Đỗ
Minh Châu dịch
13/03/2020
Vào tháng 9 năm 1923, trận động đất lớn Kanto đã tàn
phá phần lớn Tokyo, chủ yếu là do bão lửa. Tin đồn lan truyền, và thường được lặp
lại trên báo chí chính thống, cáo buộc những người Triều Tiên, một nhóm thiểu số
còn nghèo và bị coi thường, đã lên kế hoạch lợi dụng thảm họa bằng cách bắt đầu
một cuộc bạo loạn. Dân phòng Nhật Bản, được trang bị gươm, giáo tre, và thậm
chí cả súng, đã truy lùng bất cứ ai nghe hoặc nhìn giống người Triều Tiên. Có tới
6.000 người đã bị sát hại trong khi cảnh sát thờ ơ và đôi khi tham gia cùng.
Đây không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra tại
riêng Nhật Bản. Những vụ đám đông tàn sát các dân tộc thiểu số vẫn còn quá phổ
biến. Khi người Hindu giáo bắt đầu giết người Hồi giáo ở Delhi gần đây, cảnh
sát Ấn Độ rất thụ động, hoặc cũng đồng lõa như chính quyền Nhật Bản năm 1923.
Người ta không cần quay lại lịch sử châu Âu hay Mỹ quá xa để tìm ra những trường
hợp tương tự, hoặc thậm chí những vụ giết người hàng loạt tồi tệ hơn.
Bạo lực phi lý thường phát sinh từ hoảng loạn. Và sự
hoảng loạn có thể dễ dàng xảy ra trong một cuộc khủng hoảng y tế hoặc sau một
thảm họa tự nhiên. Thiếu thông tin chính xác có thể dẫn đến các thuyết âm mưu,
thứ trở nên nguy hiểm chết người khi các chính trị gia hoặc giới truyền thông
chủ ý khuấy động chúng.
Tại Nhật Bản vào năm 1923, Bộ Nội vụ đã yêu cầu cảnh
sát phải coi chừng những người Triều Tiên có vẻ sẽ gây rắc rối. Tại Delhi, một
chính trị gia địa phương của đảng cầm quyền Bharatiya Janata, Kapil Mishra, đã
kích động người dân gây ra bạo lực bằng cách hứa sẽ cử một đám đông đến phá vỡ
một cuộc biểu tình hòa bình của người Hồi giáo nếu cảnh sát không giải tán họ
trước.
Liệu
cơn hoảng loạn hiện tại về virus Corona mới, COVID-19, có thể dẫn tới hậu quả
tương tự hay không? May mắn thay, cho đến nay thì chưa có vụ thảm sát
nào. Tuy nhiên hành động của một số chính trị gia là đáng lo ngại, nếu nói nhẹ
nhất. Tại Ý, Matteo Salvini, lãnh đạo phe đối lập cực hữu, nói rằng người di cư
là mối đe dọa đối với đất nước vì họ là người mang virus và chỉ trích chính phủ
đã giải cứu một số người tị nạn từ châu Phi. Những người theo chủ nghĩa dân tộc
cánh hữu ở Hy Lạp đang kêu gọi thiết lập các trại tập trung cho người tị nạn để
bảo vệ dân chúng khỏi bị lây nhiễm.
Và sau đó là
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lo lắng lớn nhất của ông là sự hoảng loạn về
COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Vì vậy, việc đầu tiên ông làm
là cáo buộc các đối thủ chính trị của mình đã “chính trị hóa” vấn đề bệnh dịch.
Đây rõ ràng không phải là cách tốt nhất để người dân có được thông tin chính
xác và đã tạo cơ sở vững chắc cho các thuyết âm mưu. Con trai của Trump,
Donald, Jr. đã đi xa hơn và tuyên bố rằng Đảng Dân chủ đang hy vọng căn bệnh
này sẽ giết chết hàng triệu người và hạ bệ cha ông. Tom Cotton, một Thượng
nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Arkansas và là một ứng cử viên tổng thống tiềm năng
trong tương lai, cũng nhắc đi nhắc lại một suy đoán đã được chứng minh là sai rằng
chính phủ Trung Quốc đã tạo ra COVID-19 như một vũ khí sinh học.
