Monday, 13 April 2020

TT TRUMP LẠM DỤNG QUYỀN LỰC & LÀM SUY YẾU CÁC NGUYÊN TẮC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO? (Minh Phạm)




Minh Phạm
12/04/2020

Chỉ trong một tuần Trump sa thải và cách chức hai Tổng Thanh tra, một người thuộc Bộ Quốc phòng và người kia thuộc cộng đồng tình báo mà không gặp phải bất kỳ phản ứng nào từ các định chế giám sát quyền lực vốn làm trụ cột cho sự phân quyền, quả là bất thường.

Viên Tổng Thanh tra thuộc Bộ Quốc Phòng là người liên quan đến việc giám sát quỹ chi tiêu trị giá đến 2,2 ngàn tỷ dollars để ứng phó với cơn đại dịch Cúm Vũ Hán. Quyết định cách chức Quyền Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng của ông Glenn Fine được thông báo vào sáng thứ Ba 7/4 mà không có lời giải thích. Sự cách chức Quyền Tổng Thanh tra Bộ Quốc Phòng của ông Glenn Fine khiến ông này không có tên trong Ủy ban ứng phó đại dịch, và đây có thể là nguyên nhân của vụ cách chức vì ông Trump muốn đưa người của ông vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Giám sát này.

Tối thứ sáu trước đó, Tổng thống Trump cũng sa thải ông Michael Atkinson, Tổng Thanh tra Cộng đồng tình báo, bằng một lá thư gửi cho Thượng nghị viện. Ông Atkinson là người có thẩm quyền giám sát sự vụ “cuộc điện đàm giữa Trump và Tổng thống Ukraine” đã báo cáo cho Quốc Hội về nội vụ khiến ông Trump phải bị luận tội truất quyền hồi tháng 9/2019. Thêm vào đó, ông Atkinson nhất quyết giữ kín những chi tiết về nhân thân của người cáo tố (Whistleblower) hầu giữ bí mật cho người này. Từ đó, ông Trump rất căm ông Atkinson nhưng đến nay mới có cơ hội trừng phạt bằng sự sa thải. Chính ông Trump nói rằng ông Atkinson đã điều hành công việc (vụ Ukrainegate) rất tệ hại như lời bào chữa cho việc sa thải này.

Michael Atkinson, là một trong hai Tổng Thanh tra đã bị Trump cách chức gần đây. Ảnh chụp ngày 4/10/2019. Ảnh: AP/ J. Scott Applewhite

                                                       ***

Quyền giám sát của Quốc Hội (Congregational Oversight) là một quyền Hiến định. Bằng việc ban hành một đạo luật, Quốc Hội có thể giám sát mọi cơ quan tổ chức thuộc mọi ngành quyền lực. Để đảm bảo đạo luật được thực thi nghiêm túc, luôn có một tổ chức giám sát thi hành (chấp pháp: law enforcement) được thành lập để báo cáo với Quốc Hội.

Lệ thường, khi Quốc Hội cho ra một đạo luật thành lập một cơ quan mới trong bộ máy Hành pháp, xét vì tính chất thiết thực, cơ quan đó là cánh tay nối dài của Quốc Hội để thực hiện việc giám sát thi hành luật pháp ở Hành pháp. Cơ quan này có nhiệm vụ báo cáo cho Quốc Hội theo định kỳ, hoặc khi có yêu cầu (vì thế nên mới gọi nó là “cánh tay nối dài” của Quốc Hội là vậy).

Người giữ vị trí quan trọng của các cơ quan đó dù do Tổng thống đề cử (nominate) nhưng phải được Thượng nghị viện chuẩn nhận theo điều khoản “khuyến cáo và chuẩn nhận” (Advised and Consent Clause) của Hiến pháp. Hậu quả của việc chuẩn nhận này là mọi sự sa thải, thuyên chuyển hay đình hoãn chức vụ này phải được thông báo và đồng ý từ Thượng nghị viện.

