http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=VietThemVeToiAcDongTam-20200301
"Mục
đích cao nhất của bài viết này không phải là xác định đích danh thủ phạm giết
người, mà là minh oan cho cụ Lê Đình Kình, cùng những người dân Đồng Tâm
đang bị giam giữ và sẽ bị đem ra xét xử. Để họ không bị kết án oan sai. Và cũng
giúp cơ quan điều tra, xét xử không kết tội oan sai. Hơn nữa, giúp những người
quá tin vào cái gọi là thông tin chính thống bình tâm nghĩ lại, tránh lên án và
xúc phạm những nạn nhân vô tội."
Để đạt được mục đích đó, tôi đã
phải kiềm chế tối đa, hơn hẳn mức kiềm chế thường vận dụng khi viết các bài phản biện
khác. Với thiện chí ấy, hy vọng những
người có trách nhiệm bình tĩnh đọc hết bài "Tội ác Đồng Tâm", để hiểu rằng: Cả kịch bản, đạo diễn và dàn diễn viên của vở kịch
mang tên Đồng Tâm đều quá tồi tệ. Và tìm được trả lời hợp lý cho câu hỏi: Phải
làm gì khi âm mưu tệ hại đã bị bại lộ?
"Với
tội ác Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã tự tay giáng đòn trí mạng vào tử huyệt của chế
độ. Muốn giải
huyệt, thì phải thừa nhận tội ác, chấm dứt ngay chiến dịch vu khống, xuyên tạc
sự thật, chấm dứt giam giữ và bức cung những người vô tội. Nếu tiếp tục bức
cung, rồi dựa vào đó để kết án, thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho tình
hình ngày càng thêm trầm trọng và bế tắc."
"Để
làm dịu nỗi đau do tội ác Đồng Tâm gây ra, đã hô hào học tập và làm theo, thì
cũng nên học theo cách ứng xử của Hồ Chí Minh và Trường Chinh sau sai lầm của Cải
cách ruộng đất. Chí ít cũng xin lỗi gia đình cụ Lê Đình Kình và nhân dân Đồng
Tâm."
Tiếc rằng, thế lực cầm quyền vẫn
chẳng có biểu hiện nào tỏ ra hối tiếc. Ngược lại, còn để cho đám lâu la mang sắc
phục công an trâng tráo tới nhà cụ Lê Đình Kình hết lần này đến lần khác. Ngày 12/2, chúng đòi
cưa thanh sắt có vết đạn trên cửa xếp. Ngày 13/2, chúng trao giấy triệu tập cụ
bà Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình). Ngày 20/2, chúng đòi
khám nhà. Thử hỏi,
còn gì để khám nữa? Bởi lẽ, từ sáng sớm 9/1/2020, công an đã chiếm đóng và tha
hồ lục soát ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ Kình suốt hơn ba ngày đêm, trước khi để
cho vợ và con cháu cụ trở về nhà. Rõ ràng là muốn phi tang, đồng thời tiếp tục
hành hạ, khủng bố tinh thần mấy người phụ nữ và trẻ con tội nghiệp còn lại
trong gia đình cụ Kình. Vì vậy, tôi buộc phải viết thêm bài này, nhằm vạch rõ
hơn chân tướng của vụ thiêu cháy ba sĩ quan công an.
Tại sao các cấp lãnh đạo của chế
độ này lại để mặc cho đám kiêu binh tiếp tục hành xử như vậy? Chả lẽ, đến bây
giờ vẫn chẳng có ai trong bộ máy cầm quyền nhận ra lỗi lầm của vụ đàn áp Đồng
Tâm hay sao? Hay phải chăng, có đủ quyền lực thì thiếu minh mẫn, còn đủ minh mẫn
thì lại thiếu quyền lực? Hay nếu đủ cả quyền lực và minh mẫn, thì lại thiếu đạo
đức?
Hy vọng, trong giới cầm quyền vẫn
còn có nhiều người vừa có quyền lực, vừa minh mẫn, vừa có đạo đức. Nhưng những
năm tháng đằng đẵng hít thở bầu không khí độc tài ngột ngạt đã thiến dần dũng
khí, để lại những tâm hồn bị nhiễm nặng bản năng ngậm miệng triền miên, hay
luôn quá thận trọng, như mắc phải một chứng bệnh kinh niên. Thành thử, với một
số người, có thể những chứng cứ và lập luận đã được trình bày vẫn chưa đủ thuyết
phục. Vậy thì mời đọc thêm bài này.
1. Nối mạch tư
duy
Đang đêm, khi hầu hết mọi người
sống trên đất Việt còn đang chìm sâu trong giấc ngủ, thì mấy nghìn cảnh sát tấn
công vào xã Đồng Tâm. Tâm điểm của trận tấn công là nhà cụ Lê Đình Kình. Đối tượng
chính của cuộc tấn công chính là cụ Lê Đình Kình.
Sau khi vãi đạn vào ngôi nhà nhỏ,
chúng đã tra tấn cụ Kình hết
sức dã man, bắn vỡ
tung đầu gối chân trái của cụ. Vâng, đúng cái chân mà đám thi hành công vụ đã từng
đá vỡ xương đùi, khi lừa cụ ra đồng để bắt cóc vào năm 2017. Kết thúc cuộc đời cụ Kình bằng phát súng bắn thẳng
vào tim, rồi chúng mang thi thể cụ đi mổ phanh thây, kéo một
đường suốt từ cổ xuống đáy bụng.
Để biện hộ cho cuộc tấn công và
giết người hoàn toàn phi pháp, họ bịa ra chuyện "trong quá
trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng
lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi
hành công vụ, gây rối trật tự công cộng". Hơn nữa, họ còn vu khống trắng trợn, rằng "trên tay của
Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ".
Buồn thay, những lời dối trá
trên cả trơ trẽn ấy lại đánh lừa được khối người nhẹ dạ cả tin, hoặc quá lười
suy nghĩ, hoặc chăm suy nghĩ nhưng lại không đủ khả năng tư duy.
Tuy nhiên, dư luận tỉnh táo đã
nhanh chóng vạch trần những luận điệu giả dối, khiến Bộ Công an phải liên tục sửa
kịch bản. Song thực chất đã sai, thì sửa mấy vẫn cứ sai.
Lẽ ra, kể cả những người tin đảng,
yêu chế độ cũng khó kiềm chế phê phán việc công an giết hại cụ già tàn tật đã
84 tuổi. Nhưng cái chết của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu úy Dương Đức
Hoàng Quân và Trung úy Phạm Công Huy đã đảo chiều dư luận. Thứ trưởng Bộ Công
an Lương Tam Quang tuyên bố: "Từ nhà Lê
Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa 2 nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá
sâu, gần 4 mét, anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng,
đổ xăng ra can tưới xuống và đốt." Ba cái chết bi thảm khiến bao người căm thù cụ
Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm sát cánh bên cụ. Cơn phẫn nộ mạnh đến
mức xóa tan những băn khoăn về cuộc tấn công phi pháp và việc giết hại cụ Kình.
