Bài viết sau đây là một
người Mỹ gốc Việt, ông Thắng Đỗ. Ông Thắng Đỗ có sự hiểu biết sâu sắc về nước Mỹ
cũng như những định chế dân chủ tạo dựng nên chính quyền Mỹ hiện hành.
Tôi có vinh dự được sinh
hoạt chung với ông trong nhóm các cựu học sinh Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương –
Dalat, qua đó, tôi ít thấy ông Thắng Đỗ nêu quan điểm riêng của mình về những vấn
đề liên quan đến chính trị hoặc những vấn đề của nước Mỹ.
Riêng bài viết dưới đây của
ông được trang tin BBC (Anh quốc) đăng lại, có nội dung về khá nhiều vấn đề mà
theo quan điểm của ông, thì người Việt ở Mỹ (kể cả ở VN) thường hay hiểu lầm về
ông Trump, và về nước Mỹ …
Tôi chia sẻ lại để chúng
ta có cái nhìn đa chiều về những vấn đề của nước Mỹ. Mà những sinh hoạt chính
trị của họ, không chỉ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, hơn cả thế, chúng đều tác động
ít nhiều đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó, có Việt Nam.
Tựa bài trên là do tôi tự
tiện đặt. Tựa bài dưới đây là của trang
tin BBC và nguyên văn bài viết:
_____
Thắng
Đỗ
Gửi đến BBC từ San Jose, California – Hoa Kỳ
13/04/2020
Tổng thống Donald
Trump, theo sau là Phó Tổng thống Mike Pence, tại một buổi họp tại Brady Press
Briefing Room, Nhà Trắng, hôm 9/4. Ảnh: Alex Wong/Gettty Images
Một người bạn nhờ tôi giúp viết hộ vài dòng để phản
bác một email cô nhận được, vì tiếng Việt của cô không đủ để làm việc này.
Tôi thấy lập luận trong
email giống như nhiều bài của người Việt trao đổi với nhau, với nhiều điểm sai
căn bản và rất dễ phản biện. Nhân tiện, tôi viết lại cho đầy đủ để với hy vọng
giúp ích cho những ai quan tâm.
Đây là những điểm
tôi thường thấy trong các trao đổi trên mạng.
1. Ông Donald Trump được đa số người Mỹ bầu
lên; chúng ta phải tôn trọng
nhân vật đã được mọi người tin tưởng và không được đả phá người đó.
Trong cuộc bầu cử năm
2016, bà Hillary Clinton đã dẫn đầu với gần 66 triệu phiếu, trong khi ông
Donald Trump về nhì với gần 63 triệu. Bà Clinton đã hơn ông Trump những 3 triệu
phiếu, một sự cách biệt không nhỏ.
Tuy thế, hệ thống đại cử
tri của Mỹ giúp ông Trump thắng. Số đại cử tri đại diện mỗi tiểu bang không tùy
thuộc vào tỷ lệ dân số. Những tiểu bang thưa dân được nhiều đại cử tri theo phần
trăm dân số hơn. Do đó, hệ thống này rất bất lợi cho các tiểu bang đông dân và ủng
hộ bà Clinton như California và New York.
2. Đảng Dân Chủ chia rẽ
nước Mỹ, vì thù hận với cá nhân
ông Trump, thay vì chung nhau xây dựng đất nước.
Nói về chia rẽ, thì người
đứng đầu cả bên Dân Chủ lẫn Cộng Hòa là chính ông Donald Trump, chứ không ai
khác. Ông Trump là người rất dễ hiểu. Khen ông, nịnh ông, thì ông dung túng. Bất
đồng ý kiến với ông, là ông chửi và hạ bệ.
Ông Trump đã chiếm được
ghế tổng thống, một phần vì cách chửi “cạn tàu ráo máng” bất cứ ai bất đồng với
ông, hay chỉ cần không ủng hộ ông triệt để. Ông chửi đảng Cộng Hòa trước trong
lúc tranh cử sơ bộ: “chửi cha” TNS Ted Cruz, chửi cả gia đình ông Jeb Bush, em
và con của hai cựu tổng thống Bush. TNS John McCain bị chửi là hèn nhát, tuy đã
ở tù cộng sản Bắc Việt và chịu tra tấn khổ sở suốt mấy năm ròng. Ông chửi cựu bộ
trưởng tư pháp Jeff Sessions mà chính ông bổ nhiệm và James Comey, cựu giám đốc
FBI.
Ông không phân biệt đảng
phái: Ông chửi các cựu tổng thống Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Dưới con mắt ông, ông
là người tài giỏi duy nhất. Ông chửi phụ huynh của tử sĩ, chửi giới truyền
thông và các cơ quan CIA, FBI. Bên Dân Chủ thì ông không tha ai và sử dụng những
tên rất hạ cấp để gọi họ.
Thời nào cũng có sự khác
biệt và tranh chấp giữa hai chính đảng ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ nước Mỹ bị chia
rẽ trầm trọng như từ khi ông Trump tranh cử rồi đắc cử vào năm 2016. Thủ phạm của
sự chia rẽ không ai khác hơn là chính ông Trump.
3. Ông Trump đã được xử
vô tội và điều đó càng làm phe đối lập Dân Chủ lồng lộn
vì tức giận.
Đây là một lập luận ngụy
biện để lừa những người ít thông tin.
Công tố viên đặc biệt
Robert Mueller chưa bao giờ nói ông Trump vô tội, chỉ nói là việc kết tội là
trách nhiệm của Quốc Hội và ngoài phạm vi thẩm quyền của mình. Nhưng ông Trump
chơi một nước cờ chính trị cao là đuổi bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions, người
tuy được ông bổ nhiệm nhưng đã chứng tỏ không hoàn toàn nghe lời ông mà làm những
việc sai trái.
