Zaria Gorvett - BBC
Future
25/03/2020
Virus
corona hiện đã được đặt tên - và cái tên đó đã gây rắc rối.
Hóa ra đặt tên virus là cả một quá trình khó khăn
đáng ngạc nhiên, bởi sai một li là đi một dặm, nó có thể gây nên khủng hoảng
ngoại giao.
Câu chuyện 'cúm heo'
Vào ngày 27/4/2009, vị thứ trưởng y tế Israel tổ chức
họp báo khẩn cấp.
Một loại virus cúm mới bí ẩn đang hoành hành và nước
này dự kiến sẽ sớm công bố ca bệnh đầu tiên.
Nhưng khi ông phát biểu với giới truyền thông tại một
bệnh viện địa phương, mọi sự trở nên rõ ràng rằng Yaakov Litzman không phải là
chỉ có mặt để làm yên lòng công chúng.
"Chúng tôi sẽ gọi là cúm Mexico," ông khẳng định đầy thách thức. "Chúng
tôi sẽ không gọi là cúm heo."
Mặc dù virus này giờ đây chính thức được gọi là
H1N1, nhưng cúm heo vẫn là cách gọi phổ biến được dùng gần như là ngay từ khi bệnh
xuất hiện.
Rốt cuộc, con virus này bị nghi là giống với loại
virus đã gây bệnh cho heo, và bệnh nhân đầu tiên ("bệnh nhân số 0")
thì sống ở ngôi làng ngay cạnh một trang trại công nghiệp thường xuyên nuôi nhốt
50.000 con heo. (Đọc thêm về "bệnh nhân số 0" của trận dịch virus
corona.)
Dĩ nhiên, ở Israel, cái tên "cúm heo" có
tính xúc phạm sâu sắc tới các công dân theo Do Thái giáo và Hồi giáo ở nước
này, những người vốn kiêng thịt heo vì lý do tôn giáo.
Việc gọi nó
là "cúm Mexico" là dựa theo truyền thống lâu đời về việc đặt tên
virus theo địa danh nơi chúng được phát hiện ra hoặc bắt đầu phát tán dịch.
Hãy nhớ là virus Marburg gây nên dịch sốt xuất
huyết được đặt theo tên của một thành phố đại học của Đức; virus Hendra
lấy tên theo vùng ngoại ô thành phố Brisbane, nơi virus này được phát hiện lần
đầu tiên; Zika cũng là một khu rừng ở Uganda; cúm Phúc Kiến được
đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc; Ebola mang tên của một con sông ở
Cộng hòa Dân chủ Congo; và bệnh cúm Tây Ban Nha khét tiếng năm 1918 cũng
đặt tên theo xu hướng này.
Tuy nhiên, trong sự việc này, đại sứ Mexico tại
Israel đã có công hàm phản đối chính thức, trong đó nói rằng việc lấy tên đất
nước của ông để gọi con virus này là sự xúc phạm sâu sắc.
Lẽ dĩ nhiên là không ai muốn nước của mình liên quan
đến một căn bệnh chết người cả. Cuối cùng, Israel phải đồng ý rằng tên ban đầu
là hợp lý - sẽ giữ nguyên tên "cúm heo".
Cúm Vũ Hán, nCoV-2019, hay virus corona?
Gần đây, các quan chức của Tổ chức y tế thế giới đã
phải đối diện với một cú đi dây chính trị tương tự, khi virus corona lần đầu
tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tiếp tục là mối đe doạ
ngày càng lớn.
Chỉ vài tuần sau khi được phát hiện lần đầu tiên và
bắt đầu lan rộng, nó đã được gán cho đủ các loại tên đầy ấn tượng, chẳng hạn
như "cúm Vũ Hán", "virus corona Vũ Hán",
"Coronavirus","nCoV-2019", và thậm chí cả một cái tên dài
nhoằng, "virus viêm phổi chợ hải sản Vũ Hán".
Vào ngày
11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có cuộc họp báo, công bố tên chính thức của
căn bệnh gây ra bởi coronavirus mới là 'Covid-19 (viết tắt của
cụm từ 'dịch bệnh do chủng Coronavirus năm 2019 gây ra').
Nhưng trước khi phiên họp báo kết thúc, Ủy ban Quốc
tế về Phân loại Virus lại công bố một bài viết theo đó đề xuất đặt tên theo bản
chất của virus gây bệnh là: 'Hội
chứng suy hô hấp cấp tính nặng do coronavirus lần thứ 2', viết tắt là Sars-CoV-2.