Định chế Tổng Thanh tra trong mỗi Bộ của chính quyền liên bang bị chi phối bởi Đạo luật về Tổng Thanh tra 1978 (Inspector General Act 1978) theo tinh thần nói trên.

Nói như vậy để thấy rằng, cả hai vụ cách chức và sa thải hai Tổng Thanh tra đã không gặp phải sự phản đối đúng mực, ít nhất là từ phía Thượng nghị viện, nơi có thẩm quyền tài phán chuẩn nhận chức vụ Tổng Thanh tra của một Bộ trong chính quyền liên bang; sau đó là từ Hạ nghị viện, nơi có các Ủy ban tương ứng có quyền tài phán trực tiếp như Ủy ban Giám sát, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tình báo, Ủy ban Chuẩn chi ngân sách…

Khi Trump sa thải James Comey (cựu Giám đốc FBI. Cần nhớ FBI chỉ là một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp), việc làm đó là một scandal lớn. Điều trần và điều trần liên tục với vụ sa thải Comey, thậm chí nguy cơ Trump sẽ bị luận tội truất quyền (impeachment). Với vụ đe dọa sa thải Jeff Sessions (cựu Bộ trưởng Tư pháp) trong vụ Mueller cũng thế, thậm chí các Nghị sĩ Cộng hòa còn cảnh cáo Trump nên dừng lại với trường hợp Sessions. Một năm sau, Trump sa thải Sessions, cũng những nghị sĩ Cộng hòa đó nhưng họ lại… hài lòng!?

Sau đó là sự sa thải anh em nhà Trung tá Vindman trong vụ Ukraine, dù lòng ái quốc của họ được ghi nhận, nhưng cũng với những nghị sĩ Cộng hòa lại ủng hộ Trump. Được thể, Trump sa thải hoặc tìm cách đẩy đi những vị trí hàng đầu của cơ quan tình báo DNI cũng như các điều tra viên liên bang.

Ngày càng lộ rõ Trump thẳng tay đuổi việc những quan chức tình báo hoặc nhân viên điều tra mà không kiêng dè Quốc Hội, biến những điều bất thường trở thành… bình thường. Trump chuyên quyền đến mức bình thường hóa trong việc thuê và sa thải nhân viên liên bang – kể cả những chức vụ cần Thượng nghị viện chuẩn nhận nhờ sự trợ giúp từ khối đa số thuộc đảng Cộng hòa – chỉ để làm hài lòng ông. Một qui định chặc chẽ ngăn ngừa sự lạm quyền về chuẩn nhận chức vụ trong Hiến pháp – chữ nghĩa từ những người công chính viết ra – trong tay của những người bất chính bỗng chốc trở nên một lợi khí cho kẻ tà tâm.

                                                         ***

hi tin tức sa thải Tổng Thanh tra Atkinson chưa ráo mực và chức vụ vẫn chưa có người thay thế; hôm thứ hai (6/4), một ngày trước khi cách chức quyền Tổng Thanh tra Bộ Quốc Phòng Fine, ông Trump gửi cho Thượng nghị viện danh sách đề cử 5 nhân vật sẽ làm Tổng Thanh tra của các Bộ hoặc cơ quan hành chánh liên bang để Thượng nghị viện chuẩn nhận. Đó là Brian D. Miller cho chức vụ Tổng Thanh tra đặc biệt về Khắc phục Đại dịch (Special Inspector General for Pandemic Recovery), Peter M. Thomson làm Tổng Thanh tra Cục Tình báo Trung ương (CIA), Katherine A. Crytzer làm Tổng Thanh tra Khu vực kinh tế Thung lũng Tennessee (Tennessee Valley Authority), Andrew A. De Mello làm Tổng Thanh tra Bộ Giáo dục và Jason Abend làm Tổng Thanh tra Bộ Quốc Phòng.

