Lưu Hiểu Ba là cái
tên vẫn còn khá xa lạ với phần lớn người dân Việt Nam. Đơn giản vì tên của ông
không được nhắc đến, hoặc nhắc đến rất ít trên hệ thống báo chí, truyền thông
chính thống luôn tuân thủ nghiêm ngặt định hướng của cấp trên.
Ngoài ra tên của
ông còn gắn với một sự kiện tàn khốc của lịch sử hiện đại Trung Quốc và vì nhiều
lý do, vẫn luôn bị coi là “nhạy cảm” khi nhắc đến ở Việt Nam, đó là cuộc thảm
sát đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn diễn ra ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989.
Năm 2010 tôi có dịp
lần đầu đến Trung Quốc, được nghe anh bạn người Trung Quốc kể lại là chính quyền
kiểm soát chặt thông tin về sự kiện này đến mức cứ vào mỗi dịp kỉ niệm, số 4 và
số 6, chữ TỨ và chữ LỤC lại tự động biến mất trên hệ thống mạng tìm kiếm của
Trung Quốc vài hôm?
Năm 2010, Ủy ban
Hòa bình Na-uy, bỏ qua mọi sức ép của Chính quyền Trung Quốc, đã trao giải thưởng
Nobel cho Lưu Hiểu Ba, vào lúc ông đang là tù nhân, với bản án 11 năm vì tội
“kích động lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngay lập tức Trung Quốc điên cuồng đưa
ra phản ứng, tuyên bố ở cấp Nhà nước phản đối giải thưởng, dọa cắt quan hệ
thương mại với Vương quốc Na-uy.
Trên thực tế nhiều
hợp đồng, thỏa thuận làm ăn với Na-uy bị Trung Quốc đơn phương đình chỉ. Trong
nước, chính quyền mở một đợt tuyên truyền rầm rộ bôi nhọ uy tín của giải Nobel,
coi việc trao giải Nobel cho Lưu Hiểu Ba là trao cho tên tội phạm!
Vì sao chính quyền
Trung Quốc vốn sở hữu trong tay một sức mạnh khổng lồ, lại run sợ trước tiếng
nói của một kẻ trói gà không chặt như Lưu Hiểu Ba? Bạn hãy đọc kỹ cuốn sách này
sẽ lập tức có câu trả lời.
Về phần mình, tôi
vô cùng vinh hạnh khi được đề nghị viết lời giới thiệu cuốn sách với bạn đọc, một
cuốn sách cần thiết cho các thế hệ tương lai không chỉ của Trung Quốc nhưng tôi
đã không thể giúp để nó ra đời một cách chính thống.
Xin trích ra đây một
đoạn ngắn của bài giới thiệu đó:
“…Sự cuồng vọng quyền lực, nghiện dùng sức mạnh,
nghiệt ngã trong cai trị, dối trá và vô đạo đức là một chuỗi liên hoàn các căn
bệnh có mối gắn bó mật thiết với nhau. Hậu quả cuối cùng là nó gieo rắc sự khiếp
sợ trong đại bộ phận nhân dân. Khiến người dân khiếp sợ, cưỡng bức họ tuân phục
quyền lực là mong muốn và cũng là mục đích duy nhất của những kẻ độc tài. Lưu
Hiểu Ba quyết không cho nó biện hộ bằng bất cứ giáo lý nào khoác áo vì sự tiến
bộ, vì sự ổn định bằng cách lột trái nó ra, phơi bày không thương tiếc trước
toàn thế giới. Bởi vì tự do là tài sản chung của nhân loại, mọi sự nhân danh tự
do để bức hại nó, đều tiềm ẩn nguy cơ cả nhân loại sẽ phải trả giá đau đớn.
Cái đích cuối cùng mà Lưu Hiểu Ba chỉ ra cho bạn đọc,
là nền chính trị Trung Quốc hiện nay không có tương lai, càng không thể là lựa
chọn của nhân loại như nhiều người hoang tưởng rêu rao. Trung Quốc, như con khủng
long, trước sau cũng chết chìm vì chính sức nặng của chính thân xác của nó, sức
nặng có được do tham lam và tàn bạo ngốn hết sạch nguồn dữ trữ của tương lai.
Có nhiều người cho rằng Lưu Hiểu Ba đã hy sinh vô
ích, hy sinh một cách không cần thiết, cho thứ mà hàng trăm triệu người dân
Trung Quốc ngày nay không chờ đợi. Bởi vì họ vẫn đang vui vẻ với thứ mà ông coi
là xiềng xích. Họ thậm chí còn nguyền rủa ông đã làm cho Trung Quốc mất mặt với
thế giới! Với những người ấy, có thể họ không cần thiết phải đọc cuốn sách này
mặc dù Lưu Hiểu Ba viết cả cho họ, vì họ. Nhưng đó chỉ là những tiếng nói vọng
lên từ nấm mồ, từ quá khứ. Trong khi đây là cuốn sách được viết cho tương lai,
nhằm thức tỉnh thế hệ tương lai, của không chỉ người dân Trung Quốc, mà cho tất
cả chúng ta, những người không có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua những
toan tính vụ lợi, để một lần đối mặt với sự thật.”
No comments:
Post a Comment