Phạm Xuân Nguyên
Thứ Sáu, ngày 13/03/2020 08:00 AM (GMT+7)
(Dân
Việt) Chào bạn, ta gặp lại nhau. Lần này tôi đọc cùng bạn cuốn tiểu thuyết
“Phố Hoài”, một sáng tác mới của nhà văn Trần Thị Trường vừa ra mắt sau một thời
gian khá dài chị im lặng trên văn đàn.
Hình bìa “Phố Hoài”
“Một
đời người đã mất”, đó là một câu ở trang 331 của cuốn sách. Nó nằm
trong mạch nghĩ của nhân vật Hoàng, một thanh niên Hà Nội thập niên 1970 cùng
chúng bạn mê hát những bản nhạc lãng mạn thời chúng bị coi là "nhạc
vàng" mà bị quy là "phản động" và bị xử tù mười năm. Vụ án này
có thật, Hoàng chỉ là đổi tên của một người trong nhóm, còn tên một người khác
thì được nhà văn giữ nguyên - Toán "Xồm", vì với những người sống ở/cùng
Hà Nội những tháng năm ấy cái tên đó gọi lên một thời buồn bã, cay đắng, uất nghẹn.
Cả cái chết của Toán "Xồm" bên vệ đường cũng được tác giả ghi lại
đúng sự thực. "Một đời người đã mất" như vậy không chỉ là một đời của
một người.
Đó là đời của cả một thế hệ, cả một thành phố, cả một
thủ đô, và cả một đất nước, dân tộc. Phố Hoài – phố nhớ người. Người kể chuyện
nhớ về những con người, những phận người trên đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay, bị
quăng quật va đập trong cơn biến thiên của lịch sử hơn bảy mươi năm qua. Họ là
những trí thức, văn nhân, nghệ sĩ. Họ là những người dân bình dị, trong trẻo. Họ
là những người có tâm hồn thủ đô, có phẩm cách kinh kỳ. Nhưng kiếp người của họ
đã phải trải những thăng trầm sóng gió khiến họ không thể sống thanh thản, trọn
vẹn cuộc đời mình với những ước mơ, khát vọng muốn dâng hiến cho đời.
"Phố Hoài" có nhiều nhân vật, phải, nhưng
đằng sau đó là hình bóng những con người thực. Tất cả họ hợp lại thành một nhân
vật chính của cuốn tiểu thuyết - Người Hà Nội, một kiểu người có phẩm tính và
phẩm chất. Phẩm tính thanh lịch, hào hoa. Phẩm chất văn chương, nghệ sĩ. Họ yêu
cái đẹp và biết sống vì cái đẹp. Lịch sử biến thiên và họ bị trở thành những kẻ
chịu đựng lịch sử. Các giá trị bị xáo trộn và đảo lộn và trong cơn xáo đảo đó họ
thành nạn nhân, thành những “công dân hạng hai”.
Cuốn tiểu thuyết của Trần Thị Trường là những chuyện
kể về số phận thăng trầm đảo điên của họ. Chuyện kể về gia đình ông Ký qua cuộc
đời của vợ chồng Nam – Thanh. Chuyện kể về nhóm hát “nhạc vàng” của Hoàng bị
vào tù. Chuyện kể về cuộc vượt biên của A Hòa, một người Việt gốc Hoa nặng lòng
với Hà Nội. Chuyện kể về mối tình thất lạc cả cuộc đời của Quyết – Hằng. Chuyện
kể về Thảo sống đam mê với những tình cảm của mình… Mượn tiếng Tây mà nói,
"history" là chuyện kể, và xâu chuỗi lại các "history" thì
thành "HISTORY" - Lịch Sử. "Phố Hoài" như vậy là hoài phố,
hoài niệm về Hà Nội đẹp và đau của một thời.
Văn chương ở đây trước hết là câu chuyện ký ức.
