Tuesday, 17 March 2020

PHẢI TÊN XƯNG XUẤT TẠI THẰNG . . . "COVI" (Tương Lai)




Tương Lai 
17/03/2020

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 88

Mượn lời cụ Nguyễn Du đặt tên cho bài viết mà lời lẽ không thể dịu dàng được là để nhằm bớt đi sự nặng nề cho người đọc.

Mở đầu cho tấn thảm kịch của người con gái tài sắc vẹn toàn, tác giả Truyện Kiều miêu tả nguyên nhân đày đoạ vùi giập thân phận một con người từ một lý do thật vu vơ “Điều đâu bay buộc ai làm? Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng. Hỏi ra sau mới biết rằng: Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”!

Trong câu chuyện “covid 19” thì không có chuyện “bỗng dưng” mà cả hệ thống tuyên truyền của Tập Cận Bình đang “đan dậm, giật giàm” để quân tướng của y trên các trận địa từ ngoại giao đến chính trị, quân sự… hô hoán lên rằng con virus quái ác này không phải xuất xứ từ Vũ Hán, mà là ở bên ngoài Trung Quốc. Chuyện dối trá này được chuẩn bị rất công phu với một chiến dịch ngoại giao và truyền thông đã được loang ra, trước hết nhằm tung hỏa mù về thời điểm khởi đầu chính xác nạn dịch.

Sự che giấu này kéo dài đến gần hai tháng. Ca nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 12/2019, nhưng chính quyền chỉ công khai vào ngày 20/01/2020. Vì thế, con virus này đã lan rộng trên cả nước Trung Quốc trong dịp Tết âm lịch với số lượng người khổng lồ về quê ăn Tết, và sau đó gây tai họa cho cả thế giới.

Tất cả các đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài được lệnh cho lan truyền trên Twitter (dù mạng xã hội này bị cấm tại Hoa lục) và báo chí ngoại quốc một thông điệp như sau: “Tuy con virus corona đã lan ra từ Vũ Hán, nhưng xuất xứ thực sự của nó vẫn chưa rõ. Chúng tôi đang tìm kiếm xem con virus này xuất phát từ đâuThế rồi, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đến việc chợ bán thú hoang Hoa Nam ở Vũ Hán, mà ban đầu được cho là nơi xuất phát nạn dịch, nay không còn là tâm dịchNgôi chợ này đã được dọn dẹp toàn bộ và có thể sẽ bị phá hủy, không còn để lại một dấu vết nào.

Tiếp đó, xảo quyệt hơn, bộ máy tuyên giáo của đảng cộng sản ra sức gieo rắc nghi ngờ trong đầu mọi người rằng con virus Vũ Hán có nguồn gốc từ…Mỹ ! Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo tuần trước còn gửi cho tất cả các Hoa kiều tại Nhật một số chỉ thị cần áp dụng khi phải đối phó với “virus corona Nhật BảnCứ như là con virus Vũ Hán sau khi tràn sang Nhật đã nhập quốc tịch Nhật Bản.

Ngạo ngược hơn, bộ máy truyền thông TQ còn trơ trẽn rêu rao rằng “thế giới phải cám ơn Trung Quốc” vì đã hy sinh, chiến đấu với con virus, và nay Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nước nào cần đến.

Mới hiểu tại sao, Trung Quốc ngay lập tức phản đối ngoại trưởng Mỹ khi Mike Pompeo gọi virus Corona chủng mới là “virus Vũ Hán” trong các cuộc phỏng vấn trên CNBC và Fox News ngày 6.3.2020. Khi được người dẫn chương trình Fox News hỏi lại, Mike Pompeo nói “Đâu phải từ ngữ của tôi. Từ ngữ của chính Trung Quốc đó… chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus“. Và ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ ngay bình luận của Trung Quốc rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi nào đó ngoài Vũ Hán.

Còn một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc thì trâng tráo tuyên bố “Trong lúc vẫn tiếp tục công việc phòng dịch tại Hoa lục, chúng tôi sẽ cung cấp – trong phạm vi khả năng của mình – sự hỗ trợ cho các nước.

