Friday 13 March 2020

HƠN 5.400 NGƯỜI CHẾT VÌ COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI (tổng hợp)




NỘI DUNG :

VnExpress
.
Tuổi Trẻ Online
.
.
Thanh Niên Online
.
Dân Trí Online

Thanh Niên Online
.
Người Lao Động
.
VietNamNet
.
Dân Trí Online
.
=====================================
.

BẤM ĐƯỜNG LINK ĐỂ XEM SỐ THỐNG KÊ MỚI NHẤT

                             ***************

VnExpress
Thứ bảy, 14/3/2020, 06:33 (GMT+7)

138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận Covid-19, hơn 145.000 ca nhiễm và hơn 5.400 ca tử vong, WHO tuyên bố châu Âu là tâm dịch.

Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, với 10.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 145.336, số người đã hồi phục là 70.921.
Các ca nhiễm mới tập trung ở Italy, Tây Ban Nha, Iran, Đức, Pháp và Mỹ. Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, hai nước này thường thông báo số liệu vào khoảng 7h30 - 8h30 hàng ngày.

Thêm 434 ca tử vong vì nCoV trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở hai vùng dịch lớn là Italy và Iran, nâng tổng số ca tử vong lên 5.416.
Italy thông báo 250 ca tử vong mới, tổng số người chết vì nCoV tại nước này là 1.266, tỷ lệ tử vong là 7,17%. Iran ghi nhận thêm 85 ca tử vong, tổng số người chết là 514, tỷ lệ tử vong ở mức 4,5%.
Italy phát hiện thêm 2.547 người nhiễm nCoV, tổng số ca bệnh là 17.660. Số ca bệnh ở Tây Ban Nha tăng 2.086, tổng số người nhiễm nCoV tại nước này là 5.232. Tại Mỹ, 2.269 người nhiễm nCoV, tăng 572 so với hôm trước.

Covid-19 tiếp tục xuất hiện tại một số nước châu Mỹ và châu Phi, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch lên 137. Kenya, Antigua & Barbuda, Guinea, Sudan, Ethiopia, Kazakhstan cùng vùng lãnh thổ Guadeloupe của Pháp, quần đảo Cayman của Anh và Aruba thuộc Hà Lan là những nơi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên trong ngày hôm qua.

Tây Ban Nha và Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu đã trở thành tâm dịch và cho biết không thể dự đoán thời điểm Covid-19 đạt đỉnh.

Bản đồ Covid-19 trên thế giới
Thứ sáu, 13/3/2020, 08:12 (GMT+7)

-------------------------------------------
.
Tuổi Trẻ Online
14/03/2020 05:43 GMT+7

Quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp giúp ông Trump giải phóng thêm 50 tỉ USD ngân sách chống dịch, miễn trừ nhiều thủ tục để đẩy nhanh việc xét nghiệm, chăm sóc người bệnh COVID-19.
Theo trang Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh COVID-19. Ông cam kết sẽ mau chóng nâng cao quy mô cũng như tăng tốc khả năng xét nghiệm virus corona chủng mới cho người dân.
Theo ông Trump, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch COVID-19 sẽ giúp giải phóng thêm 50 tỉ USD ngân sách cho các bang chống dịch.
Quyết định này cũng giúp miễn trừ các quy định cụ thể để đẩy nhanh hơn việc xét nghiệm, điều trị cho người bệnh.
Ông Trump cho rằng động thái này cũng sẽ xóa bỏ tình trạng thiếu thốn xét nghiệm mà giới chuyên gia y tế cho rằng đang gây cản trở khả năng chống dịch của nước Mỹ.
Những ngày gần đây, giới quan chức phụ trách y tế của chính quyền ông Trump cảnh báo người dân trong nước về tình hình dịch dự kiến sẽ tồi tệ hơn.
Nhiều sự kiện thể thao bị đình lại, các khán phòng biểu diễn nghệ thuật phải đóng cửa chờ thông báo mới. Nhiều người Mỹ đã được yêu cầu tự cách ly.
Ông Trump cũng thông báo về một loạt thỏa thuận với các công ty tư nhân, trong đó có Google, Target và Walmart, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc xét nghiệm bệnh.
Hai công ty Target và Walmart cho biết sẽ dành các bãi đỗ xe rộng của họ làm nơi xét nghiệm. Trong khi Google cam kết lập trang web giúp định vị nơi nào có người cần xét nghiệm và những nơi người dân có thể được xét nghiệm.
"Người dân Mỹ sẽ rất mau chóng có thể tới những điểm xét nghiệm này", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, người phụ trách lực lượng đặc trách chống dịch bệnh COVID-19, nói.
Ông Trump cho biết ông dự tính sẽ có thêm 1,4 triệu xét nghiệm trong tuần tới và 5 triệu xét nghiệm trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt đổ xô đi làm xét nghiệm.
"Chúng tôi không muốn mọi người làm xét nghiệm này - ông nói - Điều đó hoàn toàn không cần thiết".
Thời gian qua ông Trump đối mặt với những chỉ trích của dư luận về việc chính quyền của ông đã không đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm cũng như nguồn lực cần thiết để chống dịch.
Quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch COVID-19 của ông Trump đã nhận được phản ứng tích cực của Phố Wall và ngay cả của Đảng Dân chủ.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều nhanh chóng ngay sau tuyên bố này. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 2.000 điểm (hơn 9%), tỉ lệ tăng % lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

--------------------------------------
.
13/03/2020

(AFP 13/03/2020) Đi ngược lại các khuyến cáo của hầu hết các cơ quan y tế trên thế giới, tổng thống Mỹ đã bắt tay nhiều người tại Nhà Trắng hôm nay 13/03/2020, ngay trong dịp loan báo các biện pháp chống lại virus corona. 

Để loan báo tình trạng khẩn cấp, tổng thống Mỹ được bao quanh bởi năm, sáu nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về phân phối và y tế. 

Và khi vừa nhắc nhở công chúng Mỹ về các biện pháp vệ sinh chung trên cơ sở tôn trọng những cách thức tốt, ông Donald Trump lại bắt tay tất cả các ông chủ lớn sau khi họ phát biểu.

Một trong số đó là Bruce Greenstein của LHC Group đã từ chối bắt tay tổng thống, thay vào đó đề nghị « check » - cụng khuỷu tay – một cách chào mới được các cơ quan y tế khuyến cáo nhằm chống virus corona lây lan. 

Ông Bruce Greenstein đề nghị tổng thống chạm khuỷu tay thay vì bắt tay, Washington 13/03/2020.

Trong cuộc họp báo, ông Donald Trump, 73 tuổi, cho biết ông không xét nghiệm virus corona vì « không hề có triệu chứng gì », dù tuần rồi có tiếp xúc với một quan chức Brazil, thành viên trong phái đoàn của tổng thống Jair Bolsonaro, và quan chức này đã xét nghiệm dương tính với con virus Vũ Hán.

Tuy vậy tổng thống Mỹ nói thêm, có thể « sắp tới » ông sẽ đi xét nghiệm.


------------------------------------------
.
Thanh Niên Online
21:43 - 13/03/2020

Truyền thông Brazil loan tin Tổng thống Jair Bolsonaro đã được xét nghiệm dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19. Tuy nhiên ông Bolsonaro sau đó tuyên bố kết quả là âm tính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở thành phố Palm Beach, bang Florida (Mỹ) ngày 7.3 . Reuters

