Thursday, 5 March 2020

NHIỀU CỬA HÀNG Ở SÀI GỒN DẸP TIỆM VÌ COVID-19 (Người Việt Online)




Người Việt Online
Mar 5, 2020

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều mặt bằng kinh doanh trên những con đường sầm uất nhất ở quận 1, trung tâm Sài Gòn, từng được khách thuê săn đón bỗng lâm vào tình cảnh bỏ không.

Nhiều cửa hàng thời trang lớn phải giảm giá bán để kích cầu giữa mùa dịch bệnh. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Theo báo Zing ngày 4 Tháng Ba, 2020, trong “cơn khát” mặt bằng của ngành bán lẻ tại trung tâm Sài Gòn, những vị trí có mặt tiền thu hút như quận 1 đều được săn đón dù giá thuê cao, tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Hầu hết mặt bằng trên các con đường sầm uất tại trung tâm quận 1 như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi… chỉ trống khi giá thuê nhà đẩy lên quá cao.

Thế nhưng, vài tháng gần đây khắp các con đường trên đều có tình trạng người thuê mở điểm kinh doanh trả lại mặt bằng trước thời hạn do kinh doanh thua lỗ. Việc khách thuê đồng loạt trả mặt bằng như hiện nay đã khiến giới kinh doanh ở Sài Gòn thêm phần lo lắng.

Nhiều người kinh doanh trên các con đường sầm uất tại trung tâm quận 1, Sài Gòn, trả lại mặt bằng vì ế ẩm. (Hình: Hà Bùi/Zing)

Trên đường Lý Tự Trọng, một mặt bằng có mặt tiền rộng 12 mét từng được sử dụng làm cửa hàng trưng bày xe gắn máy sau nhiều năm đã phải trả lại cho chủ gần một tháng qua trong tình trạng xập xệ. Tuy nhiên, chủ nhà này cho biết chỉ cho khách mới thuê với điều kiện phải thuê cả ba căn với giá $27,000/tháng, tương đương hơn nửa tỷ đồng.

Tương tự, trên “con đường thời trang” Nguyễn Trãi sầm uất, đặc biệt là đoạn gần với Ngã 6 Phù Đổng, cũng đang đối mặt với tình trạng trả lại mặt bằng hàng loạt. Nguyên nhân nhiều thương hiệu, cơ sở kinh doanh đang gặp tình trạng khó khăn về tài chính, bị tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến cho hoạt động buôn bán giảm mạnh.

Chủ một cửa hàng vừa và nhỏ cho biết đang chịu tác động lớn từ mùa dịch COVID-19, trong khi giá mặt bằng lại quá cao. Cụ thể, giá thuê một căn nhà mặt tiền 4 mét ngang cũng ở mức khoảng $6,000/tháng, căn 8 mét trở lên là $15,000-$20,000/tháng, thậm chí là $25,000/tháng đối với những mặt bằng đẹp.

Một căn nhà mặt tiền ở trung tâm Sài Gòn có giá thuê dao động từ $6,000 đến $25,000/tháng tùy theo địa điểm, diện tích. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho biết khoảng một tuần nay, các cửa hàng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, nơi quy tụ hàng loạt thương hiệu ẩm thực Á-Âu với giá thuê mặt bằng không thua các trung tâm thương mại lần lượt treo biển đóng cửa, sang quán và đến nay đã có khoảng chục cửa hàng đồng loạt đóng cửa.

Những cửa hàng vừa đóng cửa có những thương hiệu nhỏ, song cũng có nhiều chi nhánh của những thương hiệu khá nổi tiếng. Đáng chú ý có những nhà hàng chỉ mới khai trương vài tháng và từng kinh doanh khấm khá nay cũng phải dẹp tiệm.

Tiệm cà phê Palan ở số 222 Phan Xích Long đưa ra một thông báo trên trang Facebook: “Rất tiếc xin thông báo dừng hoạt động. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm trong thời gian qua” và cắt luôn điện thoại liên lạc.

Hai tiệm thức uống kế bên nhau ở đường Phan Xích Long dẹp tiệm cùng lúc. (Hình: Ngọc Hiển/Tuổi Trẻ)

Cùng cảnh ngộ, tiệm cà phê Doha ở số 223 Phan Xích Long cũng treo biển ngừng hoạt động từ ngày 24 Tháng Hai dù mới khai trương hồi Tháng Chín, 2019. Doanh nghiệp này cho biết do tình hình dịch COVID-19, không riêng điểm này mà các cửa hàng khác tại Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng sụt giảm lượng khách.

