Lê Vĩnh Triển & Nguyễn Quỳnh
Huy
18/03/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/03/18/viet-nam-hoc-duoc-gi-tu-sai-lam-chong-covid-19-cua-trung-quoc/
Việt Nam, tuy là một quốc gia cộng
sản, đã nhanh chóng nhận ra rằng việc che đậy thông tin kiểu Trung Quốc sẽ chỉ
khiến mọi việc tồi tệ hơn.
Khắp nơi trên thế giới, các quốc gia đang nỗ lực
ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng trong cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có
do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây không chỉ là một trò chơi các con số – cách
các cộng đồng tự tổ chức để giảm số người tử vong qua thời gian, từ dưới
lên – mà còn là một tính toán bao gồm nhiều yếu tố về cách các chính phủ tổ chức,
từ trên xuống. Thật khó để đánh giá liệu các chế độ độc tài hay dân chủ làm tốt
hơn bởi có nhiều yếu tố quyết định thành công hay thất bại ngoài các hệ thống
thể chế. Tuy nhiên, bài viết này thảo luận về một số khía cạnh ảnh hưởng đến khả
năng kiểm soát sự lây lan của coronavirus để đánh giá các hàm ý cho hiện tại
cũng như các cải cách trong tương lai.
Trung Quốc: Một kiểu độc đoán về kiểm soát dịch
bệnh
Thế giới theo dõi hậu quả khi một chế độ độc tài đã
làm bùng phát dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc. Sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải
trình ngay từ đầu đã hạn chế nhận thức cộng đồng về coronavirus mới, và rõ ràng các quan chức từ địa
phương đến trung ương đã hành động với động cơ chính trị. Đặc điểm thể
chế của Trung Quốc khiến các quan chức không muốn nghe những tiếng nói trung thực,
ngay từ đầu, khi dịch bệnh được phát hiện và có thể còn kiểm soát được. Vào thời
điểm dịch bệnh bùng phát, đã quá muộn để ngăn chặn thiệt hại, ảnh hưởng đến
không chỉ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc mà cả Trung Quốc và giờ đây là toàn
thế giới.
Trung Quốc sử
dụng bàn tay sắt trong việc kiểm soát thông tin và nguồn lực theo nguyên tắc “cứu
cánh biện minh cho phương tiện”, bất chấp mọi tiêu chuẩn về nhân quyền để
chống dịch bệnh. Đây là kết quả tất yếu của một chế độ toàn trị. Bị
kẹp giữa dịch bệnh và chính quyền, người dân Trung Quốc đã buộc phải im lặng và
không thể giải quyết được các mối đe dọa leo thang. Dưới vỏ bọc ổn định chính
trị bằng mọi giá, thống kê dịch bệnh đã bị thao túng để phục vụ các mục tiêu
chính trị, dẫn đến sự thiếu minh bạch vốn đã được thể chế chấp nhận như một
cách thức mặc định của các quan chức chính phủ. Trớ trêu thay, bất chấp những
thách thức này, việc kiểm soát chặt chẽ thông tin có thể được sử dụng như một
công cụ để vừa ngăn chặn sự bùng phát vừa chặn các mạng xã hội.
Nhìn vào quá trình xử lý vấn đề ở phần còn lại của
thế giới, các nhà quan sát hời hợt có thể ngưỡng mộ bàn tay sắt của chế độ độc
tài Trung Quốc và ca ngợi hiệu quả của nó – họ quên mất rằng chính chế độ độc
tài này đã che đậy virus và làm trầm trọng thêm sự bùng phát, dẫn đến việc lấy
đi mạng sống của rất nhiều người.
Với các quốc gia dân chủ, khá giả đang gặp khủng hoảng
– như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ý – cách phản ứng dịch bệnh của Trung Quốc lại có
thể được cho là ưu điểm, bởi sự nghiêm ngặt của các chế độ độc đoán tỏ ra hiệu
quả vượt trội hơn các biện pháp đa chiều. Người dân ở các quốc gia dân chủ chậm
chịu cách ly và vẫn duy trì quyền riêng tư của họ, cũng như ít bị hạn chế đi lại.