Theo tờ The Guardian, kết quả xét nghiệm lần đầu của ông Bolsonaro (65 tuổi) là dương tính với SAR-CoV-2. Tổng thống Brazil được cho là vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 để có kết luận chính xác.
Trong khi đó, trên Twitter, ông Eduardo Bolsonaro, con trai của Tổng thống Brazil, chỉ xác nhận cha đã được xét nghiệm nhưng chưa hoàn tất, và ông "không có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19". Trả lời phỏng vấn Fox News sau đó, ông Eduardo nói cha ông xét nghiệm âm tính và đang chờ thêm thông tin.
Tối 13.3, Tổng thống Bolsonaro đích thân xác nhận kết quả xét nghiệm của ông là âm tính, theo AFP.
"Bệnh viện quân y và phòng thí nghiệm chẩn đoán Sabin đã trả kết quả xét nghiệm âm tính", theo thông báo trên tài khoản Facebook của Tổng thống Bolsonaro. Ông đồng thời chỉ trích truyền thông Brazil tung tin giả.
Trước đó, ông Fabio Wajngarten, thư ký truyền thông của Tổng thống Jair Bolsonaro tối 12.3 đã được xét nghiệm dương tính với SAR-CoV-2 sau chuyến thăm Mỹ cùng ông Bolsonaro. Hôm 7.3, ông Wajngarten đã đứng gần Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong lúc chụp hình khi ông tháp tùng Tổng thống Bolsonaro đến thăm bang Florida. 

Ông Bolsonaro và ông Trump ngồi cạnh nhau tại bàn tiệc chiêu đãi ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.  REUTERS

Bộ Y tế Brazil cũng cho biết ông Wajngarten nhiễm COVID-19 nên Tổng thống Bolsonaro sẽ được theo dõi sức khỏe. Trước đó, chính ông Bolsonaro hạ thấp mối rủi ro từ COVID-19 khi nói rằng "bệnh cúm còn giết chết nhiều người hơn" và gọi mối quan ngại về COVID-19 là quá mức.
Về phía Tổng thống Trump (74 tuổi), ông nói có nghe việc quan chức Brazil nhiễm bệnh nhưng khẳng định ông không quan tâm đến nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và không cần phải xét nghiệm. Ông Trump nhấn mạnh: "Tôi và Tổng thống Brazil không làm gì quá bất thường. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong một khoảng thời gian".
Dù vậy, đài CNN dẫn một nguồn tin tiết lộ: "Tổng thống Trump rất lo ngại và quan tâm đến những người mà ông đã gặp gỡ và tiếp xúc, kể cả quan chức Brazil đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19".
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã tiếp xúc với ông Wajngarten đã quyết định tự cách ly, bao gồm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott.
Đài Fox News đưa tin Nhà Trắng dự định tổ chức cuộc họp khẩn cấp về kết quả xét nghiệm COVID-19 của Tổng thống Bolsonaro.
Cũng liên quan đến COVID-19, Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi trở về từ thủ đô Washington D.C, nơi ông đã gặp gỡ với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr và Ivanka Trump, con gái của chủ nhân Nhà Trắng.

-------------------------------------
.
Dân Trí Online
Thứ Bảy 14/03/2020 - 07:45

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông vẫn khỏe sau khi đệ nhất phu nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Thủ tướng Justin Trudeau ngày 13/3 đã có bài phát biểu tại Rideau Cottage, nơi ông tự cách ly với vợ - Đệ nhất phu nhân Sophia Gregoire Trudeau. Thủ tướng Trudeau cho biết ông vẫn “cảm thấy khỏe mạnh”.
Bà Sophia đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (Covid-19). Bà được cho là bắt đầu có triệu chứng từ đêm 11/3 sau khi trở về từ chuyến đi tới Anh.
Khi được một phóng viên hỏi về lý do không xét nghiệm virus corona, Thủ tướng Trudeau nói ông được biết rằng, nếu không phát triệu chứng, việc ông xét nghiệm là “không có giá trị”.
Trước đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Trudeau ngày 13/3 cho biết sức khỏe của nhà lãnh đạo Canada vẫn tốt và ông không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào.
Các bác sĩ nói rằng ông Trudeau vẫn có thể tiếp tục công việc điều hành trong khi tự giám sát vì chưa có triệu chứng. Tuy nhiên, ông Trudeau đã quyết định tự cách ly và làm việc tại nhà.
Thủ tướng Trudeau bảo vệ quyết định không đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng như các quốc gia có nguy cơ cao về lây nhiễm virus corona. Ông Trudeau dành lời khen cho giới chức y tế vì đưa ra những khuyến nghị đúng đắn cho Canada.
Ông Trudeau đã hủy một số chương trình nghị sự, trong khi dành cả ngày để thực hiện các cuộc họp thông qua điện thoại và hình ảnh trực tuyến từ nhà, và tham gia cuộc thảo luận chống Covid-19 với uỷ ban đặc biệt của nội các cũng như với các nguyên thủ quốc tế.
Canada đã có hơn 139 ca nhiễm virus corona tính đến ngày 13/3. Ca tử vong vì virus corona đầu tiên tại nước này được xác nhận vào ngày 9/3.