Một câu hỏi lớn nữa khá hóc búa chưa có lời giải rõ ràng vừa được báo chí phương Tây đặt ra: “Tại sao sau 24 giờ Chủ tịch Trung Quốc đến Vũ Hán và mở khả năng dở bỏ cách ly Vũ Hán, WHO tuyên bố đại dịch? Liệu có quan hệ gì giữa việc hỗ trợ cho Bắc Kinh giữ chân các doanh nghiệp sản xuất ở lại công xưởng lớn nhất thế giới? Hay lần công bố này diễn ra trong tình thế nền kinh tế thế giới đang đi vào quỹ đạo khủng hoảng?

Thì ra, trên “chính trường”, những trò “đan dậm giật giàm” kiểu này diễn ra như cơm bữa.

Xem thế thì, trước đây danh xưng “thằng bán tơ” được dân mạng dùng để gọi ba giáo sư nọ tại một học viện kia, oan thì chẳng oan nhưng độ thâm hiểm và vô liêm sỉ một cách lì lợm thì còn kém xa các quan thầy của họ, những người đồng chí cùng chung ý thức hệ với nơi sản sinh ra hàng loạt các nhà hàn lâm kiểu “bệnh nhân thứ 21 mắc dịch” covi! Ba “thằng bán tơ” mang hàm giáo sư này “xưng xuất” chuyện chẳng đâu vào đâu để rồi giơ đầu chịu báng là do già mà dại, vạ miệng nói liều khiến “bia miệng vẫn còn trơ trơ” ra đó.

Ấy thế nhưng quan thầy của các vị thì bất chấp bia đá hay bia miệng! Vốn quen lấy thịt đè người,  cái tâm địa “ăn thịt người” – mà Lỗ Tấn từng đau đớn, quyết liệt vạch trần – vốn có truyền thống biến giả thành thật mà điển tích Triệu Cao chỉ “hươu thành ngựa” (指鹿为马)” là một điển hình lưu truyền sử sách. Triệu Cao là người trải qua ba triều nhà Tần và cũng là người góp phần diệt bỏ nhà Tần. Sử Ký của Tư Mã Thiên dựng lên hình tượng Triệu Cao tái đi tái lại trong các chương sách nhằm khắc hoạ một điển hình “giảo quyệt truyền thống” xuyên suốt các triều đại Trung Hoa! Vì vậy chẳng lạ gì chuyện ăn không nói có, biến hươu thành ngựa, khiến giả thành thật của những Triệu Cao hiện đại trong nền chính trị, ngoại giao nước Tàu khiến cả thế giới đều cảnh giác.

Không ai khác, chính những trí thức chân chính của Trung Quốc, các học giả có nhân cách trong giới hàn lâm Trung Quốc đã lớn tiếng phê phán vạch trần sự tệ hại đó bất chấp sự đàn áp, khủng bố của nhà cầm quyền. Một trong những tiếng nói dõng dạc và dũng cảm ấy được in thành sách của nhà văn Lưu Hiểu Ba với nhan đề Cái chết chìm của siêu cường, lời cảnh tỉnh gửi tới Trung Quốc”. Nhà văn được giải thưởng Nobel đã vạch trần bộ mặt giả dối, lừa mị của tập đoàn cầm quyền Trung Cộng: Trong mấy chục năm qua người dân bách tính Trung Quốc đã phải trả một cái giá rất lớn cho hình tượng đạo đức giả và sự ngu xuẩn của những kẻ cầm quyền, lẽ nào có thể để lịch sử như thế này tiếp tục đi về phía tương lai hay saoCác vị nghe cho rõ nhé, tôi – Lưu Hiểu Ba – muốn các vị nhớ lấy sự thật ấy”.

Sự thật! Phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật.

Đúng vậy. Về chủ đề này thì vừa rồi Nguyễn Trung thật chân thành khi anh viết “sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật” . Vẫn mạch văn cuồn cuộn cảm xúc quen thuộc dẫn dắt người đọc cùng suy tư với anh: “Sẽ không khó khăn lắm để hình dung: Nước ta sẽ ra sao, nếu chúng ta làm theo kiểu Trung Quốc đối mặt với đại dịch này, … vì những lý do bất minh đã bắt đầu từ bưng bít và trấn áp thông tin đầu tiên về dịch bệnh, bỏ phí mất gần 3 tuần lễ đầu tiên – được coi là thời gian vàng để kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh – rồi đến lúc bắt buộc phải vào cuộc, cô lập hàng chục triệu dân ở Hồ Bắc, rồi tiếp theo là phải cô lập hàng trăm triệu dân ở hàng chục tỉnh Trung Quốc khác.., để cho dịch bệnh lan ra khắp Trung Quốc và đổ ra toàn thế giới – với biết bao nhiêu tai họa toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến hiện nay...”.

