.
.
.
----------------------------------------------------------------------------------------
.
Sự
kết thúc tồi tệ của quan hệ Mỹ-Trung (The Ugly End of Chimerica)
Orville Schell, giám đốc tổ chức Arthur Ross thuộc
Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung của Hiệp hội châu Á, cựu hiệu trưởng đại học
California-Berkeley, viết như vậy trên Foreign Policy (3-4-2020).
Diễn biến thời cuộc luôn dẫn đến những thay đổi. Chiến
tranh lạnh và cuộc chiến Việt Nam đã trở thành yếu tố dẫn dắt các chính sách đối
ngoại của Mỹ. Toàn cầu hóa cũng là yếu tố định hình quan hệ Mỹ-Trung. Bây giờ
“tác nhân” khiến Mỹ phải hoạch định lại mức độ gắn kết và quan hệ với Trung Quốc
cần đặt trên những cơ sở nào lại là coronavirus.
Trong thực tế, cho dù xảy ra trận dịch hay không,
quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên ngày càng “bất thường”. Sự không bình thường này chẳng
gì khác hơn là sự tái điều chỉnh những chủ trương trong quá khứ mà trong đó
chính nhiều đời tổng thống Mỹ, Cộng hòa lẫn Dân chủ, đã ít nhiều góp phần tạo
nên con quái vật Trung Quốc như ngày nay.
Một trong những chính sách sai lầm lớn nhất mang lại
hậu quả nặng nhất là Mỹ đã đặt Trung Quốc lên chiếc ghế định chế quốc tế để
không chỉ buộc Trung Quốc phải “ăn ở” cho ra “tư cách người lớn” mà cũng là một
cách để có thể giám sát và thậm chí khống chế Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Mỹ
dành cả nửa sau của thập niên 1990 để vận động đưa Trung Quốc vào Tổ chức
thương mại thế giới (WTO)… Dù thế nào, Mỹ cũng liên tục điều chỉnh chính sách
quốc phòng khi Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa, đặc biệt đối với an
ninh khu vực. Đó là triển khai mạnh sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương.
Đấu pháp này không phải bắt đầu sau khi Barack Obama
ngồi ghế tổng thống (năm 2009) mà đã hình thành từ thời Bill Clinton, khi
Clinton – tiên liệu được sức mạnh mang tính đe dọa quyền lợi Mỹ của Trung Quốc
tại đấu trường châu Á – đã quyết định duy trì một lực lượng ổn định với tối thiểu
100.000 quân tại châu Á-Thái Bình Dương. Sau Clinton, sang thời George W. Bush,
trái với nhiều nhận định rằng Bush đã bỏ lỏng châu Á cho Trung Quốc khi dồn lực
vào cuộc chiến chống khủng bố, chính nội các Bush mới là nơi khai sinh khái niệm
“tái phối trí”, khi Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld triển khai mạnh chương
trình tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ khắp toàn cầu với sự tăng cường hiện diện
tại châu Á. Quân đội Mỹ được phân bổ dàn rộng hơn (không tập trung ở những căn
cứ truyền thống như Okinawa và Hàn Quốc), với yếu tố tác chiến cơ động được đề
cao – như lời đô đốc William J. Fallon giải thích: “Chúng tôi đưa lực lượng
mình đến những nơi mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng mà không cần phải xin phép
bất kỳ ai”.
Về tổng thể, Clinton, Bush-con và Obama đều cố kiểm
soát tình hình bất kỳ khi nào có thể. Năm 2004, một cuộc tranh luận về việc
tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc một lần nữa lại bùng lên tại châu
Âu. Với chính giới châu Âu, lệnh cấm vận 15 năm dành cho Trung Quốc đã làm thiệt
hại đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng và không gian của họ. Đã đến lúc phải
gạt bỏ tư tưởng hoài nghi dành cho Bắc Kinh – châu Âu đề nghị. Suýt chút nữa
thì chiến dịch vận động xóa cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc của châu Âu đã
thành công, nếu nội các Bush-con không quyết liệt can thiệp vào giờ chót. Trong
khi đó, Mỹ cũng tăng cường xuất cảng vũ khí, đặc biệt thời Obama, khi Mỹ vận
hành chính sách “xoay trục”. Năm
2011, Loren Thompson, nhà tư vấn quốc phòng kỳ cựu, từng nói rằng Obama có
khuynh hướng ủng hộ xuất khẩu vũ khí “hơn bất kỳ Nội các Dân chủ nào trước đó”…
Mời đọc hồ sơ ba kỳ dưới đây, để có thể thấy thời cuộc
đóng vai trò quyết định trong sự chọn lựa chính sách như thế nào, và cũng để thấy,
nếu Mỹ không điều chỉnh liên tục chính sách thì con quái vật Trung Quốc có lẽ
đã nuốt chửng Mỹ từ rất lâu rồi. Bất luận Dân chủ hay Cộng hòa, không tổng thống
Mỹ nào làm việc không vì quyền lợi nước Mỹ. “America First” có là khẩu hiệu của
Mỹ hay không thì Mỹ vẫn chưa bao giờ từ bỏ “America First”.