Thành Đạt
Theo RT

------------------------------------------
.
Thanh Niên Online
06:00 - 14/03/2020

Trung Quốc đưa ra thuyết âm mưu vi rút gây bệnh Covid-19 xuất phát từ Mỹ, trong khi Washington gọi đó là “virus Vũ Hán”.

Với số ca nhiễm mới giảm mạnh tại Trung Quốc đại lục trong khi tăng vọt ở nước ngoài, các nhà ngoại giao lẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc là nơi bùng phát virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 hồi cuối năm ngoái.

Thuyết âm mưu “virus Mỹ”
Thông qua mạng xã hội Weibo, tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) đăng tải đoạn video về phiên điều trần của quốc hội Mỹ trong tuần này, thảo luận về dịch Covid-19. Trong video, nghị sĩ Harley Rouda chất vấn ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, rằng liệu ở Mỹ đã có trường hợp nào tử vong vì cúm nhưng thật ra lại là do Covid-19 hay không. Ông Redfield trả lời: “Đến nay, tại Mỹ đã có một số trường hợp thực sự được chẩn đoán theo cách đó”.
Câu trả lời mơ hồ của ông Redfield trở thành dẫn chứng mới cho thuyết âm mưu “virus Mỹ” vốn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng Weibo ở Trung Quốc trong 2 tuần qua. Theo thuyết này, SARS-CoV-2 được mang từ Mỹ đến Trung Quốc. “Mỹ cuối cùng đã thừa nhận rằng trong số những người tử vong vì cúm có trường hợp nhiễm Covid-19”, một người dùng Weibo bình luận về video của ông Redfield.
Trên Twitter ngày 12.3, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng đăng lại đoạn video trên, kèm theo bình luận: “Có thể chính quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán”, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
“Dù chỉ là bình luận trên Twitter, nhưng ông Triệu có thẩm quyền phát ngôn và đây là thông điệp chính thức của Trung Quốc. Bắc Kinh đẩy mạnh thuyết âm mưu “virus Mỹ” để chuyển hướng dư luận khỏi sự bức xúc trước việc xử lý ổ dịch trì trệ lúc ban đầu và đến nay làm chết gần 3.200 người trong nước”, Giáo sư Dali Yang thuộc Đại học Chicago (Mỹ) nhận định.
Khi được hỏi về thuyết âm mưu “virus Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua nói cộng đồng quốc tế có ý kiến khác nhau về nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Hiện nguồn gốc thật sự của SARS-CoV-2 vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp. Hồi tháng 1, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, nói: “SARS-CoV-2 xuất phát từ động vật hoang dã được bán tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán”. Sau đó, hơn 56 triệu người dân bị cách ly nghiêm ngặt tại Vũ Hán cùng khu vực lân cận ở tỉnh Hồ Bắc kể từ ngày 23.1.
Đến ngày 27.2, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, lại nói dù dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, nhưng SARS-CoV-2 có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, theo tờ Hoàn Cầu thời báo. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thời tuyên bố vẫn chưa thể chứng minh giả thuyết virus này nhảy từ con vật ở chợ Hoa Nam sang người trước khi lan rộng ra toàn cầu.

