Sunday, 15 March 2020

KHI DÂN TRUNG QUỐC TỪ CHỐI 'CÁM ƠN TẬP CẬN BÌNH' (Lê Phan)




Lê Phan
Mar 15, 2020

Tuần rồi, khi ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đi thị sát thành phố Vũ Hán, vốn vẫn còn chưa hồi phục nổi sau khi đã là tâm bão của dịch bệnh do virus Corona gây lên, chuyến đi đã ấn định luận điệu cho một diễn dịch của nhà nước là Trung Quốc sẽ thắng trong “cuộc Chiến Tranh Nhân Dân,” vô số những người sử dụng truyền thông xã hội, những công dân mạng đã tìm đủ mọi cách để làm sao những tiếng nói khác được phổ biến.

Cũng trong thời gian ông Tập đến Vũ Hán, Bác Sĩ Ngải Phấn ở Vũ Hán đã lên tiếng sau khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp đã chết vì virus Corona, chỉ trích nhà chức trách bệnh viện đã ém nhẹm những khuyến cáo sớm về dịch bệnh trong một cuộc phỏng vấn mà các nhà kiểm duyệt đang cố tìm cách xóa bỏ khỏi Internet.

Trong bài trả lời phỏng vấn với Nhân Dân Tạp chí, Bác Sĩ Ngải Phấn, giám đốc cấp cứu của bệnh viện Trung Tâm Vũ Hán, nói bà đã bị khiển trách sau khi báo động cho các viên chức và các đồng nghiệp về một loại virus giống như SARS tìm thấy ở các bệnh nhân vào Tháng Mười Hai.

Nay thì virus này đã lấy đi trên 3,000 sinh mạng ở Trung Quốc theo thống kê của nhà nước, kể cả bốn bác sĩ trong bệnh viện của bà, một trong đó chính là Bác Sĩ Lý Văn Lượng, bác sĩ mắt vốn đã “thổi còi” báo động. Bác Sĩ Ngải đã tham gia vào nhóm những nhà chỉ trích chính quyền vốn có nguy cơ mất việc, hay có thể bị tù, để lên tiếng nói sự thật về tình trạng ở Vũ Hán.

Bà Ngải Phấn nói trong cuộc phỏng vấn, “Nếu tôi biết chuyện đã xảy ra, tôi sẽ bất chấp những lời khiển trách. Tôi sẽ bất chấp nói thẳng cho bất cứ ai biết nơi nào mà tôi có thể.” Bà đã dùng đến một lời chửi thề để bày tỏ sự tức giận.

Số là hôm 30 Tháng Mười Hai, sau khi chứng kiến nhiều bệnh nhân với triệu chứng giống bị cúm và không cứu chữa được với mọi cách chữa trị bình thường, Bác Sĩ Ngải nhận được kết quả thử nghiệm về một trong những trường hợp này vốn có hàng chữ “SARS coronavirus.”

Bác Sĩ Ngải, đọc bản phúc trình nhiều lần, nói bà sợ đến lạnh người. Bà khoanh vòng chữ SARS, chụp một tấm hình và gửi cho một người bạn học ở Trường Y Khoa cũ, nay là bác sĩ của một bệnh viện khác cũng ở Vũ Hán. Đến tối hôm đó, tấm hình đã được chuyền tay nhau đến khắp nhóm y bác sĩ ở Vũ Hán, nơi nó được Bác Sĩ Lý Văn Lượng chia sẻ với những bạn đồng học khác và trở thành bằng cớ đầu tiên của dịch bệnh bùng phát.

Tối hôm đó, Bác Sĩ Ngải nói bà nhận được một thông điệp từ bệnh viện nói là mọi thông tin về căn bệnh bí mật này không nên được phổ biến vô tội vạ để tránh khỏi tạo hốt hoảng. Hai ngày sau, bà nói với tờ báo, bà bị giám đốc ban kỷ luật của bệnh viện kêu lên khiển trách cho việc đã “loan tin đồn” và “gây xáo trộn ổn định.”

Bà nói là nhân viên bị cấm chuyển những thông điệp và hình ảnh liên quan đến virus. Điều duy nhất bà nói bà có thể làm là bảo nhân viên hãy mặc đồ bảo vệ và đeo khẩu trang, ngay cả khi các viên chức bệnh viện bảo họ đừng làm. Bà nói nhân viên hãy mặc đồ bảo vệ dưới áo choàng.

Bà kể tiếp: “Chúng tôi chứng kiến ngày càng nhiều bệnh nhân đến với khu vực nhiễm bệnh ngày càng lớn hơn” và họ bắt đầu thấy những bệnh nhân không có liên hệ gì với chợ hải sản, vốn được nghĩ là nguồn gốc của những vụ đầu tiên.

Trong khi các viên chức Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn còn cả quyết không có lý do gì để tin là virus truyền giữa người và người, Bác Sĩ Ngải nói “Tôi biết phải có truyền từ người sang người.”

Hình ảnh ông Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán được tuyên truyền trên đài truyền hình ở Bắc Kinh hôm 10 Tháng Ba, 2020. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)

Hôm 21 Tháng Giêng, một ngày sau khi các viên chức Trung Quốc sau cùng chính thức công nhận là có truyền từ người sang người, số bệnh nhân đến phòng cấp cứu đã lên đến 1,523 người một ngày, gấp ba lần số bình thường.

