Nước Pháp đóng cửa tất cả những nơi công cộng để
đương đầu với coronavirus vì các chuyện gia cho rằng virus sẽ lan tràn như ở Ý,
chỉ chậm hơn vài ngày. Nước Pháp, cũng như các nước khác ở Âu Châu, có trên dưới
một tuần lễ để chuẩn bị, thi hành những biện pháp gắt gao để tránh kịch bản bi
đát đã xẩy ra ở Ý.
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe quyết định đóng cửa,
ngay từ 12 giờ đêm thứ Bẩy 14/03, tất cả những nơi công cộng không tuyệt đối cần
thiết cho đời sống của quốc gia.
Tất cả các tiệm ăn , tiệm café, rạp hát đóng cửa,
các sinh hoạt văn hoá, xã hội, thể thao hủy bỏ. Chỉ còn được phép mở cửa những
tiệm thực phẩm, tiệm thuốc tây, trạm xăng, ngân hàng, tiệm bán thuốc lá và các
sạp báo.
Các công sở vẫn mở cửa, nhưng huỷ bỏ tất cả những tụ
họp, lễ hội. Các phương tiện lưu thông công cộng sẽ giảm bớt trong những giờ tới,
dù chưa ngưng hoạt động, để tránh tình trạng quốc gia hoàn toàn tê liệt.
Trước đó, nước Pháp đã quyết định cấm tất cả những
cuộc tụ tập quá 100 người, đóng cửa tất cả các trường học các cấp, các nhà giữ
trẻ và khuyến khích chuyện làm việc tại gia, nếu có thể.
Việc học hành vẫn tiếp tục qua internet. Những phụ
huynh có con dưới 16 tuổi có thể ở nhà, tiếp tục lãnh lương như cũ, không qua một
thủ thục hành chánh nào.
30 TỶ EUROS
Chính phủ Pháp đã quyết định áp dụng các biện pháp
sau khi các chuyên gia Y tế cho hay mức độ lây lan như ở Ý sẽ diễn ra ở các nước
Âu Châu, chỉ chậm một hay tối đa hai tuần lễ
Ngày hôm trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước gần 30 triệu khán giả các đài truyền hình, đã long trọng tuyên bố nước Pháp chuẩn bị đương đầu với một đại hoạ y tế nghiêm trọng nhất thế kỷ.
Emmanuel Macron nói trên phương diện kinh tế, nước
Pháp sẽ làm, với bất cứ giá nào, để tránh kinh tế khỏi suy sụp vì virus.
Một cách cụ thể, để tránh việc sa thải, tất cả các
nhân viên, không hạn chế mức độ lương bổng, sẽ được nhà nước trả lương 100% khi
hãng sở ngưng hoạt động. Những ngành bị tổn hại sẽ được trợ cấp, vay tiền, miễn
thuế .
Các biện pháp này, tốn kém không dưới 30 tỷ Euros,
nhằm tránh gia tăng thất nghiệp và giúp kinh tế có thể hoạt động trở lại bình
thường ngay sau khi chấm dứt đại dịch.
THAY ĐỔI LỐI SỐNG
Thủ tướng Pháp nói: chúng ta phải kỷ luật hơn trong
việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phải thay đổi lối sống, kêu gọi dân
chúng hạn chế tối đa việc tụ tập, lễ hội, xum họp gia đình, thân hữu, chỉ ra đường
khi tối cần, như mua sắm thực phẩm hay vận động cơ thể. Các nhà dưỡng lão tạm
ngưng tất cả những cuộc thăm viếng của thân nhân.
Tới
chiều thứ Bẩy, nước
Pháp đã có 91 người chết trong tổng số 4500 người nhiễm dịch. Điều dáng
lo ngại là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 838 ca mới, 13 tử vong.
Dân Pháp được yêu cầu tránh di chuyển, đặc biệt từ tỉnh
này sang tỉnh khác, và các phương tiện lưu thông công cộng sẽ thích ứng mỗi
ngày. Nói cách khác, sẽ hạn chế dần dần xe điện, xe bus, xe lửa, mặc dù không
ngưng toàn bộ, để tránh làm tê liệt đời sống, đứng đầu là việc di chuyển của
các nhân viên y tế.
Pháp đã trưng dụng tất các bác sĩ, y tá về hưu, mở
các phòng bệnh đặc biệt điều trị bệnh nhân nhiễm dịch.
Để tránh tình trạng nhà thương bị tràn ngập như ở Ý,
khiến con số tử vong lên cao bất ngờ, từ nay nhà thương chỉ nhận những trường hợp
nhiễm virus nghiêm trọng, những trường hơp nhẹ sẽ được điều trị, theo dõi tại
gia.
CHẬN ĐỨNG KHẢ NĂNG LÂY NHIỄM
Tất cả các biện pháp nói trên nhằm hạn chế khẩn cấp
tốc độ lây lan, nếu muốn tránh hiểm hoạ 60, 70 % dân số bị lây nhiễm như lời cảnh
cáo của thủ tướng Đức Angela Merkel, đã gây xôn xao dư luận.
Một cách cụ thể, mục đích trước mắt là hạn chế khả
năng lây nhiễm.
Hiện nay, trung bình, mỗi người bị nhiễm dịch, kể cả
trong giai đoạn chưa có triệu chứng gì, có khả năng truyền bệnh cho 3 người
khác, và những người này mỗi người gieo trùng cho 3 người tiếp theo. Muốn ngăn
chận việc lây nhiễm khiến các nhà thương bất lực như ở Tàu, Nam Hàn hay Ý, phải
hạ tỉ số lây nhiễm xuống dưới 1, thay vì 3 như hiện nay.
Nước Pháp, cũng như hầu hết các quốc gia Âu châu đã
bước sang giai đoạn thứ 3, coi việc đương đầu với virus là ưu tiên khẩn cấp
hàng đầu.
Nếu một nước có hệ thống y tế miễn phí hoàn hảo như
nước Pháp phải lo ngại không đủ khả năng đối phó, những lời tuyên bố huyênh
hoang kiểu virus có nguy hiểm tới đâu, Việt Nam cũng đủ khả năng ngăn chặn, chỉ
là những khoe khoang lố bịch, vô trách nhiệm.
Virus, như lời tổng thống Pháp, là một tai hoạ lớn nhất thế kỷ, không thể coi thường.
Thủ tướng Pháp kêu gọi mỗi người dân phải ý thức được mức độ nghiêm trọng đó và áp dụng khẩn cấp các biện pháp phòng ngừa trong đời sống hàng ngày, khởi đầu là tránh tiếp xúc, rửa tay mỗi giờ, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.
Tóm lại, dù bạn ở bất cứ nơi nào, coronavirus hay
virus Vũ Hán không còn là chuyện của người khác nữa. Bất cứ lúc nào bạn cũng có
thể bị lây nhiễm, nhiều khi không hay, vì các triệu chứng chỉ xuất hiện từ 2 đến
12 ngày sau, trung bình 5 ngày sau.
Tuy vậy, để tránh gây hoang mang một cách quá đáng,
cũng nên nhắc lại 2 điều đáng lạc quan trong không khí lo âu nặng nề hiện nay.
Thứ nhất: dù virus lan tràn mạnh, chỉ có trên dưới 2% tử vong. Thứ hai: virus
hy vọng chỉ kéo dài vài tháng.
Paris 15/03
Từ
Thức (Facebook)
No comments:
Post a Comment