--------------------------------------------------------------------------
Mạnh Kim
April 22, 2020
Sẽ là rất lịch sự nếu dùng những từ đại loại “đối
tác” hay “đối thủ” mà không phải là kẻ thù để chỉ mối quan hệ
hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu xem Trung Quốc là kẻ thù, Mỹ đang đối mặt với
một kẻ thù chưa từng có, một kẻ thù không hoàn toàn nằm ở chiến tuyến đối lập
thật sự như với Liên Xô trước đây mà “bị” gắn kết bởi những lợi ích song phương
gần như không thể tách rời. Những gì đang xảy ra là hệ quả của lịch sử, một hệ
quả từ chính sách ngoại giao của những đời tổng thống trước…
Nhân vật cần phải nhắc lại: Kissinger!
Trung Quốc và Mỹ vốn chẳng bao giờ thật tâm với
nhau. Chính kiến là một chuyện (tư bản và cộng sản). Tranh giành ảnh hưởng mới
là vấn đề chính. Thời Chiến tranh lạnh, hai nước xem nhau như mặt trăng với mặt
trời. Năm 1954, tại Hội nghị hòa đàm Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles
đã thẳng thừng từ chối bắt tay người đồng cấp Chu Ân Lai và thậm chí ra lệnh tất
cả thành viên Mỹ phó hội Geneva phải “phớt lờ mọi lúc về sự có mặt và tồn tại của
phái đoàn Trung Quốc”. Cùng với chính sách cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao,
Mỹ cũng thiết lập một mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.
Đến giữa thập niên 1950, Washington đã ký thỏa ước hợp
tác quốc phòng với Úc và New Zealand (1951), Philippines (1951), Nam Hàn (1953);
thắt chặt quan hệ với Đài Loan (1954) và cả cựu thù Nhật (1951). Mỹ còn thành lập
nhiều tổ chức quân sự trong đó có Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại
Tây Âu, Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO; Philippines, Thái Lan, Pakistan…),
Tổ chức hiệp ước trung tâm (CENTO; Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Pakistan…). Trước Thế
chiến thứ hai, Philippines đã trở thành căn cứ vững mạnh của Mỹ ở Thái Bình
Dương, nối với chuỗi đảo thuộc quản lý Mỹ (Guam, Wake, Midway)… Từ năm 1950,
Washington cũng áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với Trung Quốc…
Yếu tố Liên Xô
Có lẽ Trung Quốc chẳng bao giờ có cơ hội “ngóc đầu”
lên nếu không xảy ra hai yếu tố thời cuộc, khiến chính sách Washington đối với
Bắc Kinh thay đổi 180o. Thứ nhất, đó là sự đe dọa của Liên Xô, và thứ
hai là cuộc chiến Việt Nam. Trong bối cảnh bế tắc của cuộc chiến Việt Nam và đồng
thời cần một đối trọng để cân bằng quyền lực với Liên Xô, Mỹ bắt đầu chơi trò
“mèo mả, gà đồng” với Trung Quốc. Đến đầu thập niên 1970, “bè lũ” Kissinger đã
áp dụng một chính sách tiếp cận Trung Quốc hoàn toàn khác. Mục tiêu của Mỹ
không còn làm suy yếu mà ngược lại phải làm cho Trung Quốc mạnh! Cụ thể nhất là
việc hỗ trợ cho lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng
nhiều loại vũ khí hiện đại, đủ sức để Trung Quốc đương đầu nếu nước này xảy ra
chiến tranh với Liên Xô.
Tổng thống Richard
Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai tại Trung Quốc ngày 26-2-1972 (Nixon Library)
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Richard Nixon (đảng
Cộng hòa) và cố vấn an ninh quốc gia Kissinger muốn tăng tốc kế hoạch viện trợ
quân sự cho Trung Quốc, Quốc hội Mỹ vẫn tỏ ý lo ngại và tìm cách ngăn chặn, với
niềm tin rằng Bắc Kinh là một đối tác bất khả tín. Tuy nhiên, Nixon, rồi người
kế nhiệm Gerald Ford (Cộng hòa), vẫn thuyết phục được Quốc hội, dù mức độ viện
trợ không được như phác thảo ban đầu. Trong số thiết bị-phương tiện viện trợ
cho Trung Quốc lúc đó, có hệ thống bắt tín hiệu truyền hình vệ tinh, 10 chiếc
Boeing 707 và hai máy tính tốc độ cao. Đến năm 1975, Kissinger (lúc này là ngoại
trưởng) còn kêu gọi xóa một số hạn chế xuất khẩu được áp dụng thời Chiến tranh
lạnh, trong đó có việc bán động cơ phản lực Rolls-Royce (Anh sản xuất) cho
Trung Quốc. Song song, Mỹ và Trung Quốc cũng thiết lập các chương trình tập trận,
huấn luyện quân sự và thậm chí soạn thảo kịch bản tác chiến (đánh Liên Xô)…
Dù vậy, Mỹ rất cân nhắc chính sách viện trợ quân sự
cho Trung Quốc, phần vì bản chất của “cuộc tình” Washington-Bắc Kinh thực chất
chỉ là mối tình tạm bợ, vì “cưỡng hôn” mà có, vì thời cuộc xoay vần mà ra. Phần
nữa, Mỹ không dám ào ạt viện trợ quân sự cho Trung Quốc bởi lo ngại Liên Xô có
khả năng phản ứng mạnh và chơi đòn phủ đầu bằng cách bất ngờ tấn công Trung Quốc,
dẫn đến nguy cơ một cuộc đại chiến thế giới lần ba. Trong thực tế, đã có vài
tín hiệu cho thấy Liên Xô sẵn sàng dập Trung Quốc, không phải đánh bằng một chiến
dịch quân sự thông thường mà là đập cho nát ngướu! Hè 1969, khi xung đột biên
giới Trung Quốc và Liên Xô căng thẳng, tại một bữa ăn trưa ở nhà hàng “Beef and
Bird” ở trung tâm Washington, một viên chức ngoại giao cấp trung Liên Xô đã nói
với người đồng cấp Mỹ rằng Moscow đã lên kế hoạch “cực kỳ nghiêm túc” việc tấn
công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Trung Quốc.