Trớ trêu thay, sự thiếu cảnh giác và quá tự tin vào các hệ thống phòng chống dịch
bệnh có thể thúc đẩy sự bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia nơi người dân có quyền
tự do lựa chọn phản ứng.
Vì vậy, một hệ thống dân chủ hay độc đoán được trang
bị tốt hơn để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh? Hay câu hỏi về dân chủ hay độc
tài thậm chí còn có ý nghĩa hay không khi có quá nhiều yếu tố đặc trưng ở từng
quốc gia tác động tới quyết định?
Sử dụng trường hợp của Việt Nam có thể minh họa cho
một mô hình chính trị thay thế, vượt qua sự lựa chọn giữa hai mô hình tách bạch
kể trên.
Việt Nam: Kết hợp các nguyên tắc dân chủ và
thực hành độc đoán
Là một quốc gia có thể chế chính trị khá giống với
Trung Quốc, nhưng Việt Nam từ lâu đã được coi là cởi mở hơn nhiều so với Trung
Quốc về kiểm duyệt truyền thông và kiểm soát thông tin. Chẳng hạn, người dân ở
Việt Nam có thể sử dụng hầu hết các mạng xã hội trên thế giới. Facebook đặc biệt
được sử dụng rộng rãi và phục vụ như một nền tảng khổng lồ để mọi người chia sẻ
thông tin cũng như bày tỏ sự chỉ trích, trực tiếp hoặc gián tiếp, đối với các
chính sách của chính phủ. Trong khi truyền thông Trung Quốc chậm tiết lộ lỗ hổng
nguy hiểm và thông tin về bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán, thì việc cộng đồng mạng
Việt Nam hết sức nghi ngờ về thống kê dịch bệnh từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu
khiến họ trang bị một ý thức phòng ngừa mạnh mẽ. Có thể quan sát thấy, một số học
giả đã bị chỉ trích dữ dội khi họ cho rằng khẩu trang là không cần thiết và
coronavirus không nguy hiểm như cúm mùa ở Hoa Kỳ.
Phản ứng với virus đã khiến cho chính phủ Việt Nam
thấy được sức mạnh của các mạng xã hội khi cộng đồng mạng đọc và dựa vào thông
tin để xây dựng các cách thức đối phó. Chính phủ đã học được từ việc quan sát
các luồng thông tin để cố gắng xây dựng niềm tin và tăng cường sự tự lực vốn có
thể mong manh trong các cộng đồng.
Chính phủ Việt Nam dường như nhận ra rằng việc chặn
thông tin kiểu Trung Quốc chỉ làm tình hình tồi tệ hơn và mọi người sẽ nghi ngờ
các chiến dịch tuyên truyền về dịch bệnh từ trên xuống. Trong cách làm ngược lại,
chính quyền Việt Nam vẫn minh bạch về thông tin về dịch bệnh, đồng thời không hạn
chế thông tin trên Facebook. Ngay từ đầu, đã có một số lo ngại khi Phó thủ tướng
kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói
rằng việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc là không cần thiết, và Việt
Nam sẽ duy trì quan hệ cởi mở và liên tục với Trung Quốc. Người dân Việt Nam
ban đầu rất hoang mang vì cho rằng chính phủ của họ có thể đặt mối quan hệ
chính trị và kinh tế với Trung Quốc lên trên sức khỏe của người dân. Tuy nhiên,
chính phủ đã nhanh chóng lấy lại niềm tin bằng cách cam kết kiểm tra và giám
sát kỹ lưỡng, và thậm chí cuối cùng đã cấm du khách từ Trung Quốc.