Nhưng, đối mặt đến đâu, thời điểm nào và có đúng là nếu chứ không phải là đã có lúc những ai đó đã định dập theo khuôn mẫu của chế độ toàn trị phản dân chủ của thầy Tập mà “làm theo kiểu Trung Quốc đối mặt với đại dịch này” đó sao? Thế rồi, dưới sức ép của công chúng, trước hết là của một bộ phận những trí thức ưu tư về vận nước, thông qua mạng lưới truyền thông xã hội đã kịp thời lên tiếng cảnh báo cách ứng xử theo lối “truyền thống” đã ăn sâu vào não trạng của không ít người chịu ảnh hưởng của người “đồng chí cùng chung ý thức hệ” bịp bợm.

Trong một khoảng thời gian dài người ta vẫn chống chế để khẳng định rằng chưa đến mức phải đóng cửa biên giới vì dịch bệnh không đến nỗi nghiêm trọng. Kể cả khi tin bệnh dịch đã được công khai, thì cái luận điệu “chưa đến nỗi nghiêm trọng” từ những tuyên bố lạc quan của một vài chuyên gia y tế được tung ra để trấn an dư luận.

Thế rồi chưa nói đến cư dân hai nước trên dọc tuyến biên giới vẫn tự do qua lại, dòng du khách từ khu vực có mầm bệnh vẫn nườm nượp đổ xô đến các khu du lịch. Chẳng thế mà trên mạng đã có những tiếng nói nghiêm cẩn xin đừng chống vicod-19 bằng cách hô hào kiểu tuyên giáo nhằm lẩn tránh khó khăn để không quyết liệt bắt tay ngay vào công tác phòng bệnh và tăng cường khả năng chữa bệnh trong tình huống “báo động đỏ” dẫn đến “vỡ trận”. Phải chăng đây là điều mà ngòi bút tỉnh táo cần điều chỉnh mạch văn cuồn cuộn cảm xúc đặng nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật từng làm công luận bức xúc.

Nhân nhắc lại chuyện Triệu Cao bên Tàu từng hiện hình sống động trong tác phẩm của Tư Mã Thiên, tôi nhớ Quách Mạt Nhược, học giả đáng kính của Trung Quốc, người từng bị đấu tố trong cách mạng văn hoá đã từng viết “công lao của Tư Mã Thiên so với Khổng Tử không hơn không kém” khi mà Mao lại ca ngợi nhà Tần [trong đó có công của Triệu Cao]: “Khuyên ai bớt mắng Thủy Hoàng đế, Đốt sách giết trò chuyện thực hư, Ngai vàng tuy nát công còn đó, Khổng học danh truyền có được như?”.*

Gợi lại câu chuyện này chỉ cốt nói lại một điều: người trí thức muốn nói lên sự thật không hề là chuyện đơn giản vì “Hàm răng của quyền lực luôn luôn mở rộng để nhai nuốt, và cánh tay nó luôn vươn ra, nếu có thể, để phá hủy tự do tư duy, ngôn luận và viết lách”. Khẳng định sự thật nghiệt ngã có đoạn ấy không phải ai khác mà là John Adams, người tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và là vị Tổng thống thứ hai sau George Washington.

Không thể không sòng phẳng mà nói lên rằng cái “hàm răng quyền lực” của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán vào thời Tập Cận Bình không chỉ biết nhai nuốt mà xảo quyệt và thâm hiểm hơn khi áp đặt ý chí và toan tính của một “siêu cường hung đồ” lên những nước nhỏ, trước hết là nước láng giềng, buộc phải tự chui vào cái thòng lọng “ý thức hệ XHCN” bịp bợm để hành xử theo cái mô hình áp đặt của nó.