Tuy nhiên, tuyên bố ấy của Thứ
trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng chỉ là một mắt xích then chốt trong chuỗi
xích thuần chất dối trá của Bộ Công an trong vụ Đồng Tâm. Để bác bỏ, tôi đã khẳng
định trong bài "Tội ác Đồng Tâm"
Mệnh đề 4: Cáo buộc mấy người dân Đồng Tâm đã đổ xăng
để thiêu cháy ba sĩ quan công an là sai sự thật.
Mệnh đề trên là hệ quả trực tiếp
của
Mệnh đề 3: Thứ vật liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công
an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.
Bài "Tội ác Đồng Tâm" không chỉ bác bỏ tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Công an về khía cạnh "các
đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt", mà còn
bác bỏ cả khía cạnh "anh em ngã xuống hố", thông qua
Mệnh đề 2: Không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an
cùng bị ngã xuống hố kỹ thuật.
Một điều mà Bộ Công an chưa cáo
buộc, nhưng vẫn phải phòng xa mà khẳng định trước, đó là
Mệnh đề 1: Người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan
công an xuống hố kỹ thuật.
Từ Mệnh đề 1 và Mệnh đề 4 ta
rút ra: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với
cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị
rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa
đốt ba sĩ quan công an, như Bộ Công an đã cáo buộc.
Từ Mệnh đề 1, Mệnh đề 2 và Mệnh
đề 4 ta rút ra: Có kẻ đã hạ gục ba sĩ quan công an và ném họ xuống hố kỹ thuật
để thiêu cháy, và kẻ đó không phải là người dân Đồng Tâm.
Câu hỏi hết sức tự nhiên là:
Không phải là người dân Đồng Tâm, lại có thể đến gần ba sĩ quan công an được
trang bị đầy đủ súng ống để hạ gục họ, thì hung thủ có thể đến từ đâu, nếu
không phải từ đám tấn công vào Đồng Tâm? Vừa đọc xong câu hỏi, hẳn đã tự có
câu trả lời.
Câu hỏi tiếp theo là: Tại sao
hung thủ lại giết ba sĩ quan công an? Do tư thù, hay thi hành công vụ, một thứ
công vụ khốn nạn như bao công vụ khác ở xứ này?
Rõ ràng, không thể do tư thù.
Thịnh và Quân đều công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô. Nhưng Thịnh là Thượng tá
Phó Trung đoàn trưởng, còn Quân chỉ là Thiếu úy Tiểu đội trưởng, hai vị trí công tác xa nhau đến mức khó có va
chạm với cùng một kẻ thù chung. Hơn nữa, Thịnh và Quân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh
sát cơ động của Bộ Công an, còn Huy là cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Khu vực 3, trực thuộc Công an Thành phố Hà Nội. Nghĩa là xa lắc xa lơ, đến mức
có thể chưa hề biết mặt nhau, trước khi cùng nhau đi đến chỗ chết. Vì vậy,
Trung úy Phạm Công Huy càng không thể có chung một mối tư thù với cả Thượng tá
Nguyễn Huy Thịnh và Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân.
Vậy chẳng lẽ, chỉ vì muốn đổ tội cho
gia đình cụ Kình và người dân Đồng Tâm, nhằm biện hộ cho Tội ác Đồng Tâm và đảo chiều dư luận phê phán, mà lại đang tâm lên kế hoạch thiêu cháy một
lúc ba sĩ quan công an hay sao? Nghi ngờ này nghiêm trọng và kinh khủng đến mức khó tin, hay chẳng muốn
tin. Do đó nảy sinh câu hỏi: Cái lô-gic được trình bày ở trên sai chỗ nào? Phải
chăng sai ở Mệnh đề 3?
Phần 2 của bài viết này sẽ khẳng
định một lần nữa, Mệnh đề 3 là hoàn toàn đúng. Hơn nữa, phần 3 sẽ trả lời câu hỏi:
Vật liệu cháy đã được sử dụng trong hố kỹ thuật là thứ vật liệu gì?
2. Vết tích vụ cháy dưới
đáy hố kỹ thuật
Để chứng minh Mệnh đề 3, tôi đã
dựa vào Ảnh 2.1 và Ảnh 2.2 để chỉ ra các hiện tượng sau:
- Chiều cao của vùng vách hố bị
ám khói đen rất khác nhau, trong đó chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách
hố phía bên trái bức ảnh lớn hẳn so với ba phía còn lại.
- Trên vách hố phía bên
trái bức ảnh có mấy vết rạn tường mới tinh, trong khi trên vách hố các phía
khác không có vết rạn nào, chứng tỏ nhiệt lượng sinh ra ở phía trái cao hơn hẳn.
- Ở một số vị trí, chiều cao của
vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ, và vùng vách hố bị ám khói đen dừng
lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao.
Các hiện tượng đó không thể xảy
ra, nếu thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an ở dạng lỏng. Bởi nếu đổ
vào hố kỹ thuật một lượng lớn nhiên liệu lỏng, thì chất lỏng phải phủ đều toàn
bộ đáy hố kỹ thuật. Vì vậy, mức độ cháy phải đồng đều trên toàn bộ đáy hố, khiến
nhiệt phân bố đều bốn phía, và chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố
phải tương đối bằng nhau. Hơn nữa, với lượng nhiên liệu lỏng lớn, lại cháy
trong một hố kỹ thuật vừa sâu (415 cm) vừa hẹp (77 cm x 138 cm), và với mấy tử
thi bị thiêu cháy đến mức ấy, thì chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen phải
khá lớn, và màu đen phải nhạt dần đều khi lên cao.
Ảnh 2.1: Dấu vết vụ cháy trong hố kỹ thuật
|
Ảnh 2.2: Vết rạn trên vách trái của hố kỹ thuật
Ảnh 2.1 và Ảnh 2.2 được chụp từ miệng hố kỹ thuật. Đề
phòng đụng chạm với công an, tôi đã không mang theo máy ảnh nhà nghề, mà dùng
iPhone để chụp. Dó đó, chất lượng ảnh chỉ được như vậy. Có ý kiến cho rằng chưa
đủ thuyết phục, nên trong bài viết này tôi công bố thêm mấy bức ảnh. Cũng chụp
bằng điện thoại, nhưng chụp từ đáy hố kỹ thuật. Vâng, tôi đã loay hoay ở đáy hố
kỹ thuật khoảng 65 phút, để quan sát, chụp ảnh và quay phim. Khi rời khỏi Đồng
Tâm, bỗng thấy đau đầu và rất mệt. Chẳng hiểu do quá tập trung khi làm việc ở
dưới hố, hay đã hít phải khí độc nào đó còn đọng lại trong hố thiêu người? Anh
bạn chở tôi ái ngại, mấy lần giục ngả ghế ra mà nghỉ. Và tôi đã thiếp đi một
lúc trên đường về. Lúc tỉnh dậy thấy khỏe ra. Chứng tỏ, không phải vì khí độc.