Ngoại trưởng Henry
Kissinger và Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh ngày 24-11-1973 (AFP/Getty Images)
Sự kiện Afghanistan
Vài tuần sau tại Teheran, một tùy viên không quân
Liên Xô cũng nói với một sĩ quan Mỹ rằng Liên Xô “sẽ không ngần ngại dùng vũ
khí hạt nhân để tiêu diệt Trung Quốc” nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối biên giới
Liên Xô. Năm 1973, một lần nữa, Liên Xô lại đề cập khả năng tấn công các cơ sở
hạt nhân Trung Quốc. Phản ứng, Kissinger – trong chuyến kinh lý Bắc Kinh cuối
năm 1973 – nói với Chu Ân Lai rằng trong trường hợp Moscow tuyên chiến với “người
anh em” Trung Quốc, Mỹ “có thể giúp đỡ bằng cách hỗ trợ thiết bị và các dịch vụ
khác” (nhưng không nêu cụ thể là những gì), đồng thời giúp Trung Quốc giảm thiểu
khả năng thiệt hại bằng cách cung cấp thông tin tình báo cảnh báo sớm. Điều này
chỉ có thể thực hiện một khi thiết lập đường dây nóng “giữa các vệ tinh của
chúng ta để chúng tôi có thể thông báo cho các bạn chỉ trong vài phút”…
Giữa thập niên 1970, Mỹ bắt đầu giảm bớt liều lượng
nhiệt tình trong quan hệ với Trung Quốc. Cuộc chiến Việt Nam đã ngã ngũ và mối
đe dọa hạt nhân Liên Xô cũng không còn. Hơn nữa, quan điểm nổi trội trong chính
trường Mỹ vẫn là sự áp đảo của phe chính trị truyền thống với chính sách không
thân thiện với một nước cộng sản như Trung Quốc. Phần mình, Bắc Kinh cũng chẳng
thấy vui gì khi Washington thắt chặt bang giao với mình; một mặt, vẫn “đi đêm
đi hôm” và thậm chí công khai bênh vực Đài Loan. Trong thực tế, cả Bắc Kinh lẫn
Washington đều nhìn thấy rõ bản chất của mối quan hệ: Trung Quốc cần dựa hơi Mỹ
để chống Liên Xô, trong khi Washington cần vuốt ve Trung Quốc để lấy nó làm đối
trọng trong những cuộc mặc cả chính trị với Moscow.
Đặng Tiểu Bình và Tổng
thống Jimmy Carter tại Washington DC ngày 29-1-1979 (White House Photo)
Tuy nhiên, tháng 12-1979, khi quân đội Liên Xô tấn
công Afghanistan, quan hệ chiến lược Washington-Bắc Kinh lại được đẩy lên một
“tầm cao” mới. Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 1-1980, Bộ trưởng quốc phòng
Mỹ Harold Brown đề xuất loạt trao đổi giữa các viên chức quốc phòng cấp cao hai
nước, ở một mức độ “chưa từng có trước nay”. Tổng thống Jimmy Carter (Dân chủ)
tuyên bố ông sẽ chuẩn y các giấy phép xuất khẩu cho những mặt hàng liên quan kỹ
thuật kép (dùng cho dân sự lẫn quân sự), và lần đầu tiên cũng chuẩn y phi vụ
bán các hệ thống quân sự không giết người, như radar, vận tải cơ, trực thăng và
phần cứng viễn thông. Tuy nhiên, Carter vẫn còn đủ tỉnh táo và thận trọng không
đồng ý bán vũ khí tấn công, bất chấp sự bày tỏ quan tâm từ Bắc Kinh… Chính sách
thân thiện của Washington đối với Bắc Kinh, dù ẩn sâu bên trong vẫn tồn tại nhiều
nghi kỵ và dè chừng, đã khiến dư luận Mỹ thời điểm đó bớt nhìn Trung Quốc bằng
cặp mắt tiêu cực. Trong suốt thập niên 1970, chỉ khoảng 1/3 người được hỏi
trong các cuộc thăm dò tại Mỹ là bày tỏ cái nhìn tích cực dành cho Trung Quốc
trong khi 2/3 hoặc hơn nói chung tỏ ra nghi ngại Trung Quốc. Đến thập niên
1980, những kết quả thăm dò bắt đầu cho thấy ngược lại. Trong cuộc thăm dò
tháng 2-1989, tỉ lệ người Mỹ “khoái” Trung Quốc đã lên đến 73%!