Mô hình áp đặt kiểu gì? Trong bài viết nhan đề “Sự thật số ca nhiễm dịch bằng 0 của Trung Quốc, lộ văn kiện mật của chính quyền” có đoạn: “Trong 20 ngày qua, các ca bệnh viêm phổi Vũ Hán (còn được gọi là COVID-19) được xác nhận ở Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí nhiều nơi xuất hiện tình huống không có ca nhiễm dịch nào. Điều này khiến ngoại giới nhầm tưởng rằng tình hình dịch bệnh của Trung Quốc đã có chuyển biến tốt lên. Tuy nhiên, các nguồn tin tiết lộ rằng có những bệnh viện buộc bệnh nhân phải xuất viện để đáp ứng yêu cầu chính trị của chính quyền, 90% bệnh nhân nhiễm dịch bị buộc xuất viện

Một nhân viên Bệnh viện cabin Vũ Hán tiết lộ rằng Chính phủ có quyền hạn quá lớn. Hiện tại, phải hạ thấp số liệu mới và tăng số liệu xuất viện lên! Trên thực tế, hơn 90% bệnh nhân xuất viện của bệnh viện cabin bị đóng vẫn còn mang virus!

Liệu mô hình ấy có được áp đặt vào tâm thế, vào não trạng của không ít những người có trách nhiệm vận hành guồng máy phòng chống đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên đất nước ta? Thì chẳng phải chỉ mâý ngày trước khi tung toé vụ các VIP ngồi cạnh nữ bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN0054 từ Anh về ngày 6.3.2020 mà chẳng thể nào dấu kín được đã từng có tuyên bố thật dõng dạc đầy lạc quan nhằm “ổn định tâm trạng xã hội”: “Một tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch” đó sao!

Cứ cho là tuyên bố thiếu cẩn trọng này là hệ luỵ từ những “tham mưu, tư vấn” của một số “chuyên gia” cận thần bất tài, chỉ quen ngồi bàn giấy đánh võ mồm và xét duyệt các “đề tài”, các “dự án nghiên cứu” với kinh phí hàng tỷ đồng để “thực nghiệm những cuộc chia chác”, liệu có được bao nhiêu hàm lượng khoa học chuyên ngành để phòng chống và chữa bệnh trong cơn đại dịch khủng khiếp này. Cũng không thể không tính đến cái vị thế “quan trên trông xuống, người ta trông vào” để mọi ứng xử, từ quyết sách đến giải pháp, cho dù đã bạc mặt vì lo toan, ứng cứu vẫn không thể thoát khỏi cái vòng kim cô mà dù cố vùng vẫy giãy ra cvẫn không sao thoát ra nổi

Phải chăng vì thế, ông bạn quý mến mà tôi rất mực kính trọng đã viết “Lạy trời và hồn thiêng sông núi xui khiến, Chính phủ đã kịp thời quyết liệt đối mặt với mọi diễn biến mới này của dịch bệnh và những hệ quả đi kèm…. Thử tưởng tượng xem, giữa cuộc chiến mất còn này, chỉ cần một thông tin về sự thật của dịch bệnh bị che giấu, một quyết định sai lầm được lựa chọn, một lỗ hổng nào đó còn bỏ sót, một giây phút sơ xuất vì ý chí chùng xuống.., ngay tức khắc sẽ có thể làm phá sản toàn bộ công cuộc chống dịch đã thực hiện được cho đến nay, đẩy đất nước vào khủng hoảng khó bề cứu vãn! Đúng thế. Đồng thời cũng xin mạo muội nối thêm vào nhận định của tác giả bài viết đầy tâm huyết đôi điều dung dị sau đây:

Từ sự “đối mặt với mọi diễn biến của dịch bệnh và những hệ quả đi kèm” mà nhờ đó một sự thật phũ phàng khác đã được phơi bày. Đó là hình ảnh đáng xấu hổ của những quan chức với những thói tật quen thuộc được dấu kín bằng những danh xưng hào nhoáng, những dáng vẻ đạo cao đức trọng, những lời rao giảng về đạo đức về phẩm chất và lập trường cách mạng vì đảng vì dân đã phơi ra giữa thanh thiên bạch nhât! Họ đã tự giới thiệu về họ, những kẻ cùng một giuộc với nhau trong sự xa hoa, truỵ lạc, phung phí không thương tiếc đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân.

Cũng qua sự phơi bày những gương mặt đáng xấu hổ đó mà “tên xưng xuất tại thằng … côvi” đã trưng ra trước mắt người dân một bộ máy quyền lực quá buông tuồng và bất lực trong vận hành guồng máy xã hội, trong đó một bộ phận không nhỏ chui vào mà người dân gọi đúng tên là bọn ăn tàn phá hại không hơn không kém. Một sự thật trần trụi được phơi ra khi đất nước vẫn chìm sâu trong một thể chế toàn trị phản dân chủ dập theo mô hình Tập Cận  Bình.