Khi đã đứng trên đáy hố kỹ thuật để quan sát, thì kết
luận của Mệnh đề 3 trở nên hết sức rõ ràng, chẳng còn gì để lăn tăn. Hơn nữa,
còn thu được mấy nhận thức mới về vụ thiêu người.
Ảnh 2.3 thể hiện một hình ảnh đặc trưng, chụp phần
dưới cùng của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách phải, từ đáy hố lên đến độ
cao trên 120 cm (xem quy ước về tên gọi vách trước, vách sau, vách phải và vách
trái trong Ảnh 2.1). Giả sử, nếu thứ vật liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật là chất lỏng
(ví dụ như xăng), thì do chất lỏng phủ đều đáy hố, toàn bộ phần vách hố trong Ảnh
2.3 đều phải bị ám khói đen, giống như khu vực nằm ở phía bên phải và chiếm khoảng
1/3 bức ảnh. Trái lại, phần sát góc của vách trước chỉ có mấy vệt đen, còn vách
phải thì chỉ bị ám khói đen khá ít. Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn:
(2.1) Thứ
vật liệu đã được dùng để thiêu cháy trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.
Ảnh 2.3: Phần dưới cùng của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách phải
Đặc biệt, quầng đen trên vách
phải khác biệt hẳn so với vùng lân cận. Nó nằm cách đáy hố trên 30 cm. Chứng tỏ,
vật liệu cháy không được chứa một cách đơn giản trong hộp cát tông, hoặc bao bì
bằng vải, hay ni lông, hay chất liệu thích hợp nào đó. Bởi nếu như vậy, thì do
khối vật liệu cháy nằm ngay trên đáy hố, khu vực bị ám khói phải bắt đầu ngay từ
đáy hố, chứ không thể tách khỏi đáy hố hơn 30 cm. Từ đó suy ra:
(2.2) Vật
liệu cháy được đựng trong các ống hở đầu (giống như pháo hoa), tạo ra phóng hỏa
có định hướng.
Và quầng đen trên vách phải là
kết quả phóng hỏa do một vài ống đựng vật liệu cháy nằm cách xa vách gây ra.
Ảnh 2.4 cũng thể hiện một hình ảnh
đặc trưng khác, chụp một phần của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách trái,
đoạn cách đáy hố từ khoảng 60 cm lên đến khoảng 125 cm. Trong khi vách trái bị
tổn thương đáng kể và bị ám khói đen khắp nơi, thì vách trước không bị tổn
thương, có hai vùng hầu như không bị ám khói đen, và phần chính bị ám khói cũng
tách khỏi đáy với một khoảng cách khá lớn. Điều đó cũng chứng tỏ kết luận (2.1)
và (2.2) là đúng.
Tại góc tiếp giáp, ở độ cao
cách đáy khoảng 110 cm (nơi phân cách hai vùng hầu như không bị ám khói đen),
có một vật giống như búi giẻ bị cháy, gắn chặt vào góc vách. Nhưng khi dùng đũa
gắp thử, thì như chạm phải một khối nhựa rắn. Muốn dùng kìm bẻ ra một miếng nhỏ
cũng khó.
Có một hiện tượng đáng lưu ý
trong Ảnh 2.3 và Ảnh 2.4, đó là mức độ tương phản đen-trắng giữa vùng bị ám
khói và vùng không bị ám khói rất lớn. Hiện tượng đó không chỉ phủ định khả
năng sử dụng nhiên liệu lỏng, mà còn cho thấy:
(2.3) Vật
liệu cháy đã được sử dụng sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nhưng tương đối ít khói.
Do đó, chỉ những vùng vách bị
va chạm trực tiếp với vật liệu cháy bỏng thì mới trở nên đen kịt, còn những
vùng vách khác thì ít bị hoặc hầu như không bị ám khói.
Ảnh 2.4: Phần gần đáy của góc tiếp giáp giữa vách
trước và vách trái
Vì không muốn bạn đọc quá mệt mỏi
với những tình tiết nặng tính kỹ thuật, tôi sẽ không cung cấp thêm nhiều bức ảnh
tư liệu về vết tích vụ cháy trong hố kỹ thuật, mà kết thúc phần 2 bằng Ảnh 2.5.
Nó được ghép từ bốn bức hình, để tạo ra bức tranh toàn cảnh của vách trái.
Trong bốn bức vách của hố kỹ thuật, vách trái bị ám khói đen nhiều nhất, suốt từ
đáy hố lên đến độ cao khoảng 250 cm. Hiện tượng bị sần sùi, rạn lở và bị vật lạ
dính vào chỉ tồn tại trên vách trái này. Chứng tỏ:
(2.4)
Khối lượng vật liệu cháy đã được sử dụng là khá lớn, và hầu hết các ống chứa
vật liệu cháy đều hướng vào vách trái.
Ảnh 2.5: Vách trái của hố kỹ thuật
Tóm lại, nhờ phân tích cách bức ảnh được chụp từ đáy hố hộp
kỹ thuật, ta đã khẳng định một lần nữa Mệnh đề 3 thông qua kết luận:
(2.1) Thứ
vật liệu đã được dùng để thiêu cháy trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.
Ngoài ra, còn thu được ba nhận
thức mới, đó là:
(2.2) Vật
liệu cháy được đựng trong các ống hở đầu (giống như pháo hoa), tạo ra phóng hỏa
có định hướng.
(2.3) Vật
liệu cháy đã được sử dụng sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nhưng tương đối ít khói.
(2.4)
Khối lượng vật liệu cháy đã được sử dụng là khá lớn, và hầu hết các ống chứa
vật liệu cháy đều hướng vào vách trái.
3. Chứng cứ do VTV cung cấp
Mặc dù phần 2 đã giúp thu hẹp đáng kể phạm vi phỏng
đoán vật liệu cháy được sử dụng, song ta vẫn muốn biết cụ thể: Thứ vật liệu ấy
là gì? Để có được câu trả lời, bình thường phải đợi kết quả xét nghiệm. Song
trong trường hợp này, chính đoạn video mà VTV đã phát, có lẽ do công an cung cấp,
để tố cáo người dân Đồng Tâm, lại cung cấp miễn phí những bằng chứng để bảo vệ
người dân Đồng Tâm.