CÒN
TIẾP
---------------------------------------------------------------------------------
.
Mạnh Kim
April 22, 2020
Lịch sử chính trị thế giới cho thấy có khi, chỉ bởi
vài quan điểm cá nhân, thế cục đã có thể thay đổi. Trong trường hợp Trung Quốc
và Mỹ, đó là những bộ não như Henry Kissinger và sau đó là “học trò” của ông –
Ngoại trưởng Alexander Haig.
Một “bước tiến” quá xa
Trong Nội các Ronald Reagan (thuộc đảng Cộng hòa; kế
nhiệm Jimmy Carter), Alexander Haig được xem là nhân vật luôn ủng hộ mạnh mẽ
chính sách thân Bắc Kinh. Haig muốn đặt dấu ấn riêng trên trang sử quan hệ Mỹ-Trung
bằng việc thực hiện những bước đột phá để nâng quan hệ hai nước lên một cấp độ
chiến lược mới, mà trọng tâm của nó là tăng tốc việc bán vũ khí giết người cho
Trung Quốc, về chất lẫn lượng. Haig tin rằng, chỉ khi như vậy, Mỹ mới có thể
cân bằng được sức mạnh quân sự Liên Xô.
Ngoại trưởng Alexander Haig và người đồng cấp Hoàng
Hoa tại Bắc Kinh tháng 6-1981 (International Magazine Services photo archive)
Quan điểm của Haig cũng được chia sẻ bởi một số người
trong bộ máy quân đội Mỹ. Bản nghiên cứu về mối quan hệ an ninh chiến lược với
Trung Quốc năm 1981 của Bộ tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ kết luận rằng, Trung
Quốc “đang đóng góp đáng kể” cho “sự cân bằng toàn cầu”. Tuy nhiên, một lần nữa,
Quốc hội và một số tướng lĩnh Lầu năm góc vẫn dè dặt việc mở rộng cửa và cung cấp
Trung Quốc những kỹ thuật quân sự tiên tiến. Với Haig, đó là những ý kiến “thiển
cận”, xuất phát từ hạng người có “tư duy bàn giấy” và “đầu óc hẹp hòi”…
Sự vận động liên tục của Haig cuối cùng cũng có kết
quả, dù khiêm tốn. Năm 1983, Bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinberger tuyên bố,
trong số những bước đi mới được thiết kế nhằm tăng cường quan hệ quân sự song
phương Mỹ-Trung, Washington sẽ sẵn lòng bán những hệ thống “vũ khí phòng ngự”
cho Bắc Kinh. Và trong nửa sau thập niên 1980, Washington cũng đồng ý bán cho
Trung Quốc ngư lôi, radar chiến thuật, thiết bị máy móc để sản xuất vỏ đại bác
và hệ thống điện tử cho thiết bị đánh chặn của chiến đấu cơ. Giới chức Mỹ thậm
chí còn bày tỏ việc sẵn lòng thảo luận việc bán hệ thống tên lửa chống tăng, hệ
thống dò âm chống tàu ngầm, động cơ turbine khí cho tàu chiến và hệ thống tên lửa
không đối không.
Tóm lại, Washington đã chuẩn bị bán một số mặt hàng
quân sự với số lượng lớn cho Trung Quốc. Sau chuyến công du Trung Quốc của
Weinberger năm 1983, loạt trao đổi qua lại giữa giới chức dân sự lẫn quân sự ở
mọi cấp bậc của hai nước liên tục diễn ra. Không chỉ dự tính tổ chức các cuộc
phối hợp tập trận hải quân giữa hai quân đội, Mỹ còn háo hức đề xuất ý kiến triển
khai máy bay chiến thuật đến những căn cứ gần Vladovostok; phát triển “những hệ
thống phòng không và cảnh báo sớm”, xin được phép tiếp liệu cho vận tải cơ Mỹ
mang hàng hóa cung cấp cho lực lượng “kháng chiến quân” Afghanistan trong cuộc
chiến chống Liên Xô…
“Tính lại” như thế nào?