Hiến pháp Mỹ “sống” được là nhờ Sự-Giải-Thích (Interpretation) và áp dụng theo thời thế từ hệ thống Quyền Tư-pháp gồm các Tòa án liên bang. Hậu quả là bản văn quan trọng này (Hiến pháp) chỉ thật sự có giá trị khi được vận dụng bởi những con người công chính. Nhược bằng ngược lại, Hiến pháp sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho một số mục đích đặc biệt, như hoạt động chuẩn nhận chức vụ trong ngành Hành pháp liên bang của Thượng nghị viện dưới thời Trump chẳng hạn. Trường hợp không chịu chuẩn nhận chức vụ Phụ thẩm Tối cao pháp viện năm 2016 cho ông Merrick Garland là một minh chứng và còn rất nhiều minh họa kể không hết ra đây. (Trường hợp ông Garland được người viết trích dẫn nhiều lần trước đây).

Tình trạng kiểm soát quyền lực dưới thời Tổng thống Trump có vẻ mất cân bằng nghiêm trọng vì hiện nay, cả Thượng nghị viện và Tối cao pháp viện nằm trong tay các “chóp bu” của đảng Cộng hòa như Mitch McConnell, Lindsey Graham… cùng với Hành pháp Trump mặc sức thao túng chính quyền Mỹ.

Dễ dàng nhận thấy trong nhiều trường hợp, chủ tịch Hạ nghị viện Nancy Pelosi và thủ lãnh khối thiểu số tại Thượng nghị viện Chuck Schumer dường như đã “thúc thủ vô sách” trước Donald Trump và các đồng minh chính trị của ông ta ở Thượng nghị viện. Sẽ không quá lời khi nói rằng Trump đã biến chế độ Tổng thống của nước Mỹ (US. Presidency) thành một chế độ độc tài (Dictatorship).

“Điều khoản chuẩn nhận chức vụ” (Advised and Consent Clause) trong Hiến pháp – quyền dành riêng cho Thượng nghị viện – vốn dĩ giúp tôn trọng tiếng nói của thiểu số, tạo ra một sự thỏa hiệp chính trị làm căn bản hóa giải những xung đột giữa các lực lượng đối lập trong tổ chức bộ máy chính quyền như các Quốc phụ (Founding Fathers) mong mỏi. Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, “Điều khoản chuẩn nhận chức vụ” không còn là công cụ “kiểm soát và cân bằng quyền lực” (Checks and Balances) khi tỷ lệ chuẩn thuận bị phe đa số thay đổi một cách triệt để hơn bao giờ hết nhờ vào quyền lực của phe đa số trong việc ấn định “nguyên tắc hoạt động nội bộ Thượng nghị viện” để phụng sự cho lợi ích đảng phái. Và như vậy, Hiến pháp đã bị vô hiệu hóa. Hiến pháp đã thế, huống hồ một đạo luật!

Một tỷ lệ phiếu thuận siêu-đa-số (supermajority, rất khó đạt được trừ phi có sự đồng thuận tương đối trong hệ thống Quốc Hội lưỡng đảng) đòi hỏi phải có 67/100 Nghị sĩ chấp nhận để thông qua một yêu cầu chuẩn thuận, đã bị phe đa số (Cộng hòa) thay thế bằng một tỷ lệ biểu quyết dễ dàng (đa số “đơn giản”: |(1/2)+1|) giúp phe đa số thông qua hàng loạt chức vụ quan trọng trong hệ thống công quyền liên bang trong suốt 2 năm gần đây. Các chức vụ đó đã được đặt vào tay của những “yes man” (chữ của John Kelley ám-chỉ những nhân viên chỉ biết vâng dạ), bất chấp những tiêu chuẩn luật định về năng lực, lẫn đạo đức của đương sự. Đây là thành phần mà cựu Trung tướng Thủy quân Lục chiến John Kelly, cựu Chánh Văn phòng Bạch cung nhắn nhủ ông Trump trước khi ông từ chức, rằng đó chỉ là “những người khiến ông Trump mau chóng bị luận tội mà thôi”.