Ta hãy cùng nhau khảo sát 32 giây đầu (từ thời điểm
0:00 đến thời điểm 0:32) của đoạn video chiếu trên VTV24 về việc "bắt
giữ các đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm", được lưu trữ tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=FrfuIDJLI-g.
Đoạn 32 giây này tương ứng với khoảng thời gian từ 36:27 đến 36:59 trong đoạn
video của chương trình Thời sự 19h, phát trên VTV1 vào đêm 9/1/2020, và được
lưu trữ tại địa chỉ https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-09-01-2020-415508.htm.
Về mặt âm thanh, đầu tiên ta nghe thấy một giọng đàn
ông gào lên: "Yêu cầu các đối tượng đầu hàng, đừng để hành vi đi vượt
giới hạn." Tiếp đó, một nữ phát thanh viên dõng dạc: "Mặc dù
đã dùng loa kêu gọi, không được hành động vượt quá giới hạn, nhưng các đối tượng
chống đối vẫn rất manh động. Chúng đã ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng
tấn công lực lượng chức năng."
Ơ hay, nếu quả thật "mặc dù đã dùng loa kêu
gọi, không được hành động vượt quá giới hạn, nhưng các đối tượng chống đối vẫn
rất manh động", thì phải kêu gọi tiếp, chứ tại sao lại gào lên đúng một
lần, rồi đột nhiên dừng hẳn, như thể lịch sự nhường lời cho nữ phát thanh viên?
Hơn nữa, giọng đàn ông át cả tiếng súng nổ đì đoàng phía xa xa, chẳng ăn nhập với
cảnh đụng độ đang diễn ra, khiến người nghe cảm thấy tiếng gào đã được bổ sung
thêm trong phòng thu, chứ không phải được hét vào loa khi đang diễn ra chiến sự.
Âu cũng là một cách diễn, nhằm nhấn mạnh sự manh động của đối tượng chống đối,
và tô vẽ thêm sự kiềm chế nhẫn nại của lực lượng tấn công.
Về mặt hình ảnh, trong số 32 giây video mà VTV dùng
để mô tả trận tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020, thì 9 giây được dành cho cổng
làng, tất cả 23 giây còn lại đều được dành để đặc tả tâm điểm của trận tấn
công. Đó là khu vực có bốn ngôi nhà của cụ Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công, ông
Lê Đình Chức và ông Lê Đình Hợi (xem Ảnh 3.1).
Phía trước bốn ngôi nhà có một con đường dọc, vừa to
vừa thẳng, hướng đúng vào khu vực này. Cho nên, nếu muốn thì có thể đứng trên
con đường ấy mà quay video từ xa, vừa an toàn, lại vừa quay được rõ ràng và trọn
vẹn toàn bộ khung cảnh của khu tâm điểm. Thế nhưng, họ đã chọn vị trí đứng quay
video trên con đường ngang. Từ góc nhìn ấy, ngôi nhà hai tầng của ông Công che
hết ngôi nhà cụ Kình (nơi diễn ra cuộc tấn công và giết người phi pháp), và che
cả khu vực miệng hố kỹ thuật (nơi thiêu cháy ba sĩ quan công an). Rõ là tinh
vi, phải không?
Ảnh 3.1: Khung cảnh tâm điểm của trận tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020
Đặc biệt, suốt 32 giây ghi hình chiến sự, ống kính
chỉ hướng chếch lên cao, chẳng lúc nào hướng vào đường thôn, hay mặt đất. Thử hỏi,
có bao giờ quay phim chiến sự diễn ra trên mặt đất, mà lại tránh ghi hình mặt đất
hay không? Phải chăng họ có quay cả đường thôn, nhưng rồi đành phải cắt bỏ, vì
khi xem lại thì chỉ thấy toàn cảnh sát lúc nhúc trên đường thôn, mà chẳng hề xuất
hiện bóng ma nào của đối tượng chống đối?
Mặc dù đã được chuẩn bị công phu và quay phim trong
thế hoàn toàn chủ động, theo đúng kế hoạch đã được đề ra từ trước, nhưng đoạn
video được VTV trình chiếu không hề trưng ra bất cứ hình ảnh nào về việc các đối
tượng chống đối "ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực
lượng chức năng". Vâng, chẳng hề thấy hình ảnh nào của đối tượng chống
đối, mà chỉ thấy đầu của mấy cảnh sát, tha thẩn đứng ngay trước ống kính, thản
nhiên như mấy kẻ tò mò ngoài cuộc. Thậm chí, hình ảnh một chai bom xăng đang bốc
cháy cũng không có nốt.
Giả sử, nếu người dân Đồng Tâm đã ném bom xăng khi bị
tấn công, thì tất nhiên chai chứa xăng đã cháy (còn lành hay đã vỡ) vẫn nằm ngổn
ngang trên đường Đồng Tâm lúc trời sáng hẳn. Khi đó, đối tượng chống đối đã bị bắt
hết và công an đã chiếm hết thôn Hoành. Vậy tại sao không quay phim, chụp ảnh vết
tích bom xăng đã được sử dụng?
Từ đó ta thấy:
(3.1) Trên thực tế, khi diễn ra
cuộc tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020, chẳng hề có chuyện đối tượng chống đối "ném
bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng".
Vì vậy, Bộ Công an - thông qua VTV - đành tạo ra cái
cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ. Đó là cách sáng tác nhất quán từ đầu đến cuối của
Bộ Công an đối với cuộc tấn công vào Đồng Tâm.
Nhận xét này có thể khiến một số người xem video phản
đối, sau khi đã nghe nhiều tiếng nổ, đã thấy nhiều tia chớp và đám lửa. Đúng là
có nhiều tiếng nổ, nhiều tia chớp và đám lửa, nhưng vấn đề là từ đâu mà ra?
Để có được câu trả lời, tôi đã phải xem đi xem lại
đoạn video, và kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần vòng thao tác: bắt đầu - dừng
lại - tách ảnh màn hình - lưu trữ. Qua đó có thể khẳng định:
(3.2) Nhiều đợt cháy nổ
hiện ra trong đoạn video xuất phát từ hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông Chức
và nhà ông Hợi.
Trong 23 giây video quay tâm điểm chiến sự, có ít nhất
9 lần vật liệu cháy bay ra từ phía hố kỹ thuật và phát nổ trên đường thôn. Hẳn
có người thắc mắc: Làm gì có chuyện vật liệu cháy từ đáy hỗ kỹ thuật (sâu khoảng
4 mét) bay lên gần với phương thẳng đứng, rồi đột nhiên đổi chiều và bay cắm xuống
đường thôn? Bình thường thì điều đó khó xẩy ra, nhưng trong trường hợp này thì
hoàn toàn có thể.