Chuỗi ẩm thực Food House với nhiều chi nhánh tại Sài Gòn và Hà Nội cũng thông báo tạm dừng hoạt động chi nhánh tại Phan Xích Long và một chi nhánh khác tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), kéo số chi nhánh ở Sài Gòn giảm xuống chỉ còn lại ba cửa hàng.

Nói với báo Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp nhượng quyền có cửa hàng thức uống tại đường Phan Xích Long, cho rằng “đây là hiện tượng lạ bởi mặt bằng tại con đường này thường được các doanh nghiệp săn lùng kinh doanh, hiếm khi để trống như hiện nay.”

Với những gì đang diễn ra tại đường Phan Xích Long và nhiều nơi khác ở Sài Gòn, vị này cho rằng đã phần nào phản ánh “sức khỏe” của thị trường và doanh nghiệp trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay. (Tr.N)

----------------------------------------
.
Người Việt Online
Mar 5, 2020

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Gần 500 người Trung Quốc đã dùng “chiêu” đi qua nước trung gian như Cambodia, Singapore, Thái Lan, Malaysia… để nhập cảnh vào Việt Nam qua phi trường Tân Sơn Nhất.

Theo báo Zing, ngày 4 Tháng Ba, 2020, Sở Y Tế ở Sài Gòn đã có phúc trình gửi Bộ Y Tế về trường hợp 491 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua phi trường Tân Sơn Nhất, bằng cách rời Trung Quốc đi qua các nước trung gian ở Đông Nam Á. Cụ thể 391 người từ Cambodia, 72 người từ Thái Lan, Singapore 13 người, Malaysia 4 người và từ nước khác là 11 người.

Chiếc xe chở bốn người Trung Quốc trốn dịch bệnh bị lực lượng hữu trách Thừa Thiên-Huế chặn bắt. (Hình: Gia Đình Việt Nam)

Sở Y Tế cho rằng dù đã qua thời hạn cách ly nhưng “chưa thể xác định những du khách Trung Quốc trên có tiếp xúc với những người còn đang trong thời hạn cách ly trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và quy trình cách ly của nước bạn hay không?”

Hiện tại, Sở Y Tế đã yêu cầu Trung Tâm Kiểm Dịch Y Tế Sài Gòn lập tờ khai y tế đối với những hành khách từ vùng dịch đã đi qua nước trung gian, gửi về các quận, huyện theo lịch trình để tiếp tục giám sát. Tuy nhiên, trung tâm này nhận định “rất khó để xác minh những hành khách này có được cách ly đúng quy định sau khi rời vùng dịch hay chưa.”

Giới hữu trách lấy lời khai bốn người Trung Quốc. (Hình: ĐT/Thanh Niên)

Từ những lý do trên, Sở Y Tế đã đề nghị Bộ Y Tế “xem xét có cần liên lạc với các nước trung gian để xác minh việc giám sát.” Sở này cho rằng nếu không được giám sát, cách ly chặt chẽ, nhóm người Trung Quốc này cùng nhiều nhóm người ngoại quốc khác “đang tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.”

Cùng lúc, theo báo Thanh Niên, chiều 5 Tháng Ba, ông Nguyễn Đình Bách, phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết lực lượng hữu trách tỉnh đã phát giác bốn người Trung Quốc gồm các ông Wang Shi Sen (23 tuổi), Wang Xiao Ming (26 tuổi), Wang Xiao Chao (28 tuổi, đều quê Phúc Kiến) và Su Chan Nan (39 tuổi, quê Quảng Đông) không có sổ thông hành trốn dịch qua Việt Nam.

Theo ông Bách, bốn người Trung Quốc trên khai sau khi vượt biên đến Quảng Ninh, họ thuê xe 16 chỗ dự kiến vào Đà Nẵng để trốn dịch. Khi vào Thừa Thiên-Huế, họ xuống huyện Phú Vang tìm quán ăn thì bị bắt giữ. Trong số bốn người, chỉ có ông Su Chan Nan xuất trình được sổ thông hành nhưng không có đóng dấu nhập cảnh.

Đội Phản Ứng Nhanh Trung Tâm Y Tế huyện Phú Vang đã phối hợp với công an tạm giữ đưa nhóm người Trung Quốc trốn dịch trên cùng hai tài xế người Việt Nam vào cách ly tại trường Quân Sự tỉnh ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, để “theo dõi và thực hiện các quy trình theo quy định.” (Tr.N)






No comments:

Post a Comment

View My Stats