Trích lời của Tướng Kelly nhằm bổ sung ý kiến, cho rằng hiện nay, việc thuê mướn hoặc sa thải nhân viên Bạch cung chỉ phục vụ lợi ích chính trị cá nhân hoặc khi có nguy cơ đe dọa quyền lợi chính trị của Tổng thống.

Nếu Trump hành xử như vậy khi đảng Dân chủ (đối lập) kiểm soát cả lưỡng viện tại Quốc Hội (Lập pháp) hẳn lưỡng viện có lắm việc làm. Bất kỳ một sự chống đối Quốc Hội có thể cấu thành một “misdemeanor” (khinh-tội) dù nhẹ nhưng cũng đủ để trở thành một “Article of Impeachment” (Điều khoản luận tội). Lịch sử từng chứng kiến một sự sa thải nhân viên Hành pháp mà không thông qua Quốc Hội đã phải bị luận tội truất quyền (vụ luận tội Tổng thống Andrew Johnson).

Mới đây Bộ Tài chính, trong một chừng mực nào đó, đã phải cung cấp hồ sơ thuế cho Quốc Hội dù ông Trump phản đối kịch liệt và tin tức này chỉ mới bị rò rỉ một cách không chính thức từ báo chí.

Báo chí Mỹ cũng mới loan tin bà Linda Tripp vừa từ trần. Bà này là người bí mật thu âm cuộc nói chuyện giữa bà với cô thực tập sinh Monica Lewinsky về cuộc tình vụng trộm giữa cô với Tổng thống Bill Clinton. Cuộc thu âm trở thành vật chứng gián tiếp khiến ông Clinton bị Quốc Hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số luận tội truất quyền (impeachment) năm 1998 chỉ vì lý do… “Tổng thống nói dối Quốc Hội” khi ông Clinton chối bỏ mối quan hệ giữa ông với cô Lewinsky.

Nghĩ mà xem, đối chiếu với vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton, nếu Thượng nghị viện do đảng Dân chủ chiếm đa số thì liệu phiên luận tội truất quyền Trump hồi tháng 1/2020 vừa qua có kết quả như ta đã thấy hay không.

                                                        ***

Vụ cách chức, sa thải và “thanh trừng” hàng loạt các Tổng Thanh tra của Tổng thống Trump đã và đang được thực hiện trót lọt dù các sự vụ có thể gồm các hành vi vi-Hiến (vi phạm Hiến pháp, bất hợp Hiến) và vi-Luật (vi phạm luật pháp). Phải chăng chính vì đại dịch Coronavirus đã khiến người ta bỏ qua những định chế chính trị cốt lõi trong một chính quyền dựa trên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực theo cơ chế phân-quyền triệt để, mặc cho Tổng thống Trump bỏ qua những nguyên tắc giám sát truyền thống để hành xử công quyền theo ý mình? Có lẽ điều đó chỉ đúng một phần, phần còn lại là do tính cách của Donald Trump, cùng với sự trợ giúp của khối đa số (Cộng hòa) nắm quyền ở Thượng nghị viện chỉ còn quan tâm đến quyền lực đảng phái mà bất chấp hậu quả.

Chỉ mới 3 năm làm Tổng thống, Trump khiến cả thế giới… đảo điên! Nhưng với 3 năm thì chưa đủ thời gian để các định chế kiểm soát quyền lực “sống” khác từng giúp nước Mỹ vĩ đại – như đệ tứ quyền (bảo chí) và xã hội dân sự – bị khai tử.

Những tiếng nói phản đối từ các nhóm xã hội (dân sự) giám sát chính quyền tưởng chừng như im bặt, báo chí dù bị khoác chiếc áo “kẻ thù của nhân dân”, một số chuyên gia là các giáo sư luật và một số luật sư…thật ra vẫn kiên trì gìn giữ những giá trị giúp cho nước Mỹ vĩ đại (và chưa bao giờ hết vĩ đại!) đã quyết phản đối Donald Trump đến cùng.