Hãy xem lại Ảnh 3.1 (phần phóng to ở góc trên bên
trái), để thấy mái bằng bê tông của nhà ông Hợi chìa ra khỏi tường một đoạn khá
lớn. Và hãy xem lại đoạn video, để thấy rằng, nhiều khối vật liệu cháy nổ dường
như xuất phát từ phần mái bằng chìa ra ấy. Đơn giản là, khi vật liệu cháy bay
lên từ đáy hố kỹ thuật thì vấp phải mái bằng của nhà ông Hợi, nên đổi chiều
chuyển động và bay xuống đường thôn. Điều đó lý giải, tại sao trong đoạn video
có nhiều lượt cháy nổ xuất hiện trên đoạn đường trước nhà cụ Kình và nhà ông Chức.
Vâng, đúng là có nhiều tiếng nổ, nhiều tia chớp và
đám lửa xuất hiện trong đoạn video do VTV công bố. Nhưng không phải do người
dân Đồng Tâm, mà do vật liệu cháy nổ từ dưới hố kỹ thuật bay lên gây ra.
Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn, tôi đã chọn ra
32 khoảnh khắc và ghép lại trong bốn bức ảnh, từ Ảnh 3.2 đến Ảnh 3.5.
Xem Ảnh 3.2, ta thấy trong hình 1 có một vụ cháy xuất
hiện phía sau chậu cây cảnh đặt trên ban công nhà ông Công (so sánh với Ảnh 3.1
để thấy hình ảnh của chậu cây cảnh được chụp vào ban ngày). Đó là khi quầng lửa
mới vượt ra khỏi miệng hố kỹ thuật. Rồi bùng cháy to hơn trong hình 2. Hình 3
thể hiện rõ ràng hiện tượng đổi chiều chuyển động của vật liệu cháy, do vấp phải
phần mái bằng chìa ra. Hình 4 ghi lại chuyển động tiếp theo của vật liệu cháy.
Hình 5 ghi lại khoảnh khắc bùng nổ lớn nhất. Sau đó khu vực cháy nổ co dần
trong ba hình còn lại, để lộ ra hình ảnh của nhiều cục vật liệu cháy khác đang
bay tiếp. Quá trình ấy diễn ra từ giây 0:18 đến giây 0:19.
Ảnh 3.2: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:18 đến giây 0:19
Ảnh 3.3: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:19 đến giây 0:20
Ảnh 3.4: Tám khoảnh khắc diễn ra trong giây 0:21
nh 3.5 cho ta một khung cảnh đặc biệt. Đó chính là cận
cảnh của bức tường nhà ông Hợi, nơi tiếp giáp với sân thượng nhà ông Chức và nằm
sát miệng hố kỹ thuật. Hình 1 chụp khoảnh khắc lửa trùm hết mặt tường đầu hồi của
nhà ông Hợi. Sau đó quầng lửa thu hẹp lại và tan dần trong năm hình tiếp theo,
để lộ ra đường ống thoát nước từ mái, mà ta có thể nhìn thấy rõ hơn trong Ảnh
3.1. Đợt cháy trước vừa kết thúc trong hình 7, thì một đợt cháy mới lại bùng
lên từ hố kỹ thuật trong hình 8. Quá trình ấy diễn ra từ giây 0:29 đến giây 0:30.
Ảnh 3.5: Tám khoảnh khắc diễn ra từ giây 0:29 đến giây 0:30
Hai giây sau, VTV ngừng chiếu cảnh chiến sự Đồng
Tâm, để trưng ra lời khai của Nguyễn Văn Tuyển, rằng "cụ Kình chỉ đạo cứ
cho 3 thằng chết là phải chạy hết…". Vì vậy, khán giả VTV không
còn cơ hội chứng kiến diễn biến tiếp theo của vụ thiêu xác trong hố kỹ thuật.
Tuy nhiên, xem đến đó cũng đã đủ để tin rằng:
(3.3) Có một vụ thiêu đã
diễn ra trong hố kỹ thuật.
Hơn nữa, hiện tượng cháy kèm theo tiếng nổ cho thấy:
(3.4) Vật liệu cháy
được sử dụng trong hố kỹ thuật thuộc dạng pháo hoa.
Ta viết "thuộc dạng pháo hoa", bởi
có lẽ không phải là nguyên ống pháo hoa thông thường, mà có thể được chế ra từ đó.
Chẳng hạn, có thể lấy ống pháo hoa thông thường, rồi bỏ bớt bộ phận có chức
năng đẩy pháo bay xa và gây ra vụ nổ lớn. Thậm chí, có thể cắt bớt ống pháo hoa
cho đủ ngắn, vừa dễ vận chuyển, vừa đỡ bị lộ. Chính vì vậy, mặc dù phần lớn vật
liệu cháy bắn vào vách trái của hố kỹ thuật, gây ra một số tổn thương trên vách
đó, nhưng không xuất hiện những vùng lõm do nổ lớn tạo ra. Và những khối vật liệu
cháy vượt ra khỏi hố kỹ thuật cũng không bay xa, như khoảng cách bay thường thấy
của pháo hoa.
Mặc dù hầu hết vật liệu được ném xuống đã cháy hết
ngay trong hố kỹ thuật, nhưng số vật liệu bay ra khỏi hố kỹ thuật (ngoài ý muốn)
cũng khá lớn. Kết hợp với vết tích lưu lại trên vách trái của hố trong Ảnh 2.5,
có thể suy ra:
(3.5) Khối lượng vật liệu
cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật lớn đến mức không thể là trang bị thông thường,
mà việc thu xếp để có được chúng phải là một đặc vụ riêng biệt.
Ai có thể có và làm thế nào để có được một khối lượng
vật liệu cháy dạng pháo hoa như vậy? Cần khẳng định ngay:
(3.6) Số vật liệu cháy đã
được ném xuống hố kỹ thuật KHÔNG thuộc về người dân Đồng Tâm.
(Trong một thể chế tử tế, thì khẳng định này là thừa.
Song, sau khi đã chứng kiến cơ quan công an chữa kịch bản Đồng Tâm bằng ấy lần,
thì không ai có thể đảm bảo, họ sẽ không bịa thêm một kịch bản mới, nhằm cáo buộc
người dân Đồng Tâm đã sử dụng pháo hoa để thiêu ba sĩ quan công an.)
Tại sao có thể khẳng định kết luận (3.6)? Bởi vì một
mặt, nếu số vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật thuộc về người dân Đồng
Tâm, thì "Cơ quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới"
đã phát hiện ra, và vì thế đã không cáo buộc là người dân Đồng Tâm đổ xăng để
thiêu chết ba sĩ quan công an. Mặt khác, với quy định ngặt nghèo về quản lý và
sử dụng pháo trong Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, và trong hoàn cảnh Nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng là nơi duy nhất của Việt Nam được
quyền sản xuất pháo hoa, thì dù ba hoa đến mấy, người dân Đồng Tâm cũng
không thể kiếm được bằng ấy pháo hoa.
