Wednesday, 22 April 2020

THỨC TĨNH SAU ĐẠI DỊCH (Tuấn Khanh)




Thứ Ba, 04/21/2020 - 15:44 — tuankhanh 

Chắc chắn sau khi tạm yên cơn sóng thần của Covid-19, người ta buộc sẽ phải nhìn lại điều gì đã khởi đầu, điều gì đã diễn ra tại Trung Quốc. Ở Vũ Hán cũng vậy, bất chấp chuyện Bắc Kinh thực hiện những điều cảm động như cho đoàn xe hú còi tiễn các đoàn bác sĩ trợ giúp ra khỏi Hồ Bắc hay cho giờ tưởng niệm những nạn nhân đã chết vì virus… có nhiều người đang thức tỉnh khỏi những trò mị dân đó, và tự hỏi chính quyền nước này đã làm gì để chống lại cơn đại dịch này. Mà câu chuyện của các nạn nhân dưới đây, hé lộ phần nào về cách mà Bắc Kinh đã đối phó với đại dịch.

-----------

Hồi đầu tháng Giêng, Bà Hu Aizhen, 65 tuổi, nghe đâu đó rằng đang có một loại virus mới xuất hiện ở ngay thành phố Vũ Hán, nơi bà đang ở. Nhưng bà không lo lắng nhiều vì các quan chức nói rằng không có gì truyền nhiễm cả. Do đó, bà vẫn đi tới đi tui như bình thường, và chuẩn bị cho Tết âm lịch vào cuối tháng.

Ngay trước khi thành phố bị cách ly, Bà Hu đã xuất hiện các triệu chứng viêm phổi. Sau nhiều ngày, bà cũng đã tìm ra được một bệnh viện để khám bệnh, bà được kiểm tra virus nhưng kết quả là âm tính. Khi nhớ lại, bà biết rằng lúc đó đã có dấu hiệu rõ ràng của virus nhưng các kết quả xét nghiệm đều không chính xác. Bà đã bị sáu bệnh viện từ chối điều trị.

Bà Hu, vốn là người luôn khỏe mạnh, đã nằm liệt ở nhà suốt 10 ngày, không ăn uống gì được, sức khỏe thì ngày càng xấu đi. Lúc bà trông tệ quá rồi, con trai của bà đã tìm cách đưa bà đến một bệnh viện ở quận khác nhưng lúc đó thì cảnh sát đã ngăn mọi người lại theo lệnh cách ly. Quá tuyệt vọng, người con trai hét lên với các cảnh sát viên: “Mấy người có còn là người sao?”

Rốt cuộc Bà Hu cũng được đưa vào bệnh viện vào ngày 8 tháng 2, lúc này bà vật vã để giành lấy từng hơi thở. Bác sĩ yêu cầu làm một xét nghiệm khác, nhưng đã quá muộn. Bà Hu tỉnh lại trong giây lát, nói con trai rót nước cho bà, sau đó bà qua đời.

Con trai của bà Hu, hiện đang kiện chính quyền thành phố Vũ Hán vì cáo buộc che giấu sự nghiêm trọng của virus. Đơn kiện được gửi lên tòa án, được soạn giúp bởi Funeng, một tổ chức phi chính phủ phúc lợi công cộng có trụ sở tại Changsha. Đơn kiện này là một trong nhóm nhỏ những công dân Trung Quốc tìm kiếm câu trả lời, bồi thường hoặc đơn giản là lời xin lỗi từ các quan chức vốn đã im lặng trong nhiều tuần không thông báo cho công chúng về mối đe dọa từ một loại virus, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.000 người ở Trung Quốc. Đó là con số cho biết từ chính phủ, hầu hết nạn nhân trong số đó đều ở Vũ Hán.

Các trường hợp lên tiếng khác, có một công chức kiện chính quyền tỉnh Hồ Bắc, đó là một người mẹ đưa đơn yêu cầu trừng phạt các quan chức, sau khi bà chứng kiến đứa con gái 24 tuổi của mình chết vì virus. Rồi sau đó chính bà cũng nhiễm bệnh. Con trai bà cuống cuồng đưa bà đến một bệnh viện ở ngoại ô Vũ Hán, nơi anh ta có thể xin được cho bà một chỗ chăm sóc đặc biệt. Chỉ mới quay đi lấy đồ cho mẹ thì anh nhận được một cú điện thoại từ bệnh viện: bà đã không qua khỏi.

“Không ai trong số họ phải chết cả, nếu họ nói thật với chúng tôi. Nếu được vậy, nhiều người sẽ không phải chết”, một người nộp đơn kiện nói.

Còn một người khác thì: “tôi muốn có một câu trả lời. Tôi muốn những người có trách nhiệm phải bị trừng phạt theo pháp luật”.

