Monday, 2 March 2020

NHIÊN HÒA ĐOÀN VIẾT HOẠT : TÂM TÌNH GỬI ANH NGUYỄN NGỌC BÍCH TỪ MANILA (Uyên Nguyên)





Làm người ai cũng phải chết, nhưng mỗi đời sống mỗi khác, mỗi cái chết mỗi khác. Đối với người đó và đối với mọi người thân quen.

Tôi đã từng phải chịu tang nhiều người thân trong gia đình và nhiều bạn tâm tình, đồng chí. Có những người thật thân thiết nhưng tôi chỉ nghe tin và không thể có mặt khi họ ra đi. Như chính cả những người thân yêu nhất. Như người mẹ đẻ ở lại quê nhà ngoài Bắc ra đi năm nào tôi cũng không biết. Và như người cha và mẹ kế của tôi chết khi tôi còn ở Chí Hòa, chỉ cách nhà có 1 cây số đường chim bay. Và người anh cả, bị CS bắt đi mất tích khi tôi chỉ mới 4-5 tuổi. Rồi bao nhiêu bạn thân, đồng chí, chết tha hương khi tôi còn ở trại giam Thanh Cẩm…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Đoàn Viết Hoạt (Ảnh: Uyên Nguyên)

Nhưng cái chết bất ngờ của anh Bích làm tôi gần như đột quỵ. Lần đầu tiên trong đời tôi trực tiếp nhìn thấy, sờ mó thấy, và cảm nhận được thế nào là chết. Chưa bao giờ tôi có một kinh nghiệm tiếp cận cái chết gần và thật như thế. Chỉ vài tiếng trước còn thấy anh Bích vất vả với mấy cái xách tay chờ chị Bích chậm chạp từng bước từ máy bay đi xuống. Và sau đó khi vào lại máy bay, thấy tôi ngồi cách một dẫy ghế, anh Bích còn giơ tay chào tôi, cười rất tươi. Rồi khi chị Bích hoảng hốt gọi tôi đến, khi tôi cùng chị Bích cố gắng giúp anh tỉnh lại nhưng anh chỉ gượng nói yếu ớt được vài câu, để sau đó chừng 20 phút, trở thành tấm thân vô tri giác. Tôi thât sự sờ thấy cái chết trên khuôn mặt anh, trên thân xác anh. Cái chết thảnh nhiên, lạnh lùng và chân thật.

Nhìn anh nằm tội nghiệp, cô đơn, dưới sàn máy bay tôi chợt hiểu lẽ vô thường của sự vật, của sống chết. Bờ của chết với sống thật mong manh. Tôi thật sự cảm nhận được cái lẽ thật trong câu nói của Lý Đông A: “Bờ biết là bờ sống. Biết đến đâu sống đến đó, sống đến đâu biết thêm đến đó”. Nay anh Bích không còn biết nữa, anh đã đạt đến bờ sống của anh rồi. Bên kia của bờ sống có thể anh vẫn còn cái biết nào đó nhưng chắc chắn không phải là cái biết mà chúng ta đều có thể cảm nhận được, chia sẻ được với anh. Và dù anh đã chết, nhưng cái biết mà anh để lại vẫn sẽ giúp chúng ta và hậu thế kéo dài mãi mãi cái bờ sống của muôn người, cho muôn đời. Cho nên cái biết và cái sống của mỗi người khi hòa được vào với muôn người thì không còn bờ bến. “Ta sống cả ngàn năm ở trong ta” (LĐA). Mỗi con người đang sống và đang mang cái biết của cả triệu năm loài người và 5, 000 năm nòi giống Việt. Anh Bích để lại cái sống và cái biết của anh trong mỗi chúng ta, và trong cây sống và cây viết của cả loài người.