Ký ức dằn vặt thôi thúc nhà văn phải viết ra. Cuốn
sách ra đời năm 2020 đã được bắt đầu viết từ năm 2010. Đó là dịp kỷ niệm nghìn
năm Thăng Long – Hà Nội. Những cờ đèn kèn trống mười năm trước đã lặng. Những lễ
hội trò vui mười năm trước đã tắt. Hà Nội đã thêm lên mười năm vào tuổi nghìn của
mình để vẫn vừa như đứa trẻ ngây ngô vừa như ông già phờ phạc. Chính ở thời điểm
nghìn năm đó Trần Thị Trường đã đặt cho phố phường thủ đô thêm một đường phố -
Phố Hoài. Con phố in bóng những ngôi nhà xưa cổ cất giữ nếp ăn nếp ở tinh tế,
thanh nhã của chốn kinh kỳ. Con phố lưu dấu chân những con người thanh lịch,
tao nhã. Con phố chứng nhân lịch sử. Cũng có thể chữ hoài không viết hoa thì phố
hoài là người nhớ phố. Nhớ về một thời Hà Nội đã mất.
Và như thế có
thể đọc cuốn tiểu thuyết của Trần Thị Trường trong tâm thế "tìm lại thời
gian đã mất" dẫu biết mọi thứ đã hoá thành "vang bóng một thời".
Nhưng cái đau cái buồn còn lại mãi với thời gian vẫn buộc phải hỏi vì đâu nên nỗi.
Vì đâu cái thanh cao bị sa vòng tục lụy. Vì đâu cái đẹp đẽ, trong trắng bị vong
thân, bị lấm láp, bị bầm dập. Vì đâu phải ly hương, phải rời bỏ quê hương bản
quán sang xứ người. Vì sao và vì sao, biết mấy là những vì sao như vậy muốn hỏi
mà không thể hỏi trong một cuộc đời của nhiều con người hiện ra trên trang sách
"Phố Hoài". Tự nhiên vì chữ “vì sao” mà tôi lại nhớ đến những câu thơ
của Du Tử Lê “hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa sẽ lấy được những gì về
bên kia thế giới ngoài trống vắng mà thôi” như nói cho anh Toán “Xồm” trong đời
và trong tiểu thuyết cùng những cư dân ở Phố Hoài.
Tôi còn muốn hiểu chữ “hoài” ở đây theo một nghĩa nữa.
Phố hoài là phố của những con người bị hoài hủy, phí hoài cuộc đời mình do sự đổi
thay thời thế, do những áp lực mà chính họ cũng không ngờ mình phải đương đầu
và không có khả năng chống đỡ. Như Nam muốn đem năng lượng tri thức và năng lực
trí thức của mình cống hiến cho đời, nhưng rốt cuộc phải tha hương đằng đẵng xa
vợ con, cuối đời mới được đoàn tụ nơi đất khách. Như các chàng trai thích nghe
thích hát những bản nhạc mượt mà, sâu lắng, lãng mạn thì cớ gì nên tội để phải
tù đày, ra tù phải sống vất vưởng, lang thang, không chốn dung thân. Trong truyện
nhà văn có một đoạn kể về nỗi băn khoăn của ông thị trưởng Trần (mà đọc vào
sách người đọc ở Hà Nội sẽ nhận ra ông là ai) muốn bản án bớt nặng nề cho các
chàng trai này vì ông biết họ vô tội, họ trong trắng. “Họ, những con nhà chỉ mấy
đời lao động trí óc… Nhìn lao động trí óc mà nghĩ là nhàn rỗi ngồi mát ăn bát
vàng là một cái nhìn sai. Họ và gia đình họ là một phần tinh hoa của thành phố
trong một thời điểm vàng son của lịch sử. Phải lâu lắm lịch sử mới tựu thành lớp
người ấy” (tr. 84). Nhưng hoàn cảnh xã hội và tình thế lịch sử đã không cho ông
làm được việc đó. Ông bất lực với tấm lòng nhân văn của mình vì ông cũng đang sống
trong bầu không khí chính trị thời đó như các chàng trai mà ông thương cảm.
“Ông không mệt mỏi vì làm việc nhiều, việc nào cũng khó, mà mệt vì không tìm ra
lời giải ngõ hầu đạt được tính toàn vẹn với một thẩm mỹ nhân cách của ông, quan
niệm về đạo đức của ông đòi hỏi” (tr. 85-86).