Ngược lại, nếu muốn thì Bộ Công an có thể có pháo
hoa bằng những cách khác nhau. Ví dụ, cách chính quy là nhân danh xử lý đối tượng chống đối trong quá
trình xây dựng tường rào bảo vệ Sân
bay Miếu Môn và dành đất cho Viettel (cả hai đều của Bộ Quốc phòng), Bộ
Công an có thể đề nghị Bộ Quốc phòng cung cấp pháo hoa do Nhà máy Z121 sản xuất.
Cách linh hoạt là nhập pháo hoa từ nước ngoài. (Sau khi đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa thủ đô Berlin của Cộng
hòa Liên bang Đức, rồi đưa về Hà Nội một cách ngoạn mục, để Thanh nộp "Đơn xin đầu thú", thì việc mua pháo hoa từ
nước ngoài chỉ là chuyện vặt.) Cách đơn giản và ít để lại dấu vết, là bớt từ số
pháo hoa được cung cấp cho các điểm bắn pháo hoa trên toàn quốc. Vì thời điểm tấn
công vào Đồng Tâm gần Tết, nên có lẽ khi ấy một lượng pháo hoa khổng lồ đã được
Nhà máy Z121 xuất kho và chuyển đi khắp nơi, để bắn vào lúc giao thừa. Do đó,
chỉ cần kín đáo bớt xén mỗi nơi một ít, thì gom lại đã có đủ vật liệu cháy để
tiến hành công vụ Đồng Tâm. (Thời điểm tấn công Đồng Tâm sát Tết âm lịch còn
đem lại lợi thế như vậy.) Hoặc có thể bớt từ số pháo hoa đã được bắn tại một số điểm vào dịp Tết dương lịch
2020.
Kết thúc phần phân tích chứng cứ do VTV cung cấp, cần
khẳng định thêm:
(3.7) Để có thể ném
xác của ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật và phóng hỏa thiêu cháy một cách
an toàn và kín đáo, hung thủ chỉ có thể đứng trong nhà ông Hợi và nấp sau cái cửa
sổ hướng ra hố kỹ thuật.
Thật vậy, nếu không đứng ở trong nhà ông Hợi, thì
hung thủ chỉ còn cách đứng trên sân thượng của nhà ông Chức để hành sự. Khi đó,
những đám lửa bùng cháy trùm cả khu vực (như đã thấy trong bốn ảnh, từ Ảnh 3.2
đến Ảnh 3.5) sẽ thiêu cháy cả hung thủ. Hơn nữa, nếu hình ảnh hung thủ không lọt
vào ống kính chỉ cách đó có mấy chục mét, thì nhiều người trong đội quân tấn
công cũng nhìn thấy quá trình hung thủ sát hại ba sĩ quan công an.
Tóm lại, đoạn video mà VTV đã phát để tố cáo người dân Đồng Tâm lại cung cấp miễn
phí những bằng chứng để bảo vệ người dân Đồng Tâm. Qua đó, có thể rút ra bảy kết
luận sau :
(3.1) Trên
thực tế, khi diễn ra cuộc tấn công vào Đồng Tâm ngày 9/1/2020, chẳng hề có chuyện
đối tượng chống đối "ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công
lực lượng chức năng".
(3.2) Nhiều
đợt cháy nổ hiện ra trong đoạn video xuất phát từ hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông
Chức và nhà ông Hợi.
(3.3) Có
một vụ thiêu đã diễn ra trong hố kỹ thuật.
(3.4) Vật
liệu cháy được sử dụng trong hố kỹ thuật thuộc dạng pháo hoa.
(3.5) Khối
lượng vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật lớn đến mức không thể là
trang bị thông thường, mà việc thu xếp để có được chúng phải là một đặc vụ
riêng biệt.
(3.6) Số
vật liệu cháy đã được ném xuống hố kỹ thuật KHÔNG thuộc về người dân Đồng Tâm.
(3.7)
Để có thể ném xác của ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật và phóng hỏa
thiêu cháy một cách an toàn và kín đáo, hung thủ chỉ có thể đứng trong nhà ông
Hợi và nấp sau cái cửa sổ hướng ra hố kỹ thuật.
Lưu ý rằng, kết luận (3.4) hoàn
toàn phù hợp với bốn kết luận từ (2.1) đến (2.4), đã được trình bày trong phần
2.
4. Mấy điều cần
trao đổi
4.1.
Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam,
nhân danh bảo vệ thế giới tự do trước họa cộng sản, thì những người cộng sản Việt
Nam coi đó là đội quân xâm lược, mà mình có quyền đánh đuổi để bảo vệ quê
hương. Trong cuộc chiến ấy, những người cộng sản sử dụng bạo lực vũ trang, và vận
động quần chúng nhân dân cùng sử dụng bạo lực, để giết quân địch, giết càng nhiều
thì càng được vinh danh. Những người cộng sản không băn khoăn khi giết cả những
người bất đắc dĩ phải có mặt trong quân đội đối phương. Thậm chí, Biệt động Sài Gòn đã đánh bom vào cả
khách sạn và rạp hát, nơi đương nhiên có cả những người dân làm công ăn lương và những
khán giả thường dân.
Đối với người dân Đồng Tâm, cái
đội quân đang đêm vô cớ tấn công vào ngôi làng của họ cũng giống như bọn cướp
có vũ trang. Trong chế độ có quá nhiều công vụ vô cùng tệ hại, thì cái gọi là
thi hành công vụ không đủ để ngụy trang, biện hộ cho hành vi phi pháp của đám
người mặc quân phục công an. Cho nên, nếu phải chống lại những kẻ thi hành thứ
công vụ kẻ cướp giết người, thì người dân Đồng Tâm có thể quan niệm đó là quyền
tự vệ chính đáng. Vì vậy, không quá khó hiểu nếu họ đã từng thề hy sinh chiến đấu
đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ thôn làng. Giả sử, nếu người dân Đồng Tâm đã
dùng quyền tự vệ, khiến ai đó trong lực lượng tấn công vào Đồng Tâm 9/1/2020 bị
chết, thì cũng tương tự như trường hợp những người ăn lương cầm súng trong quân
đội Việt Nam Cộng hòa đã bị chết bởi đạn cộng sản trong cuộc chiến trước 1975
mà thôi. Hiển nhiên, chết khi mang quân phục công an không oan ức bằng những
thường dân đã bị chết bởi Biệt động Sài Gòn đánh bom vào khách sạn và rạp hát.
