Ngô Ngọc Văn
Gửi
tới BBC từ London
23 tháng 4 năm 2020
Tuần
trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng cấp tiền cho Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) trong khi chính quyền của ông xem xét các hành động của tổ chức này.
Ông cáo buộc WHO quản lý yếu kém và che đậy sự lây
lan của virus corona sau khi nó xuất hiện ở Trung Quốc và đã không ép Trung Quốc
cần phải minh bạch hơn.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ có nhiều ca mắc
Covid-19 nhất và số người chết cao nhất thế giới hiện nay, với chính Tổng thống
Trump hứng chịu chỉ trích vì cách xử lý đại dịch.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi quyết định của ông
Trump đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi từ cả trong và ngoài nước, bao gồm Chủ tịch
Hạ viện Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc WHO, Tổng thư ký LHQ, các nhà tài trợ lớn, các
chuyên gia y tế và các đồng minh châu Âu đã cam kết tiếp tục ủng hộ cho WHO vào
thời điểm đầy khó khăn này.
Trung Quốc, nước mà nhiều người coi là mục tiêu thực
sự của cuộc tấn công của ông Trump, cũng đã phản ứng nhanh chóng và quyết liệt.
Trung Quốc là mục tiêu thực sự
Tân Hoa Xã đã thể hiện sự phẫn nộ rõ nét nhất trong
quyết định của ông Trump, đồng thời tránh đề cập đến những điều mà ông phàn nàn
về Trung Quốc.
"Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch này, WHO rất cần các
quỹ để phát triển vắc-xin, cung cấp đồ bảo hộ cá nhân và hỗ trợ cho các nước
kém phát triển hơn," Tân Hoa Xã nói.
"Vào thời điểm quan trọng này, Hoa Kỳ không chỉ không đóng góp cho nỗ
lực này mà họ còn ngưng hỗ trợ WHO, hành vi xấu như vậy đi ngược lại các nguyên
tắc nhân đạo."
Các nhà bình luận cũng tham gia, chẳng hạn như Tống
Lỗ Trịnh, sống ở Pháp nhưng làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Phục
Đán ở Thượng Hải:
"Khi Trung Quốc vẫn tự chống dịch, WHO đã ca ngợi Trung Quốc về các
biện pháp tích cực của họ và khuyến nghị thế giới nên học hỏi. Điều này làm cho
một số chính trị gia và truyền thông ở châu Âu và Mỹ không hài lòng, bởi vì nó
không phù hợp với các giá trị và cách diễn giải của họ, ông Tống Lỗ Trịnh viết.
"Đối với Hoa Kỳ, nếu họ có thể phá bỏ WHO thì điều đó là bác bỏ hiệu
lực về kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc và họ đã thành công trong việc đẩy
trách nhiệm của họ sang cho người khác."
Nghi ngờ hợp lý
Tôn
Vận, nhà nghiên cứu cao cấp và cũng là Giám đốc Chương
trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington DC, đưa ra nhận
xét:
"Một số quyết định của WHO về Covid-19 mà mọi người đã nghi ngờ bao
gồm kêu gọi các quốc gia khác đừng phản ứng quá mức với Covid-19 vào tháng 2 và
quyết định của họ về việc hoãn gọi đây là đại dịch toàn cầu. Chúng tôi không biết
liệu các quyết định này có động cơ chính trị không, nhưng chúng đã trùng lặp với
lập trường của Trung Quốc nhiều tới mức rằng sự nghi ngờ là hợp lý," Tôn Vận đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn.
Đúng là Trung Quốc đã có mối quan hệ làm việc rất tốt
với Tedros Adhanom Ghebreyesus, đương kim Tổng Giám đốc WHO.
Ông đã đến Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 1 và gặp Chủ tịch
Tập Cận Bình. Trong một bài phát biểu tại Geneva vào ngày hôm sau, ông đã ca ngợi
ông Tập vì sự lãnh đạo của ông, gọi đó là chuyện hiếm, và đánh giá cao những nỗ
lực của Trung Quốc:
"Trung Quốc đã xác định mầm bệnh trong thời gian kỷ lục và chia sẻ
nó ngay lập tức, điều này dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các công cụ chẩn
đoán. Họ hoàn toàn cam kết về tính minh bạch, cả bên trong lẫn bên ngoài," ông Tedros nói.
Nhiều người sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đã chia
sẻ thông tin với WHO, nhưng Bắc Kinh đã không thông báo cho người dân của mình
đủ sớm về mức độ nghiêm trọng của virus vào tháng Một.
