiếu vác-xin cho trẻ em tại nhiều quốc gia, nơi lao vẫn
còn là một bệnh dịch đáng sợ.
Hiện tại, nhiều phương pháp
hứa hẹn có triển vọng đang được triển khai. Tuy nhiên, trước tốc độ lan
truyền nhanh chóng của virus gây bệnh Covid-19, nhiều người cho rằng tốc độ
nghiên cứu và phát triển các phương pháp vác-xin hay trị liệu như hiện
nay là không đủ. Hôm qua, 12/02/2020, tỉ phú Bill Gates - người sáng lập Quỹ
Bill và Melinda Gates, chuyên hỗ trợ tiến trình nghiệm vác-xin và các phương
pháp mới cho phép chóng có được miễn dịch - đã kêu gọi các cường quốc
chung tay đầu tư mạnh, để khẩn trương cho ra đời một vác-xin mới chống
Covid-19.
====================================
Thụy
My -
RFI
Đăng
ngày: 26/03/2020 - 08:26
Giáo sư Didier Raoult, chuyên gia về bệnh truyền
nhiễm ở Marseille, người vừa từ chối dự những cuộc họp hội đồng khoa học
của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã gợi lên nhiều hy vọng đồng thời với những
chỉ trích, với phương pháp xét nghiệm hàng loạt và dùng thuốc trị sốt rét
chloroquine để chữa trị cho những bệnh nhân vị nhiễm virus corona.
Mỗi ngày từ 7 giờ sáng,
hàng dài người kiên nhẫn đợi trước IHU (bệnh viện & đại học) Méditerranée
Infection ở Marseille chuyên về bệnh nhiễm, để được ê-kíp của giáo sư Didier
Raoult xét nghiệm virus corona chủng mới. Đa số mang khẩu trang, mới vào giữa
buổi sáng AFP đã đếm được khoảng 300 người.
Xét nghiệm hàng loạt
« phù hợp với lời thề Hippocrate »
Bất chấp quan điểm của
chính phủ Pháp là chỉ xét nghiệm cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn
thương, từ nhiều tuần qua, giáo sư Raoult, giám đốc IHU Méditerranée Infection
khẳng định cần phải xét nghiệm đại trà mới có thể ngăn được con virus đến từ Vũ
Hán, và cách ly những người dưong tính. Chủ nhật 22/02/2020, ông lại lên tiếng
cùng với năm giáo sư và bác sĩ khác trong một thông cáo : « Phù
hợp với lời thề Hippocrate đã tuyên thệ, chúng tôi quyết định cho xét nghiệm
virus Covid-19 cho tất cả những bệnh nhân nào bị sốt đến khám ».
Giáo sư cũng chủ trương dùng một loại thuốc trị sốt rét là chloroquine
để chữa cho các bệnh nhân bị dương tính với virus corona, trong khi khả năng
này vẫn đang được nghiên cứu.
Các bác sĩ cùng ký tên loan báo tất cả các bệnh nhân bị Covid-19, « trong
đó có một số lớn tuy ít có triệu chứng nhưng phổi đã bị tổn
thương », sẽ được trị bằng hỗn hợp hydroxychloroquine (một chất dẫn
xuất của chloroquine) và azithromycine. Trong trường hợp viêm phổi nặng, sẽ dùng
thêm một thứ thuốc kháng sinh phổ biến.
Tin tức về việc được xét
nghiệm với thủ tục dễ dàng tại đây, nhanh chóng loan đi trên mạng xã hội. Libération cho
biết một nhóm Facebook vừa được lập hôm thứ Bảy 21/2 mang tên « Didier
Raoult vs Coronavirus » đã có trên 70.000 thành viên gia nhập. Có
những ứng cử viên địa phương ở Marseilles bị dương tính với virus corona, đứng
đầu là Martine Vassal (đảng LR), không ngớt lời ca ngợi người đã cứu mình. Một
kiến nghị trên trang Change.org chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã đã thu hút đến
200.000 chữ ký, đòi hỏi áp dụng ngay phương pháp của giáo sư Raoult.
Tia hy vọng từ chloroquine
Giáo sư chủ yếu dựa vào kết
quả sau khi đã áp dụng cho 24 bệnh nhân, ba phần tư trong số này đã lành bệnh
sau sáu ngày. Tuy vậy nhiều người trong ngành y đã phản đối, nhắc nhở rằng vẫn chưa
có thí nghiệm lâm sàng, nên hãy còn quá sớm để mừng chiến thắng. Nhưng hy vọng
đã lóe lên, nhiều chính khách yêu cầu chính quyền lưu ý đến phương pháp này.
Theo Le Figaro,
thị trưởng Nice bị dương tính với virus corona, ông Christian Estrosi cũng muốn
được chữa bằng chloroquine. Sáu ngày sau, ông lên đài truyền hình BFMTV cho biết
cảm thấy đã khỏe và nhấn mạnh : « Khi chiến tranh đã được
tuyên bố, như lời tổng thống, chúng ta không có thì giờ thí nghiệm trên chuột
trong vòng sáu tháng. Từ lúc có một giải pháp đã được dùng thử trên một số bệnh
nhân và cho ra kết quả bước đầu, tôi không hiểu tại sao nước Pháp lại bỏ
qua ».
Bruno Retailleau, chủ tịch
nhóm LR (Những Người Cộng Hòa) ở Thượng Viện cũng đề nghị chính phủ đừng chần
chờ. Chloroquine có lợi thế là rẻ tiền, trong lúc số lượng người chết vì virus
Vũ Hán hàng ngày đang tăng lên.
Rốt cuộc đến tối thứ Hai,
bộ trưởng y tế Olivier Véran loan báo các bác sĩ có thể dùng chloroquine nếu muốn.