Khi dịch bùng phát, nhất là lúc đỉnh điểm có đến hàng ngàn người bị nhiễm mỗi ngày, thì sự tức giận của người dân Trung Quốc cũng bùng lên chưa từng thấy sau bao thập niên, tạo nên một mối đe dọa với quyền cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.  Khi Bác sĩ Li Wenliang, người lên tiếng đầu tiên qua đời chính căn bệnh do ông cảnh báo, sự giận dữ đã lan rộng trên các mạng xã hội, khiến các hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền không sao theo kịp. Sự bùng nổ đó, có nhiều người so sánh giống như giọt nước tràn ly, tương tự cuộc biểu tình ở Thiên An Môn 1989, khi có tin Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang) qua đời.

Bắc Kinh đã tìm cách xoa dịu bằng thủ thuật. Khoảng hai tháng qua, các tin tức và trương mục mạng xã hội có tiếng đã thay sự oán hận bằng các bài viết tích cực như đất nước cùng nhau đánh bại virus, Trung Quốc gửi những nhu yếu phẩm cần thiết đến phần còn lại của thế giới và chống lại các cuộc tấn công độc hại từ Mỹ và các quốc gia khác đổ lỗi cho Bắc Kinh.

“Người dân dễ bị dẫn dắt bởi tuyên truyền”, ông Shi, một nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc, nói. Khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và bộ máy tuyên truyền hoạt động, đã có một sự đảo ngược. Bây giờ mọi người đang nói với nhau rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của đảng là một điều tốt.

Và dĩ nhiên, khi Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc dần trở lại bình thường, chính quyền đang theo dõi cẩn thận những người có thể giữ trong lòng sự phẫn nộ. Zhang Hai, 50 tuổi, có cha chết vì virus hồi tháng 2, là một thành viên trong nhóm WeChat, có hơn 100 người, vốn đều có người thân qua đời vì virus. Anh Zhang kể rằng vào cuối tháng Ba, nhóm này được thông báo là có thể đến các nhà hỏa táng để lấy tro cốt người thân. Nhưng chỉ được đi cùng nhau một lần là 5 người, cùng với sự giám sát của chính quyền địa phương. Zhang từ chối không đi. Sau đó, người mở trang trên WeChat đã bị công an triệu tập và buộc phải hủy nhóm nhóm trò chuyện này.

Zhang, người lêu gọi chính quyền phải xin lỗi nhân dân, nói rằng lúc này mọi người đang cố gắng hết sức cẩn thận. “Tôi biết rất nhiều gia đình đang vô cùng tức giận”, Zhang nói.

Tan Jun, một công chức ở Yichang, thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã đệ đơn khiếu nại trong tháng này cáo buộc chính quyền tỉnh Hồ Bắc che giấu vụ dịch, theo các bản sao của vụ kiện được đăng trực tuyến. Tann xác nhận vụ kiện nhưng từ chối phỏng vấn. Những cư dân khác ở Vũ Hán đã nói chuyện với báo chí rằng họ đã bị công an đe dọa và buộc phải hứa không nói gì.

Người dân phải chịu trách nhiệm. Là một cư dân của Hồ Bắc, tôi tin rằng cần phải đứng lên và kêu gọi chính quyền Hồ Bắc chịu trách nhiệm, theo ông Tan Tan, theo một bài báo đăng trên một số tài khoản WeChat hiện đã bị xóa.

Bắc Kinh cũng có vẻ lo ngại và tìm cách trừng phạt một số quan chức địa phương để xoa dịu dân chúng.  Nhưng có vẻ cách làm này đã cũ và không qua mắt được người dân, và cũng không đủ.

“Người dân đã thức tỉnh. Rõ là vậy”, ông Xie Yanyi, một luật sư về nhân quyền ở Bắc Kinh nói.  Ông Xie đã đệ trình một yêu cầu thông tin từ chính phủ, bao gồm việc làm rõ nguồn gốc của virus và lý do cho sự chậm trễ trong việc thông báo cho công chúng về sự bùng phát. “Có thể không có nhiều người, nhưng lịch sử cho thấy rằng đó là số ít người thay đổi xã hội và thay đổi lịch sử”, ông Xie nói.

Còn theo ông Yan Zhanqing, một người đồng sáng lập của tổ chức Funeng, nói những trường hợp như vậy tạo áp lực lên chính quyền và giúp nhiều người dân hiểu hơn về quyền của họ và trách nhiệm của chính quyền, ông Yan nói, “đây cũng là một cách ghi lại lịch sử, cho nhiều người biết sự thật, và không chỉ là riêng chuyện này của chính phủ đối với những gì đã xảy ra ở Vũ Hán”.

-------------

Tác giả Lily Kuo / Trưởng văn phòng của The Guardian tại Bắc Kinh

Lược dịch từ







No comments:

Post a Comment

View My Stats