Nhớ lại Đại hội 6 bước đầu dám nhìn nhận sự thật để đối diện với những sai lầm trầm kha của một mô hình phát triển quá trì trệ, lạc hậu, lạc điệu để vứt bỏ như người ta đã sớm quẳng đi để cứu đất nước thoát khỏi vực thẳm sụp đổ. Nhưng rồi, từng bước, từng bước tiếp theo, dưới áp lực của Trung Quốc, người ta lại phục hồi những cái đáng phải bỏ đi để rồi “đã phải trả một cái giá rất lớn cho hình tượng đạo đức giả và sự ngu xuẩn của những kẻ cầm quyền” theo cách nói của Lưu Hiểu Ba. Đương nhiên, ở đây học giả Trung Quốc nói về nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Thế nhưng, không chỉ những đầu óc có hiểu biết, mà với khá đông những người Việt Nam bình thường trong thời đại của internet nối mạng toàn cầu đều có thể nhận ra cái thực trạng mà họ đang sống chẳng khác là bao so với điều mà nhà văn Trung Quốc tố cáo. Ấy vậy mà, oái oăm thay, ông tổng chủ Nguyễn Phú Trọng còn đòi hỏi văn kiện của Đại hội 13 dưới sự lèo lái của ngài nhằm dập theo khuôn mẫu của Tập Cận Bình phải trở thành “văn bia” cho hậu thế!

Chao ôi, thật là hoành tráng cho sự dại dột của ngài “tổng chủ”! Trước ngài, chưa một nhà lãnh đạo nào khi tiến hành soạn thảo văn kiện Đại hội lại dám đưa ra một ý tưởng vừa huyênh hoang vừa kệch cỡm đến vậy! Không phải vì họ sợ “trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, mà là họ còn đủ tỉnh táo, hoặc những cận thần bên họ đủ khôn ngoan để kịp thời ngăn lại những phát ngôn dại dột cỡ ấy.

Liệu có phải vì hoảng loạn trong một tình thế rối bời của cuộc chiến quyền lực đến hồi quá gay cấn khi mà ngài tổng chủ ở trong tình thế lực bất tòng tâm – hiểu theo cả nghĩa đen trần trụi và nghĩa bóng mượt mà – khi ngài đã vào tuổi 76 nên dối già bằng một câu ngẫu hứng dại dột quá cỡ như vây? Không là hoảng loạn sao, khi ngài cấp tập ký sắc lệnh tặng “Huân chương chiến công hạng nhất” cho những kẻ lập được “chiến tích” gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm, phanh thây mổ bụng cụ lão nông 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, cái đảng của chính ngài đang tôn thờ còn đảng còn mình đó sao? Rồi đây, nếu ngài muốn có “văn bia” để lưu danh hậu thế thì cái tội ác trời không dung, đất không tha của ngài trong vụ thảm sát Đồng Tâm cần khắc thật đậm nét trên tấm bia đá dập theo khuôn mẫu trên mộ Tần Cối thời nhà Tống bên Tàu! Và, để “hoành tráng” và thấm thía hơn thì khắc thêm vào đó bài thơ của nhà thơ họ Tần:

“Nhân tòng Tống hậu hãn danh Cối,
Ngã đáo phần tiền hối tính Tần
.”
(Từ sau đời Tống ít ai tên là Cối,
Ta đến trước mộ mà thẹn mình mang họ Tần)

Mới rồi trong bối cảnh đại dịch, nhà báo đang được nhiều người biết đến vừa viết bài “Từ chuyện bệnh nhân số 21 đến văn kiện đại hội đảng của chủ tịch Trọng” đã thẳng thừng mà rằng: Chủ tịch Trọng đã mở mắt ra chưa khi không ít quần thần của ngài đang tưng bừng ăn chơi, tiệc tùng, đánh golf và vào các cuộc họp lý luận ra rả lập trường cách mạng vì Dân, vì Nước… Văn kiện của đại hội đảng không ở trong các quần thần như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Quang Thuấn vv… đó đâu! Văn kiện đại hội đảng việc gì tìm đâu xa bên Mỹ, bên Anh, bên Tàu. Nó ở trong suy nghĩ của Dân quanh các ngài thôi…”.