Tuy nhiên, thời cuộc lại thay đổi và ảnh hưởng của
nó là sự tái nhận thức về các mối quan hệ. Giữa thập niên 1980, Liên Xô đang
lún sâu vào hỗn loạn nội bộ, trong làn sóng cải tổ của Mikhail Gorbachev. Nhận
định rằng Moscow không còn là kẻ thù và là mối đe dọa an ninh lớn đối với mình,
Bắc Kinh bắt đầu muốn cải thiện quan hệ với Moscow để tận dụng quan hệ quân sự
lẫn kinh tế. Dù sao, hai nước cũng từng có những mối liên hệ chặt chẽ thời thập
niên 1950. Việc tái nhận thức trong chiến lược quan hệ với Liên Xô khiến Bắc
Kinh “tế nhị” đẩy quan hệ với Mỹ xuống một… tầm thấp hơn. Thế là thay vì hăm hở
sắm “đồ chơi” Mỹ, Trung Quốc đã bỏ qua (cơ hội ngàn vàng này) và chỉ mua vài thứ
tượng trưng. Những kế hoạch hợp tác quân sự song phương như nói ở trên cũng bị
bỏ xó…
Tổng thống Bill
Clinton và Chủ tịch Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh, ngày 27-6-1998 (AFP/Getty
Images)
Năm 1989 đã xảy ra hai sự kiện kinh thiên động địa
khiến Mỹ bắt đầu giảm dần, dù rất chậm, mối quan hệ với Trung Quốc. Thứ nhất đó
là sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6 và tiếp đó là sự kiện bức tường Berlin sụp
đổ vào tháng 11. Cả hai sự kiện đều mang lại những ảnh hưởng sâu sắc đối với
chính sách đối ngoại của Mỹ lẫn Trung Quốc. Với Mỹ, sự tan rã khối cộng sản
Đông Âu khiến điểm tựa Liên Xô không còn đã dẫn Washington đến những phác thảo
mới cho chủ trương đối ngoại. Có một điều đến nay không thể giải thích là tại
sao dù chiến lược cân bằng với Liên Xô không còn cần thiết nhưng Washington, bất
chấp sự kiện kinh hoàng Thiên An Môn, vẫn duy trì quan hệ khá gần gũi với Trung
Quốc.
Vài tháng sau vụ Thiên An Môn, thứ trưởng ngoại giao
Mỹ Lawrence Eagleburger đệ trình Quốc hội một danh sách những phạm vi “sống
còn” mà Mỹ cần tiếp tục thực hiện trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Eagleburger
giải trình rằng, dù Liên Xô sụp đổ, nhưng những “giá trị chiến lược” với Bắc
Kinh vẫn không thể vì thế mà từ bỏ. Do đó, Bắc Kinh và Washington cần tiếp tục
chia sẻ nhiều mối quan tâm mới, qua những chương trình hợp tác mới, trong bối cảnh
chính trị mới. Theo quan điểm Eagleburger cũng như một số giới chức hoạch định
chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, Washington bây giờ cần hỗ trợ để đưa Trung Quốc tiếp
cận và gắn kết sâu hơn vào các hệ thống định chế quốc tế. Một cách tinh vi, đó
là cách thuần hóa một con cọp đang mọc nanh.
Washington từng nghĩ Trung Quốc chỉ mải lo
làm giàu, thế thôi!
Chính sách này xuất hiện ngay từ những ngày đầu của
nhiệm kỳ Bill Clinton (Dân chủ). Năm 1994, Chính phủ Mỹ tuyên bố Washington sẽ
theo đuổi chính sách “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc – như Tổng thống Bill
Clinton đã trình bày: “Chúng tôi sẽ có nhiều mối liên hệ hơn. Chúng tôi sẽ giao
thương nhiều hơn. Chúng tôi sẽ hợp tác quốc tế nhiều hơn”. Nói cách khác, Mỹ đã
phát quang dọn đường đưa Trung Quốc lên vũ đài quốc tế, với hy vọng rằng, Trung
Quốc sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với những nghị sự thế giới và những vấn đề
toàn cầu (chẳng hạn ô nhiễm môi trường), cũng như sẽ hành xử biết điều, biết luật
hơn, với những xung đột khu vực…
Mỹ đã tạo ra một ảo tưởng cho Trung Quốc rằng họ bây
giờ là một cường quốc. Đặt Trung Quốc lên chiếc ghế định chế quốc tế không chỉ
buộc Trung Quốc phải “ăn ở” cho ra “tư cách người lớn” mà cũng là một cách để
có thể giám sát và thậm chí khống chế Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Mỹ dành cả
nửa sau của thập niên 1990 để vận động đưa Trung Quốc vào Tổ chức thương mại thế
giới (WTO)… Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, George W. Bush (Cộng
hòa) chỉ trích nội các tiền nhiệm đã “dung túng” và “nuông chiều” Trung Quốc
thái quá. Với Bush, Trung Quốc không thể là “đối tác chiến lược” mà phải là “đối
thủ chiến lược”. Dù vậy, thế cờ đã được bày, trong một thời gian dài như vậy,
làm sao có thể gỡ một sớm một chiều? Cuối cùng, dưới áp lực của giới doanh nghiệp
và tài phiệt Mỹ, Bush cũng buộc phải áp dụng chính sách đối với Trung Quốc chẳng
khác thời Bill Clinton bao nhiêu…
Dù chỉ trích Bill
Clinton (Dân chủ) về chính sách đối với Trung Quốc nhưng George W. Bush (Cộng
hòa) cũng áp dụng con đường chẳng khác mấy so với chính phủ tiền nhiệm (trong ảnh
là vợ chồng Tổng thống George W. Bush, cựu Tổng thống George H. W. Bush, cựu
Ngoại trưởng Henry Kissinger, và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Thế
vận hội Bắc Kinh 2008) (China Daily Photo)
Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, những gì được thiết
lập trước năm 1989 đã không bao giờ được tái lập. Mỹ bắt đầu nhận ra rằng,
Trung Quốc đang từng bước trở thành một mối họa đối với an ninh và quyền lợi Mỹ.
