ZING.VN
13:00 06/03/2020
Ngành
chế biến thủy hải sản của Maryland đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động
trầm trọng, và bang đã đề nghị chính quyền Trump nới lỏng giới hạn cho lao động
nước ngoài.
Theo Washington Post, 6 trên 9 công ty
chế biến cua biển của bang đã đề nghị chính quyền liên bang nới lỏng mức hạn ngạch
dành cho lao động nước ngoài - thêm khoảng 500 người, thường là phụ nữ đến từ Mexico -
để bóc cua lấy thịt rồi đem cung cấp cho các siêu thị và nhà hàng.
Đánh bắt và chế biến cua biển là một ngành quan trọng
trong cơ cấu công nghiệp của bang Maryland. Ảnh: Washington Post.
Thiếu lao động trầm trọng
Tuy nhiên, họ cho rằng khó có khả năng yêu cầu này
được chấp nhận. Các quan chức ngành nông nghiệp của bang cho rằng việc chính
quyền không cấp thêm visa sẽ khiến cho ngành chế biến hải sản thiếu hụt khoảng
1.000 việc làm, và thiệt hại kinh tế sẽ vào khoảng 150 triệu USD.
Việc có ít thịt cua được cung cấp cho các siêu thị
và nhà hàng hơn, sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá, đẩy giá các loại thịt khác.
Nhu cầu gia tăng dành cho lao động tạm thời tại các
công ty chăm sóc cảnh quan, các sân golf và ngành hải sản dọc bờ biển phía đông
nước Mỹ khiến cho hạn ngạch dành cho lao động nước ngoài
nhanh chóng được sử dụng hết.
Bộ Lao động Mỹ đã nhận được 100.000 yêu cầu cấp thị
thực trong tháng 1, nhưng chỉ có 33.000 thị thực được đáp ứng trong mùa xuân và
mùa hè này. Những người nhận visa H-2B cũng phải được kiểm tra lý lịch bởi Bộ
An ninh Nội địa.
Wall Street Journal gần đây đưa tin chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sớm phát hành
thêm 45.000 thị thực, bao gồm 20.000 thị thực được cấp tức thì và 25.000 thị thực
nữa được cấp trong tháng 6. Năm ngoái, chính quyền Trump đã cấp thêm 30.000 thị
thực so với hạn ngạch.
Các chính trị gia bang Maryland và giới lãnh đạo
ngành công nghiệp chế biến hải sản đang cấp thiết đề nghị Tổng thống Trump cho
phép tăng gấp đôi lượng thị thực dành cho lao động thời vụ theo chương trình
H-2B trong năm nay, cũng như tìm một giải pháp lâu dài cho tình trạng thiếu hụt
này.
Hàng chục ngư dân, công nhân chế biến hải sản cũng
như quan chức liên bang và địa phương đã tập trung tại công ty thủy sản A.E.
Phillips & Son hôm 3/2, nhấn mạnh rằng nếu không có sự ổn định trong nguồn
cung lao động, ngành công nghiệp và cộng đồng của họ sẽ đối mặt với nhiều khó
khăn.
Mùa khai thác cua biển ở bang Maryland bắt đầu vào
ngày 1/4 và tiếp tục kéo dài qua mùa thu.
"Đây không chỉ là vấn đề việc làm. Đây là một vấn
đề với cộng đồng người Mỹ", bà Aubrey Vincent, giám đốc bán hàng tại chuỗi
hải sản Lindy's Seafood, nhận định.
Catarina Hernandez, 42 tuổi, đến từ Ciudad del Maiz
của Mexico, đã làm việc nhặt thịt cua ở bang Maryland trong 2 năm qua để gửi tiền
về cho gia đình của cô. Ảnh: Baltimore
Sun.
Trước đây, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực bờ biển
phía bắc Đại Tây Dương của Mỹ thường là lao động chính trong ngành công nghiệp
chế biến hải sản, nhưng nó bắt đầu phụ thuộc vào những công nhân nước ngoài vào
thập niên 1990.
Vào năm 2018, lần đầu tiên hạn ngạch thị thực dành
cho lao động tạm thời không đủ để đáp ứng nhu cầu lao động của bang, và một số
công ty chế biến hải sản đã phải trải qua mùa khai thác cua với lực lượng lao động
nhỏ hơn đáng kể so với bình thường.
Có thể phải ngừng hoạt động
Nhu cầu dành cho các loại công việc phi nông nghiệp
theo chương trình thị thực H-2B tăng lên đáng kể, khiến Bộ An ninh Nội địa bắt
đầu nới lỏng hạn ngạch thông qua chương trình xổ số thị thực.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Lao động cũng tổ chức
chương trình xổ số thị thực của riêng họ, có nghĩa là một công ty có 2 lần tham
gia chương trình xổ số thị thực, và có gấp đôi khả năng xin được thị thực để
tuyển dụng lao động nước ngoài.
Điều đó chỉ gây ra thêm sự bực bội cho các doanh
nghiệp chế biến thủy hải sản, hầu hết trong số đó là những công ty gia đình đã
trải qua nhiều thế hệ.
"Làm thế nào bạn có thể điều hành doanh nghiệp
của mình dựa trên một chương trình xổ số? Thật không thể hiểu được tại sao
chính phủ của chúng ta lại hành động theo cách này", ông Steve Phillips,
giám đốc điều hành công ty A.E. Phillips, chia sẻ.
Hai thượng nghị sĩ Ben Cardin và Chris Van Hollen của
bang Maryland, đều thuộc đảng Dân chủ, đã kêu gọi chính quyền Trump cấp nhiều
thị thực hơn để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng họ vẫn đang chờ
phản hồi từ Washington.
Thống đốc bang là ông Larry Hogan, người của đảng Cộng
hòa, cũng kêu gọi các quan chức ở Washington tìm giải pháp cho vấn đề này.
"Tôi đã hy vọng sẽ có một thông báo kỳ diệu cho
tất cả các bạn trong sáng nay. Thật không may là tôi không có điều đó", bà
Kimberly Kratovil, người đại diện của Thượng nghị sĩ Cardin, cho biết.
Trong cuộc khảo sát được tổ chức bởi cơ quan nông
nghiệp bang Marylan và Hiệp hội Các ngành công nghiệp thủy sản Vịnh Chesapeake,
hầu hết công ty chế biến cua cho biết họ có thể buộc phải ngừng hoạt động nếu
không được cấp phép thêm thị thực cho lao động nước ngoài.
Từ thập niên 1990, ngành công nghiệp chế biến cua ở
bang Maryland đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động giá rẻ đến từ Mexico,
nhưng nó bắt đầu gặp khủng hoảng vào năm 2018 khi chính quyền của ông Trump siết
chặt hạn ngạch thị thực với lao động nước ngoài. Ảnh: Wall Street Journal.
Ngành đánh bắt cua biển của bang Maryland có giá trị
vào khoảng 47 triệu USD, theo thống kê vào năm 2017.
Nếu không có đủ lao động nhặt thịt cua trong năm
2020, các công ty chế biến cho biết doanh thu của họ nhiều khả năng sẽ giảm. Điều
đó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, đầu tiên là các ngư dân sẽ bị ảnh hưởng bị
công ty chế biến không có khả năng thu mua cua của họ, sau đó, giá bán cua ở
siêu thị và các nhà hàng sẽ tăng lên.
---------------------------
Sự bùng phát virus corona đang gây thiệt hại đến việc
kinh doanh tôm hùm ở California. Giá tôm hùm hiện
nay chỉ có 33,9 USD/kg. Trong khi bình thường có giá lên đến 80
USD/kg.
No comments:
Post a Comment