“Virus Vũ Hán”
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi SARS-CoV-2 là "virus Vũ Hán", khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc kịch liệt phản đối, gọi cách dùng từ này là "đáng khinh bỉ" và "thiếu tôn trọng khoa học". Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn tiếp tục dùng từ “virus Trung Quốc” hoặc “virus Vũ Hán”. Hôm 11.3, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự bùng phát dịch Covid-19 "bắt nguồn từ Trung Quốc".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng nhấn mạnh SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán. Ông O'Brien cáo buộc Trung Quốc không minh bạch, xử lý không tốt trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát cuối năm ngoái, khiến thế giới bỏ lỡ mất 2 tháng chuẩn bị.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton nhiều lần nhấn mạnh thuyết âm mưu cho rằng SARS-CoV-2 là vũ khí sinh học bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm gần chợ hải sản ở Vũ Hán. Ông Cotton hôm qua cảnh báo Mỹ sẽ buộc “những kẻ gieo rắc virus Vũ Hán khắp thế giới” phải chịu trách nhiệm và bị trừng trị theo pháp luật.
Các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc đang cố làm chệch hướng dư luận để không bị quy trách nhiệm là làm lan truyền Covid-19 khắp thế giới, còn Washington muốn đổ lỗi cho Bắc Kinh vì bị dư luận chỉ trích thiếu biện pháp dập dịch ở Mỹ, theo AFP.

Bệnh dịch “xâm nhập” chính trường
Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, khiến nhiều lãnh đạo, chính trị gia và người thân của họ bị cách ly hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2, chẳng hạn tổng thống Brazil và Philippines. Hôm qua, bà Sophie Gregoire Trudeau, phu nhân của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã được xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi chuyến thăm Anh. Ông Trudeau có sức khỏe tốt, không biểu hiện triệu chứng, nhưng sẽ bị cách ly trong thời gian 14 ngày.

-----------------------------------------------
.
Người Lao Động
14-03-2020 - 07:09 AM

Ý hôm 13-3 ghi nhận số người tử vong do nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trong một ngày cao nhất với 250 ca, nâng tổng trường hợp tử vong lên 1.266.
Tổng ca nhiễm ở Ý đã vượt mốc 17.660. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu là "tâm chấn" mới của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã gửi 31 tấn vật tư y tế đến Rome, cùng với các chuyên gia chống Covid-19 từ tâm dịch Vũ Hán.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ý đang trong tình trạng căng thẳng do dịch bệnh bùng phát và đất nước bị phong tỏa. Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, Yang Huichuan, người đứng đầu nhóm 9 chuyên gia đến Ý, cho biết các thiết bị y tế gửi đến Rome bao gồm thiết bị cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Ông Yang cho hay Ý đã gửi viện trợ cho Trung Quốc khi nước này đang đối phó với dịch bệnh Covid-19, vì vậy Bắc Kinh muốn trả lại khoản viện trợ đã nhận được từ Rome cách đây không lâu.
Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà đang thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ thiết bị bảo vệ trên khắp châu Âu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới khi số ca nhiễm lên đến 4.209 và ca tử vong là 120. Quan chức này không loại trừ khả năng Tây Ban Nha sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng lên 10.000 trong tuần tới.
Theo ông Sanchez, Tây Ban Nha bắt buộc phải áp dụng biện pháp này trong ít nhất 15 ngày tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Khả năng phong toả thủ đô Madrid, nơi đang là tâm dịch chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm và tử vong, cũng đã được tính đến. Trong ngày 13-3, toàn bộ cửa hàng và quán bar tại Madrid đã bị đóng cửa.
Trước khi Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp, nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng đã áp dụng biện pháp tương tự.
Trong khi đó, Iran đã có thêm 1.289 ca nhiễm mới và 85 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.364 và 514 người đã chết. Quân đội Iran hôm 13-3 tuyên bố sẽ "dọn sạch" các đường phố trên toàn quốc trong vòng 24 giờ nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Xuân Mai (Theo SCMP)

----------------------------------------------------
.
VietNamNet
13/03/2020    20:39 GMT+7

Lực lượng an ninh Iran đang được triển khai để dọn dẹp đường phố và đóng các nhà hàng cửa hiệu trên toàn nước này, chuẩn bị cho lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm chống dịch Covid-19.
RT dẫn lời thiếu tướng Mohammad Bagheri nói trên truyền hình rằng các nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ đóng mọi "cửa hiệu, tuyến phố và đường sá" ở Iran trong vòng 24 giờ. Một ủy ban mới thành lập sẽ chuyên trách giám sát việc này.
Hiện dân chúng Iran được yêu cầu ở trong nhà và tuân thủ mọi hướng dẫn của các quan chức y tế. Quân đội Iran thông báo, mọi công dân nước này sẽ được xét nghiệm Covid-19. 
Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết thêm, nước Cộng hòa Hồi giáo còn dự định bổ sung 1.000 phòng khám tại chỗ và di động để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
Thông báo trên được đưa ra tiếp theo một mệnh lệnh của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei yêu cầu quân đội phải tham gia tích cực hơn nữa vào các nỗ lực đẩy lui đại dịch.
Tính đến 13/3, số ca nhiễm Covid-19 ở Iran đã vượt quá con số 11.000, trong đó hơn 500 bệnh nhân đã tử vong.
Thanh Hảo

----------------------------------
.
Dân Trí Online
Thứ Sáu 13/03/2020 - 10:20

Nhằm đối phó với dịch Covid-19, Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp đặc biệt, trong đó tập trung vào việc thực hiện hàng chục nghìn xét nghiệm mỗi ngày và truy vết mầm bệnh dựa vào công nghệ hiện đại.
Tại Italia, hàng triệu người bị cách ly và hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì virus corona mới (SARS-CoV-2). Tại Hàn Quốc, quốc gia có quy mô dân số tương đương, chỉ có vài nghìn người bị cách ly và 67 trường hợp qua đời vì Covid-19.
Trong bối cảnh mầm bệnh đã lây lan ra toàn cầu, cách ứng phó với dịch bệnh khác nhau của Hàn Quốc và Italy cho thấy đặc thù vấn đề mà mỗi nước phải đối diện nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19. 
Cả Italy và Hàn Quốc đều phát hiện ca Covid-19 đầu tiên hồi cuối tháng 1. Hàn Quốc hiện đã có 8.000 các xác nhận nhiễm sau khi xét nghiệm 222.000 người. Italy có 15.000 ca nhiễm bệnh sau khi thực hiện 73.000 xét nghiệm trên số lượng người chưa được công bố.
Các nhà truyền nhiễm học nhấn mạnh rằng không thể so sánh các chỉ số giữa 2 quốc gia trên với nhau vì mỗi nước có đặc thù riêng… Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng việc xét nghiệm số lượng lớn, quyết liệt và nhanh chóng ở Hàn Quốc được xem là 1 cách thức hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chuyên gia Jeremy Konyndyk từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, Mỹ cho biết việc xét nghiệm số lượng lớn có thể giúp các quốc gia có bức tranh rõ nét hơn về sự lây lan của bệnh dịch. Trong khi đó, khi hoạt động xét nghiệm ở một quốc gia bị hạn chế, chính quyền dường như sẽ có xu hướng ban hành các mệnh lệnh cứng rắn để giảm thiểu việc di chuyển của người dân.
Hàn Quốc có dân số ít hơn Italia vài triệu người. Hàn Quốc có 29.000 người đang tự cách ly, và đã phong tỏa một số cơ sở, tòa nhà, nhưng chưa phong tỏa bất cứ một khu vực lớn nào.
Giới chức Seoul cho biết họ đã rút ra bài học từ việc phản ứng với dịch hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) năm 2015. Mục tiêu của Hàn Quốc là cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ thực hiện việc xét nghiệm số lượng lớn với những người có triệu chứng nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thông qua luật cho phép chính phủ sử dụng hệ thống dữ liệu lớn bao gồm dữ liệu camera an ninh, dữ liệu định vị GPS từ điện thoại và xe hơi, giao dịch thẻ tín dụng, thông tin nhập cảnh và một số thông tin cá nhân từ những bệnh nhân bị mắc Covid-19. Chính quyền sau đó công bố một số thông tin cần thiết để người dân nào có khả năng cao bị phơi nhiễm có thể đi xét nghiệm.
Ngoài ra, để hỗ trợ việc xét nghiệm hiệu quả, hệ thống dữ liệu của Hàn Quốc cũng giúp các bệnh viện theo dõi kỹ càng người nhiễm bệnh. Những người dương tính với virus corona mới sẽ được yêu cầu tự cách ly trước và được giám sát thông qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc các cuộc gọi điện thoại cho tới khi họ có giường trong bệnh viện để trị bệnh.
Khi họ đã được phân giường, xe cứu thương sẽ tới và đón bệnh nhân tới nhập viện. Toàn bộ quá trình từ xét nghiệm đến nhập viện đều miễn phí.
Chính phủ Hàn Quốc dựa vào kinh nghiệm trong việc chống bệnh dịch trước đây, không ủng hộ việc phong tỏa hoàn toàn các khu vực bị ảnh hưởng dù phương pháp này có hiệu quả trong việc giảm thiểu hoạt động đi lại của người dân và dẫn tới giảm rủi ro của việc lây lan mầm bệnh.