Sau giây phút bàng hoàng, tôi tỉnh táo lại, thu xếp công việc, trước mắt giúp chi Hợi ổn định tinh thần và chỗ ngồi ngay cạnh anh, và nhất là lo chỗ nằm cho anh Bích. Lúc đầu họ khiêng anh đến nằm trên ghế của buồng hạng nhất cho rộng rãi, nhưng ngay sau đó tôi thấy nằm như thế lưng và tay chân không thẳng, sợ khi xuống đất, 7 tiếng sau, thân thể cứng lại, không thẳng được nữa. Tôi yêu cầu họ đưa anh xuống sàn, cho thân thể còn mềm được nằm đàng hoàng, ngay thẳng. Sau đó tôi giục chị Bích dùng điện thoại trên máy bay gọi báo tin ngay cho anh Nguyễn Ngọc Linh. Phần tôi cũng gọi xuống cho văn phòng VOICE ở Manila để họ chuẩn bị đón thi hài anh. Anh Bích chết khi đang bay về hướng quê hương, và khi máy bay bay trên bầu trời và vùng biển của Tổ quốc, chắc hương linh anh cũng thỏa mãn vì thân thể anh vẫn được bay ngang quê hương trước khi trở về với cát bụi. Tôi cảm nhận và chia sẻ với hương linh anh niềm bi thương, xót xa và chân tình đó. Bởi chính tôi cũng từng trải nghiệm nỗi đau xót, nước mắt tuôn trào khi bay trên vùng trời vùng biển của Tổ quốc, khi 18 năm trước, bị buộc phải rời xa quê hương không biết bao giờ mới được trở lại. Và giờ đây vẫn chỉ được bay trên bầu trời của quê hương thân yêu, xa tít mù khơi dưới đó. Bay qua quê hương mà hàng triệu người Việt đang phải rời xa để được hưởng một cuộc sống có nhân phẩm, tự do và hạnh phúc. – cuộc sống mà đáng lẽ họ phải được quyền hưởng ngay trên quê hương của họ.

Mấy ngày sau cái chết của anh Bích mọi người vẫn còn bàng hoàng dao động, không tin là có thật. Tôi đã phải cố gắng tỉnh táo để giúp triển khai Tĩnh Hội/HMDC lần thứ 15 và Hội Nghị về Biển ĐNÁ – Hội nghị do 4 tổ chức dân sự Việt-Phi tổ chức, với cái tên mà anh Bích là một trong những người nhiệt tình cổ vũ và luôn luôn sử dụng, thay cho tên South China Sea, hay Biển Đông (VN) và Biển Tây (Philippines). Tôi phải thay anh Bích đảm nhận phần việc của anh tại Hội nghị. Chúng tôi dành một buổi tối tổ chức lễ tưởng niêm anh, đơn giản nhưng thân tình và trang trọng, trong niềm tiếc thương và quí mến anh vô hạn. Mọi người, từ HMDC đến VOICE, đều ngầm cam kết với nhau rằng cách tưởng nhớ anh Bích có ý nghĩa chân thực nhất là hãy tiếp tục công việc của Hội Nghị biển ĐNÁ và Tĩnh Hội HMDC cho thành công theo đúng chương trinh, đúng nguyện vọng và tương xứng với sự đóng góp của anh.

Chúng tôi chỉ còn cách quê hương có một vùng biển ngắn, vùng biển mà cách đây gần nửa thế kỷ hàng triệu con dân Việt đã phải vượt qua trong mong manh sống chết để được sống trong tự do hạnh phúc –mà giờ đây chúng tôi cùng hương linh anh Bích đang hướng tới, với niềm tin và cam kết cùng nhau sớm mở ra được thời đại phục hưng mới cho dân tộc: thời đại Đại Việt 2000. Thời đại chấm dứt quá trình vong thân Việt, lưu vong Việt, quá trình từ Thái Sơn đến Động Đình Hồ đến Phong Châu, rồi tiếp tục Nam tiến đến Cà Mâu và ngày nay tràn ra toàn thế giới. Chấm dứt lưu vong và vong thân để trở lại xây dựng môt Đại Việt 2000 trong một vùng ĐNÁ anh em, thịnh vượng, nhân bản và tự do.

Anh Bích ơi, xin tạm biệt anh. Tôi tin rằng anh luôn ở bên mọi người Việt yêu nước, dù trên giải đất bên kia vùng biển đang dậy sóng, hay ở khắp nơi trên toàn thế giới. Hãy ở cùng chúng tôi, phù trợ cho chúng tôi sớm thành công. Để dân tộc Việt sớm hồi sinh, như chính anh hằng mong muốn. Tạm biệt anh.

Nhiên Hòa ĐVH
(Manila, March 10, 2016)

-------------------------

Chú thích :

HMDC  :  Họp Mặt Dân Chủ
.
Lê Quang
05/07/2018

.
9 thg 9, 2019

.
Việt Báo Online
20/09/2019





No comments:

Post a Comment

View My Stats