Sự nhận thức này diễn ra rất chậm. Trước năm 1996, giới chức quân sự Mỹ vẫn còn
chưa quan tâm sự phát triển quân sự Trung Quốc. Họ chỉ nghĩ Trung Quốc đang mải
mê lo làm giàu, thế thôi. Trong khi đó, một sự nhận chân toàn bộ về thực trạng
quân sự non kém của mình lại đang sôi sùng sục tại Trung Quốc, từ khi họ chứng
kiến sức mạnh kinh khủng của Mỹ phô diễn ở cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Trung Quốc
bắt đầu âm thầm tăng tốc đầu tư quân sự, trước sự thờ ơ của Mỹ.
Tất cả chỉ thay đổi vào năm 1996, khi Đài Loan tổ chức
cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên. Trung Quốc đã gây sức ép Đài Bắc bằng
cách triển khai dàn tên lửa chĩa thẳng về Đài Loan. Lần đầu tiên trong hơn 30
năm, Mỹ mới nhận ra một hiểm họa chiến tranh thật sự tại châu Á, đến từ Trung
Quốc. Lập tức sau đó, tình báo Mỹ bắt đầu theo dõi hoạt động quân sự Trung Quốc.
Kết quả thật đáng lo ngại, nếu không nói là đầy tính cảnh báo. Hóa ra quân đội
Trung Quốc đã mạnh hơn Mỹ nghĩ rất nhiều, dù sức mạnh này còn kém Mỹ rất xa.
Trước sự kiện 1996, CIA gần như chẳng đếm xỉa đến Trung Quốc.
Trong báo cáo các mối đe dọa toàn cầu vào tháng
2-1996, Giám đốc CIA John Deutch trình bày ngắn gọn: “Chúng ta vẫn biết rất ít
về giới lãnh đạo tương lai Trung Quốc cũng như kế hoạch của họ”. Một năm sau,
sau vụ khủng hoảng Đài Loan, người kế nhiệm Deutch, George Tenet, bắt đầu “la
thất thanh”: “Những hành động và tuyên bố của Trung Quốc cho thấy họ quyết tâm
thể hiện mình như một sức mạnh đỉnh cao ở Đông Á”. Đến năm 1998, Tenet tin chắc
rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc “có một mục tiêu rõ ràng: biến nước họ thành một
sức mạnh chủ yếu ở Đông Á cũng như là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới
ngang hàng Mỹ vào giữa thế kỷ 21”.
CÒN
TIẾP
-----------------------------------------------------------
.
Mạnh Kim
April 22, 2020
Với Mỹ, từ thời George W. Bush đến Barack Obama,
chính sách ngoại giao có thể tổng hợp gồm ba phần. Với Trung Quốc, họ cũng xây
dựng chiến lược mới. Cách chọn lựa những gì cần làm và cách dứt khoát như thế
nào những gì cần loại bỏ trong các đề mục của đối sách đối ngoại ở bối cảnh mới
của mối quan hệ sẽ là những yếu tố quyết định thành bại, nếu không muốn nói là
mang tính sinh tử đối với cả hai…
Duy trì cân bằng
Với thế đang lên của Trung Quốc, cùng sự gắn kết móc
xích kinh tế giữa Mỹ và nước này, Washington (thời George W. Bush và Barack
Obama) hiểu rằng sẽ là hạ sách nếu cố kiềm tỏa Bắc Kinh bằng chính sách cô lập
triệt để như từng dùng thời Chiến tranh lạnh với Liên Xô và Đông Âu. Phương án
được chọn của Mỹ là tìm cách cân bằng.
Thứ
nhất, đó là triển khai mạnh sự hiện diện quân sự tại
Thái Bình Dương. Đấu pháp này thật ra không phải bắt đầu sau khi Barack Obama
ngồi ghế tổng thống (năm 2009) mà đã hình thành từ thời Bill Clinton, khi
Clinton – tiên liệu được sức mạnh mang tính đe dọa quyền lợi Mỹ của Trung Quốc
tại đấu trường châu Á – đã quyết định duy trì một lực lượng ổn định với tối thiểu
100.000 quân tại châu Á-Thái Bình Dương. Sau Clinton, sang thời George W. Bush,
trái với nhiều nhận định rằng Bush đã bỏ lỏng châu Á cho Trung Quốc khi dồn lực
vào cuộc chiến chống khủng bố, chính nội các Bush mới là nơi khai sinh khái niệm
“tái phối trí”, khi Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld triển khai mạnh chương
trình tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ khắp toàn cầu với sự tăng cường hiện diện
tại châu Á. Quân đội Mỹ được phân bổ dàn rộng hơn (không tập trung ở những căn
cứ truyền thống như Okinawa và Hàn Quốc), với yếu tố tác chiến cơ động được đề
cao – như lời đô đốc William J. Fallon giải thích: “Chúng tôi đưa lực lượng
mình đến những nơi mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng mà không cần phải xin phép
bất kỳ ai”.
