26/04/2020
Trưa 30.4.1975, sau lời
kêu gọi của tướng Minh phát trên đài Sài Gòn, cậu thanh niên Hà Nội 24 tuổi đã
phóng xe đạp như điên từ phố Quán Sứ, sang Tràng Thi đến Hồ Gươm. Tôi đạp xe
vòng quanh hồ, vừa đạp vừa reo hò như thằng điên. Xung quanh tôi, hàng trăm người
cũng phóng xe như vậy.
Tôi mừng vì nghĩ rằng phe
chính nghĩa đã thắng, kẻ thù đã đầu hàng. Nhưng trước tiên tôi mừng vì chiến
tranh kết thúc, sẽ không ai chết nữa. Tôi sắp gặp lại ông bà nội ngoại, cô bác,
anh em mà 20 năm qua tôi chỉ được nghe ba, má kể.
Vài ngày sau tôi có mặt ở
Huế, từ đó tôi đi khắp Miền Nam. Là một cán bộ đoàn thanh niên, tôi rất tự hào
được gọi là “Cán bộ”, là “Giải phóng”. Trong đầu tôi khái niệm địch-ta được định
hình rõ ràng.
Nhưng chàng trai gốc miền
Nam tập kết đã dần nhận ra một thực tế khác hẳn. Tôi đã thích thú khám phá một
miền Nam, tuy còn tan hoang, tuy còn rất nhiều điều bất cập, nhưng có nhiều điều
thú vị mà ở miền Bắc tôi chưa hề biết đến.
Kỷ niệm của tôi về văn
hóa, con người ở Huế tháng 5.1975 được viết ở đây. Cảm nhận của tôi
về sinh hoạt văn hóa ở Quy Nhơn được tả ở đây.
Rồi tôi hiểu: Hình ảnh kẻ
thù (enemy image) của tôi quả là độc hại cho lương tri con người.
Những người hôm qua còn bị
tôi coi là “Ngụy” thật ra chẳng khác gì tôi. Giữa anh bộ đội miền Bắc được ghi
công và anh lính Cộng hòa “có tội” chỉ khác nhau ở nơi sinh. Ai cũng phải làm
nghĩa vụ công dân cho chế độ mình đang sống. Ngoài Bắc gọi là nghĩa vụ, trong
Nam gọi là quân dịch.
Người thanh niên Bắc trốn
lính bị gọi là kẻ đào ngũ. Người miền Nam trốn lính bị gọi là đào binh. Sau
30.4.75 anh đào binh có thể được coi là giác ngộ, phản chiến.
Người lính Bắc ngã xuống
được gọi là liệt sỹ, gia đình được ghi công. Huân chương tử sỹ được treo trên
tường. Nhiều người mẹ có con đi lính miền Nam tử trận không dám treo ảnh con mặc
quân phục lính cộng hòa.
Báo chí viết nhiều bài về
các đợt “Nhà ngoại cảm tìm mồ liệt sỹ”. Liệt sỹ tức là không có phía bên kia.
Hài cốt người lính Bắc được mang về địa phương, chôn tại nghĩa trang liệt sỹ.
Hài cốt người lính Nam nằm bên cạnh, người ta tử tế chôn chỗ cũ, nơi rừng sâu.
Không có công bằng với
người chết làm sao có thể công bằng với người sống.
Cho đến nay chỉ có 74 người
lính miền Nam được nhắc đến với danh hiệu tử sỹ, đó là những người lính đã hy
sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa tháng giêng 1974 [1]. Nhưng chưa có một hành
động chính thức nào của nhà nước và xã hội để vinh danh hoặc ít nhất là khôi phục
danh dự cho họ.
Hai tuần trước tôi viết
bài “Khước từ” với nguyện vọng: “Đại dịch Covid-19 đang tạo
cơ hội để ngày 30.4 năm nay, 45 năm kết thúc cuộc chiến tranh huynh đệ tương
tàn, sẽ không phải là ngày trống giong cờ mở, pháo hoa sáng trời của bên này đồng
thời là ngày nuốt nước mắt của bên kia.”
Nhiều người phê phán ước
mong này của tôi. Họ cho là bên thắng đáng được ăn mừng trên nỗi buồn của bên
kia. Họ cho là nửa bên kia của tổ quốc từng là một chế độ bất chính, đáng bị trừng
phạt, kể cả mọi công dân trong đó.
Tôi không hề đôi co với
các lời bình đó, vì trước đây 45 năm, tôi đã từng nghĩ như họ.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt,
một người Cộng Sản từng bị mất cả vợ và ba người con trong chiến tranh [2]
đã coi ngày 30.4 là “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có
hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung
của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Những ai mong muốn trống
giong cờ mở ngày 30.4 để khẳng định vị thế của người chiến thắng chắc chưa hiểu
giá trị nhân bản trong lời tâm sự của ông Võ Văn Kiệt.
Từ hai tuần nay, toàn dân
Việt Nam bị sốc bởi một sự thật: Trung Quốc dùng chính bức công hàm của Thủ tướng
Phạm Văn Đồng gửi Tổng Lý Chu Ân ngày 14.9.1958 để cáo buộc Việt Nam vi phạm
các cam kết về Hoàng Sa, Trường Sa. Bức công hàm này thực ra đã được dư luận mạng
nêu lên hơn chục năm, nay mới được báo chí nước nhà công khai đưa tin và thi
nhau bình luận.
