Xin chào anh PLVC. Lời đầu
tiên xin cảm ơn anh đã nhận lời cho cuộc phỏng vấn này. Để tiện trao đổi, xin
anh vui lòng cho biết chúng tôi có thể gọi chức danh của quý anh như thế nào
cho phù hợp?
PLVC: Anh có thể gọi tôi
là Người yêu dân chủ thông thái hay Nhà hoạt động nhân quyền thông
thái cũng được.
- Thưa “Người yêu dân chủ thông thái”, thời gian gần
đây anh có đề cập đến một số vấn đề chính trị nước Mỹ nhưng đã gây ra sự tranh
cãi, một cách vắn tắt, anh có thể cho biết quan điểm của anh về nước Mỹ?
Tôi yêu nền dân chủ và
pháp quyền của Mỹ, tôi biết ơn nước Mỹ đã cưu mang và trao cơ hội cho hàng triệu
đồng bào mình, tôi cảm ơn nước Mỹ vì sự nhiệt thành của họ trong việc duy trì
trật tự và an toàn cho thế giới.
- Nhưng thời gian gần đây anh có vẻ đã chống đối,
phê phán tổng thống Mỹ Donald Trump?
Chống Trump không có
nghĩa là chống nước Mỹ. Yêu Trump không có nghĩa là yêu nước Mỹ. Đây là điều cơ
bản mà một người có tư duy dân chủ đều hiểu. Trump chỉ là một người cầm quyền,
nếu một người cầm quyền tốt thì yêu mến và ủng hộ, còn nếu nó tồi thì phải phê
phán và loại bỏ nó bằng các biện pháp hoà bình.
- Vậy anh cho rằng tổng thống Trump cầm quyền rất tồi
và đáng bị loại bỏ?
Đúng vậy! Trump đang làm
đảo lộn mọi thứ nhưng Trump không phải là một nhà cải cách. Các chính sách đảo
lộn của Trump chỉ biến nước Mỹ từ một quốc gia dân chủ có nguy cơ trở thành một
quốc gia chuyên chế mà thôi.
- Anh có thể chứng minh thêm cho nhận định của anh
"nước Mỹ có nguy cơ trở thành chuyên chế dưới sự lãnh đạo của tổng thống
Trump"?
Trước tiên hãy soi vào
các thông điệp của Trump trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng. Nó như
cách mà Hitler ngày trước dùng để mị dân. Rao giảng các thông điệp cực hữu
nhưng đánh trúng vào tâm lý tự tôn dân tộc, chọc vào đúng khát vọng thầm kín của
một quốc gia, bằng các thông điệp như "khôi phục quốc gia vĩ đại”, “nước Mỹ
trên hết”, và giờ còn thêm thông điệp “công dân vĩ đại”. Thứ hai, nhìn vào các
chính sách thực thi thông điêp mà Trump đang tiến hành như bảo hộ mậu dịch cực
đoan, phá vỡ các cơ chế quốc tế hiện hành nhằm thiết lập lại một cuộc chơi khác
do Trump sắp xếp, ngăn chặn nhập cư, kỳ thị tôn giáo.. Đó là những bước khởi đầu
để đặt nền móng cho một quốc gia chuyên chế.
- Liệu anh có lo lắng thái quá không khi Hiến Pháp Mỹ
đã thiết lập cơ chế đối trọng với quyền lực của tổng thống?
Hiến Pháp xét cho cùng
cũng chỉ là một mảnh giấy giao ước. Người ta có thể xé bỏ nó và viết lại một
giao ước khác vào bất kỳ lúc nào nếu có sự ủng hộ cuồng tín lên ngôi. Nhìn xem
Trump đã xé bỏ bao nhiêu giao ước rồi? Từ giao ước vũ khí nguyên tử với Iran,
cho đến các giao ước thương mại TPP, rồi giao ước hạn chế khí thải bảo vệ môi
trường... Trump xé tất. Xé để viết lại một cách có lợi và thủ đắc thêm quyền lực
cho chính mình. Trump chưa xé được Hiến pháp Mỹ bởi Trump chưa đủ lực, chứ
không phải là Trump không dám xé. Trump đang cần sự tiếp sức cuồng tín của dân
chúng Mỹ để làm việc này thông qua việc bám lấy chủ nghĩa quốc gia cực hữu.