Để rồi, vào lúc đất nước đối diện với đại dịch Covid-19 thì ngài lặn mất tăm khiến dân tình đặt câu hỏi: ngài đang hoảng loạn hay ngài vô trách nhiệm với dân trên cương vị người lãnh đạo cao nhất? Người ta đặt câu hỏi ấy vì nhìn ra thế giới, hầu như không thiếu một nguyên thủ quốc gia nào không trực tiếp xuất hiện trước công chúng để công bố những quyết sách phòng chống đại dịch covid-19 đang gây thảm hoạ trên đất nước họ.

Đến như Tập Cận Bình, sau một thời gian chỉ đạo tầm xa thì ngày10 tháng 03, đã có chuyến thăm chính thức tới Vũ Hán – cứ cho đó không phải là một màn “cascadeur” với “Tập giả” như nhà báo tọc mạch của một hãng tin nước ngoài đặt giả thiết – mà đích thị Tập đã đến đúng hang ổ của “virus Vũ Hán” để rồi ngay sau đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhanh chóng khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch do số ca nhiễm mới đang giảm nhanh.

Thế là, ngay khi những lò thiêu hoạt động hết công sức vẫn không sao thiêu hết những xác chết chất đống, phải cấp tập huy động nhiều lò thiêu từ nơi khác kể cả lò thiêu rác và thiêu xác động vật về Vũ Hán, thì Tập đã chuẩn bị cho một kịch bản lật kèo theo một ý đồ đen tối. Trước việc Trung Quốc bắt đầu tung hỏa mù về nguồn gốc của con virus corona từ Vũ Hán sau khi đã gây họa cho cả thế giới, nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) đã kêu gọi “Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch”.

Xin dẫn ra đây một nhận định trong THƯ NGỎ GỬI THỦ TƯỚNG ngày 27.2.2020: “Sự “mù lòa của chuyên chế” dẫn tới sự sụp đổ của một thể chế toàn trị phản dân chủ là điều đang được phơi bày bởi thảm hoạ của Covid-19. Đó là bài học đắt giá cho bất cứ nhà cầm quyền nào! Liệu ở nước ta, sự thật về dịch Covid-19 và diễn biến cực kỳ phức tạp của nó đã thật sự được thông tin một cách trung thực và minh bạch chưa?”. Dẫn lại điều này chỉ để thưa rằng: bài học đắt giá của việc lẩn tránh sự thật, tệ hơn nữa là bẻ queo sự thật, đổi trắng thay đen theo “truyền thống” đã trở thành điển tích “chỉ hươu thành ngựa” (指鹿为马)” đã nêu ở trên thì, như tờ báo Pháp La Croix viết:

Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, muốn một mình nắm giữ sự thật lịch sử thì phải tạo ra tâm lý nghi ngờ đối với mọi thứ gắn Trung Quốc với con virus, và phải xóa bỏ mối quan hệ này ra khỏi sử sách. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó”.

Từ một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra cả “một chiến dịch ngoại giao và truyền thông nhằm mục đích xóa nhòa thời điểm chính xác dịch bệnh bùng lên La Croix cho biết “Mọi đại sứ Trung Quốc đều phải dùng tài khoản Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc) của mình để truyền đi thông điệp với nội dung “Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu. Một động thái thâm hiểm hơn nữa khi họ gọi con virus corona ở ngoại quốc bằng những tên khác, chẳng hạn như đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã sử dụng từ “virus Nhật Bản”!

Xem ra, Triệu Cơ thời nhà Tần còn kém xa những Triệu Cơ dưới triều đại của Tập Hoàng đế! Chính vì thế mà nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) khi khai mạc khóa sáng tác văn chương dành cho sinh viên Hồng Kông đã dõng dạc kêu gọi: “Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch”. Ông thiết tha đưa ra lời khuyến cáo với một nhãn quan chính trị mang tầm vóc của một tuyên ngôn đậm chất triết lý truyền vào tim óc thế hệ trẻ: “Nếu không thể là người cảnh báo như bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), ít nhất hãy là người lắng nghe. Nếu không thể cao giọng nói, hãy thầm thì vào tai. Nếu không thể thì thầm, hãy là đám đông thầm lặng với trí nhớ và ký ức. Trước hàng ngàn người đang chuẩn bị ca ngợi chiến thắng trước con virus corona, hãy đứng lên yên lặng, chôn chặt nấm mộ của Chúa vào tim. Những con người được trí nhớ in dấu như bằng sắt nung đỏ, một ngày nào đó có thể chuyển giao ký ức của mình cho các thế hệ tương lai!”.