Tên gọi này phản ánh theo nghiên cứu cho thấy virus
mới đang hoành hành có họ hàng gần gũi với virus gây bệnh Sars.
Thật kỳ quái, một phát ngôn viên của WHO nói với tạp
chí Science rằng họ sẽ không sử dụng cái tên này vì quan ngại rằng từ
"Sars" sẽ gây thêm sự hoảng loạn.
Trong khi đó, một số báo đài vẫn gọi là "virus
corona", và một số khác lại coi tên dịch bệnh và tên chủng virus là như
nhau, sử dụng cả hai khái niệm.
Bạn đã thấy rối trí chưa?
Trình tự đặt tên chính thức cho một chủng virus thường
có các bước như sau: khi có xác nhận một chủng virus mới đã được phát hiện, các
nhà khoa học có trách nhiệm sẽ đưa ra một vài gợi ý đặt tên cho nó và gửi những
gợi ý tới Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus. Ủy ban này sẽ chọn một trong số những
gợi ý đó và công bố tên chính thức.
Khó khăn
Vấn đề là một loại virus có thể có hai tên - giống như
chúng ta tự gọi mình là con người, mặc dù loài của chúng ta có tên chính thức
là Homo sapiens (Người thông minh).
Không giống như cách đặt tên loài động vật, không có
quy trình chung chính thức để đặt tên cho một con virus.
Lý tưởng nhất là một cái tên kết hợp được cả hai, để
tránh những rắc rối như tình huống chúng ta hiện đang gặp phải với virus
corona. Nhưng điều này thường không phải lúc nào cũng xảy ra.
Tên của thành phố Vũ Hán nơi căn bệnh lần đầu tiên
được phát hiện e rằng sẽ gắn liền mãi mãi với chủng virus corona mới. GETTY
IMAGES
Một lý do rất khó để khiến tất cả chúng ta đồng ý
là, mặc dù ngày nay có
đến 7.111 ngôn ngữ trên thế giới, bao gồm hàng triệu từ, nhưng thật
vô cùng khó để tìm ra một lựa chọn mà không làm mếch lòng ai đó.
Nếu dùng từ sai, cái tên có thể làm ô danh cả một
khu vực, hủy hoại một ngành công nghiệp hoặc thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng
ngoại giao.
"Đây là một điều phức tạp mà mọi người ít khi suy nghĩ cẩn trọng," Jens Kuhn, chuyên gia về virus độc tính cao tại Viện Y tế Quốc gia (NIH)
cho biết.
"Việc đặt tên luôn làm mọi người nổi điên bằng những cách khác nhau.
Có rất nhiều điều trong cuộc sống dễ gây tranh luận, nhưng khi nói đến việc đặt
tên, mọi người thường ngay lập tức nhảy dựng lên."
Khi mà người ta càng mất nhiều thời gian để tìm đặt
tên cho một loài virus thì càng có nhiều khả năng virus đó sẽ được gắn chặt với
cái tên phổ biến nhất - giống như cách mà bệnh cúm H1N1 thường được gọi là cúm
heo.
Con người có bản năng tự nhiên rất mạnh mẽ trong việc
muốn đặt tên cho mọi thứ - người ta thậm chí còn bắt đầu đặt tên cho cả những cỗ
máy được sử dụng để xây dựng bệnh viện dã chiến khẩn cấp 1.000 giường bệnh điều
trị cho các bệnh nhân mắc virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc, sau khi chương
trình truyền hình phát trực tiếp về cảnh xây dựng trở nên ăn khách và được lan
truyền rộng.
Theo Kuhn,
cách tốt nhất để đảm bảo thế giới sử dụng cùng một tên gọi để chỉ một loại
virus nào đó, đó là gọi tên theo chủng virus.
Vậy
cái tên lý tưởng thường có những đặc trưng gì?
Đầu tiên, nó phải độc đáo. Gọi virus mới là virus
corona Vũ Hán sẽ gây vấn đề, Kuhn, một thành viên của Ủy ban Quốc tế về Phân loại
Virus, giải thích.
Hiện đã tồn tại ít nhất là 17 loại virus tương tự
như loại "Vũ Hán" này, từ 'virus dế' đến 'virus muỗi', và hầu hết đều
không gây nguy hiểm cho con người.
Bất kỳ cái tên nào gắn những chủng virus này với sự
bùng phát dịch bệnh ở người cũng đều có thể làm phức tạp vấn đề và làm rối cho
việc nghiên cứu.
Tên gọi cũng cần phải ngắn gọn và lôi cuốn.