- Có ý kiến cho rằng anh là người Việt Nam, không phải
là người Mỹ, vậy liệu có phù hợp không khi anh tập trung thời gian của mình để
chống đối, phê phán tổng thống Mỹ?
Nếu Trump chỉ là tổng thống
của một quốc gia “Cộng Hoà Bắc Mễ” thì có lẽ tôi cũng không quan tâm. Nhưng Trump
là tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ xoay trục
theo hướng chuyên chế như Nga và Trung Quốc? Nếu điều đó xảy ra chắc chắn sẽ là
thảm họa cho thế giới tự do. Khi Hoa Kỳ phản bội lại lý tưởng tự do, đảo ngược
thể chế dân chủ thành chuyên chế trên nền tảng kế thừa sức mạnh quân sự, khoa học,
và kinh tế trước đây, khi có xung đột nó có khả năng biến thế giới này quay trở
lại thời kỳ đồ đá. Khi đó quốc tịch hay dân tộc cũng không còn ý nghĩa gì. Vì vậy
chúng ta cần phải bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do và dân chủ như là một trọng
trách trong tư cách là một công dân toàn cầu hoặc là một người yêu dân chủ
thông thái.
- Và một câu hỏi cuối cùng, những người ủng hộ tổng
thống Trump nói rằng ông ấy sẽ tiêu diệt chế độ cộng sản Trung Quốc, anh đánh
giá ra sao về điều này?
Trung Quốc là một quốc
gia có khả năng soán ngôi của Mỹ trong thời gian tới và Trung Quốc luôn nuôi
khát vọng đó. Cho nên bất kỳ tổng thống nào của Mỹ về sau sẽ luôn chú ý đến
nguy cơ này. Chính sách phát động chiến tranh kinh tế với Trung Quốc mà Trump
phát động trong thời gian qua chỉ nhằm bóp chết các tiềm lực của Trung Quốc,
nhưng hiệu quả của nó cũng chỉ là để gia tăng giãn cách an toàn cho ngôi vị của
Mỹ trước sự theo bám của Trung Quốc, chứ không làm gia tăng sức mạnh nội tại của
Mỹ. Nói dễ hiểu là Trump không làm cho nước Mỹ mạnh hơn mà chỉ là làm cho Trung
Quốc yếu đi để không thể chiếm lấy vị trí của mình.
Nếu cuộc chiến kinh tế này có thất bại đối với Mỹ thì cũng không hẳn là thất bại đối với Trump. Vì khi quốc gia suy thoái kinh tế sẽ là thời cơ cho chủ nghĩa quốc gia cực hữu mà Trump đang rao giảng lên ngôi, đầy sức mê hoặc đối với dân chúng, theo kiểu “hỡi các công dân vĩ đại, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng vĩ đại, quyết tâm khôi phục quốc gia vĩ đại”. Xung đột lúc này không chỉ thuần tuý về kinh tế nữa mà còn có thêm xung đột chính trị, ý thức hệ. Khi chủ nghĩa quốc gia cực hữu trở thành một dòng tư tưởng phổ biến và chủ lưu ở Mỹ, khi đạt đến độ chín mùi, thì đừng nói là Trung Quốc, người Mỹ sẽ xử luôn người Mỹ, một giai cấp thượng đẳng của Mỹ sẽ ra đời sẽ gây ra sự đau khổ cho chính đồng bào của họ chỉ vì khác biệt màu da, chính kiến, và tôn giáo.
Tôi cũng lưu ý đến khía cạnh chủ nghĩa quốc gia cực hữu kiểu của Trump ấy, nó rất có sức hấp dẫn đối với dân chúng, nên nó cuốn hút các chính trị gia, vì vậy cần phải cảnh tỉnh trước sự trỗi dậy của ý thức hệ này trong tương lai.
- Vâng, xin rất cảm ơn anh đã có cuộc trò chuyện thú
vị này với đài Qua Qua TV. Các nhận định nêu trên chỉ là quan điểm của người được
phỏng vấn, không phản ánh quan điểm của đài Qua Qua TV.
No comments:
Post a Comment