Tuy nhiên, trên thực tế, người
dân Đồng Tâm chưa sử dụng quyền tự vệ. Họ không hề chống lại lực lượng tấn công
vào Đồng Tâm ngày 9/1/2020. Đơn giản vì họ không hề chuẩn bị để đối đầu với
một cuộc tấn công mà hỏa lực mạnh và dã man như vậy. Không hề có trong tay một
khẩu súng bắn đạn nào, thì làm sao họ dám chống lại và có thể chống lại mấy
ngàn quân được trang bị vũ khí tối tân và xả súng không hề tiếc đạn?
Bộ Công an tuyên bố rằng "một số đối
tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực
lượng chức năng, chống người thi hành công vụ". Nhưng đó chỉ là cáo buộc đơn phương, mà độ tin
cậy cũng chẳng khá hơn những luận điệu bịa đặt, vu cáo khác, do Bộ Công an liên
tục tung ra trong vụ Đồng Tâm.
Mặc dù đã lên kế hoạch từ trước
và đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động cả đội quay phim chiến sự, nhưng phía công an
đã không trưng ra được bất cứ hình ảnh nào về việc "một số đối tượng có
hành vi chống đối...". Thành thử, sau khi kết thúc cuộc tấn công, đã
chiếm lĩnh hiện trường và lục lọi khắp thôn xóm, họ cũng chỉ có thể trưng ra
tang vật thu được là "8 quả lựu đạn,
38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1
khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa". Cái gọi là bom xăng chỉ là mấy chai bia Hà Nội
được bịt kỹ bằng ni lông. Không có nút dẻ để mồi xăng, thì làm sao có thể khẳng định đó là bom
xăng, chứ không phải là chai xăng, hay chai dầu dự trữ thường thấy ở nông thôn?
Trưng ra cả cái búa và con
dao bầu làm bếp, mà nhà nông nào cũng có, thì sao có thể coi chúng là tang vật?
Điểm thêm mấy nét như vậy để thấy
rõ hơn, Bộ công an chẳng có bằng chứng trung thực nào chứng thực cho các cáo
buộc của họ, để buộc tội cụ Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm, nhằm biện hộ
cho cuộc tấn công vào Đồng Tâm và giết người hoàn toàn phi pháp.
4.2.
Thay vì phê phán hành động tấn
công phi pháp vào Đồng Tâm và giết hại cụ Lê Đình Kình, nhiều người lại đứng về
phía chính quyền, lên án cụ Kình và người dân Đồng Tâm. Dư luận đảo chiều như vậy
do cái chết bi thảm của ba sĩ quan công an, mà Bộ Công an tuyên bố là họ bị ngã
xuống hố kỹ thuật, rồi bị người dân Đồng Tâm đổ xăng thiêu cháy.
Thế nhưng, sau khi đã bổ sung
thêm chứng cứ và lập luận ở phần 2 và phần 3, thì càng khó bác bỏ kết luận đã
được rút ra trong bài "Tội ác Đồng Tâm", đó là: Người dân Đồng Tâm không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật để
thiêu cháy ba sĩ quan công an. Hơn nữa, nếu thừa nhận Tiên đề 1 (tức là cả
ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà ông Lê Đình
Chức và nhà ông Lê Đình Hợi) và Tiên đề 2 (tức là xác người chết cháy và hai
đám tro trong hai bức ảnh đã đăng là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau
khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật), thì có thể suy ra: Ba sĩ quan công an
không tự ngã xuống hố kỹ thuật. Họ đã bị ném xuống hố và bị thiêu cháy, nhưng
không phải bởi người dân Đồng Tâm.
Qua bảy kết luận từ (3.1) đến (3.7)
trong phần 3, thì chân tướng của vụ thiêu cháy ba sĩ quan công an đã trở nên
quá rõ.
Có ý kiến cho rằng, không thể
có chuyện công an cố tình giết đồng đội, và đưa ra giả thuyết: Có thể do vô
tình mà quân ta bắn phải quân mình ở nơi khác, sau đó mới đành phải khiêng đến
đấy, rồi ném xác xuống hố kỹ thuật mà thiêu, nhằm phi tang, tiện thể đổ tội cho
gia đình cụ Kình. Vậy thử hỏi, khi ống kính quay video đang hướng liên tục vào
phía ấy và có rất nhiều cảnh sát cũng đứng gần khu vực ấy, thì có ai lại dại dột
khiêng ba cái xác công an vào đấy để thủ tiêu tang chứng hay không?
Chắc nhiều người vẫn tin, hung
thủ không thuộc thành phần tham gia tấn công vào Đồng Tâm, hoặc/và việc ba sĩ
quan công an bị giết không thể là kết quả của kế hoạch đã được vạch ra từ trước.
Để bảo vệ quan điểm này, phải trả lời được bốn câu hỏi sau, thì mới có thể thuyết
phục nhiều người khác cùng tin:
(4.1) Nếu
không thuộc thành phần tham gia tấn công Đồng Tâm, thì hung thủ có thể tiếp cận
ba sĩ quan công an với đầy đủ súng ống, để hạ gục và thiêu cháy họ ngay giữa
tâm điểm của cuộc tấn công, khu vực có máy quay video liên tục ghi lại diễn biến
chiến sự và có rất nhiều cảnh sát chứng kiến hay không?
(4.2) Nếu
không khảo sát kỹ càng từ trước, thì có thể chọn được vị trí đặc biệt phù hợp đến
thế, để thiêu cháy ba thi thể bằng vật liệu cháy siêu mạnh hay không?
(4.3) Nếu
không chuẩn bị từ trước, thì có bằng ấy vật liệu cháy dạng pháo hoa để thiêu
hay không?
(4.4) Nếu
không căn cứ vào "quy hoạch cán bộ", thì có thể đột nhiên "đề bạt"
ba sĩ quan công an xa lạ vào một tổ công tác với đội hình quái lạ (như đã
phân tích trong phần 2.4 của bài "Tội ác Đồng Tâm") hay không?
4.3.
Với việc tấn công vào Đồng Tâm
và giết hại cụ Lê Đình Kình hoàn toàn phi pháp, phía công an đã tự phủ định
tư cách của một cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, họ không còn tư cách để
đứng ra điều tra vụ án Đồng Tâm, mà phải là đối tượng bị điều tra. Trước hết
là điều tra về tội giết người có tổ chức, theo Điểm o, Khoản 1, Điều 123
của Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13.
Đích thân Thứ trưởng Bộ Công an
Lương Tam Quang và Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô đã
đứng ra công bố những thông tin hoàn toàn sai trái về vụ Đồng Tâm 9/1/2020. Điều
đó chứng tỏ, lãnh đạo Bộ Công an phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động
tấn công và giết người phi pháp ở Đồng Tâm. Vì vậy, việc điều tra vụ án
Đồng Tâm phải cho một cơ quan độc lập (không thuộc Bộ Công an) tiến hành.
