Huy Phương
Mar 1, 2020
Tượng Tiếc Thương trước năm 1975 và lúc bị CSVN triệt
hạ. (Hình: svqy.org)
Suốt mấy chục năm trường, Cộng Sản Bắc Việt nung nấu
bởi nghĩa vụ quốc tế, với súng đạn của hậu phương XHCN quyết tâm thôn tính miền
Nam bằng mọi giá.
Miền Nam vừa lo hạnh phúc cho dân, vừa đoàn kết chống
sự xâm lược của miền Bắc và hàng trăm nghìn chiến sĩ đã nằm xuống cho một miền
Nam no ấm, thịnh vượng và giữ được bờ cõi suốt hai mươi năm.
Nhưng không như các dân tộc văn minh khác, như sau
cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, khi thất trận những người lính miền Nam phải gánh chịu
tất cả sự trả thù đê tiện, hèn hạ của miền Bắc. Họ bị cầm tù, tước đoạt quyền
làm người, bị hạ nhục và bị truy sát đến ba đời, ngay cả con cái cũng không sao
có thể trở thành một người dân yên bình được!
Những gì tiêu biểu cho hình ảnh người lính miền Nam
đều bị tiêu diệt, triệt hạ đến tận cùng, từ trong sách vở, thi ca, đến hình ảnh
tượng đài đều bị giật sập, băm nát.
Những người Cộng Sản ngày nay chủ trương phá đổ hình
tượng Lenin, nhưng chừa lại một khoảng tôn kính trong các nghĩa trang quân đội,
trong khi chỉ trong ngày đầu tiên vào Sài Gòn, quân Bắc Việt đã chủ trương giật
sập tượng đài Tiếc Thương ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, ghi lại hình ảnh người
lính miền Nam, dù chỉ là hình ảnh một người lính đã gác súng.
Trước tiên, với sự hung hãn, hăm hở với cả sự hận
thù tàn sát, Cộng Sản đã hành quyết những người thua trận đã đầu hàng, với những
vũ khí thô sơ như dao, rựa, mã tấu và với mọi phương cách dã man như thời trung
cổ với lối tùng xẻo, dội nước sôi. Cũng không hề khoan nhượng với người chết,
quân Bắc Việt đã chủ trương đào mồ những người chết đem ra chợ cho nổ cốt mìn,
và chỉ ba ngày sau khi thắng trận, nhẫn tâm cày nát rồi san bằng nghĩa trang
Quân Đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp!
Quân Bắc Việt muốn xóa hết hình tượng của những người
lính VNCH trong lòng nhân dân, bằng thủ đoạn bôi xấu dĩ vãng, kỳ thị lý lịch, xếp
hạng công dân, đưa quân đội miền Nam vào những nhà tù tập trung ở những nơi rừng
thiêng, nước độc trong khi con cái và gia đình được xỉ danh là những gia đình
“có nợ máu với nhân dân!”
Họ có thể hòa hợp với nước Mỹ, đã từng được gọi là “đế
quốc xâm lược,” nhưng với người lính VNCH thì không, Cộng Sản đày đọa những người
lính này cho đến tận cùng, từ người sống thất trận lạc loài không còn khả năng
chiến đấu, đến người tử sĩ nằm trong nghĩa trang, và kỳ thị ngay với những
thương binh bất hạnh, què cụt sống bên lề xã hội.
Sau chiến tranh, hài cốt của những người lính Mỹ, “kẻ
cựu thù,” được xem như những món “quốc bảo,” dành để mua bán, đổi chác, mặc cả
với phía Hoa Kỳ.
Trên đất nước Việt Nam, không thiếu những nghĩa
trang đẹp đẽ, được nhang khói chăm sóc tận tình. Mỉa mai thay, đó chính là nơi
chôn cất quân Trung Cộng xâm lược vào biên giới tổ quốc, ngày nay được Cộng Sản
Bắc Việt vinh danh như là những chiến sĩ, anh hùng. Chỉ dọc theo quốc lộ xuyên
Việt từ Nam ra Bắc, đã có bao nhiêu nghĩa trang đồ sộ, san sát bia mộ của những
“anh hùng, liệt sĩ” sinh Bắc, tử Nam, “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc!”
Nhìn lại, phía thua trận, hài cốt của “những người
anh em,” trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa bị phong tỏa, cấm di dời, đổi tên,
để dân sự hóa một nghĩa trang quân đội thành một bãi đất tha ma dân sự, xóa hết
một di tích lịch sử, để đời sau không còn ai biết đến nữa!
Hình ảnh của người lính miền Nam thất trận trong cuộc
nội chiến của Hoa Kỳ từ Tháng Tư, 1861, đến Tháng Tư, 1865, là Tổng Thống Liên
Minh Miền Nam Jefferson Davis, Tổng Tư Lệnh Liên Minh Robert E. Lee và Tư Lệnh
Phó Thomas Jackson, hơn một thế kỷ qua, vẫn còn sừng sững trên núi đá Stone
Mountain, Georgia; hay hài cốt của 30,000 binh sĩ thất trận của miền Nam vẫn
còn nằm chung với người thắng trong Confederate Section của Nghĩa Trang Quốc
Gia Arlington của một đất nước Hoa Kỳ bao dung và vĩ đại!
Nhưng những người lính miền Nam thua trận trong cuộc
chiến kéo dài 20 năm thì không!
Từ một quân đội hùng mạnh đứng hàng thứ tư thế giới,
phải chăng những người lính miền Nam ngày nay là những người lính bị quên lãng.
Tháng Ba lại về! Tháng Ba của những trận lui binh
máu đổ, cát biển miền Trung thấm máu người. “Tháng Ba Gãy Súng” của những người
lính can trường không khuất phục được cả một số mệnh đất nước, chết trong lãng
quên, sống trong lưu lạc. Tháng Ba, ai còn thắp một nén hương cho những người
lính đã một thời xả thân để giữ vững miền Nam.
Nhưng ngày nay, qua thời gian, hình ảnh người lính bị
tước vũ khí, ngậm ngùi trước số phận của đất nước, tuy bị lăng mạ, xuyên tạc,
chôn vùi bởi thế lực của kẻ cầm quyền, nhưng chưa bao giờ hết, qua cuộc biển
dâu, qua thời gian gạn lọc vàng thau, hình ảnh người lính của miền Nam vẫn sống
trong lòng dân tộc, như là biểu tượng của lòng dũng cảm của người trai giữ nước.
Đó là những bia mộ muôn đời hiện hữu trong lòng người, mà không phải ai cũng có
được!
Từ hơn bốn mươi năm nay, những người Việt Nam tị nạn
Cộng Sản, bỏ quê hương ra đi, có mặt trên những vùng đất tự do của thế giới, đã
mang theo hồn nước và quê hương, trong đó có hình ảnh của người lính VNCH. Do
đó nhiều tượng đài khắc ghi hình ảnh người lính đã được xây dựng, biểu tượng của
lòng biết ơn cũng như là nơi thờ tự thiêng liêng của người Việt lưu vong.
Mỗi người Việt lưu vong, mỗi đứa trẻ nước Việt lớn
lên sẽ phải hiểu người lính miền Nam là ai, đã sống và chiến đấu cho ai, trong
một hoàn cảnh nghiệt ngã nào đã phải ngậm ngùi thua trận.
Có những thứ chúng ta nghĩ rằng nó đã chết, hay bị
người ta vùi dập, tìm cách chôn nó đi, mà nó vẫn còn sống!
Xin đốt một nén hương lòng cho anh linh những người
lính Miền Nam, nhân ngày lui binh ngày này của Tháng Ba, bốn mươi lăm năm về
trước! (Huy Phương)
No comments:
Post a Comment