Không phải là sử gia,
không phải là luật gia, tôi không dám nêu giải pháp để hóa giải vấn đề hóc búa
này, như hàng trăm nhà thông thái Việt Nam đưa ra mấy ngày qua. Nào là “Công
hàm đó không có giá trị pháp lý”, nào là “Phải quay lại công nhận VNCH”, nào là
“Chỉ công nhận 12 hải lý, chứ không nói gì đến HS-TS”… Tôi thấy tất cả đều bế tắc.
Rõ ràng đây là một vấn đề đau đầu mà chính người Việt tự gây ra cho mình.
Liên quan đến Công hàm Phạm
Văn Đồng, ngày 21.12. 2015 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đăng một
bài lý luận khẳng định vai trò bình đẳng của hai nhà nước Việt Nam từ
1954-1975. Trích nguyên văn:
“Sau khi Hiệp định
Giơnevơ được ký kết (7-1954), hai chính quyền thực hiện việc quản lý hai miền
Nam – Bắc đất nước Việt Nam. Trên thực tế, cả hai chính quyền đều là hai thực
thể chính trị, thỏa mãn các điều kiện để được công nhận là quốc gia: có dân cư ổn
định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ
quốc tế. Như vậy, có thể nói rằng trong khoảng từ năm 1954 đến năm 1975, trên
lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia, VNDCCH và VNCH” [3].
Thế thì khỏi phải cãi
nhau nhà nước nào là bất hợp pháp, đáng bị xóa sổ. Cuộc chiến 20 năm chỉ là đọ
sức giữa hai thực thể chính trị để thống nhất thành một chế độ. Miền Bắc XHCN
đã chiến thắng với một giá rất đắt để rồi sau bao năm, đất nước lại lần mò trên
con đường sở hữu tư nhân với nền kinh tế thị trường. Mọi cái đuôi chỉ là chơi
chữ.
Dân tộc Việt Nam đã trải
qua bao cuộc chinh phạt vì giành quyền lãnh đạo đất nước: Từ loạn 12 Sứ Quân, Mạc
Đăng Dung, Trịnh-Nguyễn phân tranh đến Tây Sơn. Tất cả đều là nồi da xáo thịt
và có lúc dẫn đến mất nước.
Hôm qua, một nữ nhà báo ở
Hà Nội đã hỏi tôi: Tại sao không ai tìm cách tránh cuộc chiến khốc liệt vừa
qua?
Có chứ! Nhiều người Việt
từ hai phía đã tìm cách tránh cuộc chiến huynh đệ này. Câu chuyện “Mối tình
Maneli” có thể là một dẫn chứng cho cố gắng bắt tay giữa VNDCCH và VNCH vào đầu
những năm 1960. Mieczysław Maneli là trưởng phái đoàn Ba Lan trong ủy ban quốc
tế giám sát hiệp định Geneve 1954 tại Việt Nam [4]. Cho đến nay, sự kiện này vẫn
chưa được công khai.
Trong khi cả thế giới
chìm trong chiến tranh lạnh thì Việt Nam trở thành chiến trường thi thố sức mạnh
của CNTB và CNXH.
Nếu chúng ta coi nhau như
anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào
Việt Nam.
Cuộc chiến khốc liệt đã nổ
ra chính vì số người Việt thích bạo lực, coi trọng đấu tranh ý thức hệ nhiều
hơn số người nghĩ đến quyền lợi dân tộc.
Cuộc chiến đó đã khiến
chúng ta mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nếu tiếp tục chia rẽ, thù ghét
nhau, sẽ mất thêm nhiều thứ khác.
_____
[2] Võ Văn Kiệt (Wikipedia)
[4] Mối tình Maneli (FB Đào Hiếu)
---------------------
Xin tác giả coi lại ít nhất
2 ý kiến của mình:
1/ ”Cuộc chiến 20 năm chỉ là đọ sức giữa hai thực thể chính trị để thống nhất thành một chế độ.”
2/ “Nếu chúng ta coi nhau như anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào Việt Nam.”
Vì
1/ Trong 20 năm đó, chỉ có Đảng CS Bắc Việt chủ trương thống nhất đất nước thành một chế độ.
2/ Như thế, VNCH hoàn toàn ở phía tự vệ, và rồi thành bên thua cuộc; nên cụm từ “quyết không bắn giết nhau“ chỉ là câu nói đầu môi, nghe "rất quen"! Mấy "ổng" phản chiến ở Miến Nam cũng vô tư "tụng câu nối dáo" như thế!
1/ ”Cuộc chiến 20 năm chỉ là đọ sức giữa hai thực thể chính trị để thống nhất thành một chế độ.”
2/ “Nếu chúng ta coi nhau như anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào Việt Nam.”
Vì
1/ Trong 20 năm đó, chỉ có Đảng CS Bắc Việt chủ trương thống nhất đất nước thành một chế độ.
2/ Như thế, VNCH hoàn toàn ở phía tự vệ, và rồi thành bên thua cuộc; nên cụm từ “quyết không bắn giết nhau“ chỉ là câu nói đầu môi, nghe "rất quen"! Mấy "ổng" phản chiến ở Miến Nam cũng vô tư "tụng câu nối dáo" như thế!
-----------------------------------
Tháng Tư (1)- Nỗi buồn
No comments:
Post a Comment