Trước khi Bush rời Nhà trắng, hải quân lẫn không
quân Mỹ đều đã tăng cường những đơn vị tinh nhuệ có khả năng chiến đấu cao nhất
đến Thái Bình Dương. Năm 2007, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, hơn ½
tàu chiến của Mỹ đã được điều động đến Thái Bình Dương, trong đó có 6 (trong tổng
số 11) hàng không mẫu hạm; gần như tất cả 18 chiếc khu trục hạm lớp Aegis (có
khả năng bắn chặn tên lửa); 26 (trong tổng số 57) tàu ngầm tấn công… Năm 2007,
tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy Keating, nói: “Chúng
tôi phải duy trì khả năng vượt trội tại bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ môi trường
nào. Không có ngoại lệ”.
Thứ
hai, đó là việc tăng cường liên kết đồng minh. Một lần
nữa, điều này cũng được dàn dựng vào thời Clinton và tiếp tục duy trì thời
Bush. Năm 1997 rồi lần nữa vào năm 2005, giới chức Mỹ-Nhật đã thảo luận sâu về
vấn đề hợp tác quốc phòng cũng như tìm cách tháo gỡ rào cản pháp lý liên quan
việc mở rộng quân đội Nhật (vốn bị hạn chế bởi Hiến pháp Nhật được soạn sau Thế
chiến thứ hai). Để tránh bị qui kết can thiệp nội bộ Tokyo, Nội các Bush đã ngầm
ủng hộ nhóm chính trị gia Nhật kêu gọi sửa đổi Hiến pháp. Ngoài Nhật,
Washington cũng mở rộng liên kết hợp tác quân sự với Úc và một số nước trong đó
có Philippines, Singapore và Thái Lan…
Thứ
ba, đó là sự hạn chế đà phát triển của quân đội Trung
Quốc. Đây là bài toán thật sự hóc búa đối với Mỹ. Làm thế nào để tăng cường xuất
khẩu Mỹ (sang Trung Quốc) mà không làm ảnh hưởng an ninh quốc gia? Mặt hàng nào
nên được xếp vào nhóm “nhạy cảm”? Sau sự kiện Thiên An Môn, Tổng thống George
H. Bush (Bush-bố) đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với các thương vụ vũ khí
sát thương dành cho Trung Quốc; đồng thời thuyết phục các nước đồng minh áp dụng
tương tự.
Năm 1991 và một lần nữa vào năm 1993, Bush-bố rồi
Clinton đã chặn đứng việc xuất khẩu vệ tinh cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi miếng
bánh thị trường Trung Quốc đang bị mất dần vào tay Nhật và châu Âu, giới doanh
nghiệp Mỹ liên tục vận động hậu trường để được Washington cho “xả cảng”. Vậy
là, trong suốt thập niên 1990, dù ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại sự
bành trướng quân đội Trung Quốc, Bộ thương mại Hoa Kỳ vẫn phải chuẩn y hàng
trăm giấy phép bán những kỹ thuật kép cho Trung Quốc trong đó có bán dẫn, máy
móc chính xác cao và những thiết bị kiểm định đặc biệt. Những mặt hàng này, như
sau này được biết, đã chạy thẳng đến các nhà máy và phòng thí nghiệm quân sự
Trung Quốc, để từ đó tạo ra những radar quân sự, tên lửa hành trình và vũ khí hạt
nhân…
Tuy vậy, về tổng thể, Clinton lẫn Bush-con đều cố kiểm
soát tình hình bất kỳ khi nào có thể. Năm 2004, một cuộc tranh luận về việc
tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc một lần nữa lại bùng lên tại châu
Âu. Với chính giới châu Âu, lệnh cấm vận 15 năm dành cho Trung Quốc đã làm thiệt
hại đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng và không gian của họ. Đã đến lúc phải
gạt bỏ tư tưởng hoài nghi dành cho Bắc Kinh – châu Âu đề nghị. Suýt chút nữa
thì chiến dịch vận động xóa cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc của châu Âu đã
thành công, nếu nội các Tổng thống Bush-con không quyết liệt can thiệp vào giờ
chót. Trong khi đó, Mỹ tăng cường xuất cảng vũ khí, đặc biệt thời Obama, khi Mỹ
vận hành chính sách “xoay trục”. Năm 2011, Loren Thompson, nhà tư vấn quốc
phòng kỳ cựu, từng nói rằng Obama có khuynh hướng ủng hộ xuất khẩu vũ khí “hơn
bất kỳ Nội các Dân chủ nào trước đó”.
Mỹ tiếp tục duy trì
quan hệ chiến lược với Đài Loan (Reuters)
Trung Quốc làm gì?
Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là phải trục Mỹ khỏi
sân chơi Đông Nam Á, một cách gián tiếp, không đối đầu trực diện; bằng những
“thủ pháp” sau:
Thứ
nhất, phải tìm cách trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ bất kỳ
phản ứng có thể nào của Mỹ, đối với chiến thuật tăng cường hiện diện thông qua
hợp tác mà Mỹ đang áp dụng. Thứ hai, Trung Quốc phải lập ra
những thể chế chính trị khu vực được thiết kế sao cho Mỹ không thể tham
gia. Thứ ba, ổn định những vùng đệm an toàn tại khu vực; sao
cho, thứ tư, Trung Quốc có thể tập trung hơn vào chiến lược
thống trị biển Đông trong khuôn khổ chủ thuyết “đường lưỡi bò”.
Dựa theo bài bản xây dựng đồng minh của Mỹ tại châu
Á, Trung Quốc cũng có những dự án xây dựng thể chế để gắn kết đồng minh riêng,
trong đó có Tổ chức hợp tác Thượng Hải hay cơ chế “cộng ba” đối với khối ASEAN.
Với Trung Á, Trung Quốc đã không bỏ lỡ thời cơ tìm kiếm những cơ hội nảy sinh
khi khối Liên Xô tan rã. Và bằng cách tạo ra mô hình “đối tác chiến lược” với
các nước láng giềng, trong khuôn khổ chính sách “biên giới mềm” – như cách nói
của nhà báo Ross Munro, Trung Quốc không chỉ tăng cường ảnh hưởng mà còn hạn chế
những rủi ro đe dọa trong tương lai.
Để thực hiện chiến lược “biên giới mềm” nhằm tăng cường
ảnh hưởng khu vực ngoại vi, theo Munro, Trung Quốc đã áp dụng nhiều thủ đoạn
trong đó có hối lộ giới chức quốc gia sở tại, tuyển dụng giới doanh nghiệp và
viên chức địa phương để cung cấp thông tin cho Trung Quốc (những thông tin này
khi được tình báo Trung Quốc sàng lọc sẽ giúp Bắc Kinh có cái nhìn rõ hơn về
tình hình chính trị quốc gia sở tại), áp dụng thủ thuật chèn ép tinh vi trong
đàm phán biên giới để buộc các nước láng giềng yếu hơn không chỉ nhường đất mà
còn phân tán lực lượng biên phòng của họ, và cuối cùng, là âm thầm tổ chức các
cuộc di dân từ Trung Quốc sang quốc gia ngoại vi…
***
Henry Kissinger
luôn được Trung Quốc trọng thị và xem như là “cố vấn số một” suốt nhiều thập
niên qua (trong ảnh là chuyến kinh lý Bắc Kinh của Kissinger ngày 22-11-2019)
(AFP/Getty Images)
Để kết thúc chuỗi lịch sử từ thời Nixon đến cuối thời
Obama, có lẽ cần nhắc lại một nhân vật: Henry Kissinger – kẻ được mệnh danh
“ông ngoại của chính sách đối ngoại (“granddaddy of U.S. foreign policy”), người
vẫn dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng một “viễn kiến” về “trật tự thế giới mới”
trong đó Mỹ phải nên chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.
Cần nhắc lại, cuối năm 2016, khi cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ kết thúc với chiến thắng thuộc về Donald Trump, Kissinger đã mò sang Bắc
Kinh. Ngày 1-12, Kissinger gặp nhân vật chính trị cấp cao Vương Kỳ Sơn (hiện ngồi
ghế Phó Chủ tịch Trung Quốc). Ngày 2-12, báo chí Trung Quốc đăng ảnh Kissinger
gặp Tập Cận Bình. Hôm đó, Kissinger nói với Tập: “Chúng tôi hy vọng chứng kiến
quan hệ Mỹ-Trung đi lên với cách thức ổn định và liên tục”. Và trong cuộc phỏng
vấn (đăng trên nguyệt san The Atlantic 12-2016), khi được nhà
báo Jeffrey Goldberg hỏi rằng ông có lo sợ không, nếu “tất cả những chuyện này,
xuất phát từ Trump, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”; Kissinger
trả lời: “Hơn bất kỳ gì khác, một trật tự thế giới hòa bình và cân bằng luôn dựa
vào mối quan hệ ổn định giữa Mỹ với Trung Quốc. Tập Cận Bình miêu tả sự liên
tương kinh tế là sự “cân bằng và thúc đẩy” cho quan hệ song phương rộng hơn của
chúng ta. Một cuộc chiến mậu dịch sẽ tàn phá cả hai nước”.
Lập luận này tiếp tục được lặp lại trong cuộc họp mà
Kissinger chủ trì tại New York trung tuần tháng 12-2016. Gần đây nhất, giữa cơn
khủng hoảng dịch bệnh, khi viết trên Wall Street Journal (3-4-2020),
Kissinger vẫn còn bóng gió về cái gọi là sự chuyển dịch đến một trật tự hậu đại
dịch (the transition to the post-coronavirus order).
No comments:
Post a Comment