Thursday, 16 April 2020

DICKENS hay ORWELL - HAI LỰA CHỌN CHO CHẾ ĐỘ TƯ BẢN (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
April 15, 2020

Tôi vốn không thích cả George Orwell lẫn Charles Dickens. Orwell là vì ông ta quá bi quan, còn Dickens thì vì lúc bé bị phải đọc quyển “David Copperfield” của Dickens đã để lại cho tôi một ấn tượng rất không thích về ông.

Nhưng cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 này có một cái lợi là bắt người ta phải ở nhà. Và với năm nay là năm kỷ niệm 70 năm ngày chết của Orwell và 150 năm ngày chết của Dickens đã làm cho tôi cảm thấy phải ngồi xuống và đọc lại hai người.

Và sự đọc lại này dẫn đến một khám phá thích thú về những gì Orwell viết về Dickens cũng như là quan điểm của hai người về chế độ tư bản mà có rất nhiều liên hệ tới những gì xảy ra vào lúc này.

Trước hết chúng ta có thể nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đã khiến các đại công ty phải trải qua một cuộc sát hạch về lương tâm xã hội của họ. Những xí nghiệp nào biến cơ sở của mình sang làm các món hàng cần thiết như thuốc rửa tay (LVMH) hay tặng không những kiến thức của họ (IBM) thì được khen, những xí nghiệp nào hành động như là những kẻ ích kỷ thì bị chê trách. Điều này khiến các công ty phải cân nhắc làm sao đóng góp vào công cuộc chống dịch bệnh đến mức nào mà không ảnh hưởng đến sứ mệnh của mình là tồn tại và kiếm lời cho cổ động.

Và đó chính là một trong những khác biệt giữa Dickens và Orwell.

Trong một bản tiểu luận viết năm 1940, Orwell lật tẩy cái gọi là tư tưởng cực đoan của Dickens. Theo Orwell, Dickens không phải là một nhà cải cách xã hội. Dickens, Orwell giải thích theo quan điểm rằng không có gì xấu xảy ra trên thế giới mà không thể giải quyết qua lương tâm cá nhân.

Nếu Edward Murdstone đối xử tốt hơn đối với David Copperfield; nếu ông chủ nào cũng tốt đối với công nhân như Fezziwig thì mọi sự trên thế giới đều tốt đẹp cả. Vấn đề mà không bao giờ được Dickens nhắc đến là làm sao xã hội có thể để cho một người có một quyền hạn to lớn trên cuộc sống của một người khác như vậy. Nhưng có lẽ trong thế giới quan của ông, Dickens không bao giờ nghĩ đến điểm này.

Sách và những tác phẩm liên quan đến Charles Dickens được bán tại Bảo Tàng Charles Dickens ở London, Anh. (Hình: Oli Scarff/Getty Images)

Dickens có một quan điểm đạo đức xã hội hoàn toàn trùng hợp với đạo đức cá nhân. Thành ra ông muốn có một thay đổi trong tinh thần cá nhân chứ không phải trong cơ cấu xã hội.

Cuộc cách mạng Pháp có thể sẽ tránh được nếu giới quý tộc chấp nhận thay đổi giống như Ebenezer Scrooge đã đổi khi gặp lại các bóng ma của quá khứ, hiện tại và tương lai. Và đó là điều mà ta có thể thấy trong tất cả các tác phẩm của Dickens một nhân vật: ông “Nhà Giàu Tử Tế” mà quyền lực được sử dụng để giúp cho một đứa trẻ mồ côi hay một con  nợ nghèo.

Điều mà ta không thấy trong Dickens là người tổ chức nghiệp đoàn lương thiện đấu tranh để thay đổi cơ cấu xã hội cũng như là một nhà chính trị tốt tìm cách tái phân phối lợi tức quốc gia cho công bằng hơn. Đọc Dicken ta cảm thấy có một cái gì phong kiến trong tác phẩm. Ông nhà giàu trong tòa lâu đài của mình cần phải đối xử tốt hơn đối với người đồng bào nghèo sống trên túp lều ngoài cửa trang viên của ông, nhưng cả hai đều không thể có gì thắc mắc về địa vị của mình trong xã hội.

Ta không cần phải chia sẻ quan điểm xã hội chủ nghĩa không tưởng của Orwell mới có thể nhận thức được điều ông phê bình về Dickens. Và điều này cũng rất đúng với kinh tế hiện nay, nhất là tại Mỹ và Anh. Các công ty đều rất sẵn sàng đóng góp vào lợi ích chung của xã hội ngọai trừ việc đóng đúng thuế và tuân thủ các quy định. Nhà thơ Rutger Bregman tình cờ được đi dự một phiên họp tại Davos về làm sao cắt giảm bất công kinh tế. Khi trở về ông viết: “Tôi có cảm giác đi dự một hội nghị của các nhà cứu hỏa. Và không ai được nói đến nước.” Trong suốt phiên họp không ai nói đến thuế.

Điều mà Orwell thù ghét ở chế độ tư bản không phải là vì nó đạt được những kết quả tốt hơn là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể còn tệ hơn là tư nhân trong việc cung cấp các nhu cầu căn bản cho dân chúng. Nó không phải cả ở việc nó cho những người có tiền còn thêm nhiều quyền hạn nữa trong việc quyết định sự sống của người khác.

Hiện tượng chính phủ thiếu tài nguyên phải trông cậy vào khu vực tư để cung cấp những dịch vụ căn bản có thể làm cho người ta ấm lòng nhưng cũng phải làm cho người ta lạnh người. Không. Điều có lẽ làm cho Orwell ghét nhất, và cả chúng ta nữa, là cái sự tự mãn của những nhà tư bản. Cái hào quang của “lương tâm” trong khi một đáp án tốt hơn, có tính hệ thống hơn có thể đạt được qua nhà nước. Và đó là cái hào quang mà Dickens còn đội.

Sự tương phản giữa hai quan điểm của Orwell và Dickens bỗng trở thành vấn đề trong thời đại dịch bệnh này. Dickens sẽ nhìn vào cuộc khủng hoảng và tìm cách kêu gọi lương tâm của các nhà tư bản để họ hành động như là Fezziwig. Trong khi Orwell đặt câu hỏi làm sao chúng ta có thể để đến nỗi phải trông cậy vào họ.

Sự khác biệt này rất quan trọng vì khi dịch bệnh này qua đi, có nhiều triển vọng sẽ dẫn tới một khế ước xã hội mới. Điều mà ta không biết là nó sẽ giống như của Dickens (theo ý nghĩa đẹp nhất) hay Orwell (cũng theo ý nghĩa tốt đẹp nhất). Nói một cách khác liệu nó có kêu gọi những nhà giàu nên đóng góp thêm cho cộng đồng hay là bắt họ phải làm vậy. (Lê Mạnh Hùng) [qd]




No comments:

Post a Comment

View My Stats