Thursday, 9 April 2020

COVID-19, TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY ĐE DỌA 1,25 TỶ NGƯỜI LAO ĐỘNG THẾ GIỚI (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà   -  RFI
Đăng ngày: 08/04/2020 - 12:14


« Trận thủy triều thất nghiệp sẽ dâng cao ». Thời kỳ đen tối đang chờ đợi những người lao động trên toàn cầu. Trong chưa đầy ba tháng, virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động trên thế giới và châu Á là nơi « bị nặng nhất ». Trên đây là kết luận của báo cáo mới nhất của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), vừa công bố hôm 07/04/2020.

Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc « khủng hoảng chưa từng thấy » từ sau Thế Chiến Thứ Hai và tác động « sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu ». Dưới hình thức này hay một hình thức khác, virus corona ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người làm công ăn lương trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người tới nay mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khắp 5 châu từ quý hai năm nay : xóa sổ 198 triệu lao động (tính theo mức 48 giờ làm việc mỗi tuần). Nhìn theo từng khu vực, báo cáo của ILO cho thấy châu Á - Thái Bình Dương bị tác hại nghiêm trọng nhất. Đây là nơi mà trong quý hai 2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm. Để so sánh, con số này ở châu Âu là 20 triệu. 

Chưa ai biết lúc nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là chỉ tính đến thời điểm này, thì tác hại của virus corona đã lớn hơn cả so với thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được công bố vào lúc các quốc gia trên thế giới dồn dập bơm tiền cứu nguy kinh tế. Nhật Bản hỗ trợ kinh tế tương đương 20 % GDP. Mỹ 2.000 tỷ đô la, Đức 1.000 tỷ euro… Đó là chưa kể những biện pháp thuộc loại « vũ khí hạng nặng » mà các ngân hàng trung ương của Liên Hiệp Châu Âu hay của Hoa Kỳ. 

Chạy đua với thời gian cứu nguy kinh tế

Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để cứu mạng người, để tìm thuốc và vác-xin phòng chống virus corona, thế giới phải đóng vai trò của những người lính cứu hỏa để cứu vãn cỗ máy kinh tế. GDP của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020 theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Sau ba tuần lễ bị phong tỏa đã có tới 5,8 triệu người lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80 % thu nhập. 

Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật ». Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008. Nhìn sang Anh Quốc gần một triệu người lao động mất việc trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020 và con số này cao gấp 10 lần so với bình thường. 

Tại Hoa Kỳ, cũng trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020, Covid-19 đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, và số này phải ghi danh lãnh tiền thất nghiệp. Nhìn đến Trung Quốc điểm khởi đầu của dịch, thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và 3/2020 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5 %, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16 % còn chỉ số tiêu thụ nội địa thì giảm đi mất 1/5 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ngần ấy dấu hiệu đủ cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất địa cầu này không thể tươi sáng. 

Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế kêu gọi thế giới nhanh chóng hành động để ngăn chận nguy cơ khủng hoảng về y tế kéo theo một trận « đại họa » về xã hội. Trước mắt cộng đồng quốc tế hô hào « hợp tác và phối hợp » để tìm ra ngõ thoát, nhưng khi bắt tay vào việc dường như các bên vẫn khó san bằng được những bất đồng, tiêu biểu nhất là tranh cãi đang diễn ra giữa 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về một giải pháp vực dậy kinh tế của toàn khối thời hậu Covid-19.

-------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN






No comments:

Post a Comment

View My Stats