Việt Nam tuy vẫn được coi là một quốc gia cộng sản,
nhưng trong cuộc chiến chống dịch, chính phủ đặt sự tồn tại và cuộc sống của
người dân lên trên hết. Theo tinh thần đó, chính phủ đã minh bạch đáng kể,
nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng tâm lý trong dân chúng. Một mặt, vì là
một quốc gia độc đảng, Việt Nam dường như không bị ràng buộc bởi các quy định
nghiêm ngặt về quyền riêng tư của người bệnh, thậm chí tiết lộ danh tính của một
số người. Gần đây, ngay cả danh tính và hành trình của một nhân vật chủ chốt phụ
trách lý luận cho đảng dương tính với COVID-19 cũng đã được công khai. Người
dân ở Việt Nam nhìn chung cũng hợp tác hơn người dân ở các nước dân chủ khi bị
cách ly và cô lập. Những người thể hiện thiếu tôn trọng việc cách ly hoặc tự
cách ly sẽ bị chỉ trích gay gắt trên phương tiện truyền thông xã hội.
Như vậy có thể nói, mặc dù Việt Nam vẫn là một quốc
gia độc đảng, chính phủ đã minh bạch hơn trong việc chống lại dịch bệnh và người
dân đã tạo ra hệ thống trách nhiệm giải trình của riêng họ. Mặt khác, vì người
dân nhìn chung chưa có kinh nghiệm với việc thực hành các quy tắc pháp quyền, họ
sẵn sàng dễ dàng từ bỏ quyền riêng tư của mình và hợp tác mạnh mẽ với chính quyền
trong phòng chống dịch bệnh. Cho đến nay, chính phủ Việt Nam, vốn hiểu khá rõ về
các nguồn lực hạn chế của mình, đã tận dụng tốt các yếu tố tích cực của tinh thần
dân chủ công khai và minh bạch cũng như sự thiếu kinh nghiệm pháp quyền trong
dân để chống lại COVID-19. Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của
người dân, đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu và sẵn sàng tạm thời hạ thấp
các yếu tố ý thức hệ nhằm lấy lại niềm tin và chống lại dịch bệnh, đặc biệt khi
nó đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Những chiến thuật này đã phát huy hiệu quả và dẫn đến
những kết quả tích cực cho Việt Nam. Giờ đây, các nguyên tắc pháp quyền như
minh bạch và trách nhiệm giải trình nên được duy trì mạnh mẽ trong việc giải
quyết các vấn đề khác của đất nước, chẳng hạn như chống tham nhũng và độc quyền
lợi ích nhóm. Đồng thời, Việt Nam nên xem xét thể chế hóa các ứng xử như công
khai danh tính và cách ly bắt buộc trong các điều kiện quốc gia đặc biệt như chống
dịch bệnh.
Thật khó để kết luận thể chế chính trị nào có khả
năng chống lại đại dịch tốt hơn, đặc biệt trong điều kiện chênh lệch về công
nghệ chăm sóc sức khỏe, nguồn lực kinh tế và điều kiện khí hậu, tất cả đều khiến
cho việc chuẩn bị toàn diện nhằm chống lại sự lây lan của bệnh tật trở nên phức
tạp hơn. Trong trường hợp của Việt Nam, kết luận có thể được rút ra là để chống
lại đại dịch một cách hiệu quả, chính phủ các nước đang phát triển cần phải
minh bạch và cởi mở để có được niềm tin của người dân đối với các thông điệp của
chính phủ trong việc chống dịch cũng như để giành được sự chấp nhận của công
chúng về hạn chế sự riêng tư vì lợi ích chung. Và quan trọng nhất, có lẽ yếu tố
quyết định phải là sự cởi mở thực tâm và khẩn thiết của chính phủ trong việc đặt
hạnh phúc và việc bảo vệ cuộc sống người dân lên trên tất cả các toan tính
chính trị.
---------------
TS Lê Vĩnh Triển và TS Nguyễn Quỳnh Huy hiện là giảng
viên Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng
trên The
Diplomat. Hình: Zing.
No comments:
Post a Comment