04/03/2020
Một người Hàn Quốc vừa bay từ Daegu sang Việt Nam.
Xuống phi trường, ông có triệu chứng sốt. Trong hai trường hợp sau, cái nào có
thể xảy ra hơn?
A. Ông bị cảm cúm thông thường.
B. Ông bị nhiễm virus cúm mới (SARS-CoV-2 hay còn gọi
là COVID-19).
Nếu là người sốt sắng theo dõi các tin tức về dịch
cúm suốt hơn một tháng qua, đặc biệt là về tình hình dịch đang bùng phát ở Hàn
Quốc, bạn sẽ biết rằng Daegu là tâm dịch đang khiến xứ kim chi rung chuyển. Khả
năng rất cao bạn chọn B.
Bây giờ giả sử ta có thêm thông tin mới về người Hàn
Quốc này. Ông là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji), và xuất
hiện tại nhà thờ vào cùng thời điểm với bệnh
nhân nổi tiếng số 31 của Hàn Quốc. Sau đó ông bay từ Daegu sang Việt
Nam. Rồi phát hiện mình bị sốt. Vẫn câu hỏi như trên, trong hai trường hợp A
(cúm thông thường) và B (nhiễm cúm COVID-19), cái nào có thể xảy ra hơn?
Rõ ràng là B rồi.
Nhưng thực tế có thể khác xa với nhận định của bạn.
Thứ nhất, triệu chứng sốt đề cập trong tình huống giả
định trên là một phản
ứng của cơ thể với rất nhiều tình trạng bệnh lý nặng
nhẹ khác nhau, không chỉ là cảm cúm.
Thứ hai, không cần phải là chuyên gia y tế, bạn cũng
có thể nhận ra rằng năm nào xung quanh cũng đầy người bị cảm cúm (hoặc chính bạn
cũng dính).
Nếu tìm hiểu thêm một chút, bạn sẽ biết rằng có hàng trăm loại virus
khác nhau gây cảm cúm. Và theo ước
tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm khắp thế giới có một tỷ
ca lây nhiễm cúm thông thường, với số người chết khoảng 290.000 đến 650.000.
Nghĩa là, các loại cúm thông thường mỗi năm lây nhiễm và giết chết số người gấp
hàng ngàn lần so với cúm corona hiện nay.
Tất nhiên nó hoàn toàn không có nghĩa rằng
đại dịch virus corona mới này không đáng lo. Mọi dịch bệnh lây lan nhanh, gây
chết người, và đặc biệt nếu mới xuất hiện, đều đáng sợ.
Nhưng sợ là một chuyện. Nhập nhằng giữa sự thật và ảo
giác là chuyện khác. Chính sự nhập nhằng này là môi trường lý tưởng cho tin giả
(fake news) lan truyền.
Mấy tháng qua, dịch corona bùng phát, dịch tin giả
cũng hoành hành cõi mạng lẫn cõi đời, không kém cạnh là bao. Vì sao ta dễ tin
vào tin giả đến như vậy?
Đó là vì não
người có sẵn những thành kiến (bias) để nảy ra kết luận bất kể thực tế (facts)
trái ngược tới đâu.
Trong quyển sách “The
Art of Thinking Clearly” (Nghệ thuật Tư duy Rành mạch), tác giả Rolf
Dobelli đã liệt kê ra đến 99 loại thành kiến và thói ngụy biện phổ biến trong
tư duy.
Trong câu chuyện này, chúng ta sẽ nhắc đến hai loại
có liên quan nhất.
1. Thành kiến hóng chuyện (story bias)
Chúng ta luôn muốn nghe một câu chuyện nơi mà các sự
kiện, nhân vật, tình tiết có liên quan đến nhau, có nút thắt nút mở, có kịch
tính hấp dẫn, có mâu thuẫn phải giải quyết… Tóm lại là không được chán.
Nếu thiếu những yếu tố đó, mọi kiến thức dữ liệu đều
chỉ là những thông tin tẻ nhạt, các số liệu chán òm, không đáng để tâm và không
được nhớ tới.
Nghe tin cô bạn đồng nghiệp sáng qua đi làm bị bể
bánh xe, bạn sẽ quên ngay trong vòng vài nốt nhạc. Nhưng nếu biết cô đó vì bể
bánh xe phải dừng lại kiểm tra, đúng lúc một chiếc xe tải lạc tay lái đâm ngay
vào loạt xe phía trước, cô bạn này nhờ đó thoát hiểm trong gang tấc, bạn sẽ ghi
nhớ câu chuyện này rất lâu.
Não chúng ta được lập trình để chú ý các câu chuyện,
vì đó là cách thức tổ tiên chúng ta truyền đạt kinh nghiệm sống từ hàng chục
ngàn năm trước, khi chữ viết còn chưa được phát minh.
Các câu chuyện, tổ hợp những thông tin được trình
bày có liên quan đến nhau, cho chúng ta ý nghĩa về thế giới
xung quanh (theo cách người kể và người nghe mong muốn).
Vì vậy nó đặc biệt hấp dẫn, hơn xa các dữ liệu thô đứng
riêng lẻ một mình.
Nhưng chính thói quen muốn liên hệ mọi thứ với nhau
lại khiến chúng ta dễ ưu ái cho những tin tức giật gân, câu khách, gây sốc,
thay vì những sự thật giản dị nhưng tẻ nhạt.
2. Thành kiến gật gù (confirmation bias)
Nó còn được biết đến với tên gọi phổ biến là “thành
kiến xác nhận”, được phong làm “bà nội của tất cả các thành kiến”.
