Thursday, 12 March 2020

THẢM KỊCH CỦA CÁCH MẠNG : NHỮNG BÀI HỌC TỪ QUÁ KHỨ (Daniel Chirot - The American Interest)






Mặc Lý (dịch)
12/03/2020

(Bản dịch bài “The Tragedy of Revolution: Lessons from the Past” đăng trên tạp chí The American Interest, ngày 03/03/2020  của Daniel Chirot, hiện dạy tại phân khoa Quốc Tế Học, đại học Washington.)

Một điểm quan trọng cần nhớ: Những người ôn hòa ít khi hiểu được những tay cấp tiến cực đoan nguy hiểm như thế nào.

Những cuộc cách mạng bạo động nhất của thế kỷ 20 thường khó ai lường được. Khi cách mạng nổ ra, kết quả khác xa với những gì đa số người ủng hộ ban đầu mong đợi. Hầu hết mọi cuộc cách mang chính trị cận đại lớn đều kết thúc bằng thảm kịch với vài trăm ngàn người chết và trong những trường hợp cực đoan nhất, nhiều triệu người chết, những cái chết không cần thiết. Dù vậy, nhiều người vẫn còn nghĩ rằng cách mạng là cần thiết, có tác động tích cực về lâu về dài. Thế tại sao rất nhiều cuộc cách mạng đã trở thành thảm kịch như vậy?

Năm 1913, như Lenin viết trong một bức thư, ông xem như không còn hy vọng gì về một cuôc cách mạng xảy ra ở Nga, trừ trường hợp Nga Hoàng và Hoàng Đế của Đế Quốc Áo Hung ngu ngốc gây chiến với nhau, mà Lenin không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nay nhìn lại cuôc cách mạng Nga 1917, ta thấy có nhiều động lực thúc đẩy cách mạng nổ ra đã có lúc đó. Tuy nhiên phe chủ xướng ôn hòa đã phạm nhiều lỗi lầm, phán đoán sai và cả ngây thơ về chính trị lúc mới cầm quyền vào tháng 02/1917, khiến Lenin thành công và lật đổ họ tám tháng sau, đưa đến cuôc nội chiến và khủng bố đẫm máu trong nhiều năm sau.

Ở Iran, trong các cuôc phỏng vấn khá cởi mở giữa thập niên 1970s, Quốc vương Iran, rất tự tin bảo rằng ông ta sắp làm cho Iran trở thành 1 trong 5 đại cường quốc trên thế giới và nhân dân Iran đang yêu mến ông như yêu một cha gìà nhân ái. Thế mà đến 1979, sau một năm với những cuộc biểu tình bạo động, ông bị lật đổ và Iran đi vào con đường chuyên chế giáo quyền tàn bạo.

Hai trường hợp trên cũng không phải cá biệt. Năm 1931, Pháp tổ chức một cuộc đấu xảo, triển lãm hình ảnh đế quốc thuộc địa của mình, hoành tráng, tốn kém, thu hút đông đảo người tham dự, quảng bá cho sứ mạng khai hóa văn minh và lợi ích mà nước Pháp mang lại cho các thần dân tại các thuộc địa ở Phi Châu, Á Châu và Cận Đông. Ít có người nào tham dự cuôc đấu xảo này lại đoán được rằng chỉ trong vòng 3 thập niên sau đó, cuối cùng cả đế quốc Pháp cũng sụp đổ sau hai cuộc chiến tranh cách mạng phản thực, thiệt hại tiền của và máu xương ghê gớm tại Đông Dương và Algeria, chỉ vì người Pháp nhất quyết từ chối không chịu nhượng bộ những đòi hỏi ôn hòa, đòi được mở rộng quyền tự trị.

Ở Mexico, năm 1908, rất ít người ngoại quốc đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển ở đó lại thấy được chế độ đôc tài của Porfirio Diaz có thể sụp đổ. Và lại càng ít người tiên đoán được sau cuộc cách mạng dân chủ ôn hòa năm 1911, Mexico lại đi vào những bạo động cực kỳ đẫm máu thập niên sau đó.

Ở Trung Hoa, đến 1910 nhiều người cũng thấy vương triều nhà Thanh sẽ sụp đổ, nhưng lúc đó không có đảng Cộng Sản và dù có, không ai tiên đoán được đảng Cộng Sản sẽ nắm quyền năm 1949. Ngay trước khi Nhật Bản xâm lăng Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch năm 1937, ai cũng nghĩ đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị tận diệt tới nơi.