Ứng dụng công nghệ hiện đại
Hàn Quốc phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 đầu tiên khá sớm, song mầm bệnh bùng phát sau khi họ phát hiện ra ca thứ 31 hôm 18/2. Nữ bệnh nhân 61 tuổi có liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu bị xem là “trường hợp siêu lây nhiễm”. Giáo phái trên cũng bị coi là nguyên nhân dẫn tới 61% số ca Covid-19 tại Hàn Quốc.
Sau khi tình hình lây lan trở nên phức tạp, Hàn Quốc đã mở khoảng 50 cơ sở xét nghiệm ngay trên xe ô tô trên khắp cả nước. Trong các bãi đỗ xe, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tới từng chiếc xe hơi đo nhiệt độ, nhịp thở và lấy mẫu thử nếu cần thiết. Quy trình này kéo dài trong 10 phút.
Nhờ các cơ sở đặc biệt này mà Hàn Quốc đã xét nghiệm khoảng 12.000 ca mỗi ngày, trong khi về lý thuyết họ có thể thực hiện tối đa 20.000 xét nghiệm/ngày.
Chính phủ trả chi phí xét nghiệm cho người có triệu chứng nếu được bác sĩ chỉ định. Ngược lại, những người muốn được xét nghiệm phải trả 140 USD.
Thêm vào đó, Hàn Quốc triển khai khoảng 130 nhân viên cách ly tập trung vào việc theo dõi và truy vết các bệnh nhân. Họ sẽ theo sát đường đi nước bước của những người đã mắc Covid-19. Họ sử dụng dữ liệu từ điện thoại, ứng dụng, định vị, hộp đen xe hơi với mục tiêu tìm ra tất cả những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc để xét nghiệm những người này.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng dữ liệu định vị để gửi tin nhắn hàng loạt tới những người đang di chuyển tới gần nơi ghi nhận ca nhiễm để họ có thể đề phòng bị lây bệnh.
Hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Hàn Quốc đã có xu hướng giảm so với chỉ số tuần trước.
Tuy nhiên, cách làm của Hàn Quốc cũng làm phát sinh tranh cãi trái chiều liên quan tới quyền riêng tư thông tin của người dân. Một số chuyên gia cho rằng việc công bố thông tin cá nhân của những người mắc bệnh có thể có thể gây ra phản ứng không đồng thuận. Chuyên gia Choi Jaewook của đại học Hàn Quốc cho rằng các thông tin được công bố nên hạn chế và chỉ nên liên quan tới hành trình của bệnh nhân, không nên có thông tin về “giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp”.

Đức Hoàng
Theo Reuters







No comments:

Post a Comment

View My Stats