Sunday, 12 April 2020

MỘT TUẦN LỄ ĐẦY BIẾN ĐỘNG TRONG CHÍNH TRỊ ANH QUỐC (Lê Phan)




Lê Phan
April 12, 2020

Anh Quốc, mặc dầu đã là nguồn gợi hứng cho nền dân chủ Hoa Kỳ, có nhiều điều khác hẳn vốn khiến nhiều khi khiến tình hình ở vương quốc này trở thành khó hiểu cho độc giả ở bên kia bờ đại dương.

Tuần này có nhiều chuyện xảy ra cho Anh Quốc khiến cho sự khó hiểu này hiện rõ. Trước hết là việc Thủ Tướng Boris Johnson lâm bệnh. Sự việc thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới nhiễm COVID-19 dĩ nhiên là một chuyện lớn nhưng chuyện khó hiểu là về ai sẽ thay thế làm quyền thủ tướng trong khi ông đi điều trị ở bệnh viện.

Hiến Pháp Hoa Kỳ nêu rõ những người sẽ thay thế nếu vì lý do nào đó một tổng thống không thể tiếp tục cai trị. Nhưng chuyện đó không rành mạch như vậy ở Anh.

Tôi đã thấy các đồng nghiệp trên truyền hình Hoa Kỳ lúng túng giải thích tại sao. Họ nói đến Anh Quốc không có Hiến Pháp thành văn và do đó tiến trình kế vị phức tạp. Thực sự Vương Quốc Thống Nhất Anh không có Hiến Pháp. Những luật lệ tích tụ từ khi những nhà quý tộc buộc Vua John của nước Anh ký Hiến Chương Magna Carta năm 1215 đến ngày nay là nền tảng luật pháp ở Anh. Nhưng những luật lệ này nhiều khi trái ngược nhau khiến cho mọi sự rối bời.

Nhưng không phải vì thế mà Anh không có luật lệ. Chẳng hạn như về vấn đề kế vị, thủ tướng Anh có quyền chỉ định một phó thủ tướng và dĩ nhiên nếu có thì người đó sẽ là người lên thay làm thủ tướng. Thủ tướng cũng có thể chị định một trong các bộ trưởng là First Secretary tức là người cao cấp nhất trong nội các sau thủ tướng như ông Johnson chỉ định ngoại trưởng.

Ngoài ra, Anh Quốc cũng có một văn kiện gọi là “Cẩm nang của nội các (Cabinet Manuel)” là điều mà đài BBC bảo “thứ gần nhất một văn kiện ấn định vai trò của thủ tướng,” mà chúng ta có. Theo văn kiện này thì nội các sẽ chọn người thay thế mà nữ hoàng sẽ yêu cầu thành lập chính phủ.

Nhưng ngoài việc thủ tướng lâm bệnh, tuần rồi Anh Quốc, mặc dầu đang đối phó với đại dịch, đã có được một sự trợ giúp tinh thần vô giá. Đó là bài diễn văn của Nữ Hoàng Elizabeth đệ II. Nữ hoàng không mấy khi đọc diễn văn cho thần dân. Cả trên sáu thập niên trị vì bà chỉ mới đọc có năm bài diễn văn. Dĩ nhiên hàng năm bà có bài diễn văn đầu năm, nhưng đó chỉ là thông lệ và không có gì quan trọng.

Người dân theo dõi bài phát biểu của Nữ Hoàng Elizabeth II qua truyền hình hôm 5 Tháng Tư. (Hình: Leon Neal/Getty Images)

Hơn ai hết trong chính trị của Vương Quốc Thống Nhất có cái uy thế của nữ hoàng. Với phản ứng của chính phủ đã sai lầm ngay từ đầu, đất nước không biết có bao nhiêu người nhiễm bệnh, trong khi số tử vong ngày một gia tăng. Trong giờ phút đen tối đó, nữ hoàng đã lên tiếng.

Mặc một bộ đồ màu xanh lá cây, nói chuyện từ thư viện thật huy hoàng bên trong Tòa Lâu Đài Windsor, nữ hoàng đã đặt cuộc khủng hoảng này ngang hàng với cuộc chiến sống còn của quốc gia trong Thế Chiến Thứ Hai. Bà nói bà muốn đưa ra một lời bảo đảm là nếu quốc gia tiếp tục “đoàn kết và cương quyết”, Anh Quốc sẽ vượt qua chướng ngại mới này.

Bà nói: “Tôi hy vọng trong những năm sắp tới, mọi người có thể tự hào về cách họ phản ứng trước thách thức này.” Đó là một lời kêu gọi cho lòng tự hào dân tộc cổ điển. Nhưng bà kết luận với hy vọng. Tuy chúng ta sẽ còn phải chịu đựng nhiều trong những tuần lễ sắp tới, bà nói, những ngày tươi sáng sẽ trở lại “Chúng ta sẽ trở lại với bạn bè; chúng ta sẽ trở lại với gia đình; chúng ta sẽ lại gặp nhau.” Câu cuối đó là nhắc lại lời của một bản nhạc nổi tiếng thời Thế Chiến Thứ Hai mang cái tên “We’ll meet again,” trong đó lời ca nói “Không biết ở đâu/ Không biết khi nào/ Nhưng tôi biết chúng ta sẽ gặp nhau lần nữa vào một ngày nắng đẹp nào đó.”