Một thí dụ khác là cuộc cách mạng ở Đức trong thập niên 1930s, tuy ít người xem đó là cuộc cách mạng. Khi những người bảo thủ Đức đưa Hitler lên nắm quyền năm 1933, họ tin chắc là họ có thể kiểm soát được tay cực đoan bốc đồng người Áo này. Tài hùng biện của Hitler sẽ diệt tả phái, họ nghĩ thế và rồi các định chế hữu phái sẽ truất quyền Hitler. Lịch sử có xảy ra thế đâu?

Những cuộc cách mạng đầu tiên của lịch sử cận đại, ở Mỹ 1775 và Pháp 1789 có thể chuyển hướng được, dù rằng các tư tưởng tự do, giải phóng vẫn cần thiết trong nhiều giai đoạn lịch sử. Điều này đặc biệt đúng trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789, vì lúc đó nước Pháp đủ giàu để giải quyết vấn đề khó khăn tài chính và có đủ hàng ngũ giáo sĩ, trí thức và quan chức để tiến hành cải cách. Tuy nhiên sự cứng đầu, nhất định không chịu thay đổi của hoàng gia và giới quý tộc, khiêu khích phe chống đối đòi hỏi thay đổi vô tận, hết cái này đến cái khác, thay vì giới cầm quyền chấp nhận những đòi hỏi thay đổi ngay ban đầu. Ở Pháp cũng như trong rất nhiều cuộc cách mạng khác trên thế giới trong thế kỷ 20, làn sóng những người cách mạng đầu tiên, cấp tiên ôn hòa, bị những tay cách mạng cực đoan tiêu diệt, đưa nước Pháp vào thời kỳ nội chiến và khủng bố. Cuối cùng chế độ độc tài quân sự của Napoleon với những cuộc chiến tranh liên miên với các nước láng giềng làm khánh tận nước Pháp.

Ta có thể học hỏi được gì từ những cuộc cách mạng này và vô số trường hợp tương tự?

Thứ nhất, trong một cuộc cách mạng, thường ta không biết ngay  được những gì sẽ xảy ra. Một khi bạo động đã bùng nổ, các biến cố sẽ nhanh chóng rơi ngoài tầm kiểm soát của những người khởi xướng, lúc mà lực lượng chống cách mạng phản công và những tay cực đoan nhất trong hàng ngũ cách mạng lên nắm quyền. Sự can thiệp của nước ngoài lại làm điều này dễ xảy ra hơn. Trong tất cả những cuộc cách mạng lớn trên thế giới thời cận hiện đại, cách mạng Mỹ 1775 đứng riêng như một biệt lệ vì giới tinh hoa cầm đầu cách mạng luôn luôn kiểm soát được tiến trình và họ giới hạn mục tiêu cách mạng trên phương diện chính trị hơn là thay đổi  về mặt xã hội và kinh tế. (Cũng phải nói cho rõ là điều này cũng có cái giá riêng của nó: vấn đề nô lệ còn để nguyên không đụng tới và nó ám ảnh nước Mỹ từ đó cho tận ngày nay.)

Thứ hai, những nhà cải cách ôn hòa thường không hiểu những tay quá khích cực đoan nguy hiểm như thế nào. Trong cách mạng Pháp 1789, những lãnh tụ như Lafayette hay Condorcet, không hiểu rằng chính họ là mục tiêu của những quý tộc phản cách mạng phía hữu cũng như những tay cách mạng cực đoan phía tả, đến khi hiểu ra thì đã quá trễ. Lafayette phải đi lưu vong còn Condorcet thì bị ám sát dù ông này luôn ủng hộ cho cuộc cách mạng. Số phận của Kerensky cả những tay ôn hòa ở Nga cũng vậy, cũng như của một loạt những người ôn hòa ở Mexico. Shapour Bakhtiar, một người ôn hòa chống đối hoàng triều độc tài của Iran, bị Quốc Vương Iran bỏ tù nhiều lần, cuối cùng được đưa lên nắm quyền năm 1978, nhưng lúc đó đã quá trễ để cứu vãn tình thế. Trong thơi gian chuyển tiếp, chính phủ do ông cầm quyền có những cải cách dân chủ nhưng cuối cùng ông bắt buộc phải lưu vong sang Pháp khi giáo chủ Khomeini lên cầm quyền và sau đó bị các nhân viên mật vụ Iran gửi sang ám sát.