Mỗi nhân vật trong truyện dù ở những mức độ đậm nhạt
khác nhau đều là những vạch chéo nhằng nhịt, những vệt màu loang lổ, những đường
nét cong queo trên bức tranh sáng tối của một thời. Cái thời nói như thơ Nguyễn
Trọng Tạo là có rất nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời không dễ dàng chi. Bức
tranh là một tập hợp đa hướng những quan hệ chồng chéo của trí thức và cách mạng,
tôn giáo và cộng sản, người cũ và chế độ mới, người mới và chế độ cũ, chiến
tranh và vượt biên, xứ người và quê mình, ra đi và trở về, mà nhà văn Trần Thị
Trường khác với nhà họa sĩ trong mình (chị vừa có triển lãm cá nhân đầu tiên cuối
năm 2019) dựng lên những “fresco” (tranh tường) chứ không phải “still-life”
(tĩnh vật). Đọc hết “Phố Hoài” như xem hết bức tranh sau những cảm xúc bức bối
sẽ bật ra một câu hỏi Ai? Không Ai? cho những phận người đã bị làm mất chất, biến
chất này.
Trần Thị Trường trong sáng tác mới này của mình ngỡ
như không dụng công văn chương. Cốt kể hơn là cốt truyện. Nhưng cái giọng kể là
cái cuốn hút níu kéo người đọc. Giọng kể ngôi thứ ba lan man liên miên thong thả
trầm trầm phủ lên toàn truyện một không khí ngậm ngùi, luyến tiếc và cả hối tiếc.
Đặc biệt nhà văn tạo được sự đồng cảm tin tưởng nơi người đọc là những người,
những chuyện trong sách là có thực. Điều đó không chỉ ở thủ pháp dùng thẳng tên
người thực ngoài đời vào truyện như ở nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn) chỉ xuất hiện
trong lời kể của người kể chuyện hoặc của nhân vật khác, hay như nhà nhiếp ảnh
Nguyễn Đình Toán được nói đến trong những đoạn kể về nhân vật Hoàng. Một thủ
pháp hư thực để lôi cuốn người đọc nhưng cũng là để tạo sự mờ nhòe giữa đời và
văn. Như đã nói, phần lớn các nhân vật trong truyện đều có hình bóng ngoài đời,
nhiều người đọc am hiểu có thể dễ nhận ra, nhưng họ đã khác khi được nhà văn
pha trộn, tổng hợp để thành là nhân vật tiểu thuyết. Hay nói cách khác, các
nhân vật ở đây không phải thực trăm phần trăm nhưng trăm phần trăm là thật. Ví
như anh thanh niên Toán “Xồm” vì hát nhạc vàng bị tù, ra tù lang thang rồi bị
chết thảm bên vệ đường là có thực, ai ở Hà Nội cũng biết chuyện này. Nhưng
trong truyện nhân vật Toán “Xồm” còn là người chụp ảnh vẻ đẹp thân thể phụ nữ để
lưu lại báu vật tự nhiên giữa trần gian thì đó là sự lai ghép sáng tạo của nhà
văn. Toán “Xồm” trong truyện bị bắt bị tù không chỉ vì hát nhạc vàng phản động
mà còn vì chụp ảnh “nuy” đồi trụy. Số phận anh vì thế bi thảm hơn, lay động
hơn. Những trang viết về Toán “Xồm” và nhóm bạn của anh là những trang hay
trong “Phố Hoài”. Thấm đẫm trong câu truyện kể, trong lời văn câu chữ là tấm
lòng thương xót, thương cảm của tác giả vì với chị đó cũng là chuyện của mình,
cho mình, “một mình mình biết một mình mình hay” như với các nhân vật của mình,
như với bao người khác.
“Một đời người đã mất”, đó là ý nghĩ của Hoàng.
“Sinh mệnh dân tộc đã đang bị người ta làm phép thử sai” (tr. 191), đó là câu
giáo sư Trần nói với đại úy Quyết. Trần Thị Trường bằng văn chương ở “Phố Hoài”
muốn trình ra một cách đọc lịch sử của mình – lịch sử một thành phố thủ đô, lịch
sử mấy thế hệ người, lịch sử một dân tộc. “Phố Hoài” đã mở, người đọc hãy bước
đi trên phố để cùng nhà văn quan sát và chiêm nghiệm những cảnh tượng “đã bày
ra đấy / kiếp phù sinh trông thấy mà đau” (Nguyễn Gia Thiều) trong một lịch sử
chưa xa. Và chưa hết.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
------------
PHỐ HOÀI
Tác giả: Trần Thị Trường
Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2020.
Số lượng: 1.500 cuốn.
No comments:
Post a Comment