Thursday, 16 April 2020

ĐIỂM TIN : LHQ CẢNH BÁO COVID-19 CÓ THỂ GIÁN TIẾP GIẾT CHẾT HÀNG TRĂM NGHÌN TRẺ EM (Luật Khoa Tạp Chí)





17/04/2020

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

.
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

·         Thống kê của Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho biết cho đến 7:10 sáng (giờ Việt Nam) đã có 2.152.647 người nhiễm coronavirus trên toàn thế giới và con số tử vong là 143.802 người.

·         Cho đến 7:38 sáng nay, Bộ Y tế Việt Nam chưa công bố thêm ca mới nào. Số ca nhiễm vẫn dừng ở 268 và chưa có ca tử vong nào được công bố.

·         Hôm qua, Đài Loan tuyên bố không có thêm ca nhiễm nào lần thứ hai trong tuần.

·         Anh tuyên bố lệnh cách ly và phong tỏa toàn quốc sẽ tiếp tục kéo dài thêm ba tuần nữa để giảm số người nhiễm bệnh COVID-19 tại đây. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Dominic Raab, người được ủy nhiệm khi Thủ tướng Boris Johnson bị ốm, cho biết lệnh tiếp tục phong tỏa sẽ giúp nước Anh vượt qua được coronavirus.

·         Ba Lan sẽ cho phép người dân đến công viên và những khu rừng từ ngày 20/4, nhưng họ phải che mũi và miệng khi ra ngoài. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan vẫn chưa có quyết định cuộc tổng tuyển cử – vốn được lên kế hoạch vào ngày 10/5/2020 – có thể tiến hành hay không. 

·         Pháp có số người tử vong vì coronavirus lên đến gần 18.000 người. Tuy nhiên, chính phủ cho biết các biện pháp cách ly và phong tỏa trong vòng một tháng vừa qua đã có hiệu quả. Trong vòng hai ngày qua, con số người phải nhập viện tại Pháp đã dần giảm xuống. Số người phải cần nằm trong khu điều trị tích cực cũng đã giảm liên tục trong tám ngày vừa qua.

·         Bộ Y tế của Singapore cho biết có thêm 728 người bị nhiễm coronavirus trong ngày thứ Năm vừa qua, đưa tổng số người bị bệnh COVID-19 tại đây lên 4.427. Số người lây nhiễm đến từ cộng đồng của những người lao động nhập cư. Các nhóm làm việc về nhân quyền đã từng cảnh báo điểm yếu của việc chống dịch tại Singapore là ở những cộng đồng này. 

·         Tại Trung Quốc, số ca ngoại nhập đã giảm. Tuy nhiên, người tại Trung Quốc bị bệnh COVID-19 đã có tăng lên. Sau ba tuần, đã có người bị nhiễm bệnh tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ đưa ra thông báo vào thứ Sáu tuần này về việc nền kinh tế bị giảm 6,5% trong quý đầu tiên của năm 2020. Đây có lẽ là lần suy giảm về kinh tế đầu tiên tính từ năm 1992, khi nước này lần đầu tiên công bố con số GDP của mình.

.
Liên Hợp Quốc: COVID-19 có thể gián tiếp giết chết hàng trăm nghìn trẻ em
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Liên Hợp Quốc cảnh báo các lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới rằng sẽ có hàng trăm nghìn trẻ em có thể chết vì khủng hoảng do COVID-19 tạo ra. Hơn thế, cũng sẽ có hàng triệu trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì dịch bệnh này, theo Reuters.

Trẻ em chết vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không phải từ lây nhiễm coronavirus. Nhưng theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, dịch bệnh sẽ khiến cho rất nhiều gia đình gặp cảnh khó khăn về kinh tế, cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu, gián tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em.

.
Mỹ: Số người thất nghiệp vì COVID-19 lên đến 22 triệu, tương đương số việc làm được tạo ra trong 10 năm qua
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Trong tuần vừa qua, đã có thêm 5,5 triệu người Mỹ khai thất nghiệp vì bệnh dịch COVID-19. Hoa Kỳ hiện nay đã có 22 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch bệnh này, theo AP.

Tất cả các ngành nghề tại Mỹ đều có người bị mất việc làm khi nền kinh tế bị đóng cửa vì coronavirus. Những tuần trước đây, thường là những người làm việc lao động tại các quán ăn, khách sạn, cửa hàng… mất việc làm. Nhưng đến hiện nay, ngay cả nhân viên văn phòng hay kỹ sư cũng bị cho thôi việc.

Như vậy, theo Bloomberg, chỉ sau một tháng kể từ khi các lệnh phong tỏa xã hội được tuyên bố, nước Mỹ đã mất đi toàn bộ số việc làm được tạo ra trong cả 10 năm qua.

.
TT Trump ban hành hướng dẫn ba bước về việc mở cửa nền kinh tế
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 15/4/2020. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhà Trắng đã ban hành hướng dẫn ba bước về việc mở cửa nền kinh tế, theo Reuters.

“Chúng ta sẽ không mở cửa đồng loạt, mà cẩn thận từng bước một”, ông nói.

Khác với tuyên bố cách đây mấy hôm rằng ông có “thẩm quyền tuyệt đối” trong việc mở cửa nền kinh tế, văn bản mang tính khuyến nghị này của Nhà Trắng để cho các thống đốc bang quyết định dựa trên tình hình cụ thể ở bang mình.

.
Các nước G7 cam kết phối hợp toàn cầu để ứng phó với đại dịch, kêu gọi cải tổ WHO
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Các lãnh đạo nhóm G7 họp trực tuyến ngày 16/4/2020. Ảnh: Alvin Llum/Twitter.

Các lãnh đạo của nhóm G7 đã có một cuộc hội thảo trực tuyến vào ngày thứ Năm, 16/4/2020 (giờ Mỹ). Nhà Trắng tuyên bố G7 sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp thế giới vượt qua cơn khủng hoảng về bệnh dịch COVID-19.

Ngoài ra, trong cùng một văn bản từ Nhà Trắng báo cáo về cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 cũng mong muốn sẽ có một quy trình kiểm điểm và cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nước trong nhóm G7 mỗi năm đóng góp hơn một tỷ đô cho WHO. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, WHO đã bị cáo buộc là thiếu minh bạch khi đưa tin về coronavirus trong những ngày đầu tiên.

Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, kêu gọi quốc tế phải cùng đoàn kết và chung tay tiêu diệt dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, bà Merkel cũng vẫn ủng hộ WHO ngay sau khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn tài trợ cho tổ chức này trong năm 2020. Nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tạm hoãn tài trợ cho WHO trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây nhiễm toàn cầu.

.
IMF: Châu Mỹ Latin có thể mất cả một thập kỷ tăng trưởng vì đại dịch
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Vào năm 2025, nền kinh tế của các nước châu Mỹ Latin và Caribbean nhiều khả năng sẽ trở về mức phát triển của năm 2015. Nghĩa là 10 năm không tăng trưởngReuters đưa tin.
Đó là dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dựa trên các phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác ở khu vực này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats