Friday, 24 April 2020

CÔNG HÀM 1958, ÔNG HỒ CHÍ MINH & BỘ CHÍNH TRỊ KHÔNG THỂ VÔ CAN (Võ Ngọc Ánh)




Võ Ngọc Ánh
24/04/2020

Công hàm do ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Cộng) ký vào tháng 9/1958, là sự tiếp tay cho Trung Cộng trong việc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.

Ngày 17/4 vừa rồi Trung Cộng đã gởi công hàm lên Tổng thư ký Antonio Guterres phản đối công hàm phía Việt Nam gởi ngày 30/3/2020. Một lần nữa lại đưa ‘bảo bối’ công hàm do ông Đồng ký vào năm 1958 để khẳng định Cộng Sản Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về họ.

Công hàm 1958, không thể để mình ông Phạm Văn Đồng gánh tội

Ngày 4/9/1958 chính quyền Trung Cộng công bố quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Theo bản tuyên bố này, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về quốc gia này.

10 ngày sau, chính quyền Việt Cộng nhanh chóng đồng ý với nội dung công bố trên của Trung Cộng.

Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ với người anh em miền Nam, chính quyền miền Bắc nghĩ, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về các đồng chí Trung Cộng còn hơn để trong tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Có thể lãnh đạo miền Bắc trao lợi thế cho Trung Cộng để đạt được lợi thế chính trị nào đó với Việt Nam Cộng Hòa. Và có lẽ họ chưa nghĩ đến đất nước thống nhất, lãnh hải sẽ rơi vào tay đồng chí láng giềng.

Với cách làm chính trị của các lãnh đạo miền Bắc, rõ ràng ông Đồng không thể tự ý ký công hàm này mà chưa có sự đồng ý, chỉ đạo của ông Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đảng Lao Động Việt Nam. (Đảng Cộng Sản lúc này đã tự đổi tên thành đảng Lao Động Việt Nam từ tháng 2/1951, và quay lại tên cũ vào vào tháng 12/1976).

Do đó, hành động chính xác cho công hàm này là bán nước trong sự ngây thơ của cả bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó. Đảng Cộng Sản Việt Nam tôn ý thức hệ của mình lên trên tất cả, đưa chủ quyền quốc gia xuống hàng thứ yếu. Điều này đang mang đến nhiều bất lợi trong việc đấu tranh chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trước sự tham lam lãnh hải của Trung Cộng.

Vì thế, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản, ông Hồ Chí Minh, là người có ảnh hưởng quyết định trong lúc đó, không thể vô can. Để chỉ một mình ông Đồng gánh tội là chưa đủ. Cần nhìn nhận thẳng thắng, đây là sai lầm nghiêm trọng của đảng Cộng Sản và cả ông Hồ.

Cũng không thể giải thích mập mờ như ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 23/5/2014. Theo đó, ông Hải gọi công hàm của ông Đồng là “công thư”. Một văn bản ngoại giao mà không giải thích nó có tính pháp lý, thừa nhận gì không, hay chỉ hỗ trợ ngoại giao.

Đến tháng 2/1974, khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, báo chí, sách vở, tuyên truyền của miền Bắc vẫn bịt mắt giữ vững lòng tin, lừa dân, “Trung Quốc lấy Hoàng Sa cũng vì lấy cho ta”.

Công Hàm Không Có Giá Trị Pháp Lý

Người Việt có thể vin vào điều kiện thực tế lúc đó để lý giải có lợi cho mình. Công hàm được chính quyền Việt Cộng đồng ý với Trung Cộng không thể có giá trị pháp lý. Bởi vì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lúc đó thuộc sự quản lý của chính quyền miền Nam theo hội nghị tại San Francisco, ở Mỹ vào tháng 9/1951 về lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trên thực tế, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đồn trú tại hai quần đảo trên. Trung Cộng chưa có mặt ở đó.

Do đó, tuyên bố của chính quyền miền Bắc không thể có giá trị. Bởi chính quyền Việt Cộng không thể thừa nhận cho cái đang không thuộc về mình.

Để đấu tranh trong chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam không thể phủ nhận Việt Nam Cộng Hòa không phải là một quốc gia. Tuy nhiên, việc thừa nhận này lại gặp phải một vấn đề khác. Hóa ra quốc gia miền Bắc đi xâm chiếm quốc gia khác, chứ không phải là sự giải phóng như họ đã rêu rao suốt hơn 66 năm qua.

Cho dù quốc gia có tính kế thừa, tiếp diễn, điều đó không có nghĩa người dân Việt Nam phải chấp nhận việc chủ quyền do một nhóm người độc tài cai trị, biếu không cho quốc gia khác để gia tăng lợi thế chính trị.

Không ngừng xâm chiếm, quấy phá

Sau khi chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng không ngừng mở rộng việc đánh chiếm thêm các đảo ở Trường Sa. Xây dựng, cơi nới thêm trên các đảo chiếm của Việt Nam để biến thành những tiền đồn vững chắc. Cùng với đó, gia tăng việc quấy nhiễu lãnh hải Việt Nam, bắn giết ngư dân. Từ đặt giàn khoan Hải Dương 801 vào năm 2014, đến tàu Hải Dương Địa Chất liên tục quấy phá trong những năm gần đây.

Hơn 20 năm qua, chưa năm nào không có ngư dân Việt bị các lực lượng hung hăng như hải cảnh, dân quân bán vũ trang của Trung Cộng vây bắt, đâm chìm. Của mất. Người thương tích. Nhiều xác người Việt vẫn vùi dưới biển sâu bởi sự tàn ác của Trung Cộng. Dân Việt bực tức, nhà cầm quyền Việt Nam chẳng dám gọi thẳng tên kẻ ác, mà cứ “tàu lạ”, “nước lạ”.

Ngày 18/4 vừa rồi, Trung Cộng tuyên bố thành lập hai quận Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), và Nam Sa (tức thuộc Trường Sa của Việt Nam). Hai quận mới này thuộc thành phố Tam Sa đã được thành lập vào tháng 7/2012.

Trước đó, Việt Nam đã hai lần gởi công hàm phản đối việc tự nhận chủ quyền lãnh hải quá mức của Trung Cộng lên các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Lần thứ nhất là Công hàm 257-HC, gửi vào năm 2016, lần thứ hai là Công hàm A/72/692, gửi năm 2018. Và gần đây nhất vào cuối tháng ba vừa rồi.

Ngay sau đó Trung Cộng cũng lu loa bằng nhiều cách, theo cách vừa ăn cướp vừa la làng, như trưng ‘bảo bối’ Việt Nam từng tán đồng với chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng tuyên bố vào năm 1958.

Phải thừa nhận rằng, trong mấy năm gần đây, Việt Nam là quốc gia cứng rắn nhất trong khu vực Đông Nam Á, và cả châu Á đối đầu trước những đòi hỏi lãnh hải vô lý của Trung Cộng. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Nhà cầm quyền Việt Nam hãy để người dân lên tiếng về chủ quyền chứ không thể cấm người dân lên tiếng, phản đối theo cách của họ để làm đẹp lòng Trung Quốc.

Dân tộc Việt Nam quyết không để đảng Cộng Sản đem dân tộc này trói vào Trung Cộng như trong hội nghị Thành Đô vào năm 1990. Bởi khủng hoảng do virus Vũ Hán hiện nay trên thế giới đang trao thêm cho quốc gia Việt Nam cơ hội để thoát khỏi Trung.






No comments:

Post a Comment

View My Stats