Đâu chỉ với thế hệ trẻ Trung Quốc, thế hệ trẻ Việt Nam cũng đang rất cần phải ghi nhận điều đó. “Trí nhớ [của họ phải] in dấu như bằng sắt nung đỏ” tội ác trời không dung đất không tha của cuộc thảm sát Đồng Tâm mà trong bài trước chúng tôi đã viết: “cơn đại dịch Covid 19 dường như đồng loã với tai ương chướng hoạ tàn sát dân lành đã đẩy tới những chấn động dữ dội của đời sống xã hội, của tâm trạng người dân. Hình như có gì đó na ná như lời cảnh báo của học giả Trung Quốc Hứa Chương Nhuận: “cả hệ thống đã bất lực. Điều còn lại là tâm trạng vô vọng”. Đó là “tình trạng thoái hóa giai đoạn cuối” và “sự vô năng của lú lẫn về tổ chức và bất lực của hệ thống”.

Khi mà “những ký ức cá nhân bị kế hoạch hóa, thay thế, xóa bỏ ; nhà nước ra lệnh cho cá nhân phải nhớ những gì và nên quên những gì” như nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa vừa lên án, hoặc bị giam cầm trong “Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao” mà nhà văn Nguyễn Khải từng dằn vặt, thì cái gì sẽ xảy ra không khó để phán đoán. “Đám đông thầm lặng với trí nhớ và ký ức” đã “in dấu bằng sắt nung đỏ” sẽ biết họ phải làm gì khi mà sức dồn nén đã chạm đến cái ngưỡng của sự kìm nén để phải bung ra. Tiến trình lịch sử đã ghi nhận về sự dồn nén và bung ra ấy thường xuất hiện khi có những chấn động dữ dội trên một quy mô rộng lớn đe doạ cuộc sống của con người đang sống trên hành tinh này, mà các đại dịch khủng khiếp là những chấn động dữ dội đó. Khủng hoảng virus covid-19, một trong những chấn khủng khiếp khởi phát từ tâm chấn Vũ Hán lan ra toàn cầu là một hiện tưởng điển hình mà loài người đang phải hứng chịu.

Đang còn quá sớm để lượng định những thảm hoạ khó hình dung nổi về người và của, cả hữu hình lẫn vô hình, đẩy tới một biến động khó lường cho đất nước đã gây nên thảm hoạ ấy và không chỉ dừng ở đó mà đang loang rộng ra khắp toàn cầu như những trận đại dịch từng xảy ra với những hệ luỵ khủng khiếp mà nhân loại phải rùng mình đón nhận.

Tạp chí L’Obs của Pháp số vừa ra trên trang bìa nói đến “nỗi hãi sợ ghê gớm về dịch bệnh”, bên trên có hình một người đàn ông mặc áo choàng đen dài và rộng, đội mũ đen, đeo khẩu trang trắng, dưới một bầu trời u ám trong khung cảnh hoang vu. Và L’Obs đã trích lời một nhà sử học về các dịch bệnh đã viết rằng: con  người vẫn giữ trong ký ức tập thể những đại dịch chết người… mỗi khi được nhắc đến đều làm dấy lên nỗi sợ hãi pha lẫn một sức thu hút giống như cảm nhận choáng váng của con người trước sự linh thiêng”.

Liệu có phải “sự linh thiêng” mà L’Obs nêu lên thuộc phạm trù tâm linh, trong đó hàm chứa những cái ngẫu nhiên mà thông qua những ngẫu nhiên đó mà cái tất yếu được thực hiện như một quy luật . Đó chính là biện chứng của cuộc sống đang vận động. Lịch sử từng ghi nhận những chấn động dẫn tới sự đột biến mà chưa thể tiên liệu được hết sự dữ dội của nó. Những ai dám nhìn thẳng vào sự thật sẽ biết cách đương đầu với sự thật đó để tìm ra con đường đi tới.

“Mà xem con tạo xoay vần đến đâu” [Nguyễn Du].
_________

*Dẫn theo Nguyễn Tiến Cử






No comments:

Post a Comment

View My Stats