Thành kiến gật gù đơn giản có nghĩa là bạn hiểu thế
nào về thế giới, bạn sẽ biết đúng như vậy, và chỉ tin đúng vào hiểu biết
đó.
Những thứ hợp
ý sẽ được bạn gật gù dang rộng vòng tay chào đón. Còn những thứ trái ý không những
bị bạn hắt hủi bỏ qua, mà còn tìm mọi cách để vùi dập, thậm chí hủy diệt nó.
Các fan của chiêm tinh học (astrology) là một dẫn chứng
sinh động cho loại thành kiến này. Niềm tin vào “sự kỳ diệu” về huyền thoại của
các vì sao trên trời rất dễ khiến bạn gật gù trước những “dự báo” chiêm tinh.
Những lời chiêm tinh thường đều là các câu chung
chung vô thưởng vô phạt, có thể áp được vào tất cả mọi người trong hầu hết hoàn
cảnh. Ví dụ như sức khỏe của bạn tốt nhưng cần chú ý nghỉ ngơi, sự nghiệp của bạn
có vài thành công nhưng cần chuẩn bị cho các thử thách phía trước, tình hình
tài chính của bạn đang ổn nhưng mọi thứ có thể sẽ phức tạp …
Khi đã có sẵn niềm tin, bạn sẽ tự động gán những sự
việc xảy ra trên thực tế cho những “lời tiên tri” đó, để rồi gật gù tâm đắc
“chuẩn ghê”. Ngay cả khi có những chuyện xảy ra không khớp với “tiên tri”, bạn
cũng có thể dễ dàng bỏ qua cho nó là “ngoại lệ”, tiếp tục trung thành với niềm
tin của mình.
Người ta gọi
đây là bà nội của tất cả các thành kiến vì nó đảm bảo mọi thứ nghịch lý và thói
ngụy biện trong tư duy đều tiếp tục tồn tại.
Ôm giữ lấy nó giống như việc cầm khư khư cây xẻng
khi bạn đã ở dưới hố. Thay vì trèo lên, bạn tiếp tục đào. Càng đào càng tụt xuống
sâu. Nhưng với cây xẻng trong tay, bạn tự tin ngạo nghễ thấy mình vô địch. Nếu
ai dám có ý kiến trái ngược, bạn sẵn sàng vung xẻng đập lại. Sau đó tiếp tục
đào.
Càng xuống sâu, bạn càng không nghe được những âm
thanh bên trên. Ánh sáng mặt trời cũng càng lúc càng khó rọi tới.
Bạn chỉ có thể làm bạn với các “xẻng gia” như mình.
***
Có nhiều người, khi đề cập đến những thành kiến
trong tư duy, thường dùng từ “xóa bỏ”.
Họ muốn khuyên người khác phải gỡ bỏ, gạt bỏ, xóa đi
các thành kiến.
Đây là một ảo tưởng.
Các thành kiến/ nghịch lý trong tư duy là một loại lối
tắt, là sản phẩm tiến hóa của bộ não nhân loại trong suốt hàng trăm ngàn, thậm
chí là hàng triệu năm. Nó giúp con người nhanh chóng đưa ra quyết định liên
quan đến sinh mạng và an toàn cá nhân trước những mối nguy hiểm luôn rình rập từ
thiên nhiên lẫn từ chính đồng loại của mình. Khi đứng trước những mối hiểm nguy
ngay trước mắt đó, con người không còn cơ hội để suy nghĩ và phân tích tình
hình một cách thấu đáo nữa. Họ phải ra quyết định gần như ngay lập tức. Và các
thành kiến chính là lối tắt để đưa ra những quyết định ngay lập tức đó.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng tồn tại những thành kiến
đủ loại trong đầu.
Việc mỗi người có thể làm không phải là tìm cách xóa
bỏ nó, mà là (1) luôn luôn nhận thức về sự tồn tại của nó và
(2) luôn luôn cảnh giác với nó, hay chính xác hơn, luôn luôn cảnh giác
với hiểu biết của bản thân.
Trong quyển sách nổi tiếng “Thinking,
Fast and Slow” (Tư duy, Nhanh và Chậm), nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã
trình bày các nghiên cứu do ông và người cộng sự đã mất trước đó, Amos Tversky,
cùng thực hiện.
Theo đó, một cách giản lược, con người có hai cơ chế
tư duy.
A. Theo bản năng, tự động và cảm tính.
B. Theo nhận thức, logic và lý trí.
Bạn cũng có thể đoán ra, A là cơ chế diễn ra cực kỳ
nhanh, còn B lại chậm chạp, từ từ.
Trong khi chúng ta rất dễ dàng để cho A xuất hiện,
thì để lôi được B ra xài lại phải cực kỳ mất công sức.
Đó là lý do vì sao rất nhiều người dễ dàng tin vào
những tin giả, hay chỉ đơn giản là tha hồ lan truyền “tin chưa kiểm chứng”. Vì
điều đó quá dễ dàng.
Còn việc phải suy nghĩ cẩn trọng, phân tích từng dữ
kiện, hay nhất là phải tự đi kiểm chứng, xác minh trên thực tế, với nhiều người
là chuyện quá khó khăn.
Lev Tolstoy từng nói “mọi chân lý đều giản dị”. Sự
thật tuy giản dị, nhưng nó không đến một cách dễ dàng.
Ta không chỉ phải cố gắng tìm ra và lựa chọn sự thật,
mà còn phải xứng đáng để được sự thật tìm thấy và lựa chọn.
Nếu không, ta khác gì với những kẻ dối trá hèn nhát
mà mình căm ghét?
No comments:
Post a Comment