Ông Trump cho một người
tin cậy là ông William Barr lên thay. Ông Barr giấu nhẹm nhiều chi tiết của bản
báo cáo của Mueller, và chỉ cho Quốc Hội đọc một bản có nhiều chỗ đã bị xóa đi,
rồi tuyên bố trước công chúng là ông Trump vô tội. Ông Trump ngăn cản tất cả
các quan chức không được điều trần trước Quốc Hội, nên vụ điều tra của ông
Mueller bị dìm đi.
Khi Hạ Viện đề nghị truất
phế ông do việc ông “tống tiền” chính phủ Ukraine, một đồng minh của Mỹ:
Ukraine phải điều tra và bôi nhọ Joe Biden, đối thủ chính trị của ông Trump, nếu
muốn chính phủ Mỹ giải ngân cho số tiền viện trợ đã được Quốc Hội Mỹ thông qua.
Nhưng nỗ lực truất phế gặp
bế tắc khi Thượng Viện, do đảng Cộng Hòa nắm đa số, từ chối truy tố ông.
Vì thế, ông Trump thoát tội. Được xử vô tội và chưa bị kết án là hai việc
hoàn toàn khác nhau. Ông
Trump chưa bao giờ được xử vô tội.
4. Ông Trump đã làm hết sức
mình để chống lại nạn dịch Covid 19. Công bằng mà nói, ông Trump không phải
là nguyên nhân dịch này xảy ra. Nhưng cũng không đúng khi nói ông ấy đã làm hết
sức.
Trong khoảng thời gian chừng
2 tháng, từ khi dịch bùng nổ ở Trung Quốc, rồi lan qua Nam Hàn, Iran, Ý, ông
Trump luôn luôn tuyên bố là dịch này cũng chỉ như cúm thôi. Nếu nhiễm, chỉ ít
lâu sau thì hết, không cần phải lo. Thậm chí, ông còn nói đây là chuyện bịa đặt của phía Dân Chủ để bêu xấu
ông. Gần đây, các cơ quan truyền thông đã phanh phui là ông đã được các
cố vấn cảnh báo từ cuối tháng giêng là dịch Covid-19 có khả năng tàn phá Hoa Kỳ.
Nội các của Trump hầu như đã không làm bất cứ điều
gì để chuẩn bị chống dịch:
không nỗ lực dự trữ các thiết bị như khẩu trang, máy trợ thở, và dụng cụ thử
nghiệm. Thậm chí vào
năm 2018, ông đã sa thải toàn bộ Văn Phòng Chống Đại Dịch và từ đó không còn ai xung quanh
Tổng thống lo về vấn đề này nữa. Quan tâm duy nhất của ông là thị trường
chứng khoán lên hay xuống và dân có ủng hộ ông tái cử hay không.
Mãi hai tháng sau, ông
Trump mới bắt đầu chấp nhận rằng đây là nạn dịch thật sự. Tuy thế, ông vẫn chưa
bao giờ nhận trách nhiệm và chỉ đổ lỗi cho người khác, cũng như tiếp tục phát
biểu lung tung, gây nhiều hoang mang. Nếu chính phủ đã chuẩn bị sớm hơn và có
chính sách thích hợp hơn, nhiều người đã không bị lây dịch bệnh và đã không chết.
5. Chống hay chê ông
Trump là ghét nước Mỹ. Và ghét nước Mỹ thì nên
sang xứ khác hay về Việt Nam mà sống.
Lập luận này nói lên sự
kém hiểu biết về thể chế dân chủ ở Mỹ. Chính phủ Mỹ là từ người dân ra, do người
dân bầu lên và để phục vụ cho người dân. Người Mỹ nào cũng không những có quyền
mà còn có trách nhiệm giám sát chính quyền. Sinh hoạt trong
một xã hội dân chủ đòi hỏi sự tham gia của mọi người.
Nhiều người không hiểu rõ
nguyên tắc đó, vì đã quen với cách tổ chức xã hội ở Việt Nam, phải biết phân biệt
người trên, kẻ dưới. Theo quan niệm này, những người có thế lực hay tiền bạc được
tôn trọng hơn người dân thường. Ở Mỹ, ai cũng phải được coi trọng ngang nhau,
ít ra trên nguyên tắc.
Người Việt cũng tôn thờ
nước Mỹ một cách quá đáng. Đây là điều dễ hiểu, vì nếu so sánh Mỹ và Việt Nam,
thì nước Mỹ quả thật tuyệt vời và hơn hẳn một nước còn đang phát triển. Nhưng
nói thế không có nghĩa là nước Mỹ hoàn hảo và vượt trên sự phê phán. Thật ra, sức
mạnh của nước Mỹ chính là do người dân không sợ hãi phê phán chính quyền để
thúc đẩy cải tiến.
Phê phán ông
Trump không có nghĩa là chống lại nước Mỹ. Sự thật là ngược lại. Những người chỉ trích ông Trump thật ra là những
người rất yêu nước Mỹ và muốn bảo vệ nó trước một người nắm quyền có xu hướng độc
tài. Bạn có thể đồng ý hay phản đối cách nhìn này, nhưng không thể nói những
người chống ông Trump là ghét nước Mỹ.
Ông Trump không phải là nước Mỹ. Nước Mỹ không có vua và cũng không có độc đảng.
------------------------
Thắng
Đỗ là một kiến trúc sư sống ở San Jose, California, và là thành viên
hội đồng quản trị của hội PIVOT (Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến).
*
Tin liên quan
------------------------------
No comments:
Post a Comment