Nữ hoàng là nhân vật duy nhất trên toàn thế giới có thể bản thân liên hệ cuộc tranh đấu chống đại dịch hiện nay với Thế Chiến Thứ Hai, một cuộc chiến vốn đã định nghĩa tinh thần dân Anh. Thông điệp ngắn ngủi nhưng đầy đủ và không bỏ quên ai, từ giới thanh niên, những người đang chiến đấu ở tiền tuyến và những người đang phải ở trong nhà. Nó đã cho nước Anh một vị lãnh tụ tinh thần cần thiết. Nó làm cho dân Anh tự hào là trong giây phút đen tối nhất họ vẫn có một ngọn hải đăng.

Nhưng trước cả hai sự việc trên là việc đảng đối lập Anh bầu lên một lãnh tụ mới thay thế ông Jeremy Corbyn.

Khác hẳn với chính trị Hoa Kỳ, lãnh tụ đảng đối lập có một vai trò quan trọng. Anh Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có quan niệm “đối lập trung thành.” Đảng đối lập có một vai trò quan trọng và được gọi là “Her Majesty’s Most Loyal Opposition,” là một cột trụ của hệ thống cầm quyền của nước Anh, một chức vụ cần thiết để cho hệ thống chính trị hoạt động. Sir Keir Starmer, tân lãnh tụ đảng Lao Động, có những đặc quyền mà không một lãnh tụ đối lập nào ở nơi khác có.

Ông được chia sẻ những bí mật quốc gia, được có những ưu đãi và được ngân sách quốc gia tài trợ. Ông có một “shadow cabinet,” một nội các chìm, với đầy đủ những người giữ các chức vụ như một nội các thật, vì thực sự ông là một chuẩn thủ tướng. Bất cứ lúc nào, nếu chính phủ đổ, lãnh tụ đối lập sẽ ngay lập tức ngày hôm sau dọn vào Dinh Thủ Tướng và hoạt động ngay. Vị trí của lãnh tụ đối lập thực sự là một trong những định chế tạo nên hệ thống quyền lực của Anh: chủ tịch Viện Thứ Dân, tổng giám mục Canterbury, tham mưu trưởng liên quân, thủ tướng và hoàng gia.

Trong mấy năm gần đây, một phần nào, ông Corbyn, một nhân vật cực tả, đã không chịu đóng vai “một loyal opposition.” Ông từ chối tham gia với Thủ Tướng David Cameron để thành lập một mặt trận chung chống lại Brexit. Ông từ chối giúp Thủ Tướng Theresa May khi bà cố đạt một thứ Brexit mềm, duy trì được liên hệ với Châu Âu.

Trong khi đó ông theo đuổi một chính sách cực tả điên cuồng với những cương quyết đòi quốc hữu hóa hết mọi công ty, tấn công vào thành phố London và thị trường chứng khoán khiến doanh nghiệp Anh run sợ mỗi khi ông được thêm ủng hộ. Ngược lại, ông bỏ rơi nền tảng của đảng tức là giới công nhân nghèo đang thất nghiệp vì sản xuất kỹ nghệ sụp đổ, công ăn việc làm xuất cảng hết sang Trung Quốc.

Kết quả là liên tiếp ba cuộc bầu cử đảng thua đậm và dẫn đến ông Boris Johnson lên cầm quyền. Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Starmer về đại dịch là đề nghị “đóng góp tích cực” với chính phủ. Ông nói: “Chúng ta đều có trách nhiệm cứu mạng người và bảo vệ đất nước.” Câu tuyên bố bình thường đó đã cho dân Anh và nền chính trị Anh biết là nay họ lại có một loyal opposition.

Mặc dầu thông điệp của nữ hoàng cũng như lời tuyên bố của lãnh tụ đối lập đã bị lu mờ bởi việc thủ tướng lâm bệnh và những câu hỏi về phản ứng của chính phủ với đại dịch sẽ ra sao. Nhưng dầu sao chăng nữa tuần lễ qua đã mang lại một hy vọng cho Vương Quốc Thống Nhất, và hệ thống cổ xưa nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Hệ Thống Y Tế Quốc Gia có vẻ đã đối phó tốt với đại dịch mặc dầu nhiều năm bị cắt ngân sách, quân đội đã tham gia tích cực, đài BBC đã tìm được tiếng nói sau nhiều năm phân vân, và các định chế chính trị – xé tan bởi cuộc khủng hoảng tài chánh, Brexit và chủ nghĩa Corbyn – nay đã tìm thấy lại được sự đồng thuận để tiến tới.

Sau cùng có vẻ nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới này đã cho thấy vẫn còn sinh khí. (Lê Phan)






No comments:

Post a Comment

View My Stats