Trong cuộc phỏng vấn, Bác Sĩ Ngải diễn tả một giây phút bà không bao giờ quên: “Con mắt dại đi của một ông lớn tuổi khi một bác sĩ trao cho ông giấy khai tử của cậu con trai 32 tuổi, hay một người cha bệnh quá nặng đến nỗi không bước ra được khỏi cái xe đậu ngay bên ngoài bệnh viện. Khi bà đến được xe thì ông đã qua đời.”

Bài phỏng vấn được phổ biến trên Internet hôm Thứ Ba, 10 Tháng Ba và nhanh chóng bị kiểm duyệt gỡ xuống.

Nhân Dân Tạp Chí đã gỡ bỏ bài báo và các nhà báo ngoại quốc không làm sao liên lạc được với Bác Sĩ Ngải. Trong cố gắng để đánh lạc hướng các chương trình kiểm duyệt tự động sử dụng trí thông minh nhân tạo, các công dân mạng đã phiên dịch bài phỏng thành ra năm ngôn ngữ ngoại quốc và đổi dạng của nó ít nhất 22 cách. Bài phỏng vấn được viết ngược, dịch sang emojis, ngôn ngữ Braille của người khiếm thị, khắc cốt văn, ký hiệu Morse, nốt nhạc và ngay cả ngôn ngữ của người Elve trong bộ chuyện Lord of the Rings.

Một giáo sư về truyền thông của Viện Đại Học Ngoại Ngữ Bắc Kinh nhận xét “Mức độ và sự cương quyết của việc chống cự lại tuyên truyền trong dịch bệnh do virus gây nên này chưa từng thấy. Ở một khía cạnh nào đó, ‘hệ thống 404’ đã sụp đổ tạm thời.”

Ý ông muốn nói đến thông điệp thường xuất hiện mang ký hiệu 404 nói là nội dung đã bị dời đi hay xóa bỏ. Và ông tiên đoán “Nó sẽ hồi phục trong một trò chơi đánh đu với các công dân mạng.”

Dưới thời của ông Tập Cận Bình, kiểm duyệt, có giai đoạn được nới rộng, đã bị siết lại rất chặt. Giáo Sư Alfred Wu của trường Chính Sách Công Quyền Lý Quang Diệu của Viện Đại Học Quốc Gia Singapore, chờ đợi là nó sẽ tiếp tục sau khi dịch bệnh đã đi qua.

Ông giải thích: “Biết là có nhiều người không hài lòng, bản chất của đảng cộng sản là chọn một chiến lược tấn công để phòng thủ.”

Ông Tập, vốn đã biến đâu mất trong những tường thuật của truyền thông vào những ngày dịch bệnh bùng lên, đã trở thành bộ mặt của cuộc chiến chống dịch. Sau chuyến viếng thăm Vũ Hán, Tân Hoa Xã gửi lên video mang cái tên “Lãnh tụ Nhân dân chỉ huy mặt trận quyết liệt.”

Không có bao nhiêu chỉ dấu là ông Tập đã bị yếu đi vì dịch bệnh. Thay vì vậy, với đại dịch toàn cầu lan tràn đã làm cho phản ứng của Bắc Kinh có vẻ hữu hiệu, giúp thêm cho luận điệu của Bắc Kinh.

Sau khi ông Tập đến thăm một bệnh viện ở Vũ Hán và đứng trước một tấm bảng màu đỏ với hàng chữ “Cương quyết thắng cuộc chiến tranh nhân dân,” Phương Phương, một tiểu thuyết gia của Vũ Hán vốn đã được nhiều người đọc khi cô đưa lên Internet cuốn nhật ký về cuộc sống của một thành phố bị đóng cửa, viết: “Hãy nhớ, không có chiến thắng, chỉ có chấm dứt.”

Dòng chữ này đã bị xóa trên Internet, nhưng blog của cô vẫn còn nguyên trên tạp chí Tài Kinh, một tờ báo tương đối khá độc lập, và mỗi blog của cô có nhiều chục ngàn người đọc.

Cái chết của Bác Sĩ Lý Văn Lượng hồi tháng qua, đã dẫn đến một sự tức giận hiếm có chống lại nhà cầm quyền. Sau cùng nhà nước phải vinh danh ông trong số hơn 500 “nhân viên y tế gương mẫu.”

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tài Kinh, Bác Sĩ Lượng nói trước khi chết vì virus Corona: “Một xã hội lành mạnh phải có hơn là một tiếng nói.” Câu này đã trở thành khẩu hiệu đòi tự do ngôn luận trong các công dân mạng.

Tuần rồi, một hình ảnh hiếm có cho sự tức giận liên quan đến một viên chức trung ương đã loan truyền: Một video clip ở một chung cư ở Vũ Hán cáo buộc nhân viên đã tổ chức giao thực phẩm “dỏm” cho một cuộc thị sát của các viên chức cao cấp từ trung ương, la lối “Đồ giả mạo.”

Hôm Thứ Sáu tuần trước, bí thư thành ủy Vũ Hán ông Vương Trung Lâm đã tung ra một chiến dịch “giáo dục biết ơn” yêu cầu cư dân cảm ơn ông Tập Cận Bình và đảng, đã gặp phản ứng mạnh.

Một bài trên WeChat viết: “Bất cứ ai có lương tâm đều không đòi người dân Vũ Hán, vẫn còn choáng váng vì cú shock, phải cảm ơn ai cả,” đã loan truyền nhanh chóng.

Bài báo chính thức loan báo chiến dịch của ông Vương Trung Lâm sau đó đã bị gỡ bỏ. 

(Lê Phan)






No comments:

Post a Comment

View My Stats