Những người bảo thủ tương đối ôn hòa, chống đối cách mạng cũng không thấy được điều này. Họ sẵn sàng tìm đồng minh bằng cách thỏa hiệp với phe cực hữu hơn là những người tương đối ôn hòa của phe tả. Những kiểu liên hiệp như vậy đã đưa Mussolini ở Ý năm 1921 và Hitler ở Đức năm 1933 lên cầm  quyền.

Nhà sử học lừng danh Crane Brinton cũng đúc kết lại là sau mỗi cuộc cách mạng đều có một “cuộc phản cách mạng Thermidorian”. Thermidor là tháng 11 của lịch cách mạng Pháp, tháng mà lãnh tụ tàn bạo Robespierre của thời kỳ Đại Khủng Bố bị lật đổ và đưa lên đoạn đầu đài năm 1794, mở đầu cho một giai đoạn ôn hòa. Nhìn lại những cuộc cách mạng của thế kỷ 20, ta thấy “cuộc phản cách mạng Thermidor” đều có xảy ra đấy nhưng phải chờ thời gian lâu hơn là trong cách mạng Pháp, khi phe cách mạng cực đoan chỉ cầm quyền vỏn vẹn 2 năm. Ở Nga chỉ sau khi Stalin chết năm 1953, và nhất là trong thập niên 1970s và 1980s, cuộc cách mạng mới bỏ đi những lý tưởng cấp tiến cực đoan. Điều này (cuộc phản cách mạng Thermidorian) cũng tương tự như những gì xảy ra thời Đặng tiểu Bình ở Trung Quốc, nhưng không hoàn toàn và vẫn kéo dài đến nay. Ở Iran cuộc đấu tranh giữa phe cực đoan và trung dung ôn hoà vẫn tiếp tục cho tận bây giờ.

Thứ ba, một bài học tổng quát từ những cuộc cách mạng thời cận hiện đại là cuối cùng, những người cách mạng cầm quyền nói chung sẽ bị hủ hóa, Sau khi những tay cách mạng cực đoan thành lập chính quyền độc tài, guồng mảy cũ vạch ra và kiểm soát, chế tài tham những không còn nữa và không có guồng máy mới thay thế trong chính quyền độc tài. Đây là điều đã xảy ra cho đại đa số các cuộc cách mang phản thực của thế giới thứ ba như ở Angola, Algeria, Syria (đảng Baath) và Iraq (trước khi bị người Mỹ lật đổ). Nó cũng là điều đã xảy ra trong các nước Cộng Sản Đông Âu trước thập niên 1980s và cũng là điều Tập Cận Bình lo ngại. Đây là kết cục đáng buồn của những cuôc cách mạng cực đoan muốn thay đổi tận gốc rễ: theo sau những cuộc cách mạng thất bại như vậy là chế độ chuyên chính “ăn cắp”, tiêu biểu nhất là chế độ của Vladimir Putin ngày nay.

Kết luận thứ tư và cuối cùng: cải cách có thể xảy ra được mà không cần tới cách mạng, quí hồ giới chính trị gia tinh hoa hiểu được nhu cầu thay đổi từng bước một và chịu thỏa hiệp. Trong nhiều trường hợp, sự đàn áp những tiếng nói ôn hòa đòi thay đổi có thể kéo dài đấy, nhưng cuối cùng một vài biến cố đột ngột – chiến tranh, nạn dịch, khủng hoảng kinh tế, … cộng thêm với phản ừng quá đà của lực lượng đàn áp, sự ích kỷ dung tục của giới tinh hoa cầm quyền, tất cả sẽ châm ngòi cho những phản ứng cực đoan hơn. Từ đó cách mạng dễ dàng đi đến bước cực đoan hủy diệt. Chỉ sau nhiều năm rơi vào thảm kịch, người ta mới hiểu rằng cách mạng như vậy là vô ích và những giải pháp khôn ngoan hơn, tốt hơn vẫn có đó nhưng không được thi hành.

Câu hỏi là còn bao nhiêu người ở phe tả lẫn phe hữu còn chưa hiểu những bài học này vẫn thích hợp cho thời đại ngày nay?

Mặc Lý (dịch)
(09/03/2020)

-----------------------
Nguồn:
Published on: March 3, 2020





No comments:

Post a Comment

View My Stats