Thay vào đó, họ khiển trách những người cố gắng đưa
ra cảnh báo, bịt miệng các bác sĩ muốn thông báo các ca từ bệnh viện và làm dịu
đi cuộc khủng hoảng để rồi mọi người đã bị thiếu chuẩn bị cho những gì sắp xảy
ra.
Thiếu minh bạch là một trong những lời chỉ trích nhắm
vào Trung Quốc, bao gồm cả số người chết. Một số cơ quan truyền thông của chính
Trung Quốc đã thực hiện phóng sự dẫn nguồn là nhân viên y tế về báo cáo thiếu về
số ca chết do Covid-19.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vài ngày sau tuyên bố
của ông Trump, Trung Quốc đã sửa đổi số người chết ở Vũ Hán thành 3.869, tăng
50%. Trung Quốc khẳng định điều này là do báo cáo thiếu thay vì che giấu.
Nhưng Tổng thống Trump không thấy ấn tượng. "Rất nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra nhưng có rất
nhiều cuộc điều tra đang diễn ra, và chúng tôi sẽ tìm ra," ông nói.
Chính phủ Pháp và Anh cũng đã đặt câu hỏi về cách xử
lý dịch bệnh của Trung Quốc.
Tôn
Vận từ Trung tâm Stimson không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ
hợp tác dưới bất kỳ hình thức điều tra nào về hành vi của mình, nhưng "sẽ
có việc rà soát lại lập trường, các tuyên bố, sự không nhất quán và chính sách
của Trung Quốc để đưa ra kết luận về những gì Trung Quốc đã làm sai".
Điều này không phụ thuộc vào sự hợp tác của Trung Quốc,
bà Tôn Vận đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn.
Quan hệ lâu dài Trung-Mỹ
Vụ việc liên quan tới WHO chỉ là một trong chuỗi các
cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Vương
Lập Tư, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc
Kinh, dự báo tương lai của mối quan hệ song phương đang đi đến một giai đoạn đầy
bão tố.
"Sự ngờ vực của chúng tôi với Hoa Kỳ và không thích Hoa Kỳ đã đạt đến
một mức độ chưa từng thấy kể từ khi chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao cách
đây 41 năm," ông Wang nói trong một bài giảng gần đây.
So với các vụ việc gồ ghề khác, ông Vương nhận xét,
thì lần này đã đi quá xa đụng chạm vào những lĩnh vực khác rộng hơn, mang nhiều
cảm xúc hơn và ăn sâu hơn vào dư luận.
Tôn
Vận từ Trung tâm Stimson ở Washington DC cũng nhìn thấy
hướng tiêu cực đó.
"Tôi sẽ nói cả hai bên đều có trách nhiệm. Trung Quốc đã cố đổ lỗi
cho virus do Hoa Kỳ (một số người Trung Quốc vẫn nói vậy) và cố gắng sử dụng cơ
hội để bảo vệ tính chính danh và thậm chí là ưu việt của hệ thống chính trị
Trung Quốc. Và rằng sức mạnh mềm, kết hợp với chính sách ngoại giao đanh thép,
đã không được nhìn nhận tích cực ở Hoa Kỳ," Tôn Vận nói với tôi.
Tuy nhiên, bà cảm thấy rằng một khi Hoa Kỳ và Trung
Quốc đã thành công trong việc kiểm soát Covid-19, một số yếu tố rạn nứt sẽ được
loại bỏ và hai bên có thể nhìn về mối quan hệ ổn định hơn.
Nhưng ông Vương Lập Tư từ Đại học Bắc Kinh thì kém lạc
quan hơn nhiều.
"Trong tương lai, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đầy căng
thẳng và xung đột, không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp và điều chỉnh. Khi một cuộc
cạnh tranh toàn diện trở thành đối đầu hoàn toàn, kịch bản Bẫy Thucydides không
thể bị loại trừ," ông Vương nói.
Đó sẽ là một
viễn cảnh đen tối. Nếu đại dịch cho ta bài học gì thì có thể nói là virus sẽ giết
chết bất kể người ta quốc tịch gì, ý thức hệ và niềm tin gì, và điều quan trọng
hơn là các quốc gia chia sẻ thiện chí cũng như kiến thức, kinh nghiệm và chuyên
môn, và bảo vệ toàn thể nhân loại.
Trung Quốc và Hoa Kỳ nên đi đầu trong nỗ lực này
thay vì phá hủy dần bất kỳ điểm chung nào.
----------------------
Bà
Ngô Ngọc Văn là một nhà phân tích Trung Quốc tại London và là cựu nhà báo lâu
năm của BBC.
------------------------------------
BBC Tiếng Việt
13 tháng 11 năm 2018
No comments:
Post a Comment