Tuy vậy ủy ban tư vấn sức khỏe cộng đồng cũng khuyến cáo không nên sử dụng, trừ
phi đang ở tình trạng trầm trọng. Cuộc tranh cãi về dùng thuốc sốt rét để chữa
bệnh Covid-19 chỉ mới bắt đầu.
Giáo sư Didier Raoult là
ai ?
Didier Raoult sinh tại
Sénégal năm 1952, gia đình ông về Marseille định cư năm ông 9 tuổi. Mẹ là y tá,
cha là bác sĩ quân y, ông học y khoa theo lệnh của cha. Luôn làm việc cật lực,
ông đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, tất cả đều do nỗ lực bản thân.
Ông là người của thời cuộc.
Nhân vật gây tranh cãi này được nhắc đến ở khắp nơi, trên trang nhất và nhiều
trang trong của các tờ báo lớn, các chương trình truyền hình, trên các mạng xã
hội, trong các gia đình và cả tại Nhà Trắng ở tận nước Mỹ.
Vị bác sĩ 68 tuổi thổi một
làn gió hy vọng vào xã hội Pháp đang bàng hoàng với những bản tổng kết tang tóc
vào cuối ngày. Trước những tuyên bố trái ngược nhau của giới chính trị và y tế,
nay nhiều người muốn tin vào ông giáo sư có mái tóc dài, áo sơ mi sặc sỡ phía
trong chiếc áo blouse trắng – một nhân vật rất « Gô-loa ».
Giáo sư Didier
Raoult chủ trương xét nghiệm đại trà và dùng chloroquine để chữa trị các bệnh
nhân Covid-19, nhưng nhiều bác sĩ cáo buộc ông bỏ qua giai đoạn thử nghiệm. AFP/Gérard
Julien
Hai loại vi khuẩn được đặt
theo tên Raoult
Bề ngoài có vẻ lập dị,
nhưng giáo sư Didier Raoult là một tên tuổi lớn trên thế giới về bệnh truyền
nhiễm. Ông được tặng giải thưởng lớn của INSERM (Viện sức khỏe và nghiên cứu y
khoa quốc gia) năm 2010 vì sự nghiệp của mình. Trong đó có phát hiện về Mimivirus
(virus bắt chước) năm 1992, virus Spoutnik năm 2008, mở ra một lãnh vực cho đến
lúc đó chưa có ai nghiên cứu. Có hai loại vi khuẩn mang tên ông : họ vi
khuẩn đường ruột Raoultella và Rickettsia Raoultii (truyền nhiễm qua loài ve,
gây sốt cao). Ông và ê-kíp của mình còn có những nghiên cứu về bệnh dịch hạch
thời Trung Cổ, hay khủng bố sinh học v.v…
Không ít người trong
ngành y không ưa giáo sư Raoult vì những tuyên bố thẳng thừng, nhiều khi khiêu
khích của ông. Chẳng hạn ông khẳng định « Tôi không phải là người
ngoài, tôi đang đi trước » (trên báo La Provence). Ông
khuyên những người chỉ trích về độc tính của chloroquine « hãy đọc
lại sách giáo khoa cho sinh viên y khoa năm thứ nhất » (Les Echos), nói
rằng « chẳng quan tâm » đến việc thử nghiệm lâm sàng
(Le Parisien).
Trong giới nghiên cứu vốn
đề cao tính khiêm tốn, và nhất là ngành y luôn chủ trương thận trọng, thái độ
này gây bực bội. Renaud Muselier, chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, một
người bạn của giáo sư Raoult bênh vực : « Với tư cách nhà
khoa học, ông ấy tự do. Ông không quan tâm đến những bình luận mà cần kết quả ».
« Tôi không đơn độc ! »
Sự tự do không theo khuôn
khổ nào của Didier Raoult khiến ông bị chỉ trích. Nhà sinh học Nicolas
Chevassus-au-Louis trong cuốn sách « Malscience » tố ông lập « kỷ
lục thế giới » với 12.252 bài báo từ 1996 đến 2011, và 800 bài sau đó, tức
trung bình 6 bài viết một tháng, và đặt câu hỏi liệu giáo sư Raoult có thực sự
tích cực tham gia những công trình mà ông là đồng tác giả. Giáo sư Didier
Raoult cũng nổi tiếng là không tuân lệnh ai kể cả thượng cấp. Ông công khai chống
lại Yves Lévy, viện trưởng INSERM từ 2014 đến 2018 và là chồng của Agnès Buzyn
(bộ trưởng y tế, vừa từ chức để ứng cử đô trưởng Paris).
Bác sĩ Arnold Munnich, một
người bạn thời trẻ của Didier Raoult và cũng từng đoạt giải thưởng lớn của
INSERM cho rằng nên bỏ qua một bên những gì thuộc về phong cách, để nhận ra giá
trị khoa học và đánh giá một bác sĩ tài năng, « đam mê nghề nghiệp,
có tinh thần sáng tạo ».
Do các nhà báo bị chôn
chân tại Paris vì lệnh phong tỏa, các cuộc phỏng vấn đều được thực hiện qua
Skype. Trả lời Le Figaro, giáo sư Didier Raoult từ Marseille lý giải
: « Khi có được một thứ thuốc không gây hại và bắt đầu cho kết quả
trị liệu, thì cần phải kê toa cho bệnh nhân. Nếu sau đó khám phá được thuốc nào
tốt hơn thì chúng ta sẽ đổi. Tất cả đều là thực dụng ». Còn với Libération,
ông khẳng định : « Tôi không đơn độc. Khi người ta cô độc, đó
là do bị điên, hay là đã đạt đến một trình độ siêu việt mà nhân loại không thể
hiểu được. Tôi không mong điều đó xảy đến với tôi ! ».
No comments:
Post a Comment