Sunday, 19 April 2020

ĐIỂM TIN : TỔ CHỨC MÍT-TINH, TT BRAZIL CÔNG KÍCH CÁC BIỆN PHÁP PHONG TỎA XÃ HỘI (Luật Khoa tạp chí)





20/04/2020

Các phiên cập nhật: 8:00 – 13:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)

ĐIỂM TIN 8:00

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc mít-ting ngày 19/4/2020. Ảnh: Reuters

Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã chỉ trích các lệnh phong tỏa và cách ly vì bệnh COVID-19 trong một buổi mít-tinh với công chúng vào ngày Chủ nhật vừa qua.
Những người dân ủng hộ Bolsonaro đã cùng lúc xuống đường biểu tình chống các luật này và yêu cầu mở cửa nền kinh tế.
Brazil là nước có số người nhiễm coronavirus cao nhất trên toàn Nam Mỹ với số người bị bệnh hiện nay là 38.654 và đã có 2.462 người qua đời. Trong lúc gặp gỡ vài trăm người dân tại Brasilia, Tổng thống Bolsonaro đã không mang khẩu trang và gọi những người biểu tình đòi mở cửa kinh tế là yêu nước vì họ đã bảo vệ quyền tự do cá nhân. 

.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

- Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:30 ngày 20/4/2020 trên thế giới đã có 2.401.379 người bị nhiễm coronavirus và 165.044 ca tử vong.

- Cho đến 7:46, Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa công bố thêm ca nhiễm mới nào sau hơn ba ngày. Số ca dừng lại ở 268, chưa có ca tử vong nào được công bố.

- Theo AP, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của khối EU (ECDC) cho biết, đã có hơn một triệu người bị lây nhiễm coronavirus tại châu Âu và gần 100.000 người đã tử vong vì bệnh COVID-19. Tây Ban Nha có số người bệnh cao nhất tại châu Âu với 191.726 ca, tiếp theo là Ý, Đức, Anh, và Pháp. ECDC cũng cho biết là Ý có số người chết cao nhất tại châu lục này với 23.227 người. Cũng theo thống kê này, toàn bộ châu Âu chiếm phân nửa số ca bệnh trên toàn thế giới và số người tử vong vì COVID-19 cũng hơn nửa tổng số. 

- Số người chết vì nhiễm bệnh COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng qua tại Tây Ban Nha. Chủ nhật vừa qua, con số người tử vong là 410 người và theo Reuters, số người chết tại Tây Ban Nha là 20.453. Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết, ông sẽ yêu cầu Quốc hội tiếp tục lệnh cách ly và phong tỏa thêm 15 ngày nữa, cho đến ngày 9/5/2020 với một số điều gia giảm. Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng mặc dù đã có tiến bộ trong việc phòng chống dịch, nhưng không nên vì thế mà tỏ ra lơ là trong những tuần sắp tới.

- Tại Hàn Quốc, số người nhiễm bệnh COVID-19 chỉ tăng thêm tám ca nữa vào Chủ nhật vừa qua. Đây là số người nhiễm bệnh trong một ngày thấp nhất trong vòng hai tháng vừa qua. Hàn Quốc đã có 10.661 người nhiễm bệnh và 234 người chết vì COVID-19, theo AP. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục yêu cầu người dân thực thi chính sách hạn chế tiếp xúc xã hội thêm hai tuần nữa. Thế nhưng, chính phủ đã nới lỏng những lệnh này, ví dụ như đối với các nơi thờ phượng tôn giáo và các sân vận động. Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố chính phủ sẽ không lơ là cho đến khi bệnh nhân cuối cùng được chữa khỏi. 

.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Chính phủ Anh phủ nhận thông tin về việc họ sẽ nới lỏng các lệnh cách ly và phong tỏa vì bệnh COVID-19 trong thời gian sắp tới, theo Reuters.
Bộ trưởng Nội các, Michael Gove, trả lời với Sky News rằng “những thông tin và lời khuyên [của chuyên gia] không cho phép chúng ta dỡ bỏ những điều luật hạn chế ngay lúc này.”
Trong Chủ nhật, Anh có thêm 596 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 16.060. Theo Bộ Y tế Anh, còn quá sớm để xác định Anh đã vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, có vẻ là Anh đang đi đúng hướng vì số lượng người bị nhiễm bệnh và tử vong đang có xu hướng giảm.

.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Đức Giáo hoàng Francis đã rời Vatican sau hơn một tháng, và đã đến dâng lễ Lòng Chúa Thương Xót vào ngày Chủ nhật 19/4/2020 tại nhà thờ Santo Spirito ở Sassia. Ông kêu gọi mọi người hãy chú tâm đến những điều bất bình đẳng và bất công trên toàn thế giới mà dịch bệnh COVID-19 đã phơi bày ra cho chúng ta.
Ông cũng nói rằng, quá trình phục hồi sau khi đại dịch COVID-19 đã qua phải đảm bảo công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người.

.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Hôm nay, 20/4, chính phủ Australia cho biết họ muốn Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin ở Úc, trong bối cảnh doanh thu quảng cáo của báo chí nước này đang tụt dốc không phanh vì đại dịch COVID-19.
Cơ quan giám sát cạnh tranh của nước này sẽ trình một dự thảo quy định vào cuối tháng Bảy tới.
Hiện Google đang chiếm 47% doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Úc, trong khi Facebook là 24%. Điều này gây khó khăn cho báo chí truyền thống vốn sống dựa vào quảng cáo. Khi Australia phong tỏa xã hội vì đại dịch COVID-19, hàng chục tờ báo cũng phải dừng ấn bản in vì không còn quảng cáo nữa.





No comments:

Post a Comment

View My Stats