Trong thời gian chờ đợi, không
thể chấp nhận việc công an tiếp tục đứng ra giam giữ và điều tra những người
dân Đồng Tâm đã bị bắt. Đặc biệt, phải chấm dứt ngay việc phái công an đến
quấy nhiễu, hạch sách và khủng bố tinh thần những người phụ nữ và trẻ con còn lại
trong gia đình cụ Lê Đình Kình.
Điều quan trọng là phải sớm
thừa nhận tội ác đã phạm. Sớm bao nhiêu thì hậu quả đỡ trầm trọng bấy
nhiêu. Như đã viết trong bài "Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh
Xuân Thanh": "Nếu thừa nhận đủ sớm,
thì còn có cơ hội đổ lỗi cho 'phường đánh máy' và dễ khắc phục hậu quả hơn. Ngược
lại, im lặng hay cố cãi càng lâu, thì chứng tỏ cấp ra lệnh càng cao."
Tương tự, trong vụ Đồng Tâm cũng vậy: Lặng thinh càng lâu thì chứng tỏ vị
trí của thủ phạm đích thực trong bộ máy cầm quyền càng cao. Đừng đợi đến
lúc cơn hồng thủy dâng tràn, ngập lút cả thiên đình.
Nếu đến giờ vẫn không nhận ra vấn
đề, thì có lẽ chỉ còn cách trách đấng sinh thành, chứ chẳng thể đổ tại hậu quả
khắc nghiệt của thời gian.
4.4.
Tôi viết bài "Tội ác Đồng Tâm" và bài này để tìm kiếm và chỉ ra sự thật. Mọi người đều có quyền biết và
có trách nhiệm biết sự thật. Biết không chỉ để tôn trọng sự thật, mà còn để
tránh vì hiểu sai sự thật, rồi lên án và thóa mạ nạn nhân vô tội.
Khi sự thật của tội ác mang tên
Đồng Tâm đã lộ rõ, thì không chỉ những người ghét chế độ có quyền lên án, mà cả
những người yêu chế độ cũng có trách nhiệm phải lên án. Lên án để chứng tỏ chế
độ này, bộ máy cầm quyền này vẫn còn có những người tử tế, biết tôn trọng công
lý. Và cũng để chứng tỏ, trong chính quyền này có rất nhiều người không liên đới
tới tội ác Đồng Tâm. Ngược lại, sự câm lặng tương đương với việc tiếp tay cho
cái gọi là thế lực thù địch, bằng cách góp phần chứng minh sự tệ hại vô phương
cứu chữa của chế độ.
4.5.
Đã lỡ để xảy ra rồi, thì bây giờ
nên tận dụng thảm kịch Đồng Tâm như một cơ hội sám hối. Hãy nghiêm túc xem xét
lại vai trò và cách hành xử của bộ máy cầm quyền. Đặc biệt, đây là dịp thích hợp
để đặt ra và trả lời câu hỏi: Trong chế độ độc đảng độc quyền, thì sinh ra
Quốc hội để làm gì?
Để trang trí dân chủ cho chế độ
phi dân chủ ư? Nếu vậy, hãy thu hẹp sân khấu, giảm bớt diễn viên, để thực hiện chủ trương tinh giản
biên chế, đỡ tốn
tiền của nhân dân.
Để làm luật ư? Xin lỗi, khi đa
số đại biểu Quốc hội vừa mù mờ về luật, vừa gọi dạ bảo vâng, mà lại tham gia viết
luật và biểu quyết thông qua luật, thì chỉ sinh ra loại luật như Hiến... nháp mà vi hiến, khiến người người phải não lòng. Nói cho cùng, cũng chẳng thể đòi hỏi nhiều hơn ở
năng lực của những vị đại biểu được bầu ra bởi cái cơ chế
tệ ngay từ luật (bầu cử). Thành thử, bao luật vừa mới được ban hành thì đã phải đem ra sửa
đổi, rồi sửa hết lần này đến lần khác mà vẫn không ổn. Trong khi đó, lại ù lì
suốt nhiều nhiệm kỳ, cố tình phớt lờ, không chịu ban hành những luật thiết yếu
để thực thi Hiến pháp, chẳng hạn như Luật Biểu tình.
Vậy nên, các vị mang danh đại
biểu của nhân dân nên tập trung thời gian và sức lực cho cái việc đáng làm nhất
và phù hợp nhất với năng lực bản thân, đó là làm cầu nối giữa nhân dân với
chính quyền (đương nhiên với cả đảng cầm quyền).
Tiếc rằng, từ khi công an tấn
công vào Đồng Tâm và giết hại công dân Lê Đình Kình đến nay, Quốc hội vẫn im lặng.
Những vị thường ít nói im lặng đã đành, đằng này các vị vốn hay nói cũng im lặng
nốt. Không chỉ từng đại biểu Quốc hội im lặng, mà dàn lãnh đạo Quốc hội cũng
im.
Các vị có trao đổi, góp ý kín
đáo với thế lực phải chịu trách nhiệm về tội ác Đồng Tâm ư? Như vậy đã khá hơn,
nhưng vẫn chưa đủ. Không thể chỉ dấm dúi, như bàn bạc việc riêng tư của giới cầm
quyền, mà còn phải nói công khai, cho dân nghe dân biết. Bởi trách nhiệm của đại
biểu Quốc hội không chỉ là tham gia "giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (Điều 69, Hiến pháp 2013), mà bản thân mỗi đại biểu còn phải "liên
hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri", và phải "báo
cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội" (Khoản 2, Điều
79, Hiến pháp 2013).
Vì lẽ đó, những người mang
danh đại biểu của nhân dân hãy công khai bày tỏ chính kiến về vụ Đồng Tâm, nhằm
"chịu sự giám sát của cử tri" và "báo cáo với cử tri về
hoạt động của đại biểu", theo đúng quy định của Hiến pháp.
Lưu ý thêm rằng, để làm đúng
vai trò "là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng ... của Nhân dân cả
nước" (Khoản 1, Điều 79, Hiến pháp 2013), mọi Đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm
quan tâm tới vụ Đồng Tâm, và thể hiện chính kiến của mình về vụ Đồng Tâm trước
cử tri cả nước.
Đừng tiếp tục lặng thinh, mà vô tình
chứng tỏ, mình chỉ là kịch sĩ vi hiến và vô dụng đối với nhân dân.
Hà Nội,
ngày 1 tháng 3 năm 2020
------------------------------
11.02.2020
No comments:
Post a Comment