"Tôi thấy cái tên Hội chứng Hô hấp Trung Đông (Mers) rất kỳ quặc", Kuhn cho biết, và thừa nhận chính ông luôn phải vật lộn để nhớ thứ tự
các từ viết tắt này.
Và nếu một cái tên quá lằng nhằng thì công chúng sẽ
không buồn sử dụng.
"Vì vậy, bạn cần có một cái gì đó nghe hay và cô đọng như 'bệnh sởi'
chẳng hạn. Sởi là một thuật ngữ tuyệt vời."
Cuối cùng, và có lẽ là điều quan trọng nhất, cái tên
xúc phạm đến càng ít người càng tốt.
"Vấn đề lớn nhất mà tôi nhận thấy là phần lớn mọi người không cho rằng
tên chỉ là nhãn mác mà thôi," Kuhn nói. Thay vào
đó, chúng ta cứ muốn suy diễn tìm tòi ám chỉ sâu xa ở chỗ chả có ý nghĩa gì -
và điều này có thể gây ra những hệ lụy sai trái.
Trong đợt bùng phát dịch cúm heo năm 2009, những người
chăn nuôi heo phản đối rằng gọi là cúm heo sẽ dẫn đến những tổn thất lớn trong
ngành của họ vì công chúng lầm tưởng rằng thịt heo có thể truyền nhiễm virus.
Trên thực tế, mặc dù đó là một loại virus từ heo
song nó được cho là đã truyền sang người thông qua một loài động vật khác - có
thể là những loài chim di cư. Bản thân con heo không gây ra vấn đề.
Tuy nhiên, Ai Cập đã ra lệnh loại bỏ nhiều đàn heo
trong nước, một số thậm chí còn bị chôn sống. Đó là một tình huống tồi tệ nhất
do việc đặt tên gây ra: thuật
ngữ "cúm heo" đã gây ra một cơn giết chóc điên cuồng đáng sợ.
Tương
tự, khi một ổ dịch được đặt tên theo khu vực địa lý, cái tên đó thường là sai.
Trở lại năm 1918, khi Thế chiến Thứ Nhất sắp kết
thúc, một loại virus cúm mới đáng sợ đã xuất hiện.
"Cúm
Tây Ban Nha" đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi hang cùng ngõ hẻm trên
thế giới, từ các vùng hoang vu lạnh cóng ở Bắc Cực đến tận các đảo Nam Thái
Bình Dương. Chỉ một số ít các khu dân cư hẻo lánh và nơi trú ẩn là vô sự.
Nhiều quốc gia che giấu tin tức, vì lo ngại rằng nó
có thể ảnh hưởng đến tinh thần công chúng vào thời điểm quan trọng trong một cuộc
chiến trường kỳ.
Song Tây Ban Nha thì không che giấu. Khi những ca bệnh
đầu tiên xuất hiện, các tờ báo của Tây Ban Nha đã thông tin một cách đầy trách
nhiệm những gì đang diễn ra.
Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng dịch bệnh không bắt
đầu từ nơi đây, nhưng là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận có ca nhiễm,
Tây Ban Nha bị lầm tưởng là nơi phát sinh dịch bệnh với cái tên "cúm Tây
Ban Nha".
Trong một số trường hợp, những tai nạn do đặt tên
này có thể trở thành thảm họa.
Trở lại thời thập niên 1980, loại virus mà nay chúng
ta gọi là HIV ban đầu được gọi là 'suy giảm miễn dịch liên quan đến đồng tính
nam' (gay-related immunodeficiency - Grid).
Không chỉ là một cái tên đầy gây xúc phạm mà nó còn
cản trở nỗ lực kiểm soát bệnh.
Người ta từng suy luận rằng virus này chỉ lây nhiễm
đối với những người đàn ông da trắng đồng tính, và điều đó đã khiến Quốc hội Mỹ
gặp khó khăn trong việc thông qua luật phòng ngừa quan trọng.
Mặc dù virus corona mới nhất hiện đã được đặt tên,
nhưng những tổn thất phát sinh từ các tên gọi khác nhau có lẽ đã xảy ra rồi.
Được cho là
rõ ràng có liên hệ tới thành phố Vũ Hán, với hàng ngàn tít báo được đăng trên
truyền thông toàn cầu trong vài tuần, thật khó để tưởng tượng là loại virus này
lại được công chúng biết đến với cái tên nào khác ngoài tên gọi "virus Vũ
Hán" - có lẽ thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi này.
Trong nỗ lực tránh lặp lại các sự cố tương tự trong
tương lai, nhiều cách đặt tên thay thế khác nhau đã được đề xuất.