Những
điều phi lý như vậy thường dịu lại sau khi chúng gây nên quá nhiều sự phản đối
từ công chúng. Nhưng thiệt hại thì đã rồi. Một người bạn
tôi quen ở New York tuần trước đã chứng kiến một người đàn ông da trắng to lớn
tiến tới hai người phụ nữ có vẻ giống châu Á và nói với họ rằng anh ta hy vọng
virus Corona sẽ giết chết họ, “giống như cách chúng tôi đã làm với người dân
các người ở Hiroshima.”
Người đàn ông này rõ ràng là có vấn đề. Hy vọng rằng
phần lớn người Mỹ, bao gồm phần lớn đàn ông da trắng, sẽ thấy ghê tởm hành vi
đó. Vấn đề là khi các thượng nghị sĩ nổi tiếng và các quan chức cấp cao khác bắt
đầu khuấy lên những thuyết âm mưu đen tối, những người có vấn đề tâm thần sẽ cảm
thấy được được phép nói và làm những điều mà bình thường họ có thể không làm.
Và không cần quá nhiều người có vấn đề tâm thần để tạo nên một đám đông bạo lực.
Đây là lý do tại sao chúng ta không nên coi những kẻ
giết người nhân danh một hệ tư tưởng chủng tộc, chính trị hoặc tôn giáo đơn giản
là những kẻ điên rồ hành động một mình. Những kẻ như Anders Breivik, người đã
giết 77 người ở Na Uy vào năm 2011 trong cuộc chiến của anh ta để cứu phương
Tây khỏi những người theo chủ nghĩa Mác, những người ủng hộ đa văn hóa và người
Hồi giáo, có thể là những kẻ hành động đơn độc. Nhưng những người truyền bá các
thuyết âm mưu làm ảnh hưởng tâm lý của những kẻ giết người như vậy cũng phải chịu
ít nhất một phần trách nhiệm. Những kẻ Hồi giáo cực đoan kêu gọi thánh chiến chống
lại những người ngoại đạo, hay những chính trị gia cho rằng người tị nạn mang
căn bệnh khủng khiếp là mối đe dọa đối với đất nước của họ cũng phải chịu trách
nhiệm.
COVID-19 là một mối đe dọa, giống như tất cả các căn
bệnh có thể dẫn đến đại dịch. Vậy mà Trump lại cố gắng cắt giảm ngân sách cho
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và chưa chịu thay thế các nhóm nhân
sự thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia chịu trách nhiệm đối phó với đại dịch. Tổng
thống và những người ủng hộ ông không tin tưởng các chuyên gia, và người được
chỉ định lãnh đạo cuộc chiến chống lại virus Corona, Phó Tổng thống Mike Pence,
còn nghi ngờ khoa học.
Nhưng khoa học, không phải những lời cầu nguyện, mới
cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh đe dọa toàn cầu. Xây dựng những bức tường lớn
hoặc đẩy mọi người vào các trại tập trung, không chỉ vô nhân đạo mà còn là biện
pháp không hiệu quả. Và sử dụng khủng hoảng này để kích động hận thù có thể gây
ra hậu quả chết người. Điều cần thiết là chuyên môn, hợp tác quốc tế và những
tuyên bố từ các quan chức cấp cao để trấn an nỗi sợ hãi. Thật không may, ở quá
nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đang thấy điều hoàn toàn ngược lại.
-------------
Ian Buruma là tác giả của rất nhiều cuốn sách,
bao gồm Murder
in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance, Year Zero: A History of 1945,
và gần đây nhất là A
Tokyo Romance: A Memoir.
*
Nguyên
tác :
Mar 6, 2020
No comments:
Post a Comment