24/03/2020
Dịch
viêm phổi Vũ Hán đã chất thêm gánh nặng cho cư dân đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) – khu vực vốn bị xem là đang hấp hối vì hạn hán và nước mặn xâm nhập
càng ngày càng sâu vào ruộng, vườn.
Hạn hán và nhiễm mặn không mới. Tình trạng này từng
lặp đi, lặp lại nhiều lần. Yếu tố “mới” chỉ ở mức độ trầm trọng. Khi so lần sau
với những lần trước, dù muốn hay không thì từ các viên chức hữu trách đến cư
dân cũng phải cùng thừa nhận là… chưa từng có!
Hậu quả của hạn hán và nhiễm mặn càng ngày càng đa dạng:
Khai thác nước ngầm để bù vào lượng nước ngọt cần thiết cho cả sinh hoạt lẫn trồng
trọt, chăn nuôi,… vốn càng ngày càng giảm khiến bề mặt ĐBSCL biến dạng.
Được sự tiếp sức của việc cho phép khai thác – tận
thu cát vô tội vạ, sạt lở, sụt lún đã xảy ra khắp nơi. Giờ, “tan rã” không còn
là nguy cơ. “Tan rã” đã trở thành hiện thực, đe dọa hủy diệt khu vực mà sản vật
tự nhiên vốn đa dạng, phong phú nhất Việt Nam!
***
Cho dù mức độ trầm trọng của thảm trạng đang diễn ra
ở ĐBSCL có sự góp phần của những con đập ở thượng nguồn sông Mekong và thời tiết
dị thường do biến đổi khí hậu nhưng xét cho đến cùng, nguyên nhân chính vẫn nằm
ở tư duy quản trị và năng lực điều hành quốc gia…
Cho dù còn không ít khác biệt về biện pháp giải cứu
ĐBSCL nhưng ít nhất, các chuyên gia ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam luôn đồng thuận:
Hạn hán ở ĐBSCL sẽ không
càng ngày càng đáng sợ như đã thấy nếu “đảng ta” không ra lệnh cải tạo
những vùng trũng từng là nơi tích nước cho ĐBSCL (Đồng Tháp Mười,…) thành ruộng
lúa.
Hệ thống đê bao, những dự án kiểu như “Ngọt hóa bán
đảo Cà Mau”,… những nghị quyết nhằm tăng sản lượng gạo ở ĐBSCL để vươn lên dẫn
đầu về xuất cảng gạo, để nâng kim ngạch xuất cảng thủy sản, giúp “chỉ tiêu tăng
trưởng” của năm sau cao hơn năm trước,…
Tương tự, để thu hút đầu tư, vì “chỉ tiêu tăng trưởng”
mà gật đầu liên tục với đủ loại dự án đầu tư, cho phép xây dựng những nhà máy
mà hoạt động hủy hoại cả môi trường sống lẫn nguồn nước (bột giấy, đốt than để
phát điện,…) đã khiến nguồn nước của sông rạch ô nhiễm trầm trọng, phải bù đắp
bằng gia tăng khai thác nước ngầm.
Hạn hán, sông rạch và ruộng vườn nhiễm mặn, sạt lở,
sụt lún ở ĐBSCL liệu có trầm trọng như đang thấy nếu không có những chủ trương,
những nghị quyết như đã kể, không có việc thi nhau cho phép khai thác cát để
tăng nguồn thu? Chắc chắn là không!
Đã có ai, nơi nào nhận hoặc bị truy cứu trách nhiệm
về những chủ trương, nghị quyết đó không?
***
Trước tình trạng càng ngày càng bi đát của ĐBSCL, cuối
năm 2017, chính phủ Việt Nam ban hành thêm một nghị quyết nữa để giúp ĐBSCL
“thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” và “phát triển bền vững” (Nghị
quyết 120/NQ-CP).
Nghị quyết 120/NQ-CP được chính các viên chức hữu
trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam ví von là
“Nghị quyết thuận thiên”: Quản trị và điều hành hoạt động kinh tế - xã hội ở
ĐBSCL sẽ “tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh
can thiệp thô bạo vào tự nhiên” (1).
Cho dù cuối cùng đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta,
chính phủ ta cũng thấy, ít nhất với trường hợp ĐBSCL, quản trị, điều hành phải
thuận… thiên nhưng trên thực
tế, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta vẫn muốn dùng nghị quyết thế…
thiên!
Tuần trước, khi tham gia “Tổng kết 10 năm thực hiện
Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”,
ông Nguyễn Xuân Phúc – người thường tỏ ra hết sức tâm đắc với “Nghị quyết thuận
thiên” - tuyên bố: “Ta” đang đối diện với “thử thách lớn”, phải “nuôi
ăn 104 triệu người”, do đó cần “chốt cứng diện tích trồng
lúa và sản lượng lương thực hàng năm” và sẽ sớm trình Bộ
Chính trị đề nghị giữ hơn 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa để ít nhất
cũng có 22 triệu tấn gạo (2)…
Cách nay hơn ba thập niên, “an ninh lương thực” mở
đường cho nhiều chủ trương, nghị quyết “cải tạo toàn diện” ĐBSCL, đẩy khu vực
này trước thảm trạng như đang thấy. Giờ khi các chuyên gia ở cả trong lẫn ngoài
Việt Nam đã hiến nhiều giải pháp nhằm giúp ĐBSCL cầm cự, “an ninh lương thực” lại
ngóc đầu gượng dậy.
Thiếu nước ngọt, ruộng vườn nhiễm mặn là thực tế khó
lòng xoay chuyển nhưng “thuận thiên” có thể giúp cho ĐBSCL tồn tại và phát triển
theo những hướng khác như tôm, cá,… Một “nghị quyết” kiểu như phải giữ
hơn 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa để ít nhất cũng có 22 triệu tấn
gạo có thể sẽ tiếp tục sổ toẹt vai trò, tri thức của các chuyên gia.
Bây giờ là lúc để những cá nhân có thực học trong
nhiều lĩnh vực (thủy lợi, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, thương mại,…) cùng nhau
thảo luận, lựa chọn những giải pháp hợp lý nhất, khả thi nhất giúp ĐBSCL có thể
thật sự “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” và “phát
triển bền vững”. Nếu chưa “tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và
tự nhận các hình thức kỷ luật tương xứng” về trách nhiệm đối với hiện trạng
ĐBSCL, Bộ Chính trị nên ngồi im.
Thực tế đã cho thấy những cá nhân thủ đắc “cao
cấp lý luận chính trị” hay “xây dựng đảng” hoặc có chuyên môn
sâu về những lĩnh vực tương tự không thể và không nên can dự vào việc tìm lối
thoát hiểm cho ĐBSCL. Phá đến như thế mà vẫn thấy chưa đủ sao?
-------------------
Chú
thích
-------------------------------------
XEM THÊM
25/03/2020
*
24/03/2020
*
24/03/2020
No comments:
Post a Comment