Có một ý tưởng, đó là ta hãy đặt tên virus theo tên
người, giống như đặt tên các cơn bão vậy. Hãy hình dung cảnh bạn gọi điện cho với
sếp để trình bày: "Tôi không đi làm được vì rất mệt do bị sốt Steve".
Nhưng mà dùng tên mình để đặt cho một thảm họa tự
nhiên là một chuyện, còn đặt cho một loài virus có thể gây tác hại khủng khiếp
lại là chuyện khác.
Hãy xem trường hợp virus noro, là loại virus gây
nôn, tiêu chảy và rất dễ bị nhiễm (chỉ cần 10 cá thể virus xâm nhập là bạn đã
có thể nhiễm bệnh).
Vào năm 2011, một người đàn ông Nhật Bản đã đệ đơn
khiếu nại cái tên này lên Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus, bởi vì Noro là một
tên họ phổ biến ở Nhật Bản - có khoảng 19.369 người mang họ Noro ở nước này.
Tổ chức này đã cố gắng sửa sai và đề nghị thay tên mới
là "virus Norwalk", nhưng mà vô tác dụng - dân chúng đã quen dùng cái
tên virus noro mất rồi.
Có một ý kiến khác là đặt tên bằng cách đánh số.
Nhưng một lần nữa, cách làm này lại gây vấn đề.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy tâm trí con người thực sự không giỏi nhớ
những con số," Kuhn nói.
Ngoài những bất tiện khác, ông chỉ ra rằng những sai
lầm nhỏ về con số thì gây tác hại lớn hơn nhiều so với những lỗi ngôn ngữ. Chẳng
hạn như từ 'sởi' nếu đánh máy hay viết sai thành 'sỏi' thì người ta vẫn có thể
đoán ra được, nhưng nếu gọi tên theo số thì khi đánh máy hay viết sai một số là
sẽ dẫn đến một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Để tránh tất cả những cạm bẫy tiềm tàng này, WHO đã
công bố một số hướng dẫn, trong đó đề nghị tránh hoàn toàn tên người, tên động
vật hoặc địa danh - tên sẽ chỉ đơn giản là mô tả các triệu chứng mà virus gây
ra.
Song thật đáng kinh ngạc, thậm chí hệ thống này cũng
vẫn có khả năng xúc phạm.
"Hội Chứng Suy Hô Hấp Cấp Tính Nặng" là một
cái tên hoàn toàn theo sách vở.
Ấy thế nhưng theo bản phúc trình "Cấu trúc xã hội
của dịch Sars: Nghiên cứu về khủng hoảng truyền thông y tế," các quan chức
Hong Kong tiếp tục sử dụng thuật ngữ "viêm phổi không điển hình" để
mô tả sự bùng phát dịch năm 2002 trong một thời gian, sau khi nhận thấy sự
tương đồng đáng buồn giữa tên gọi Sars với "Hong Kong SAR" - tức là cụm
từ viết tắt của Đặc khu Hành chính Hong Kong (Hong Kong Special Administrative
Region).
Nếu như tên gọi "Sars-CoV-2" được dùng,
thì vùng đất Hong Kong có thể sẽ không hài lòng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ghét bị liên quan đến
virus; trong một số trường hợp, đặt tên mình cho virus có thể là một niềm tự
hào và tâm lý dễ chịu.
Kuhn biết có những bệnh nhân đã tha thiết yêu cầu lấy
tên của họ để đặt cho một loài virus - coi đó là một giải thưởng an ủi nhỏ sau
tất cả những đau khổ chịu đựng bệnh tật của họ.
Chúng ta có một lịch sử dài về việc đặt tên căn bệnh
theo tên những người phát hiện ra bệnh hoặc tên bệnh nhân, suốt hàng trăm năm
nay, ví dụ từ "ung bướu Buschke-Lowenstein" cho đến "ung nhọt
Cushing"; bất kể các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng đến mức nào, lấy
tên mình đặt tên cho bệnh luôn được họ coi là một vinh dự.
Bất kể chúng ta gọi tên một loài virus là gì thì đặt
tên gì cho nó cũng sẽ không thể ngăn chặn được virus lây lan.
Có lẽ tốt hơn cả là chúng ta nên đặt những cuộc cãi
vã vớ vẩn về đặt tên virus sang một bên, thay vào đó là tập trung kiểm soát
virus.
Bài
tiếng Anh đã đăng trên BBC
Future.
-------------------------------------------------------------
COVID-19 (China Original Virus In December 2019)
No comments:
Post a Comment