Giám đốc Văn phòng về Đạo đức của Bạch cung thời Tổng thống Obama là luật sư Walter Shaub cáo buộc Trump đã phá hủy “gần như hoàn toàn hệ thống cân bằng quyền lực đã qua 2 thế kỷ”. Giáo sư Đại học Georgetown và là cựu Giám đốc danh dự Cơ quan phản gián tại Hội đồng An ninh Quốc gia Joshua Geltzer gọi cách hành-xử (công quyền) của ông Trump là “RẤT nguy hiểm cho nền dân chủ của nước Mỹ” (“VERY dangerous to American democracy).

Steve Vladeck, Giáo sư luật thuộc Đại học Texas và là cựu điều tra viên liên bang Christopher Alberto thì yêu cầu Quốc Hội nên ban hành luật để kiểm soát hành động của Tổng thống đối với các Tổng Thanh tra…

Vừa mới đây, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ nghị viện Adam Schiff (Dân chủ-Cali) và sau đó là chủ tịch lâm thời Thượng nghị viện Chuck Grassley (Cộng hòa- Iowa) cho biết, sẽ điều tra vụ sa thải Tổng Thanh tra Tình báo Atkinson. Các ông này đang tìm kiếm một thỏa thuận lưỡng đảng để làm rõ “động cơ” sa thải Atkinson của ông Trump sau khi bác bỏ lý do sa thải Atkinson qua lá thư thông báo “sa thải Tổng Thanh tra Tình báo vì không đáng tin cậy” mà ông Trump gửi cho Thượng nghị viện.

                                                          ***
Vẫn còn có một giải pháp khác cho nền dân chủ Mỹ qua nhân vật chính trị Joe Biden. Ứng cử viên Tổng thống 2020 của đảng Dân chủ, một nhân tố chính trị nay là người duy nhất có thể ngăn chặn sự “bình thường hóa những sự việc bất thường” gây nguy hại cho nền dân chủ Mỹ của Donald Trump, khi trong vai trò là người thách thức vị trí Tổng thống của Trump vào tháng 11 sắp tới, và chỉ khi ông Biden đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2021-2025.

Từ nay cho đến ngày tổng tuyển cử, Joe Biden sẽ phải nhắc nhở người Mỹ rằng, hãy nhìn vào thực tế điều hành nước Mỹ của Trump trong 3 năm qua, kiểm đếm những giá trị truyền thống còn hay mất của nước Mỹ, một vị trí dân cử của một chính quyền vì dân luôn chịu sự chỉ trích hàng ngày và những sự chỉ trích ấy phải được ca ngợi, chứ không phải nhận sự trừng phạt.

Và trong vô số việc phải làm, trước và trên hết, cần phải tái lập lại các hoạt động của chính quyền liên bang bằng cơ chế kiểm soát đã bị Trump vứt bỏ. Tổng thống không phải kiểm soát nhân viên vì lợi ích riêng tư của cá nhân Tổng thống, cho phép nhân viên tình báo hoạt động đúng chức nghiệp của họ mà không bị can thiệp chính trị và các lịch trình đó phải được thực hiện bằng một chiến dịch. Joe Biden phải làm việc đó và ông ta sẽ phải đoan chắc với người dân Mỹ rằng, ông ta làm việc đó tốt hơn nhiều so với người đương nhiệm.

Điều kiện tranh thủ hiện nay của Biden rất tốt khi mà ông ta không còn phải lo đối phó với một lựa chọn ứng viên Tổng thống trong nội bộ đảng Dân chủ, vì chắc chắn ông ta sẽ là ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ sau sự rút lui của Nghị sĩ Bernie Sanders. Vì thế, Biden chỉ phải tập trung vào mỗi một mục tiêu là phải chiến thắng trước Donald Trump vào tháng 11 tới.

Bằng ngược lại, một kết quả không tốt cho Joe Biden trong ngày tổng tuyển cử, sẽ lại khiến sự bất ổn cho chính trường Washington nói riêng, và cả cho thế giới nói chung, tiếp tục trở nên vô lường.






No comments:

Post a Comment

View My Stats